Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

NÚI BỒNG LAI



Truyện ngắn HG.

Tôi không tin ở thế kỷ này, thế kỷ của công nghệ tiến nhanh như vũ bão về mức độ phát triển, lại có một nơi nào đó như thế?
Một nơi cách biệt với xã hội bên ngoài, một “ốc đảo” riêng tư.
Thế giới phẳng ngày nay chẳng thể có nơi nào như thế.
Xu thế hòa nhập, cộng đồng khăng khít, không chừa một ai đó sống cách biệt, khác hẳn mọi người về lối sống, tập quán sinh hoạt. Bởi đó là một thử thách quá lớn đối với thói quen tiện nghi của con người thời buổi này.
Chuyện đó chỉ có trong dĩ vãng xa vời, của những câu chuyện lãng mạn  đường rừng thủa đất rộng, người thưa. Khi trên mảnh đất quê hương tôi, thậm chí có nơi chưa có bước chân người..
Những truyền thuyết không mấy khả tín về những dị nhân ẩn dật. Những số phận người đặc biệt, éo le. Những đạo sĩ luyện đan, người tu hành, hay người muốn xa lánh thế gian, chẳng muốn gặp gỡ hoặc va chạm cùng ai.
Những chuyện phần nhiều do trí tưởng tượng, xuất xứ từ những ẩn ức, khát khao nào đó. Đại loại là những chuyện nói cho vui khi trà dư tửu hậu, hoặc muốn an ủi tâm tư của ai đó lúc phẫn trí, gặp cảnh đời trái ngang, muốn có một cảnh ngộ huyễn hoặc mình để tự an ủi rằng: Dù sao, cuộc sống có thế nào chăng nữa vẫn luôn có lối rẽ ở cuối con đường..
Bởi thế nghe người ta kể, tôi sắp xếp để đến xem thử hư thực ra sao, cũng vì  chút việc của riêng tôi nữa
Và bây giờ tôi kể lại chuyện này, còn bạn tin hay không là chuyện của bạn. Không ai có quyền bắt người ta phải tin những điều không có thực. Việc ấy giả dối đã đành, còn vô nhân tính, “phản động”, đối lập với thế giới văn minh, phản tự nhiên nữa!
**
Thực ra thì tên gọi đúng của dãy núi này là Khau đăm, gọi theo tiếng Thổ trong vùng chứ chả có Bồng Lai, Tiên Cảnh, hay Thiên Đường nào cả. ( Cái tên hay hớm kia là do tôi đặt sau chuyến đi này ). Giữa hai bên vách đá  nhẵn lì như được mài sẵn, tạo thành  một khe sâu dọc theo con suối cạn là đường đi vào một thung lũng nhỏ, nhiều năm hoang sơ, không có người đến đây.
Trước khi xảy ra câu chuyện này lòng khe chằng chịt cây mây, cây móc. Một loài cây thân dẻo, khi khô rất cứng, vươn rất dài, có gai sắc từ gốc lên ngọn. Thứ cây mà ngay từ thời đó người ta đã dùng làm dây cốn bè, hoặc mang về xuôi bán cho người làm ghế bàn các làng có nghề song mây.
Hai trăm năm trước trong thung lũng này có mỏ kim loại quý. Người Pháp đã lên đây mở đường khai thác. Người ta đã đặt đường xe gòng để chở quặng từ thung lũng xuống bờ sông Nho Quế, chở về xuôi.
Một đêm xảy ra trân mưa kỳ quái trút xuống thung lũng. Mùi hăng nồng, tanh lộn mửa khiến mấy trăm con người từ cai lẫn thợ không ai chịu được. Người ta vội vàng thắp đèn đuốc nhưng không sao cháy nổi.
Trong ánh sánh chập choạng lóe lên từ sấm chớp, người ta nhìn thấy cảnh tượng thật hãi hùng. Khắp thung lũng, nước một màu đỏ xậm như màu máu  khô đang cuộn chảy. Không ai bảo ai, mạnh ai nấy chạy. Tiếng la hét vang động một vùng. Những người không chạy kịp chết ngay trong đêm đó. Người nào người nấy  người tím đen như bị sét đánh, chân tay co quắp như thể trước khi chết đã phải chịu đựng đau đớn, quằn quại đến tạn sức và khả năng chịu đựng của con người. Ai còn xót lại sau thiên nạn ấy, tự dưng không còn tiếng nói, không còn cảm xúc . Họ khi khóc khi cười, không ăn không uống vật vã cho đến chết.
Cư dân quanh vùng sợ hãi bỏ hết đi nơi khác. Chủ mỏ không biết chết trong đêm đó hay chạy đi đâu, về sau cũng không ai gặp. Một vùng xôn xao tiếng quạ kêu, chúng bay rợp trời, đậu đen các ngọn cây.
Người ta đồn rằng đám phu trong lúc khai thác đã làm điều gì đó phạm vào lời nguyền của núi.
Người bảo có vỉa quặng rất độc bị chạm phải, khi trời mưa phát tán, bung tràn ra thung lũng.
Người nói thời quân Cờ Đen giấu của, có yểm bùa, phu mỏ vô tình đụng phải.
Những năm dài chiến tranh, người Pháp không  quay trở lại. Người Việt  chưa đủ trình độ và phương tiện khai thác hay vì lý do gì khác, khu mỏ vẫn bỏ hoang cho thú rừng và đủ loại cây dại, có nhiều cây sau này dùng làm thuốc chữa được những căn bệnh hiểm nghèo.
Rất nhiều chuyện thêu dệt xung quanh câu chuyện này. ( Kể cả chuyện Cao Biền thời lâu thật là lâu đến đây yểm bùa, dù không ai biết Cao Biền là tên quái quỷ, mặt ngang mũi dọc như thế nào? ).
Hư hư thực thực, mơ hồ, chả thiếu chuyện gì cho đến tận bây giờ..

Khi tôi đến khung cảnh núi Khâu Đăm không còn như cũ. Con đường vào thung khi xưa đã có bức tường đá xây cao, có một cánh cổng  sắt  có mái ngăn cách với bên ngoài.
Xung quanh thật yên tĩnh, chỉ có tiếng nước chảy róc rách của con suối nhỏ từ trong thung lũng  đổ ra ngoài qua một máng nhỏ có lắp củ điện, đường dây dẫn vào sâu phía bên trong. Lối đó cũng có lớp rào bằng chấn song sắt, chỉ có thú nhỏ mới có thể lọt qua.
Tôi đành dựng xe đứng chờ vì không có lối vào thung lũng.  Đang lưỡng lự có nên đợi thêm một lúc hay quay về thì có người chạy xe máy qua dừng lại. Ông ta nhìn tôi từ đầu đến chân, ánh mắt nghi hoặc làm tôi khó chịu. Tôi quay mặt đi, châm điếu thuốc hút. Cứ ngỡ cử chỉ này sẽ làm cho ông ta tiếp tục chạy xe, kiểu người này có hỏi thăm chưa chắc đã nghe được câu trả lời thành  thực có ích.
Hình như ông ta không chú ý đến cử chỉ thiếu thiện chí này của tôi, hắng giọng:
- Chắc ông muốn tìm ông Tuyền hâm phỏng?
Thấy ông ta chủ động như thế, tôi gật đầu. Có nhẽ nhà ông này cũng là chỗ thân tình, hay ít ra cũng là chỗ quen biết  nhân vật tôi đang đi “tìm” này.
- Ông ấy về Hạc Trì rồi, đến tối may ra mới lên kịp. Nếu ông có việc cần gặp hãy chờ đến lúc đó – Nói xong người này chả để ý đến thái độ của tôi lúc ấy  thế nào nữa, nổ máy xe chạy đi luôn.
Tôi đứng một mình, phân vân.
Mình mất công từ xa đến đây chả lẽ lại quay về ngay.? Công việc thì nhiều, đang mùa bận rộn, mình đi tranh thủ bây giờ về thì đến hôm nào mới lại đi được? Mà giống cây bồ công anh, ngoài chỗ này ra, trong vùng chả đâu có. Bài thuốc của mình lại không thể thiếu nó. Thôi được, đành, chờ thì chờ..
Từ giờ đến chiều còn mấy tiếng đồng hồ mà ở cái xã Na Mèo này mình lại chẳng quen biết ai. Không lẽ ngồi tựa gốc cây ngủ một giấc chờ  từ giờ tới chiều?
Có muốn trò chuyện giết thời giờ, hay một chỗ nghỉ chân trong lúc đợi người cũng khó. Tốt nhất là nên ra chợ, nơi trung tâm xã.
Ở đâu bây giờ cũng vậy, cho dù là nơi heo hút, vùng sâu chốn đồng rừng,  xã nào cũng có một cái chợ con con.
Ở đó có hàng ăn, hàng giải khát.Tuy quy mô không được bề thế, tươm tất như phố thị, hàng hóa không nhiều, chủ yếu hàng nhái, hàng giá rẻ, món ăn sơ sài, dân dã ở chợ cũng có cái lót dạ qua bữa trưa.
Tôi ghé một quán ăn khi ấy chưa đông khách.  Trước cửa quầy treo vài món thịt trâu khô, nửa cái đùi chó, mấy túm hành. Chưa kịp bảo ông chủ quán làm cho mình món gì, thì phía sau có người vỗ vai:
- Lại vẫn nhà bác à. Tưởng bác quay về luôn hóa ra vẫn đợi.. Có việc gì quan trọng hay sao vẫn muốn gặp thằng hâm, sống lập dị chẳng giống ai ấy? Mà trông bác quen quen thì phải? Hình như bác làm ở nhà đài, em nom giống lắm?  Nhà em ngay cạnh bên đây, mời bác sang uống nước, nghỉ chân. Đằng nào bác cũng phải chờ đến chiều mà?
Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh!
 Nhưng nhìn người đàn ông này, có cái gì đấy khiến tôi ngài ngại. Ông ta chính là người lúc tôi gặp khi nãy.
Bề ngoài ông ta không có nét gì đặc biệt, giống hầu hết những đàn ông thường gặp nơi miền sơn cước này, tóc cắt ngắn, mặt  bầu bầu, da mặt dày dầu dãi nương  đồi. Đặc biệt bàn chân to bè, kiểu  bàn chân của người Giao Chỉ, đôi lông mày rậm mọc sát nhau phía trên sống mũi. Chỉ có đôi mắt của ông ta là khang khác, hay bất chợt nhìn ngang.. Một kiểu nhìn giá tôi có muốn bắt chước cũng rất khó.
Mà thôi. “Thiên hạ nhân”, người ta có ai giống ai. Đã mời thì mình cứ đến. Biết đâu lại có thêm câu chuyện kể cho mai này?..

( Còn nữa..)





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: