|
Con đường đi tới nền kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại. Ảnh Uyên Viễn |
(TBKTSG Online) Con đường đi của Việt Nam hướng đến nền kinh tế thị trường đang gặp rất nhiều trở ngại do những rào cản nội tại trong nền kinh tế.
Các nhà kinh tế đã chia sẻ quan điểm như vậy tại hội thảo xem xét báo cáo mang tên “Phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam” do các nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), và Viện Friedrich-Naumann Việt Nam tổ chức ngày 27/11 tại Hà Nội.
Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành cho biết, về chỉ số tự do kinh tế, theo báo cáo của Quỹ Di sản năm 2014, Việt Nam được 50,8 điểm, xếp thứ 147 về mức độ tự do kinh tế. Số điểm này giảm so với năm 2013, phản ánh sự đi xuống của tự do kinh tế do các vấn đề tham nhũng, tự do tiền tệ và tự do kinh doanh. Việt Nam đứng vị trí 33 trong 42 nước châu Á – Thái Bình Dương và điểm số này thấp hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.
Cũng theo Quỹ Di sản, trong giai đoạn 1997-2006, Việt Nam có sự gia tăng đều đặn về mức độ tự do kinh tế. Tuy nhiên, từ năm 2007-2014 chỉ số này vẫn loanh quanh ở mức 50 điểm, thậm chí từ năm 2011 chỉ số này có dấu hiệu đi xuống.
“Việt Nam những năm qua đã nỗ lực vận động thế giới công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường bằng con đường ngoại giao và chính trị. Nhóm nghiên cứu chúng tôi muốn có một nghiên cứu đánh giá để cho thế giới thấy Việt Nam đã phát triển kinh tế thị trường ở mức độ nào”, ông Thành nói khi giới thiệu về báo cáo.
Theo ông Thành, đang có hàng loạt các yếu tố đi ngược với các yếu tố của thị trường như tình trạng bội chi và nợ công lớn gia tăng, các ngân hàng thương mại nhà nước bành trướng, chi tiêu ngân sách quá lớn, bộ máy quá cồng kềnh.
“Về hệ thống pháp trị thì Việt Nam đang cách quá xa so với các nước lân cận như Singapore, mức độ kiểm soát tham nhũng kém”, ông nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn đặt câu hỏi: “Rút cục kinh tế thị trường Việt Nam là gì, hiện nay kinh tế thị trường Việt Nam đang ở đâu trong quá trình phát triển kinh tế thị trường?”.
Bà đặt câu hỏi: “Liệu đến cuối thế kỷ này có kinh tế thị trường hay chưa?”
Bà Lan nhận xét, hệ thống luật pháp của Việt Nam tương đối đầy đủ, nhưng việc thực hiện rất kém. Bà nói: “Các điều tra cho thấy, doanh nghiệp nhận xét hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường ở Việt Nam còn rất nhiều vấn đề.
Ông Huỳnh Thế Du (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) nhận xét việc gia nhập kinh tế quốc tế với hy vọng tạo áp lực cải cách bên trong, như nhiều người mong muốn, hóa ra lại có tác dụng ngược.
“Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gặp bế tắc, người điều hành doanh nghiệp nhà nước dường như có quyền to hơn, các ngân hàng thương mại nhà nước đang khuynh đảo,” ông Du nói.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu nhận xét, pháp luật về công bằng và bảo vệ tài sản, nền tảng cho sự phát triển kinh tế thị trường, chưa được thiết lập một cách vững chắc. Bên cạnh đó, nhà nước vẫn còn nhiều chính sách can thiệp vào các thị trường đất đai, lao động, vốn, và trực tiếp làm méo mó phân bổ nguồn lực của xã hội.
Báo cáo gợi ý, để tiếp tục phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, việc quan trọng nhất của Việt Nam là nâng cao tính độc lập của tư pháp, không để các lợi ích nhóm can thiệp vào quá trình phân định kinh tế, tăng cường tính dân chủ, nâng cao tiếng nói của doanh nghiệp, người dân trong các hoạt động xây dựng luật của Chính phủ.
Ngoài ra, Chính phủ cần bảo vệ tốt quyền tài sản hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, ngoài các tài sản hữu hình như cơ sở vật chất, tài sản tư, còn cần tập trung bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thêm vào đó, Nhà nước cần có chính sách quản lý đất đai một cách hợp lý, tạo nên một thị trường đất đai minh bạch.
Chính phủ cần tăng cường kỷ luật ngân sách, thu hẹp bộ máy hành chính nhằm cắt giảm chi thường xuyên, cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động đầu tư công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét