Chúng ta có đang hoàn toàn kiểm soát suy nghĩ của mình? David Robson phát hiện ra việc nhồi nhét suy nghĩ vào đầu người khác mà họ không hề hay biết là điều rất dễ thực hiện.
Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng mình là những cá thể tự do, rằng chúng ta có thể kiểm soát định mệnh của mình.
Sự thật không phải vậy.
Chúng ta thường xuyên là những con rối bị người khác sai khiến mà không hề hay biết. Chúng ta thường không cảm nhận được sợi dây vô hình đang điều khiển mình và luôn nghĩ rằng việc mình làm bắt nguồn từ suy nghĩ của chính bản thân.
"Nhiều nghiên cứu về tâm lý học cho thấy các quyết định của con người đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi những điều mà chính chúng ta cũng không để ý đến", ông Jay Olson, từ Đại học McGill ở Quebec, Canada, nói.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu chúng ta có thể phát hiện ra điều gì đang sai khiến mình hay không, và làm sao để biến nó trở thành điều có lợi cho bản thân.
Olson đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cách lừa phỉnh nhận thức của con người. Tất cả bắt đầu từ ảo thuật.
"Tôi bắt đầu học ảo thuật từ lúc 5 tuổi và bắt đầu trình diễn khi lên bảy," ông nói.
Khi còn theo khoa tâm lý học tại đại học, ông đã khám phá ra nhiều khía cạnh mới về cách suy nghĩ của con người, dựa trên kỹ năng ảo thuật của mình.
Trong một trò ảo thuật, Olson yêu cầu một khán giả chọn một lá bài bất kỳ.
Tuy nhiên điều mà khán giả không biết, đó là ông đã biết trước họ sẽ chọn lá bài nào.
Olson sau đó phô ra lá bài ra trước mặt đám đông trước sự sửng sốt của họ.
Bí mật ở đây là giữ yên lá bài đã chọn ở một vị trí cố định trong lúc xáo bài. Người tình nguyện sau đó bị áp lực phải chọn đúng lá bài đó dưới sự hối thúc của ảo thuật gia.
Sau khi trở thành một nhà khoa học, nhiệm vụ đầu tiên của Olson là thử nghiệm mức độ thành công của mình, và kết quả ông có được là 103/105 trường hợp.
Thế nhưng những thử nghiệm sau đó của Olson mới thực sự cho chúng ta thấy suy nghĩ của mình dễ bị tác động đến thế nào.
Ví dụ, Olson đã hỏi những người tình nguyện sau đó, và 92% trong số họ không nghĩ rằng mình đã bị phỉnh và họ tin rằng mình hoàn toàn kiểm soát được quyết định của mình.
"Một người nói tôi đã chọn lá 10 đầm vì số 10 là số tròn chẵn và tôi đã nghĩ tới hình trái tim trước khi thử nghiệm", một người nói, không hay biết rằng chính Olson mới là người đã chọn ra lá bài.
Cũng theo Olson, cá tính của từng người không thực sự tác động đến việc họ có dễ bị lừa phỉnh hay không.
Điều này cho thấy một vấn đề lớn hơn trong thực tế: 'Khả năng chủ động quyết định của chúng ta thường chỉ là ảo giác".
NHỮNG TÁC ĐỘNG NGẦM
Bạn không tin ư? Hay thử đến nhà hàng và gọi món.Olson nói bạn sẽ có nhiều khả năng gọi những món ở đầu trang hoặc cuối trang, chỉ vì chúng đập vào mắt mình trước tiên.
"Nhưng nếu có ai đó hỏi rằng vì sao bạn chọn cá hồi, bạn sẽ đáp lại là vì bạn muốn ăn cá hồi," Olson nói.
Nói theo cách khác, chúng ta luôn tìm cách giải thích cho sự lựa chọn của mình, ngay cả khi sự lựa chọn đó nằm dưới sự tác động của nhà hàng.
Một ví dụ khác là tại cửa hàng rượu. Nhóm nghiên cứu của Jennifer McKendrick từ Đại học Leicester cho thấy việc phát nhạc Pháp hoặc Đức trong cửa hàng sẽ khuyến khích khách hàng mua rượu từ những nước này nhiều hơn.
Tuy nhiên khi được hỏi, những khách hàng này đều phủ nhận đã bị âm nhạc tác động.
LÀM SAO ĐỂ PHÁT HIỆN?
Rõ ràng là những kỹ năng thuyết phục này có thể sẽ bị sử dụng nhằm vào mục đích xấu. Và vì vậy, chúng ta cần biết cách phát hiện ra chúng.1/ Một cú chạm vai hoặc một cái nhìn vào mắt ai đó có thể khiến họ dễ bị tiếp cận hơn
Đây là một trong các kỹ năng mà Olson đã sử dụng, nhưng nó cũng được dùng trong ngữ cảnh hàng ngày, ví dụ như khi thuyết phục ai đó cho mượn tiền.
2/ Bị hối thúc: Olson cho biết các nhà ảo thuật thường hối thúc người tình nguyện để họ chọn lá bài đầu tiên mà mình nghĩ đến. Sau khi đã chọn, họ trông thư giãn hơn.
Tuy nhiên, những người tình nguyện sẽ luôn nhìn lại và nghĩ rằng họ đã chọn lựa một cách chủ động.
3/ Tầm nhìn: Bằng cách đưa lá bài vào trọng tâm tầm quan sát của ai đó, Olson có thể khiến người tình nguyện chọn lá bài mà họ không hề hay biết.
4/ Dạng câu hỏi gợi suy nghĩ: Những câu hỏi như: 'Vì sao bạn cho rằng đây là một ý hay', hay 'bạn nghĩ điều này sẽ mang lợi gì'.
Những câu này nghe thì bình thường, nhưng khi tạo cho người khác cơ hội để thuyết phục chính họ, họ sẽ trở nên tự tin hơn về sự lựa chọn của mình về dài hạn, như thể đó là sự lựa chọn của chính họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét