Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

BÀI VIẾT VỀ TIỂU THUYẾT "TRẪM VÀ MƯỜI NÀNG TRINH NỮ" CỦA NHÀ VĂN PHẠM THUẬN THÀNH


CẢM HỨNG THỜI ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT QUANG ĐẠI
(Đọc “Trẫm và 10 nàng trinh nữ” của Quang Đại, NXB Hội nhà văn 2015)

Tiểu thuyết này lấy cảm hứng từ sự kiện các cung nữ lên giàn thiêu chết theo Hoàng đế Lý Nhân Tông mà sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép. Từ một chi tiết lịch sử ngắn ngủi, khô khan của sử liệu, tác giả đã hư cấu, dựng lên cả một câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn, cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối với ngồn ngộn chất sử thi.
Chúng ta đã biết đến tiểu thuyết “Giàn thiêu” của Võ Thị Hảo cũng lấy cảm hứng từ sự kiện này. Tuy nhiên, khi xây dựng thành tác phẩm văn học thì hai tiểu thuyết của hai tác giả lại khác biệt rất xa nhau cả về cốt truyện, văn phong và cách nhìn riêng biệt của mình với cùng với một sự kiện. Âu cũng là điều đương nhiên của hai sáng tạo khác biệt.
Nhân vật trung tâm của “Trẫm và 10 nàng trinh nữ” là Hoàng đế Lý Nhân Tông. Đây là câu chuyện về cuộc đời làm vua của Lý Nhân Tông suốt từ năm lên ngôi mới 7 tuổi, ”chim bằng quả ớt” đến lúc băng hà; cùng những kỳ tích nổi trội và nhiều bi kịch cũng rất lớn ở triều đại này.
Trong lịch sử dân tộc, vương triều Lý có một dấu ấn đặc biệt với vai trò xác lập dân tộc độc lập, quốc gia độc lập hoàn chỉnh đối với nước láng giềng phương Bắc rộng lớn. Vương triều này trải dài hơn 200 năm (1010-1025) thì đỉnh cao thịnh trị là thời vua Lý Nhân Tông trị vì (1072-1028) với sức mạnh quân sự đánh Bắc dẹp Nam, với sức mạnh văn hóa hoàn thiện thiết chế đình chùa đền miếu làng quê Việt và đặc biệt là xây nền giáo dục qua công trình Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở cấp Trung ương.
Cảm hứng thời đại đã được nhà văn Quang Đại thể hiện trong tiểu thuyết “Trẫm và 10 nàng trinh nữ” với cảm xúc mạnh mẽ từ đầu đến cuối. Tác phẩm gồm 3 phần: THĂNG LONG,- NA NGẠN - XÁ LY. với 24 chương và đoạn kết có chủ đề tôn vinh cái đẹp thông qua câu chuyện tình yêu cái đẹp của vua Lý Nhân Tông, vị vua ở ngôi lâu nhất trong tất cả các Hoàng đế ở Việt Nam nhưng lại bi kịch không con nối dõi.
Kết cấu tiểu thuyết khá mới và lạ so với tiểu thuyết ở Việt Nam hiện nay. Đó là những phán xét của Lý Nhân Tông với thời thời hiện đại và những chi tiết thuộc lĩnh vực khoa học viễn tưởng khiến câu chuyện thêm kỳ lạ. Người dẫn chuyện lại chính là linh hồn của vua Lý Nhân Tông trong thời hiện đại vừa là một sáng tạo, vừa đưa bạn đọc vào cảm giác thật của câu chuyện. Bằng cách kể lại lịch sử thông qua các câu chuyện dân gian ở vùng quê bán sơn địa với nhiều dã sử và truyền thuyết ở ven sông Lục làm cho câu chuyện mềm mại và dễ đọc trải mấy trăm trang sách mà không sợ dài. Dù kể lại, nhưng chỉ cần điểm xuyết một chi tiết thường được nhắc đến trong sử sách, đó là các hiện tượng “mưa lạ” để dựng nên bộ khung cuốn sách là sự khéo léo và sáng tạo lạ lùng của tác giả. Kết thúc truyện lấy chi tiết các cung nữ chết theo vua trong sử làm cho câu chuyện càng gần sự thật hơn.
Đọc tiểu thuyết “Trẫm và 10 nàng trinh nữ” ta có thể thấy ngay cảm giác: tác giả đã khéo léo “kéo” tất cả cái tinh túy, cái đẹp cái văn minh kinh thành Thăng Long lên vùng rừng quê ven sông Lục vốn là quê hương mình. Điều này càng có lý khi gần đây, các cuộc khai quật khảo cổ ở Đền Từ (Lục Ngạn), chùa Đám Trì (Lục Nam) đều thuộc miền đất Na Ngạn thời Lý -Trần đã phát hiện nhiều hiện vật quý hiếm thời Lý, đặc biệt là những viên gạch có dòng chữ “Lý triều đệ tam” ở Đền Từ và những viên ngói đất nung có hình rồng Lý với ngôi tháp bảy tầng tinh xảo ở chùa Đám Trì vốn là những vật liệu chỉ tìm thấy ở một vài cung điện lớn tại kinh thành Thăng Long. Trong tiểu thuyết, ta thấy tác giả luôn lấy quê hương sông Lục núi Huyền của mình để làm nền cuốn sách với tình yêu thiết tha và sự tri ân sâu nặng.
Việc ca ngợi triều Lý và ca ngợi cái đẹp trinh trắng, tinh khiết qua hình tượng 10 cung nữ áo chàm như một đại sứ thiện chí đến mọi vùng đất nước và các nước khác trong vùng Đông Nam Á, Đông Á và Trung Hoa là một cách đề cao văn hóa của đất nước Việt nam. Qua đó, lại một lần nữa nâng cao vị thế vùng quê sông Lục núi Huyền, một vùng quê giàu đẹp, mến khách hoàn toàn có thể đại diện cho một quốc gia với thế giới bên ngoài.
Những câu thơ được lấy làm đề từ cho các chương hoặc minh hoạ khi hát cũng rất thơ, qua đó đủ thấy tài thơ của người viết tiểu thuyết này.
Trong tiểu thuyết, chương viết về Nguyễn Bông lợi dụng tâm lí muốn có con của vợ vua để “hiếp mắt” suốt lượt 78 vị hoàng hậu, quý phi, cung tần mĩ nữ của vua thật là tài tình. Ở chương mười cung nữ không hát cho Thái hậu nghe cũng viết quá giỏi. Những đoạn viết về Giác Hoàng, hoàng hậu Thiên Ngân cũng thật hay và cảm động.
Tuy nhiên, người đọc có cảm giác như những đoạn viết về Thái Hậu Ỷ Lan hay thái sư Trần Thủ Độ có điều gì đó như thiếu thiện cảm, có phần như là ác ý. Song hãy ở cương vị của Hoàng đế Lý Nhân Tông mà phán xét và đem so với các sử liệu chính thức thì lại thấy rất trung thực và có lý.
Việc tác giả chọn sự kiện đi tìm hậu duệ nhà Lý ở thời hiện đại để mở đầu cho câu chuyện là một sáng tạo của nghệ thuật “phục bút”. Kết thúc chuyện là việc mười nàng trinh nữ gảy đàn hát đưa linh cho vua rồi tự nhảy vào giàn thiêu chết theo vua thực sự là một khúc tráng ca bằng tình yêu. Khúc tráng ca tình yêu đó thật lãng mạn khi kết thành viên xá lỵ hình tim rồi… lăn lóc hàng ngàn năm dưới đáy dòng sông Lục, là nơi nương náu ngàn năm của linh hồn Hoàng đế Lý Nhân Tông cùng mười nàng trinh nữ.
Tiểu thuyết “Trẫm và 10 nàng trinh nữ” tác giả đã viết xong đã gần chục năm nay giờ mới được công bố có lẽ vì tác giả muốn tu chỉnh thật kĩ lưỡng, hoàn thiện hơn. Với cách thể hiện mang tính sáng tạo riêng của mình rồi, nhưng cái ý cầu toàn của tác giả vẫn luôn nóng hổi. Ngay tên cuốn sách ban đầu là “Xá lị hình tim” với dụng ý lấy chi tiết có tính dư ba của sách làm tên sách nhưng cuối cùng tác giả đã chọn cái tên hiện nay đã là một sự cọ sát mạnh mẽ trong tâm trí.
Sự cẩn trọng của tác giả đã làm cho cuốn sách thêm phần hấp dẫn và thành công, đưa đến bạn đọc một tiểu thuyết hay.
Phạm Thuận Thành
02413.782.355 - 0168.5300.803
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: