Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Quá nhiều người ăn theo, trục lợi tên tuổi Trịnh Công Sơn


Tiểu Vũ
























MTG - Tác giả phần lời ca khúc "Gió về miền xuôi", nhà thơ, cựu nhà báo Thiên Hà cho rằng; Sau khi Trịnh Công Sơn mất, nhiều ca sĩ, bạn bè thân sơ tìm mọi cách trục lợi dựa trên danh tiếng của nhạc sĩ.

 Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc tiếp xúc với ông tại nhà riêng (Q.9, TP.HCM) và sau đây là nội dung của cuộc trò chuyện này.

Tại thời điểm này có nhiều hoạt động tưởng nhớ cố Trịnh Công Sơn - Từng kết giao, làm việc với Trịnh Công Sơn, cảm xúc của ông ra sao nhân kỷ niệm 14 năm ngày mất của nhạc sĩ?

- Tôi từng phụ trách trang văn nghệ cho một số tờ báo nên có mối quan hệ rộng với giới văn nghệ sĩ, trong đó có Trịnh Công Sơn. Vào những tối cuối tuần, chúng tôi thường kéo tới phòng trà Anh Vũ ở đường Bùi Viện, lên phòng trà Đức Quỳnh cạnh rạp Văn Hoa đường Cao Thắng, trước ngã ba Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) để nghe Thanh Thúy hát, chủ yếu nghe bài Ướt mi của Sơn. Mỗi năm đến ngày này, tôi hồi tưởng lại rất nhiều kỷ niệm giữa chúng tôi và bè bạn. Trịnh Công Sơn khiến tôi thương và nhớ nhiều những tháng ngày Sài Gòn nắng lửa qua những ca khúc của anh.

Sau khi Trịnh Công Sơn mất, nhiều tư liệu về nhạc sĩ được công bố trên các phương tiện truyền thông. Vì sao ông không làm việc này?

- Tôi không muốn dựa hơi người nổi tiếng để trục lợi. Sau khi anh mất, rất nhiều hoạt động xung quanh anh được tổ chức bát nháo. Bằng hữu xưa thì ít, bè bạn mới sau này thì nhiều, chưa thân cũng không sơ, mạnh ai nấy “ăn theo” bằng nhiều cách. Có một vài ca sĩ chưa từng hát nhạc Trịnh Công Sơn, bỗng nhiên tự xưng nhạc Trịnh thích hợp nhất với giọng ca của mình. Rồi ca sĩ đó đứng ra tổ chức tưởng niệm anh rình rang. Nhiều người chỉ quen biết sơ sơ với Sơn qua vài lần giới thiệu cũng viết hồi ký, thêm mắm dậm muối rồi coi như ta đây là bạn thân, bạn chí cốt, nối khố với anh Trịnh Công Sơn.

Ông căn cứ vào đâu để đánh giá nhiều người "ăn theo" tên tuổi Trịnh Công Sơn?

- Là một người kỹ tính và kín đáo, không mấy khi Sơn phát lộ niềm vui, nỗi buồn riêng tư, nên việc thân hay không thân là điều không ít người ngộ nhận. "Tưởng vậy mà không phải vậy" là câu tôi thường gán cho Sơn. Đối với Sơn, bạn chỉ là đoản kỳ. Hôm qua có bạn kia, hôm nay có bạn này, ngày mai có bạn nọ. Cũng như tùy hoàn cảnh, tùy thời điểm mà nhạc sĩ phân loại, đây là bạn Ướt mi, đây là bạn Tình nhớ, bạn Hạ trắng, bạn Diễm xưa ... Trịnh Công Sơn thường phân loại bạn theo nhóm mến mộ tác phẩm của mình. Không ai có thể được coi là bạn chí cốt của Sơn, kể cả tôi, ngoại trừ vài người bạn được anh coi là "nối khố", "bạn thủa hàn vi" đều đã bỏ Sơn mà đi trước.

Vậy ông giải thích thế nào về việc một số ca sĩ tự nhận mình theo đuổi dòng nhạc Trịnh?






























- Những năm cuối thập kỷ 60 đầu 70, chỉ có Khánh Ly là ca sĩ duy nhất theo đuổi nhạc Trịnh. Một số ca sĩ khác như Thanh Thúy, vừa hát nhạc của anh vừa sử dụng bài hát của những nhạc sĩ khác. Ngày đó, Trịnh Công Sơn cùng Khánh Ly thường biểu diễn ở quán Văn. Nói là quán cho oai, thực ra đó là mấy túp lều dựng tạm ở sân sau đại học Văn khoa Sài Gòn. Khi đó, Trịnh Công Sơn tâm sự với tôi: "Tình cờ, tôi gặp cô bé này nhỏ đang hát tại Đà Lạt. Thấy cô ấy có chất giọng phù hợp với dòng nhạc của mình nên tôi mời cô. Từ đó Khánh Ly chỉ hát nhạc tôi mà không hát nhạc ai khác”. Sau này, chính Khánh Ly cũng tâm sự, cô rất mê hát, nếu không, cô không đủ can đảm để đi hát với Trịnh Công Sơn mấy năm ròng không có “đồng xu cắc bạc” nào.

Theo ông, ngoài việc trục lợi, những cá nhân "ăn theo" tên tuổi Trịnh Công Sơn còn nhằm mục đích gì?

- Tôi biết, trước khi Trịnh Công Sơn mất, họ đơn giản chỉ là những người yêu nhạc Trịnh. Họ tìm đến gặp tác giả và xin chữ ký. Được nhạc sĩ tiếp môt vài lần, chưa thân thiện, chi sơ giao nhưng khi Sơn mất, họ có thể vênh váo ta đây là bạn thân, bạn chí cốt chí tình với nhạc sĩ. Lúc ấy, ai có thể chứng minh điều đó, ngoài người đã nằm xuống?

Những cá nhân đó "ăn theo" không chỉ trục lợi mà còn nhằm đánh bóng bản thân họ. Vì họ luôn coi những tên tuổi lớn như Trịnh Công Sơn là một thứ trang sức không mất tiền mua.

Ông có thể kể lại một vài kỷ niệm đáng nhớ của mình với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

Trưa 30-4-197, tôi cùng một số anh em biên tập viên, kỹ thuật viên, xướng ngôn viên đang có mặt tại Đài vô cùng bối rối, không biết phải giữ hệ thống sóng phát thanh kiểu nào để trấn an thính giả, thì Trịnh Công Sơn đưa băng đã thu bài hát Nối vòng tay lớn cho kỹ thuật viên phát sóng. Đồng thời Sơn trực tiếp lên tiếng: “Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta. Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước… Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu nay là độc lập, tự do và thống nhất thì nay chúng ta đã đạt được…”. Đó là thời khắc đáng nhớ nhất mà tôi không bao giờ quên.

Xin cảm ơn ông !.
***

Nhà thơ, nhà báo Thiên Hà tên thật Dương Cao Thâm, sinh ngày 12/8/1941 tại Tân Duyệt, Đầm Dơi, Cà Mau. Làm thơ, viết văn, viết báo. Hội viên Hội Nhà Báo, huy chương Vì sự nghiệp báo chí. Trước 1975, ông làm thơ, viết văn, viết báo. Hòa bình lập lại, Thiên Hà cộng tác với Báo Tuổi Trẻ rồi về làm phóng viên cho báo Công an TP HCM. Ông khi nghỉ hưu năm 2003, hiện tại đang sinh sống tại Q.9.TP.HCM. Nhà thơ Thiên Hà  có nhiều bài thơ được phổ thành ca khúc, tình khúc như Nhớ Nhau Hoài 1966, Gió Về Miền Xuôi 1967, Xa Dấu Ngựa Hồng 1970 (nhạc sĩ Anh Việt Thu); Áo Mới Ngày Xuân 1969, Tận Cùng Nỗi Nhớ 2008 (nhạc sĩ Song Ngọc); Chiều Hồ Lăk 2004, Đêm Lang Biang 2005 (nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên); Bài Ca M’Nông 2005 (nhạc sĩ Phạm Thư Sinh); Chiều Ghềnh Ráng 1999, Sài Gòn Nhớ Hà Nội 2001 (nhạc sĩ Vũ Trung).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: