Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Mai Thảo. Mãi mãi. Ký ức.


Tác giả : Du Tử Lê


Lời nói đầu:
 Nhân dịp kỷ niệm 12 năm, ngày mất (10 tháng 1 năm 1998) của nhà văn Mai Thảo, chúng tôi xin được gửi tới quý bạn đọc và thân hữu, hai bài viết về nhà văn này, của chúng tôi.

Bài thứ nhất, chúng tôi viết một ngày sau khi ông mất. Bài thứ hai, chúng tôi viết 30 ngày sau đó, dứơi bút hiệu Lê Hà Nam, cho tạp chí Hợp Lưu, số “Tưởng Mộ Mai Thảo,” tháng 2 và 3 năm 1998.
Dưới đây là bài “Mai Thảo, thế giới đèn mầu, Saigòn, trước 1975” sau khi được hiệu đính.    
                                                                                 Trân trọng,
                                                                                   DTL.   

1. Mai Thảo, thế giới đèn mầu, Saigòn, trước 1975.  
 

Nói tới nhà văn Mai Thảo, trong hơn hai mươi năm qua, ở hải ngoại, người ta chỉ có thể hình dung ông trong cung cách lạnh lùng, lừng khừng của một nhà văn lưu vong. Hoặc người ta nhớ tới ông, trong câu chuyện của một ông già, mỗi buổi sáng thường lững thững trên một đoạn đường Bolsa (khúc nối liền giữa khu chợ 99 và Phước Lộc Thọ.)
Cũng chính ở khúc đường này, nhiều lần, cảnh sát đã chặn ông lại, nhét vào túi ông những tấm giấy phạt vì tội... “vi phạm luật đi...bộ!”
Ông bị phạt nhiều tới độ ông trở thành một nhân vật...nổi tiếng của Hội đồng thành phố Westminster.
Tôi nhớ, năm 1996, một nhóm anh em văn nghệ sĩ đứng ra tổ chức “Đêm Mai Thảo,” tại Hý viện Westminster Auditorium, thuộc thành phố Westminster. Nghị viên Lâm Quang, lúc đó còn là quyền Thị Trưởng Thành Phố Westminster, lên sân khấu trao bảng “Ngợi Ca Thành Tích Văn Học” cho Nhà văn Mai Thảo.
Trong phần phát biểu, Nghị viên Lâm Quang chuyển lời xin lỗi của Hội Đồng Thành Phố và, của Cảnh sát trưởng thành phố này, tới tác giả “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền.” 
Họ Lâm nói, dù biết Mai Thảo là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam Việt Nam, nhưng sự việc ông băng qua đường một cách bừa bãi là một điều nguy hiểm cho sinh mạng của ông trước nhất; kế tới, cản trở lưu thông và, sau chót...“vi phạm luật dành cho người đi bộ!”
“Bởi thế, nếu không phạt ông, thì Cảnh sát Westminster chúng tôi cũng sẽ không thể phạt những người...đi bộ khác,” Ông Lâm Quang nói.
“Và trong “Đêm Mai Thảo” này, chúng tôi xin cầu chúc nhà văn Mai Thảo, tương lai sẽ không còn bị phạt vì tội đi...bộ nữa. Được như vậy, cá nhân chúng tôi cũng bớt phần…áy náy.”
Đêm đó, hội trường rung rinh vì những chuỗi cười ngặt nghẽo, ném lên từ khán giả.
Trên sân khấu, người đàn ông vừa bước vào tuổi 70, cũng bật cười. Nụ cười móm mém. Nụ cười hóm hỉnh. Thân ái. Nhẹ nhàng chấp nhận. 
Trong số 500 khán giả, những người yêu mến Mai Thảo kia, tôi nghĩ, có dễ  ít ai biết, cái ông già hom hem, móm mém đang đứng trước họ đó, hai mươi năm trước, từng là “Ông Hoàng Của Ngàn Lẻ Một Đêm Sài Gòn.”
Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến Mai Thảo kia, có dễ ít ai biết, cái ông già chỉ còn vài chiếc răng chệu chạo, lung lay, loáng thoáng đâu đó trên gương mặt xanh rớt ấy, hơn hai mươi năm trước, là một tay chơi từng đương đầu với nguyên băng thảo khấu, đàn em của Bảy Viễn: Băng Lai Văn Sang.  Giữa thập 1950, một đêm, băng Lai Văn Sang, xuất quân từ sòng bài Đại Thế Giới ở Chợ lớn, đại náo một vũ trường ở đầu đường Trần Hưng Đạo, trong một cuộc biểu dương quyền lực, để tranh dành một vũ nữ hoa khôi, tên C. thời đó...
Tình địch của băng Lai Văn Sang, ngày ấy, không ai khác hơn: Mai Thảo. 
Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến Mai Thảo, yêu mến ông già có nụ cười hóm hỉnh, móm mém, chưa từng lập gia đình kia, có dễ ít ai biết,  giữa thập niên 50, từ Saigòn, đã một mình, bay ra cố đô Huế. Ông lừng lững tới tận nhà nữ ca sĩ họ Lục, (sau này trở thành danh ca dưới tên H.Th.) để xin hỏi cưới nàng.Người đàn ông đó, cũng là Mai Thảo.  
Không chỉ đa số khán giả của “Đêm Mai Thảo” kia, không biết mà, ngay song thân của người nữ ca sĩ họ Lục, ngỡ ngàng, kinh ngạc khi nghe Mai Thảo tự giới thiệu… “thân thế” mình:   
“Tôi là Mai Thảo. Từ Saigòn ra. Chúng tôi thực sự muốn lấy L.H. làm vợ. Nếu hai cụ đồng ý thì, tôi hứa, trong vòng một tháng, bố mẹ chúng tôi sẽ bay ra đây, nói tiếp phần còn lại...”
Liền sau đó, ông xin phép song thân họ Lục, để được đưa con gái họ... đi chơi!
Cũng liền sau đó, song thân của người con gái họ Lục, cho hay, sẽ khó khăn cho họ biết là chừng nào, nếu có một chàng rể như... Mai Thảo!
Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến ông già có nụ cười móm mém, hóm hỉnh kia, có dễ ít người biết, giữa thập niên 1950, khi lớp người miền Bắc di cư vào Nam, còn bị người địa phương ngắm nhìn như những người... ngoại quốc … (Những người không phải là người... “Diệc”... Những người ăn... thịt người, chuyên bắt cóc con nít?!) thì, Mai Thảo đã trở thành người em nhỏ trong tình thương, quý của nữ nghệ sĩ Phùng Há, của lão nghệ sĩ Năm Châu... Mai Thảo cũng trở thành người anh đáng tin cậy của Thành Được, Kim Chung, Bích Hợp, Dũng Thanh Lâm...
Nghệ sĩ lừng danh Thành Được, hiện cư ngụ tại miền bắc Cali, thuở xa xưa, mỗi lần gặp nhà văn Mai Thảo, thường dùng hai chữ “Văn nhân” để tỏ lòng quý, trọng ông.   
Mai Thảo, với những đêm lăn lóc ở Tổ Đình, chờ tan một xuất diễn, đợi hết một buổi tập tuồng, để được theo chân bà chị Phùng Há, ông anh Năm Châu đi vào thế giới Saigòn ban đêm. Thế giới của những nghệ sĩ cải lương, chèo cổ nổi tiếng đương thời.  
Chính Mai Thảo là người đầu tiên, vào từ miền Bắc, mở được cánh cửa tương thông, thân ái giữa những người làm nghệ thuật ở hai đầu “thế giới” lạ lẫm.  Không có ông, tôi nghĩ, khó ai biết được tới lúc nào, cánh cửa tương thông, thân  ái nọ, mới được mở rộng?!)   
Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến ông già đã tận hiến trọn vẹn cuộc đời của mình cho dòng văn học Việt Nam ở quê hương, cũng như tại quê người, có dễ ít ai biết, hơn 20 năm trước, chính ông già lạnh lùng, lừng khừng, đôi lúc giống như bất thường đó, lại là người phong tặng danh hiệu cho nhiều tiếng hát miền Nam. Những danh hiệu mà, hôm nay, ở hải ngoại, mỗi khi nhắc tới họ, một số người trong chúng ta, chưa quên. Như, Thanh Thúy, “Tiếng hát Liêu Trai.” Thái Thanh, “Tiếng hát vượt thời gian,” Lệ Thu, “Tiếng Hát Mùa Thu Sương Khói”...
Đó là một phần chân dung đời thường của nhà văn Mai Thảo. Người đứng đầu tạp chí Sáng Tạo. Một tạp chí trương cao ngọn cờ cổ súy phong trào “giải phóng” dòng văn học, nghệ thuật miền nam, từ những năm giữa thập niên 1950, khỏi ảnh hưởng của phong trào văn chương tiền chiến.
Đó cũng là một phần nhân-cách-Mai-Thảo. Người đi hết một đời nhà văn của mình mà, không hề lưu lại một dòng, một chữ gây thương tổn bạn văn.
Nhớ lại, biết được như thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên, tại sao đám tang ông, đám tang một nhà văn, (dù là nhà văn hàng đầu,) lại có nhiều, quá nhiều những khuôn mặt, những tên tuổi tiêu biểu cho nửa thế kỷ tân nhạc và, sân khấu Việt Nam, quê người; cũng như giới tay chơi, giang hồ hữu hạng…bên cạnh những khuôn mặt thuộc văn giới. Đủ loại! 
Từ đó, tôi nghĩ, Mai Thảo không chỉ lớn lao trong văn học, mà, ông còn lớn lao trong nhiều lãnh vực khác của đời sống Việt Nam nữa.  
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: