Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

SỰ CỐ PHÓNG XẠ Ở VŨNG TÀU VÀ NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG SỢ SẼ XẢY RA

TK Tran
Giữa tháng 9 năm ngoái công luận ở cả Việt Nam xôn xao về việc một thiết bị chụp ảnh phóng xạ có chứa nguồn Iridium-192 của công ty APAVE bị mất cắp ở Sài Gòn. May mắn là sau 6 ngày tìm kiếm ráo riết, người ta đã lấy lại được thiết bị này trong tình trạng nguyên vẹn, không bị phá hỏng hay tháo gỡ.
Câu chuyện vẫn còn nóng hổi, chưa chìm vào quên lãng, thì chỉ 6 tháng sau, lại có tin một thiết bị phóng xạ khác chứa Cobalt-60 bị mất ở Vũng Tàu, Cho tới nay, sau 3 tuần khẩn cấp tìm kiếm, vẫn chưa có manh mối cụ thể nàomặc dù Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã chỉ đạo "bằng mọi giá (phải) tìm kiếm được nguồn phóng xạ trong thời gian sớm nhất" và loan báo sẽ có khen thưởng cho người tìm được. Theo dõi các thông tin về việc này trên báo chí, người đọc không khỏi kinh ngạc khi biết rằng thiết bị đã bị mất từ nhiều tháng nay sau khi được tháo ra từ dây chuyền sản xuất thép của hãng Pomina 3 ở huyện Tân Thành. Sự việc chỉ bị lộ ra khi người chịu trách nhiệm an ninh phóng xạ hết nhiệm vụ bàn giao giấy tờ, thiết bị cho người kế nhiệm. Trong suốt nhiều tháng trời, không ai biết tới thiết bị này trôi nổi ở đâu.
Mối nguy hiểm của thiết bị chứa phóng xạ
Trong mấy năm qua đã có ít ra là 6 lần các thiết bị phóng xạ bị thất lạc hay mất cắp ở Việt Nam. Song có lẽ vụ mất mát ở Vũng Tàu làm xáo động công luận nhiều nhất.
Theo các thông tin được phổ biến, thiết bị này nặng quãng 45 kg. Phần nguy hiểm nhất là khối phóng xạ Cobalt-60, mà theo tính toán của các nhà chuyên môn, nguồn phóng xạ này có thể gây ra liều xạ tương đương (dose equivalence) quãng 2,5 mSv trong 1 giờ (mSv/h) ở khoảng cách 10 cm. Một người dân thường không hình dung nổi sự nguy hiểm qua những con số trừu tượng trên. Song nếu đặt giả thử là hộp phóng xạ này - khi được tháo ra khỏi lớp chì bao bọc trong thiết bị chỉ nhỏ hơn 1 bao diêm - được bỏ vào túi quần trong 10 tiếng đồng hồ khi làm việc, thì liều lượng phóng xạ và hậu quả sẽ như thế nào? Liều phóng xạ con người thu nhận sẽ tỷ lệ nghịch với khoảng cách bình phương từ người tới nguồn phóng xạ. Nghĩa là nếu khoảng cách được rút ngắn 1/10 (1cm, thay vì 10cm) thì hiệu năng phóng xạ sẽ tăng gấp 100 . Trong 10 tiếng đồng hồ , người có khối phóng xạ trong túi quần sẽ bị: 2,5mSv x 100 x 10= 2500 mSv, =2,5 Sivert tương ứng với liều năng lượng 2,5 Gy, ít nhất gây cháy bỏng cấp tính cho vùng da tiếp cận, ảnh hưởng tới bạch cầu, hồng cầu trong máu, và sau này nhiều khả năng sẽ bị ung thư.
Một tai nạn tương tự như kịch bản trên, nhưng với mức năng lượng phóng xạ cao hơn nhiếu (37 Ci), trên thực tế đã xẩy ra ở Yanango, Peru năm 1999. Một công nhân có nhiệm vụ sử dụng thiết bị phóng xạ để kiểm tra vết nứt trong đường ống dẫn nước. Khi thanh phóng xạ Iridium-192 rớt ra khỏi thiết bị, ông ta đã nhặt lại và đút vào túi quần. Buổi tối ở nhà, ông ta bị đau ở đùi. Hai ngày sau chỗ đau sưng đỏ, mọng nước rồi các vùng da thịt liên hệ bị hủy hoại. Sáu tháng sau đó nhiều cuộc giải phẫu phải cưa bỏ hoàn toàn chân nạn nhân. Các chuyên gia tính toán rằng đùi của người công nhân này đã bị nhiễm 1 lượng phóng xạ quãng 100Gy.
Mối nguy hiểm sẽ lớn gấp bội khi hộp chứa phóng xạ bị mở ra. Năm 1987 ở Goiania, Brazil xẩy ra vụ trôm cắp một thiết bị y tế (hoạt độ 1375 Ci) dùng trong xạ trị đã được thanh lý. Hai kẻ trộm bán thiết bị này cho một cửa hàng phế liệu. Trước đó, họ khui mở hộp chứa Cobalt-60, thích thú với chất bột phóng xạ lấp lánh, chia cho nhiều người cùng chơi, trong đó có cả trẻ em. Mấy ngày sau đó nhiều người đồng loạt bị bệnh. Nhà nước Brazil đã phải đo bức xạ ở 112.000 người, tìm thấy 244 người bị nhiễm xạ. Bốn người chết sau đó 4-5 tuần, nhiều người bị cưa tay sau khi bị hoại tử do dính bột phóng xạ. Dân sống trong vùng đất nhiễm phóng xạ phải bỏ nhà cửa đi nơi khác.
Một tai nạn khác đã xẩy ra ở Samut Prakarn, Thái Lan vào tháng giêng 2000. Cũng là do ăn trộm thiết bị y khoa đã được thanh lý, không có kiểm soát an ninh phóng xạ. Cũng là tình trạng phá hộp chứa phóng xạ Cobalt-60 (hoạt độ 425 Ci), mà kết quả là có 10 người bị nhiễm xạ nặng, 4 người trong số đó chết trong vòng 6-8 tuần. 2000 người dân sống trong vùng phải thường xuyên được theo dõi sức khỏe.
Nếu hộp chứa phóng xạ đã được nấu chung với sắt thép phế liệu để tái chế?
Trong trường hợp giả định này, thì đã xuất hiện ở thị trường một số sắt thép nhiễm phóng xạ dùng trong xây dựng và có khi cả ở đồ kim loại gia dụng. Lượng phóng xạ sẽ nhỏ, do đã được pha loãng chung với kim loại khác. Song nếu gia đình có trẻ em sống trong một căn nhà mà các vật dụng kim loại phát ra tia phóng xạ từ năm này sang năm khác, thì ảnh hưởng về sức khỏe không hề nhỏ.
Trên thế giới đã nhiều lần xuất hiện sắt thép nhiễm phóng xạ, và sau đây là những trường hơp tiêu biểu:
Năm 2008 nước Đức nhập của Ấn Độ 150 tấn thiết bị bằng thép nhiễm phóng xạ (cánh quạt và phụ tùng máy kỹ nghệ). Số thiết bị này lập tức bị gửi trả lại nơi sản xuất.
Năm 2007 nước Ý tịch thu 30 tấn thép có chứa phóng xạ Cobalt-60 nhập cảng từ Trung Quốc.
Năm 1985 nhiều tòa nhà đang được xây dựng ở Arizona và Tennessee (Mỹ) bị thaó gỡ/giật sập vì đã dùng thép nhiễm phóng xạ nhập khẩu từ Mexico.
Người ta nghi ngờ rằng trong quá trình tái chế (recycling) ở Ấn Độ và Trung Quốc đã có lẫn chất phóng xạ vào sắt thép phế thải. Trong trường hơp ở Mỹ, thì điều tra được cụ thể nguồn gốc phóng xạ từ một thiết bị y tế được thanh lý và nấu chảy.
Ở Việt Nam, liệu các nhà máy luyện thép có thiết bị báo động phóng xạ trong sắt thép phế liệu?
Nếu thiết bị phóng xạ được ăn cắp và buôn lậu để làm bom phóng xạ/“bom bẩn“ (dirty bomb)?
Từ nhiều năm nay, trên khắp thế giới đã có hàng ngàn thiết bị chứa phóng xạ bị thất lạc hay ăn cắp. Phần lớn những vụ ăn cắp này là nhằm vào số sắt thép để bán phế thải, song có trường hơp nghi ngờ là kẻ cắp cố tình lấy chất phóng xạ nhằm mục đich khủng bố, ví dụ như trộn lẫn các nguồn phóng xạ với thuốc nổ để chế tạo bom phóng xạ, còn gọi là “bom bẩn”. Năm 2014 đã có tin đồn là tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS) có bom này, và dư tính cho nổ ở London. Trong các “Hội nghị thượng đỉnh an toàn hạt nhân”, mà lần cuối được tổ chức ở Den Haag 2014. ngoài các vấn đề kiểm soát Plutonium để ngăn chặn vũ khí hạt nhân, hơn 50 quốc gia tham dự đã bàn thảo về việc kiểm soát chặt chẽ cả những nguồn phóng xạ khác dùng trong y tế và kỹ nghệ.
Mối nguy hiểm đích thực nào của thiết bị phóng xạ bị mất ở Vũng Tàu?
Theo dõi các thông tin trên các phương tiện truyền thông về thiết bị phóng xạ bị mất, người đọc chú ý tới các chi tiết kỹ thuật của thiết bị không khỏi có cảm tưởng là bị dẫn vào mê lộ, mất phương hướng vì những chi tiết không đồng nhất. Khi viết về hoạt độ của thiết bị, báo Sức khoẻ và Đời sống viết (ngày 6 tháng tư) là 233 mCi, Báo Vietnamexpress viết 2,33 mCi,( xin lưu ý dấu phẩy) báo Dân trí (ngày 8 tháng tư) viết với đơn vị đo lường SI : 1,58 x 10-4 TBq (1,58 nhân 10 lũy thừa trừ 4 TBq)hoán chuyển thành 4,27 mCi, báo Lao động (ngày 10 tháng tư): 1,58 x 10 4 TBq (1,58 nhân 10 lũy thừa 4 TBq) hoán chuyển thành 427 triệu mCi. 4 tờ báo, 4 thông tin khác nhau về liều lượng phóng xạ. Song may mắn là tính toán về liều lượng tương đương 2,5 mSv trong 1 giờ đồng hồ (2,5 mSv/h) mà 1 người đúng cách 10 cm phải chịu thì tất cả các báo đều thông báo giống nhau. Dựa trên thông tin này và tổng hợp các nguồn tin thì có thể cho là thiết bị bị mất ở Vũng Tàu có hoạt độ ban đầu là 4,27 mCi. Sau 5 năm sử dụng, do chu kỳ bán rã, hoạt độ còn lại hiện nay là quãng 2,33 mCi. Các thông tin khác chỉ có thể là lỗi viết hay đánh máy cẩu thả. Liều lượng 2,5 mSv/h đối với người thường (giới hạn cho phép quãng 1 mSv trong 1 năm) tạm gọi là khá cao. Song mức cao này trở nên tương đối nếu so sánh với liều lượng phóng xạ của bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp chữa bằng J-131 hậu phẫu thuật. Những bệnh nhân này được xuất viện khi hoạt độ phóng xạ còn 30 mCi trong người, tương ứng với lượng 50 µSv/h đo cách 1 mét, hay 5 mSv/h đo cách 10 cm. Liều lượng phát xạ từ cơ thể họ trong ngày xuất viện nhiều gấp 2 liều lượng phát từ thiêt bị bị ăn cắp ở Vũng Tàu (vài ngày sau đó, liều lượng phóng xạ từ bệnh nhân sẽ giảm nhanh chóng do chu kỳ bán rã tương đối ngắn của Jod131).
Nếu so sánh với những trường hợp tai nạn phóng xạ tai tiếng ở Peru, Brazil hay Thái Lan kể trên, thì mức nguy hiểm phóng xạ của thiết bị bị mất ở Vũng Tàu có thể xem là rất thấp, song nó bộc lộ những mối đe dọa khủng khiếp khác cho toàn đất nước :
Những mối đe dọa khủng khiếp này từ đâu đến?
Từ phía nhà nước là tình trạng không có quản lý những thiết bị hay vật tư có phóng xạ:
Đã từ lâu, trên lý thuyết giấy tờ, Việt Nam đã ban hành nhiều quy chế về an toàn phóng xạ. Quy chế tạm thời đầu tiên đã có từ năm 1971. Sau đó có nhiều Pháp lệnh (1996), Nghi định (1998), Thông tư (1999) rồi Luật “Năng lượng nguyên tử” (2009) được ban hành. Gần đây nhất, PGS-TS Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Lao động đã tuyên bố “Ngày hôm nay (9.4), tôi vừa ký dự thảo thông tư 23 để Bộ trưởng Bộ KHCN ban hành, trong đó yêu cầu siết chặt việc giám sát các nguồn bức xạ...”. Tuy nhiên, những sắc lệnh ban hành chỉ làm cho có lệ. Không hề có kiểm tra việc thi hành các quy chế. Theo báo Tuổi trẻ, ông PGS TS Nguyễn văn Hùng (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) nói rằng, Cục An toàn bức Xạ chỉ có quãng 100 người, chỉ có khả năng ghi nhận hiện trạng sử dụng quãng 4000 thiết bị có phóng xạ ở cả nước. Quản lý ở mức đó thì chỉ đủ thời gian ghi nhận hiện trạng sử dụng phóng xạ trong sản xuất, không thể tiến hành việc quan trọng nhất là giám sát. Do đó các vấn đề như cơ sở sử dụng ra sao, chiếu xạ đúng liều không, nguồn di chuyển đi đâu, từng giờ từng phút nguồn phóng xạ đó được dùng vào mục đích gì... đều bị bỏ ngỏ.
Động thái cụ thể của nhà nước hiện nay là cho gắn thiết bị định vị (GPS) cho các dụng cụ, thiết bị có phóng xạ để định vị trí các nguồn này. Đây là 1 dự án đã tính từ năm 2012 trị giá quãng 2 tỷ VNĐ, song có lẽ biện pháp này chỉ kiểm soát được người ngay. Kẻ gian cố tình ăn cắp sẽ có cách phá, làm mất hiệu quả dụng cụ đắt giá này. Đáng lý ra cũng có cách cảnh báo rẻ tiền, do Cơ quan Nguyên tử quốc tế đề nghị năm 2007, là gắn thêm vào nguồn phóng xạ nguy hiểm một hình tam giác màu đỏ có 3 dấu hiệu: báo động phóng xạ (3 cánh quạt màu đen), đầu lâu sọ /xương người và hình người tháo chạy. Hình ảnh sẽ giúp người ít học hay không biết chữ kể cả trẻ em cũng hiểu được mức nguy hiểm của nó mà không ăn cắp hay phá vỡ.
Từ phía các cơ quan sở hữu vật liệu có phóng xạ là sự kém hiểu biết và tinh thần vô trách nhiệm
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ cũng nói rằng (theo báo Vietnamnet), cơ quan nhà nước chỉ quản lý về số lượng, đơn vị và các đặc tính thiết bị, còn việc kiểm soát vẫn do các đơn vị sở hữu thiết bị tự đảm trách. Thế nhưng việc “tự đảm trách” kiểm soát thiết bị ở các cơ quan đơn vị đã được tiến hành ra sao?
Trong trường hợp ở Vũng Tàu, ban lãnh đạo hãng Pomina 3 hàng tháng trời hoàn toàn không có động thái phản ứng gì khi nhân viên - vào tháng 9-2014 - thông báo là lớp chì bảo vệ nguồn phóng xạ bị hư hại, cần mua chì để bọc lại. Tới ngày 17 tháng 11 khi được thông báo là thiết bị bị mất, lãnh đạo công ty vẫn bình chân như vại, không báo cáo lên nhà chức trách. Tới tháng 12, trong kỳ kiểm tra định kỳ các thiết bị phóng xạ, trong giấy tờ báo cáo, thiết bị này vẫn như là còn có ở nhà máy. Chỉ khi bàn giao danh sách máy móc cho người kế nhiệm, vào cuối tháng 3-2015 vì nhân viên phụ trách nghỉ hưu, người ta mới khám phá ra là đã mất thiết bị này.
Ông Tuấn, Phó Giám đốc công ty thú nhận: “đây là lần đầu xảy ra sự việc mất nguồn phóng xạ nên công ty rất lúng túng trong xử lý cũng như trình báo cơ quan chức năng”.
Có cần phải nói thêm gì về tác phong làm việc, trình độ nghiệp vụ, và tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo một công ty lớn?
Từ phía nhân viên thừa hành là cách làm việc tùy tiện không đúng qui trình đối với phóng xạ
Ông Đào Đức Hùng, nhân viên an toàn bức xạ của nhà máy cho biết rằng lớp chì bao bọc hạt phóng xạ đã bị nung nóng hư hại, dẫn đến nguồn phóng xạ bị thay đổi. Mức phát xạ cao hơn mức cho phép hàng trăm lần. Nhà máy không có kho chứa riêng nên ông Hùng phải để vào kho chứa vật tư, chung với các hàng hóa khác. Các công nhân sợ hãi phóng xạ, từ chối không vào nhà kho để lấy vật liệu, nên ông Hùng đành phải cho thiết bị này vào một thùng gỗ, đưa ra khu đất trống, vắng người qua lại.
Đây là lỗi lầm trực tiếp gây ra việc mất cắp thiết bị. Thực ra, ông Hùng vẫn có thể để thiết bị trong kho vật tư , nếu không có vỏ chì bao bọc thì dùng gạch bê tông hay kim loại làm thành một bức tường thật dầy vẫn có thể ngăn được nguồn phóng xạ. Nếu độ phóng xạ đo 100 cm ở ngoài bức tường không hơn 50µSv/h thì hoàn toàn chấp nhận được (tương ứng với lượng phóng xạ ở bệnh nhân được chữa bằng thuốc phóng xạ khi xuất viện). Các công nhân ra vào nhà kho, ngoài “vòng cấm địa” vẫn an toàn.
Để rút kinh nghiệm, Cục An toàn bức xạ nên thiết lập một đường dây nóng để tư vấn kỹ thuật cho các công ty, đơn vị cách xử lý khi gặp sự cố phóng xạ tương tự.
Mặt khác, trong báo Tuổi trẻ, PGS TS Nguyễn văn Hùng (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) lại cho biết thêm: (trích) “...Công nhân lao động trực tiếp với thiết bị (phóng xạ) này mới thật sự đáng lo ngại. Họ không hề được bảo hộ chuyên dụng. Rất ít công nhân đeo liều kế bức xạ để tiện cho việc kiểm tra mức độ nhiễm xạ. Tôi ( GS Hùng) muốn nhấn mạnh, đây là tình hình chung và .. thiệt lớn nhất là người lao động khi sức khỏe bị âm thầm xâm hại hàng ngày.
Công nhân làm việc trực tiếp với các thiết bị có nguồn phóng xạ nên đòi hỏi được trang bị bảo hộ chuyên dụng (hết trích).
*
Những hậu quả của sự cố ở Vũng Tàu kể trên đều do con người gây ra, từ cấp độ thấp nhất là người lao động chân tay, tới các cán bộ quản lý doang nghiệp ngồi trong phòng làm việc gắn máy lạnh, cho tới những nhà chính trị hoạch định chính sách, tất cả đều có mẫu số chung là tình trạng thiếu hiểu biết đáng lo ngại về phóng xạ nói riêng và phong cách làm việc tùy tiện, nói chung.
Ngoài vấn đề thiết bị phải bảo đảm an toàn, làm việc với phóng xạ đòi hỏi con người có nghiệp vụ chuyên môn cao, tinh thần lao động nghiêm túc, tôn trọng kỷ luật. Đừng quên là thảm họa hạt nhân ở Chernobyl là do chính con người với những quyết định sai lầm gây ra. Ở Đức, một quốc gia kỹ nghệ hàng đầu thế giới với một đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật giỏi tay nghề, có lương tâm chức nghiệp và kỷ luật, người ta cũng e ngại là không chế ngự được những nguy hiểm không lường của phóng xạ, nên đã đi đến quyêt định từ bỏ điện hạt nhân.
Với nhân sự và dân trí như tình trạng hiện nay Việt Nam chúng ta có khả năng làm giỏi hơn nước Đức?
Một đội ngũ “chuyên gia” /công nhân tương tự như ở Vũng Tàu vài năm nữa liệu có đủ điều kiện vận hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận?
Những thảm họa phóng xạ nào sẽ tới với chúng ta, khi một mai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được khởi động?
T.K.T.
Ảnh phụ lục:(từ trên xuống dưới, từ trái qua phải)
  1. Dấu hiệu cảnh báo phóng xạ thông thường
  2. Dấu hiệu cảnh báo phóng xạ mới
  3. Đùi nạn nhân bị phóng xạ ở Peru , 2 ngày sau khi nhiễm xạ
  4. Đùi nạn nhân kể trên, khoảng 2 tháng sau khi nhiễm xạ
clip_image002
clip_image004

clip_image006clip_image008

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: