Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Tình văn, nghiệp báo nước Việt!

Tạ Duy Anh
Nhà văn Tạ Duy Anh
NQL: Chuyện thật đắng cay. Ôi cái tình của những người làm báo! 

Năm 1987 bố tôi tự đẩy mình vào vòng lao lý bằng một lá đơn kêu oan thống thiết và bị khép tội vu khống, lợi dụng dân chủ bôi nhọ cán bộ địa phương. Một cô phóng viên báo Hà Sơn Bình vội vàng dựa vào bản kết luận của đoàn kiểm tra tỉnh để viết một bài báo. Đó là bài báo bịa tạc 100 % nhưng lại khiến gia đình tôi khốn đốn.
 Bố tôi bị khởi tố, bị điều tra. Khi tôi- nhờ đọc báo Nhân Dân mà biết sự việc- từ Lao Cai tức tốc trở về thì công an huyện Chương Mỹ đã hoàn tất điều tra, tống đạt sang toà án và thời hạn mở phiên toà lưu động xét xử bố tôi chỉ còn khoảng 10 ngày.
 
 Biết rõ những chuyện oan ức tày trời của bố mà để bố phải vào tù vì sự mù quáng của những tên quan mạt hạng, là điều kể cả phải chết tôi cũng không chấp nhận. Vì thế tôi bắt đầu chiến đấu chống lại. Người dân của huyện Chương Mỹ, đặc biệt là người dân quê tôi bảo tôi “một mình chống lại mafia” là hoàn toàn có cơ sở. Trong cuộc chiến đấu vô vọng ấy, tôi nghĩ đến mọi vũ khí, tìm đến mọi sự nhờ cậy, trong đó có báo Tiền Phong.
 
Hồi đó, khi còn ở biên giới, giữa trào lưu “Những việc cần làm ngay”, báo Tiền Phong nổi đình đám bởi phanh phui vụ án oan khốc xảy ra ở Thanh Hoá. Bạn đọc xa gần đều hân hoan, như chính họ được giải oan. Điều đó càng khích lệ tôi tìm đến với “người anh hùng” dư luận này.
 
Tại thời điểm đó tôi chỉ quen anh Nguyễn Hoàng Sơn. Chúng tôi gặp nhau tại trại sáng tác văn học Hà Sơn Bình năm 1982. Anh Nguyễn Hoàng Sơn từng nổi tiếng với bài thơ gắn với Hoà Bình, nên thấy tôi từ thuỷ điện Sông Đà về thì tỏ ra có thiện cảm từ lần gặp đầu tiên (sau này chúng tôi vẫn thân nhau, anh Sơn còn cổ vũ tôi bằng bài báo: Một bước đến văn đàn). Sau đó tôi không tham gia trại sáng tác lần nào nữa, rồi đi bộ đội nên chúng tôi không liên lạc với nhau. Giờ đây là lúc tôi cần đến sự giúp đỡ của anh Sơn.
 
Tôi đã nói qua với anh hôm gặp nhau thoáng chốc ở Sở văn hoá Hà Sơn Bình và được anh hứa sẽ giúp, hứa một cách đầy khí khái và khí phách, nên sau khi hoàn thành bộ đơn khiếu nại từ chỗ Vũ Hữu Sự về, tôi ra thẳng nhà anh ở phía bên kia cầu Am. Nguyễn Hoàng Sơn đi vắng, chỉ gặp vợ anh, làm nghề dạy học, nét mặt hơi quê mùa nhưng có vẻ phúc hậu. Tôi nói qua câu chuyện rồi gửi tài liệu lại cho anh.
 
 Hôm sau tôi lại gặp anh và anh thông tin cho tôi là đang làm việc với sếp Dương Xuân Nam về vụ của bố tôi. Như tôi đã kể, báo Tiền Phong khi đó đang nổi tiếng bởi loạt bài điều tra phanh phui chuyện 14 đoàn kiểm tra một vụ việc ở Thanh Hoá nhưng vẫn cho kết quả sai. Phải đoàn thứ 15 sự việc oan sai của công dân mới được sáng tỏ. Loạt bài đó ký tên T.H và H.H.T. (Tôi xin viết tắt và sẽ công bố tên thật trong một dịp khác). Tôi thầm ước gia đình tôi cũng được trời phật run rủi cho gặp hai con người vĩ đại và dũng cảm đó. Biết đâu Nguyễn Hoàng Sơn chính là vị bồ tát của gia đình tôi, bởi vì thật ngẫu nhiên, anh cũng công tác ở báo Tiền Phong.
 
Cuối cùng Nguyễn Hoàng Sơn cho tôi một cái hẹn gặp tại toà soạn ở số 15 Hồ Xuân Hương. Cả sáng hôm ấy tôi không làm được việc gì, lòng bồn chồn mong đến giờ hẹn với anh Sơn. (Bạn cứ vào hoàn cảnh của tôi, sẽ thấy tôi nóng ruột như thế nào). Đúng 2 giờ chiều tôi có mặt tại phòng trực của báo Tiền Phong, không sai một phút. Tôi rất mệt mỏi và hoang mang nên mặt mũi hốc hác. Có lẽ vì thế mà chị thường trực hỏi tôi đầy cảnh giác: “Cần gì?”,  tôi bảo với chị là tôi cần gặp Nguyễn Hoàng Sơn. Chị thường trực quay vào một lát rồi ra bảo tôi là Nguyễn Hoàng Sơn đi Nam Định công tác!
 
 Tôi hơi sững người. Sao lại có thể như vậy được, chính anh Sơn hẹn tôi cơ mà! Tôi cố gắng giải thích như vậy, nhưng chỉ được đáp lại: “Thiếu gì việc đột xuất. Chắc là anh Sơn vội nên không kịp báo lại”. Người trả lời tôi nói bằng thứ giọng lạnh nhạt, cố gắng để tôi hiểu là nếu tôi ngồi chờ thì cũng vô ích. Tôi hỏi anh Sơn có nhắn lại gì cho tôi không, thì người tiếp tôi bảo không. Tuy thế tôi vẫn không chịu đứng lên, vì thực ra tôi chưa biết đi đâu.
 
Tôi nấn ná ngồi lại, hy vọng vị cứu khổ cứu nạn sẽ hiện ra. Ngài hiện ra đi, rồi bắt tôi bốc đất ăn tôi cũng sẵn sàng! Vì bố tôi sẽ cắn lưỡi chết nếu bị đẩy ra toà và biết bao giờ tôi mới thoát tội bỏ mặc cho bố chết giữa bầy thú dữ mà không cứu! Cuối cùng tôi đành bảo người trực là tôi có vụ việc oan sai, muốn gặp tác giả của loạt bài về vụ 14 đoàn điều tra ở Thanh Hoá. Chị ta đành lại miễn cưỡng quay vào. Lát sau thì tôi cũng toại nguyện.
 
 Cả anh T.H và chị H.H.T đều xuất hiện. Còn hơn là hai đấng Bồ tát! Người tôi run lên vì xúc động và vì mừng. Tôi vô cùng ngưỡng mộ họ. Tôi sẵn sàng cúi xuống hôn ngón chân họ để bày tỏ điều đó và mong được họ để tâm đến câu chuyện của tôi.
 
Chị H.H.T ngồi nghe tôi kể lại vắn tắt sự việc một lát, trong khi vẫn ăn gì đó trong miệng. Lát sau lấy cớ bận, chị bảo nhường lại việc tiếp tôi cho anh T. H. Tôi tranh thủ từng giây trình bày sự việc với anh T. H, cố gắng để anh bị ấn tượng về điều bất công chúng tôi đang gặp phải, biết đâu máu anh hùng của anh lại nổi lên, như anh đã thể hiện trong vụ Thanh Hoá. Tôi nói lắp bắp,lời nọ chèn lên lời kia vì rất sợ hết thời gian. Anh T.H ngồi nghe không chăm chú lắm nhưng vẫn kiểm soát được nội dung tôi trình bày. Kể xong tôi rất muốn thể hiện bằng lời rằng, chưa bao giờ gia đình tôi cần có một vị cứu tinh như lúc này và cầu xin anh hãy ra tay. Nhưng tôi chỉ nghẹn ngào nói được: “Anh hãy về cứu bố em rồi anh sẽ hiểu chúng em đang cùng đường như thế nào”
 
Anh T. H có vẻ rất cảm thông với tôi nhưng anh nhíu mày bảo:
 
-Việc của cụ thế là lên tới Cung Đình rồi (ý anh muốn nói báo Nhân Dân, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam đã đều dính vào), khó gỡ lắm. Khó vô cùng luôn. Có thể nói là hết cách.
 
-Nhưng sự thật là chúng em bị oan, chỉ cần anh về là biết rõ ngay.
 
-Không đơn giản thế đâu. Mình hoàn toàn tin cậu, nhưng mình tin thì ăn thua gì.
 
Anh bảo thêm tôi bằng giọng trách móc:
 
-Sao không khoanh nó lại mà để loang ra to thế? Lên tới Cung Đình thì bọn tớ cũng chịu. Bọn tớ chỉ là tép riu thôi.
 
Tôi chỉ còn biết thanh minh là vì khi sự việc xảy ra tôi không có nhà.
 
Nghĩ ngợi giây lát, anh T. H lắc đầu nhìn tôi:
 
-Chắc mình chả giúp gì được đâu. Bố mình cũng không dám viết ngược lại những gì đã in trên báo Nhân Dân. Các ông để nó đến đoạn này thì đành chịu thôi. Vả lại cũng phải chờ anh Nguyễn Hoàng Sơn về đã. Anh Nguyễn Hoàng Sơn đã nhận lời, mình cũng khó mà xen ngang vào. Đó là nguyên tắc làm báo, mong cậu hiểu cho. (Có thể anh T.H và chị H.H.T không bao giờ còn nhớ là họ đã gặp một thằng lính quèn, mặt mũi đen đúa là tôi và nói những điều như vậy, chuyện này thì tôi tin)
 
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn
Tôi cứ nấn ná thêm, hy vọng biết đâu anh Nguyễn Hoàng Sơn kịp về. Biết đâu anh T.H đổi ý theo kiểu “giữa đường thấy việc bất bằng…”. Nhưng chiều xuống nhanh. Không gian đỏ như máu. Hy vọng của tôi cũng sập xuống. Tôi đành ra về, lòng nặng như đeo đá.
Cho đến khi vụ việc kết thúc, trong đó công lý hoàn toàn thuộc về chúng tôi, tôi vẫn không gặp được anh Nguyễn Hoàng Sơn và đương nhiên là anh cũng không có ý gặp lại tôi. Mấy năm sau có người bảo tôi rằng, hôm đó anh Nguyễn Hoàng Sơn chẳng đi đâu hết, mà ngồi trên tầng 2 của toàn soạn nhưng tôi không tin. Đến tận giờ này tôi vẫn quyết không tin.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: