Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Toàn dân yêu thơ, sơn hà nguy biến!


Thơ ơi là thơ!

 
Ảnh TL (minh họa)
Ảnh TL (minh họa)


Mới đây, câu chuyện chị Vương Thị Ngọc Thu (ngụ ở thôn Thái Thịnh Văn, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, Bình Định) khiếu nại lên Ban giám hiệu Trường mẫu giáo thị trấn Vân Canh, tỉnh Bình Định vì con mình là cháu Phan Vương Ngọc T. (4 tuổi, đang học lớp mầm tại trường trên) đã bị cô giáo nhốt vào nhà vệ sinh cùng với hai cháu bé khác, chỉ vì các cháu không… thuộc thơ đã làm nhiều người Việt, một dân tộc mà “ra ngõ gặp nhà thơ” dấy lên nhiều suy nghĩ.
Hành động phi giáo dục của cô giáo thật đáng trách, nhưng vì sao cô lại bắt những cháu bé 4 tuổi phải đọc thơ?
Ở đây liệu có hay không tâm lý thơ được xem như những bài học, dễ nhớ, dễ thuộc và cần thiết cho chương trình giáo dục tiếp theo bởi trong các chương trình học của học sinh bậc tiểu học và trung học, khối lượng thơ trong những bài học “Tiếng Việt” và “Ngữ Văn” là khá lớn?
Ngoài ra chúng ta còn nhìn nhận một điều, dù nhân loại đã bước sang kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật từ lâu, đến kỷ nguyên của máy tính thông minh nhưng rất nhiều người Việt vẫn cứ mơ màng với thơ và ao ước trở thành nhà thơ.
 Chuyện một quan chức cỡ bự khoe mình làm “thơ thần” từng bị dư luận cười cợt một thời, hay một “đại gia” siêu giàu tại Bình Dương, lập hẳn một khu du lịch lớn, trong đó đi đến bất kỳ đâu người ta cũng nhìn thấy thơ (mà toàn những câu thơ trời ơi đất hỡi) là một câu hỏi khó giải đáp vì sao người ta lại “yêu thơ” đến vậy.
Hay là chuyện một tay láu cá, tổ chức hẳn một Câu lạc bộ Sáng tác Văn học nghệ thuật Việt Nam (?), chuyên đi lừa tiền các cụ già hưu trí để dụ họ in thơ và “kết nạp hội viên” cho họ. 
Thực ra các loại câu lạc bộ này hằng hằng lớp lớp tại nước ta, từ phường xã đến quận huyện tỉnh thành, nhà văn hóa… đều có. 
Và hằng năm, có lẽ thơ là một trong những danh mục sách được in khá nhiều tại các nhà xuất bản, tất nhiên người ta in bằng tiền túi, rồi đem tặng nhau, “tự sướng” với nhau, cũng không nguy hại gì cho ai, âu cũng là một thú chơi… tao nhã!
 Ngay cả Hội nhà văn Việt Nam, mỗi năm đến rằm tháng giêng đều tổ chức Lễ Hội Thơ hoành tráng khắp cả nước, trong đó có đủ tiết mục ngâm, biểu diễn hình thể, hát thơ, thả thơ lên… thượng giới, v.v…
Cho nên thật chẳng ngạc nhiên khi một ông nhà thơ nổi tiếng từng hùng hồn phát biểu “Nước ta là một cường quốc thơ” còn công dân mạng lại tự trào “Toàn dân yêu thơ, sơn hà nguy biến”.
Ngẫm lại những phát biểu trên đều có lý. Cường quốc thơ thì hẳn rồi vì nếu tính số lượng  câu lạc bộ thơ, nhà thơ, tập thơ, bài thơ… thì chắc khó quốc gia nào địch nổi Việt Nam ta.
Còn trong thời buổi các quốc gia trên thế giới đang cạnh tranh nhau trở thành những cường quốc hùng hậu về khoa học kỹ thuật, nếu chỉ giành “chất xám” cho thơ, e là sơn hà nguy biến thật!
Nguyễn Đình Bổn


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: