BH
Hinh như đấy là tên một cuốn sách tôi đọc hồi nhỏ, cuốn sách in bằng thứ giấy xấu. Hình như nó là cả tập truyện ngắn thì phải. Có rất nhiều truyện trong đó, kể về muôn thứ trong cuộc sống. Tất cả những gì tôi nhớ được đến giờ trong hai tập truyện ấy là chi tiết món ăn và cây.
Sở dĩ nhớ vì nó ấn tượng nhất lúc đấy. Hồi đói khổ vậy, trang sách lại tả món ăn. Tả những kẻ con buôn, phe phảy, mánh mối sáng ra chúng ăn bát xôi trắng ấp miếng giò, rồi bát phở gà đập trứng, bát phở bò xin chan thêm ít nước béo...khỏi nói thì các hình ảnh ấy ấn tượng thế nào đến bộ não trẻ thơ của tôi.
Tôi không biết kể thế nào để các bạn trẻ hiểu được miếng ăn lúc đó khiến tôi thèm khát thế nào. Có lẽ chẳng phải tôi mà còn bao người khác hồi ấy cũng thèm, có khi ngay cả cái ông viết truyện đó cũng thèm. Đói, thiếu thốn, thèm từ một lát dừa kho với chút xì dầu, cho thìa mỡ dính loáng bóng là ăn trôi được cả bát cơm rồi. Huống chi là khoanh giò lụa với bát xôi trắng, bát phở gà thơm phức.
Tuổi thơ tôi đói, lớn lên đi bộ đội cũng đói. Mỗi bữa ở đơn vị chỉ được hơn bát cơm là cái chậu cơm hết sạch, chỉ một chút rau, một miếng thịt lợn bằng nửa ngón tay út. Ngày tập lăn lê bò toài, đội ngũ, leo trèo, hành quân. Tối đến nằm quằn quại chống cự cơn đói trong tấm chăn chiên mỏng giữa mùa đông. Rồi hết bộ đội, đi tù lại càng đói hơn, hầu như chỉ có cơm với muối.
Chẳng phải tôi kể khổ, khổ như vậy khối người Việt Nam thời bao cấp cũng khổ, cũng đói, cùng thèm khát những vật chất tầm thường như miếng ăn giống tôi.
Người ta bảo có thực mới vực được đạo, người ta lại nói cơm no , áo ấm. Chúng tôi được dạy thế, thực tế của chúng tôi cũng nói thế. Cái ăn cứ phải trước đã, vật chất trước đã, cái bỏ vào mồm trước đã rồi mới đến tinh thần.
Thế nhưng tôi vẫn nhớ chi tiết thứ hai mà tôi ấn tượng trong quyển sách, cùng với những món ăn khiến tôi thèm khát, đó là những cái cây. Câu truyện kể về một gã rất cơ hội, gã làm ở công ty cây xanh. Một hôm cây ở công viên đổ, hắn đến cưa cắt dọn đi. Tình cờ hắn nghĩ ra người làm mộc đóng bàn ghế, hắn tìm đến gạ mua. Thế là hắn bán được cái cây đổ. Có tiền hắn mua chai rượu Lúa Mới, bao thuốc Thăng Long đến biếu nhà ông giám đốc công viên. Từ đó cứ mỗi năm đến mùa mưa bão, thế nào cũng có vài cái cây đổ mặc dù cơn bão chả là cái gì với chúng. Được vài mùa, nhân vật chính bắt mối thịt cây đường phố....sau đó hắn có vốn buôn gì đó nữa...cái này tôi không nhớ.
Đôi khi tôi hoài nghi một điều, không phải lúc đói khát người ta chỉ nghĩ đến miếng ăn. Dù đúng là người ta nghĩ đến miếng ăn thât khi đói khát, thiêú thốn , nhưng có thể con người vẫn nghĩ đến một thứ gì đó mơ mộng, dù thứ đó chả ăn được.
Tôi vẫn hay xem xét lại những ấn tượng của mình về điều gì. Ví dụ về chi tiết miếng giò, bát phở..tôi nhớ được vì tôi quá đói. Thế còn chi tiết cây xanh bị tên gian manh kia chặt...tại vì sao tôi nhớ. Trong khi cả tập truyện còn bao nhiêu thứ nữa tôi chả thể nhớ nổi.
Mẹ tôi bán dép rong, hay bán ở khu vực xung quanh Cung thiếu nhi, các phố Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, vườn hoa Chí Linh ( bây giờ là vườn hoa Lý Thái Tổ, hình như lúc trước còn đổi tên là vườn hoa India Ganđi gì đó thì phải). Mùa hè tôi đi theo phụ mẹ bán hàng. Những gốc cây là nơi trú nắng và bán hàng lý tưởng. Hồi ấy chim sâu, chim khuyên nhiều lắm, cả sáo, chào mào, chèo bẻo cũng về Hà Nội ríu rít trên cành cây. Mỗi sáng ra dưới đám đất sát gốc cây lại có những ụ đất đùn lên, đó là tổ dế. Còn tối muộn dưới gốc cây là những con ve sầu lột xác. Cả một thế giới kỳ thú ở một cái cây, có tán lá xanh che bóng mát, có chim đủ thứ hót, có ve sầu, dế mèn và có cả những vẻ đẹp thanh bình, lao xao những giai điệu âm thanh báo hiệu gió mát trong buổi trưa hè.
Vậy tôi có tâm hồn yêu thiên nhiên từ bé, bởi thế tôi mới nhớ được đến chi tiết kẻ chặt cây trong truyện.
Tâm hồn yêu thiên nhiên là cái mẹ gì ở thời đại xã hội này, sến bỏ mẹ. Tiền, quan trọng là tiền, tiền để sắm xe đẹp, nhà đẹp, ăn nhậu, quần áo hàng hiệu, đi du lịch...cái đó mới là quan trọng. Tâm hồn là thứ đã sến, lại còn thứ tâm hồn yêu thiên nhiên nữa thì càng sến và dở hơi.
Nhà tôi có khoảng sân thượng nhỏ, tôi thích cây lắm. Tôi xin những bình ắc quy cũ về, ra sông Hồng lấy đất thịt. Rồi xin tiền mẹ nhảy tàu điện xuống phiên chơ Mơ mua được cây nho. Bố làm cho tôi cái giàn, cây nho lớn dần phủ kín giàn. Mẹ tôi đưa tôi đi tàu điện đến phiên chợ Bưởi mua cây thiên lý. Khoảnh sân thượng nhà tôi nhỏ có giàn nho và thiên lý cuốn nhau. Rồi bố lại mua cây hoa giấy hai màu, mẹ mua cây hoa đại. Tôi dặm thêm mấy nhánh cây vạn niên thanh để nó rủ xuống trước hiên nhà. Hàng chiều tôi xách xô nước lên trên sân thượng tưới cây. Nhà tôi phủ bóng xanh của nhiều loại cây.
Bây giờ thì hình như chả còn cây nào, nhưng cái cây nhà hàng xóm đã lớn mang màu xanh lại cho cái sân thượng nhỏ bé của nhà tôi. Ngôi nhà ấy để cho em trai tôi ở, và nó thì chả thích cây, nó thích tiền mặt, tiền tươi, ăn nhậu, cờ bạc hơn.
Tôi đi tù, ở đội rau. Trong tù thì làm gì có chỗ nào dành cho tình cảm lãng mạn như yêu cây với cối. Chỉ có đâm chém, thủ đoạn, tàn bạo, hối lộ và nịnh nọt để tồn tại . Có vị trí để cướp đoạt miếng ăn của người khác. Thế nhưng một điều lạ lùng là chỉ vì thứ tâm hồn yếu đuối, lãng mạn yêu cây cối mà người quản giáo cho tôi làm đội trưởng. Một cái vị trí lẽ ra phải mua bằng rất nhiều tiền.
''Hắn đến ngồi bên rẻo đất nhỏ sát bờ rào và hàng tre, nơi hắn trồng sả, tía tô, ngải cứu… những thứ lá dùng trong nồi lá xông. Chỉ thiếu một hai thứ như lá bưởi có thể vào nhà dân xin. Quản giáo và bạn tù vẫn trêu hắn là mày có thịt chó hay thịt gà hay sao mà trồng những thứ linh tinh thế. Hắn chỉ cười nói trồng cho đỡ buồn.
Mà đúng hắn đỡ buồn thật khi trồng, khi nhìn những thứ lá dùng trong bó lá xông. Hắn lại thấy sự an ủi, thấy được tình cảm của người thân, thấy tuổi ấu thơ, thấy mái nhà của mình… Những tình cảm đó khiên hắn không bị sa ngã, bị cuốn theo lối sống bi quan như nhiều phạm nhân khác. Chúng là bạn của hắn trong những năm tháng đọa đày.
Mỗi khi rảnh rỗi chăm sóc chúng, hắn thường nói chuyện thầm thì với từng khóm cây. Hắn yêu nhất cây tía tô lá hình răng cưa mặt màu tím, mặt màu xanh. Vì hồi ở nhà, khi nào mẹ hắn ốm, mẹ sẽ bảo hắn nấu cháo trứng gà với nhiều lá tiá tô. Lá tía tô hắn trồng dày và mượt mà, giá như gửi về cho mẹ được một ít nhỉ. Hắn tự hỏi từng ấy năm hắn đi tù, ở nhà mẹ ốm ai nấu cho mẹ cháo trứng gà với lá tía tô…''
Mấy chục năm lăn lộn với cuôc đời, sự thăng trầm không biết kể thế nào cho hết. Nhưng chỉ có điều này tôi muốn nói cho các bạn. Đừng nghĩ sự yêu mến cây cối là thứ tình cảm phù du, sến, vô tích sự. Những tình cảm ấy nếu còn sống ở trong bạn, lúc bạn lầm lỡ, sa ngã nó là vị thuốc để chữa cho bạn vượt qua. Những vị thuốc vô giá mà không có đồng tiền nào mua được.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét