Việt Nam và những “tụt hậu” vài chục năm so với khu vực
BizLIVE -
Lần đầu tiên, sự tụt hậu được công bố một cách chính thức bởi cơ quan của Chính phủ - đó là Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Nguy cơ Việt Nam đang tụt hậu trở thành chủ đề nóng tại hội thảo về “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-3035” do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Tuy nhiên, phát biểu đáng chú ý của TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại hội thảo lại cho rằng: “Không nên nói nguy cơ tụt hậu vì chúng ta đã tụt hậu rồi.Thậm chí một số lĩnh vực tụt hậu xa. Phải tuyên bố rằng vấn để tụt hậu là rất gay gắt và đặt trong bối cảnh hội nhập thì nó sẽ còn nguy hiểm cỡ nào”.
Thực tế, khi điểm lại báo cáo của Tổng cục Thống kê về thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam vừa được công bố có thể thấy, Việt Nam đang với thụt lùi so với các nước trong khu vực tới cả vài chục năm về thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động...
Ở nhiều chỉ số kinh tế - xã hội khác, Việt Nam cũng xếp hạng rất thấp so với các nước trong khu vực như chỉ số năng lực cạnh trạnh nền kinh tế; giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu, chỉ số giáo dục, việc làm...
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang thụt lùi so với Hàn quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.
Theo tính toán, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 chỉ bằng 3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan; 1/5 của Malaysia; 1/4 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, và đến năm 2069 mới bắt kịp của Thái Lan.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2014 theo giá hiện hành đạt 74,7 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.530 USD/lao động), tăng 4,9% so với năm 2013; bình quân giai đoạn 2005-2014 tăng 3,7%/năm.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam những năm qua đã cải thiện đáng kể, khoảng cách tương đối so với các nước ASEAN được thu hẹp dần.
Tuy nhiên, khoảng cách tuyệt đối tính bằng chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với hầu hết các nước ASEAN lại đang gia tăng. Chênh lệch giữa NSLĐ của Singapore và Việt Nam tăng từ 62.052 USD năm 1994 lên 92.632 USD năm 2013; tương tự, so với Malaysia, chênh lệch tăng từ 21.142 USD lên 30.311 USD...
Xếp hạng về môi trường kinh doanh, Việt Nam hiện giữ vị trí thứ 99/189 quốc gia và vùng lãnh thổ, đây cũng là vị trí thấp nhất của Việt Nam kể từ 2006 (Năm 2006 xếp thứ 104).
So với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng sau Singapore (vị trí số 1), Malaysia (6), Hàn Quốc (7), Thái Lan (18)...
Cũng theo cơ quan thống kê, mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn thấp so với các nước trong khu vực.
Tổng chi quốc gia cho nghiên cứu phát triển cũng ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển/GDP của Việt Nam năm 2011 là 0,21%, tương đương tỷ lệ của Thái Lan năm 2007, cao hơn Indonesia (0,15%) và Philippines (0,11%), nhưng chỉ = 1/3 của Malaysia (0,7%) và thấp xa so với Hàn Quốc (3,4%).
Tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng nhập khẩu các thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, kém hiệu quả. Trong giai đoạn 2000 - 2012, hệ số đổi mới của Việt Nam không có thay đổi trong 18 nước châu Á (15/18 nước).
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới về kinh tế trí thức cho thấy, chỉ số giáo dục của Việt Nam năm 2012 là 2.99, xếp thứ 133 thế giới, thấp hơn mức bình quân 5.26 của khu vực. Trong khi đó, Hàn Quốc là 9.09; Malaysia là 5.22...
Về lực lượng lao động, mặc dù dồi dào song chủ yếu tập trung ở khu vực nông nghiệp. Tỷ trọng lao động khu vực này tuy có giảm từ 71,3% năm 1995 xuống 46,3% năm 2014, nhưng chỉ tương đương của Thái Lan năm 1995; Philippines và Indonesia đầu thập niên 90...
Xét về góc độ vị thế việc làm, lao động Việt Nam chủ yếu là làm các công việc gia đình hoặc tự làm (bếp bênh, không ổn định, thu nhập thấp) chiếm tới 62,7% tổng số việc làm. Trong khi đó, ở Malaysia con số này chỉ vào 21%, Philippines (39%), Indonesia (36%)...
MẠNH NGUYỄN
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét