Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Văn hóa thờ ơ



Tầm Nhìn - Cách đây không lâu, bài văn của em Phan Hoàng Yến, một học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An (Hà Nội), đã gây “chấn động” không chỉ bởi đề tài em chọn mà còn bởi cách hành văn rất tinh tế và sắc sảo. Bài văn đó được cô giáo cho 9,5 điểm với nhận xét:“Em có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý”.

Có nhiều loại văn hóa. Khi nói tới văn hóa, chúng ta nghĩ tới những điều tốt đẹp. Văn hóa cần luôn thiết cho cuộc sống, xã hội, quốc gia.  Nhưng ngày nay còn có những loại văn hóa độc hại: Văn hóa sự chết và văn hóa thờ ơ.

Đối với văn hóa sự chết, chúng ta dễ nhận thấy sự nguy hiểm, nhưng với văn hóa thờ ơ, có thể chúng ta cho đó là “chuyện nhỏ”, bình thường thôi. Nhưng thật ra, nó cũng nguy hại, chứ không như chúng ta tưởng.

Có thể nói rằng mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai là sự thờ ơ. Người ta vì ích kỷ mà có thái độ “bất cần”, bàng quan, từ đó dẫn tới thờ ơ với mọi thứ, sự thờ ơ khiến người ta lãnh đạm, cuối cùng là vô cảm. Sự vô cảm ngày nay đã trở thành hội chứng, và người ta gọi là “bệnh vô cảm”. Trong cuộc sống, chúng ta gọi những người thờ ơ là vô tình hoặc vô tâm. Bệnh này không “nhẹ” như chúng ta tưởng, mà nó đã trở thành chứng “nan y” như một loại ung thư bất trị, nó không làm người ta chết về thể lý, nhưng nó làm người ta chết về tinh thần!

Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay, một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn, làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tóc” không biết làm sao có thể tạo ra một con chip “tình cảm” để khiến “những cỗ máy vô tình” biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân, mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội – bệnh vô cảm.

Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay lại chỉ là "rô-bốt" ?

Trước hết là về cái đẹp, bây giờ ra ngoài đường, hiếm ai có thể bắt gặp một người đàn ông đạp xe ung dung dạo mát, thưởng ngoạn cái không khí trong lành, tươi mát dưới những hàng cây cổ thụ vàm bóng quanh bờ hồ; một người con gái dịu hiền, yêu kiều trong chiếc váy thanh thoát, những tà áo dài bay theo gió tản bộ trên những con đường hoa sấu, hoa sữa đầy mộng mơ, mà hầu hết là những dòng người tấp nập, vội vã, chen lấn xô đẩy trên đường, xe buýt. Cố gắng "quyết tâm vượt rào cản chen lên ta đi trước " khi ấy họ không chỉ khép chặt cánh cửa trái tim mình lại, không còn biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày mai?

Vô cảm với cái đẹp mới chỉ là bước đầu. Một khi người ta đã không biết ngưỡng mộ, không biết say mê, rung động trước những điều đẹp đẽ thì trái tim cũng dần chai sạn rồi đến đóng băng. Khi ấy, không chỉ là cái đẹp mà đứng trước những hành động ác độc, vô lương tâm, người ta cũng cảm thấy bình thường, không oán trách cũng không cảm thông, động lòng với những nạn nhân bị hại. Chính lẽ đó mà căn bệnh vô cảm càng được thể truyền nhiễm, lây lan.

“Con người ta không phải là cái đồng hồ và trái tim ta cũng không phải là cái lò xo” – một giáo sư người Anh đã nói như thế. Tóm lại, ta nhận thấy rằng, căn bệnh vô cảm đang lan tràn ngày càng rộng lớn và trở nên vô cùng nguy hiểm, biến con người thành một cỗ máy vô tri chỉ biết vận động. Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần “người”, giành lại “trái tim” mà Thượng Đế, mà Tạo Hóa đã ban cho chúng ta. Hãy đào thải căn bệnh vô tình quái ác ra khỏi xã hội!

Vô cảm chính là sự chai lì cảm xúc, xơ cứng tâm hồn, sống dửng dưng, có “máu lạnh”, thờ ơ với những gì xảy ra trong xã hội chung quanh mình, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Vô cảm là ích kỷ. Gặp cái đẹp hoặc cái xấu cũng trơ trơ, không chút rung động. Chứng vô cảm càng ngày càng có chiều hướng lây lan, nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì có thể trở thành một căn bệnh mang tính xã hội. Thật đáng báo động đỏ!

Sự thờ ơ không chỉ xảy ra giữa những người xa lạ hoặc không quen biết, mà xảy ra ngay trong gia đình, giữa những người máu mủ ruột rà với nhau. Vậy tại sao chúng ta lại không thương người khác, các anh chị em của mình? Chắc hẳn có người “cự nự” rằng mình không vô cảm, vẫn thương người, nhưng đó chỉ là thương người thương mình, hợp với mình, cùng phe với mình. Là người đời, tiền nhân cũng dạy chúng ta: “Thương người như thể thương thân”.

Một nhà văn, nhà chính trị và giảng viên người Mỹ, đã nhận xét: “Chúng ta có thể đã chữa trị được hầu hết thói xấu xa, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất, đó là sự vô cảm của con người”. Chính khách Bob Riley (1944, Hoa Kỳ) nói: “Khoan dung cho cái ác chỉ dẫn tới thêm nhiều điều ác. Khi người tốt đứng nhìn và chẳng làm gì trong sự thống trị của cái ác, cộng đồng của họ sẽ bị nuốt trọn”. Đó là sự bàng quan, chính sự bàng quan là một dạng thờ ơ, vô cảm đối với tha nhân.

Làm sao khả dĩ điều trị bệnh vô cảm? Trước tiên phải tập yêu, yêu chính những gì mình không thích, thông cảm với những người không ưa mình. Thế mới khó. Khó lắm. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Tập rồi sẽ quen. Yêu cũng phải tập yêu để biết cách yêu.

Người ta nhút nhát mà khiếp sợ, không dám bảo vệ sự thật, không dám bảo vệ công lý. Đó là “phong cách” của những người quan niệm rằng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Đó là động thái thờ ơ. Thờ ơ là vô cảm, thờ ơ là lỗi đức ái, thờ ơ là tội chứ không như chúng ta tưởng. Mà lỗi đức ái là tội nặng, và sẽ bị tống giam trong ngục tối, không ai có thể ra khỏi đó “trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” 

PV(STTH)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: