Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Vấn đề biển Đông có thể đứng đầu chương trình nghị sự khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ vào tháng tới

NLĐ:

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan ở thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia bước vào ngày làm việc cuối cùng hôm 6-8. Căng thẳng ở biển Đông tiếp tục là chủ đề nóng tại một loạt cuộc gặp đa phương.
Phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) có sự tham gia của ngoại trưởng 27 nước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về những diễn biến gần đây ở biển Đông, trong đó có hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc và nguy cơ quân sự hóa những nơi này. Quan chức này cũng thúc giục sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để ngăn ngừa xung đột và giải quyết các bất đồng.

Ngoại trưởng các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) hôm 6-8 Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) hôm 6-8 Ảnh: REUTERS

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước tham gia cấp cao Đông Á lần thứ 5, nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ này một lần nữa cáo buộc Trung Quốc cản trở sự tự do đi lại trên biển và trên không ở biển Đông bất chấp những cam kết không làm thế.
Theo ông Kerry, việc Bắc Kinh xây dựng các cơ sở trên đảo nhân tạo ở biển Đông để phục vụ những mục đích quân sự có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
“Sự tự do đi lại trên biển và trên không là những trụ cột quan trọng của luật pháp hàng hải quốc tế. Bất chấp lời cam kết tôn trọng những sự tự do trên, chúng ta đã chứng kiến điều ngược lại trong những tháng gần đây. Tôi nói rõ là Mỹ sẽ không chấp nhận bất kỳ hạn chế nào đối với sự tự do đi lại trên không và trên biển cũng như hạn chế đối với việc sử dụng hợp pháp vùng biển” - ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.
Theo Reuters, ông Kerry có ý nhắc đến việc Trung Quốc không ít lần cảnh báo máy bay Philippines và máy bay Mỹ đến gần những đảo nhân tạo phi pháp mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 5-8 nói nước này đã ngưng hoạt động cải tạo đất ở biển Đông, đồng thời khẳng định cả ASEAN và Trung Quốc đều có chung mong muốn giải quyết vấn đề gai góc này thông qua đối thoại.
Phản ứng trước tuyên bố trên, ông Kerry cho rằng Bắc Kinh không chỉ ngừng xây đảo mà còn phải chấm dứt luôn hành động “quân sự hóa” ở biển Đông.  Các chuyên gia nhận định việc ông Kerry thẳng thừng chỉ trích Bắc Kinh trước mặt Ngoại trưởng Vương Nghị có thể khiến vấn đề biển Đông đứng đầu chương trình nghị sự khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Washington vào tháng tới.
Chứng kiến những động thái làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc, Nhật Bản đang cân nhắc tặng Philippines 3 máy bay Beechcraft TC-90 King để tuần tra biển Đông. Theo Reuters hôm 6-8, Nhật Bản vẫn chưa chính thức ngỏ lời với Philippines về kế hoạch nói trên, được xem là một lựa chọn thay thế loại máy bay trinh sát P3-C mà Manila muốn có để theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc.

Cải tạo đất làm tăng căng thẳng ở biển Đông
Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ra thông cáo chung, trong đó bày tỏ quan ngại đối với các diễn biến gần đây trên thực địa ở biển Đông. Văn kiện này cũng ghi nhận sự quan ngại sâu sắc của một số bộ trưởng đối với việc cải tạo đất ở biển Đông, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết hầu hết thành viên ASEAN đều muốn có một tuyên bố “thống nhất, toàn diện” về vấn đề biển Đông bất chấp sức ép của Trung Quốc. “Điều quan trọng là ASEAN phải thể hiện sự đoàn kết bởi khó có thể có giải pháp cho những tranh chấp chủ quyền ở biển Đông trong tương lai gần” - quan chức này nhận định.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: