Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Danh Đức
Nguồn: worldbank.org, bạn đọc có thể nhấp vào đầy để xem chi tiết.

(TBKTSG) – Mới tuần rồi, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố bản đồ trực tuyến cho phép tiếp cận dễ dàng với các chỉ số kinh tế xã hội của Việt Nam ở cấp tỉnh/thành và quận/huyện(1). Phải cám ơn các anh, chị ở WB đã “rảnh” hết sức khi nghĩ ra chuyện thu thập các dữ liệu từng tỉnh thành của Việt Nam, rồi đưa lên bản đồ.

Muốn biết tỷ lệ người nghèo ở mỗi tỉnh, chỉ việc rê con trỏ tới vị trí tỉnh đó. Đủ mọi chỉ số “cân đo” đúng theo chuẩn GSO-WB (Tổng cục Thống kê – Ngân hàng Thế giới). Cứ thế mà rê chuột. Với bản đồ này, chẳng cần đợi hay lục tìm báo cáo, cũng có thể thấy ngay rằng tỷ lệ người nghèo ở Lai Châu đang dẫn đầu với những 76%, Điện Biên và Hà Giang hạng nhì với 71%, Sơn La 64%, Kontum 48%, Gia Lai 43%… Tỉ mỉ hơn nữa, thì nhóm nghèo cùng cực ở Lai Châu là 53%, Điện Biên 48%… vân vân và vân vân. Giới thiệu vài chi tiết với bạn đọc “cho biết” đặng tùy nghi sử dụng, khai thác…

Nói theo ông Lý Quang Diệu trong quyển “Hard Truths To Keep Singapore Going”, làm bộ trưởng hay chức sắc cao cấp cũng giống như phi công trực thăng phải đủ nhanh nhạy để nhìn thấy được mọi chi tiết địa hình ngay trước mắt mà có phản ứng linh hoạt tức thời. Bộ bản đồ trực tuyến này đã “chước” cho các viên chức lớn nhỏ cái công việc theo dõi, quan sát, ghi nhận, đúc kết, chỉ cần ngó một cái là thấy tình hình liền, thậm chí có cả những gợi ý suy nghĩ cùng cả các số liệu cần thiết, tỷ như tỷ lệ dân số lao động chính trong nông nghiệp, tỷ lệ dân số lao động chính tự làm chủ và phi nông nghiệp… để từ đó thử đề ra quyết sách, tỉ như nếu nâng được số lao động chính tự làm chủ và phi nông nghiệp, liệu có thể bớt nghèo được không… Có thể nâng tỷ lệ học sinh đến trường được không? Chừng đó các chỉ số là những gợi ý xóa đói giảm nghèo cụ thể và câu trả lời có sẵn với từng cú nhấp chuột. Bộ bản đồ này trong thực tế là những “sự thực điếng lòng nhằm giúp Việt Nam tồn tại”.
Đập vào mắt và lương tri một cách xốn xang là màu đỏ biểu thị cái nghèo và nghèo cùng cực tập trung sát các tỉnh biên giới Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam! Cái màu đỏ của sự nghèo khó đó quá tương phản với màu nhạt còn lại của toàn quốc! Sao lại có những tỉnh mà tỷ lệ nghèo cao đến chóng mặt, trên 70%, 60%…! “Lợi hại” quá tấm bản đồ này, cái nghèo nó “rành rành” chứ không lẩn trong những câu chữ của các báo cáo tràng giang. Cái sự tương phản đỏ, hồng… này không chỉ nằm trong lằn ranh địa giới hành chính mà còn cắm sâu trong địa lý nhân văn. Những dân tộc anh em nào đang sống trong những vùng tô màu đỏ đó? Vẫn biết đã có những ban chỉ đạo… này,… nọ, đã có những chính sách phát triển cho các dân tộc anh em, trong danh mục các dự án ODA do WB hay các tổ chức quốc tế tài trợ cũng có không ít dự án cho các tỉnh này, song kết quả sao lại là cả một dải màu đỏ tập trung ở ba “Tây”… như thế? Ta đã đầu tư gì và như thế nào cho các tỉnh “màu đỏ” ấy? Có nhà máy lớn nhỏ nào để gọi là công nghiệp hóa các tỉnh đó, những tỉnh rất vang vọng lịch sử? Bói mãi cũng không thấy một công trình công nghiệp đáng kể nào, ngoại trừ hết tượng đài này đến tượng đài khác. Càng “đứt ruột” khi so sánh với những tỉnh đang được “bơm” cho những dự án hàng chục ngàn tỉ cho những mục tiêu trên trời…

Cầu sao cho ngày càng có nhiều người ngó đến bộ bản đồ này để luôn nhớ rằng còn quá nhiều vùng màu đỏ, để có thể hy vọng tẩy bớt màu đỏ đi.

(1) http://www.worldbank.org/mapvietnam/?cid=EAP_VietnameNLVI_P_EXT

D.Đ.
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/127787/Cau-sao-ban-do-it-mau-do.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: