Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Cầu đồng tồn dị và Mộng tưởng


Posted on Tháng Tư 13, 2015  
Mới đây bác Trương Đình Tuyển, một kiện tướng (champion) thời kỳ hội nhập ngày xửa ngày xưa, nay đã ở bên kia sườn núi, viết một bài có tên “Kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng XHCN là gì?”.
Đọc xong bài này, thấy câu hỏi này quả thực rất khó, vì câu trả lời của bác Tuyển rất mù mờ.
Nếu ta không hiểu, liệu một vĩ nhân cựu trào, ví dụ Marx, có hiểu không?
Giả sử Marx sống lại ở thời điểm này. Dẫn ông ấy tới Hoa Kỳ, chứng kiến những nỗ lực chính quyền Obama đang cố gắng, chắc chắn Marx sẽ bảo Hoa Kỳ là nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Thậm chí là một nước XHCN hơi khùng khùng, không chỉ lo cho dân nước mình mà còn đi lo cả cho dân nước khác.
Dẫn ông ấy tới một nước XHCN đích thực, ví dụ Bắc Hàn, rồi người hướng dẫn viên du lịch bảo với ông ấy đấy là một nước XHCN. Chắc chắn Marx sẽ bảo người hướng dẫn viên bị khùng, còn lãnh đạo Bắc Hàn là một thằng điên.
Giả sử Marx sống lại sớm hơn, thời Stalin và Mao đang phong độ, bảo với Marx rằng hai vị kia là kiện tướng của phong trào vô sản thế giới. Chắc chắn Marx sẽ nói: Xin lỗi vô sản toàn thế giới, tôi là thằng điên.
Chém phát cho vui từ bác Tuyển đến bác Mao, chỉ để thấy rằng Xã hội chủ nghĩa là một cái gì đó rất khó nói hehehehe. Tới khi nào khoa học giải thích được rành mạch cơ chế làm nên cực khoái ở con người, thì lúc đó chúng ta mới hiểu thế nào là xã hội chủ nghĩa.  
Ông Lý Quang Diệu qua đời, thiên hạ khen quá trời, nhưng có vẻ như không ai nói đến tư duy kiến-quốc của ông Lý. Mặc dù mù tịt về đảo quốc này, nhưng tranh thủ phán bừa: ông Lý tư duy khá đơn giản, xây dựng một nhà nước quốc dân (nation-state) để kiến thiết một không gian sống mà trong đó các kiểu lợi ích nhóm (cánh hẩu, bang hội, đồng hương, đồng ngành, cùng gia tộc, cùng sắc tộc, …tức là những nhóm lợi ích hình thành tự nhiên không thể nào tránh được) tha hồ liên kết ma quỷ với nhau nhưng cùng bị kiềm chế bởi tinh thần công dân. Tức là mọi người dân, dù ở nhóm lợi ích nào, hoặc không được vào nhóm lợi ích nào, cũng đặt tinh thần công dân, phụng sự nhà nước quốc dân lên trên lợi ích nhóm của mình. Nhà nước quốc dân này tất nhiên phải có một không gian sống (lãnh thổ) rõ ràng được xây dựng và tiếp nối đời đời nhờ các quyền sở hữu tài sản (property rights).  Cái này, nghe phảng phất kiến thức kinh tế vi mô, nhưng ác thay lại là lập luận của một nhà tư tưởng …Marxist hehehe người Pháp tên là Henri Lefebvre (thấy bảo viết trong The Production of Space).

Nói thì dễ làm mới khó, ông Lý hay hơn các ông khác, là ông ấy làm phát được luôn, và làm bằng một cách rất đúng theo châm ngôn của Tàu: “Cầu Đồng Tồn Dị”. Tức là tìm đến cái chung nhưng vẫn giữ được cái riêng. Quốc gia là cái chung, lợi ích nhóm (dù là giới meritocracy, giới elite nhập cư, hay dân lao động bản xứ cũng đa sắc tộc) là cái riêng. Và ông ấy làm bằng tinh thần đàn ông rất “chung” ở Châu Á: gia trưởng và áp đặt vãi chưởng. Mình ông ấy làm tổng thư ký đảng cầm quyền “Hành động nhân dân”, làm nghị sĩ và …làm luôn thủ tướng suốt mấy chục năm. Rất là buồn cười nếu nhìn theo kiểu dân chủ phương tây, là một thứ dân chủ rặt Hy La có sẵn trong máu người phương tây suốt cả nghìn năm.
Dù làm theo châm ngôn Tàu, hehe, chém phát nhưng chắc là đúng,  Ông Lý “cầu đồng” những giá trị của phương tây thay vì giá trị Tàu. (Ông này đến năm 32 tuổi mới học tiếng Tàu, trước đó nói tiếng Anh, học trường Anh).
Người tây họ có sẵn trong gene nhiều thứ, mà muốn “cầu đồng”với họ thì buộc phải có biện pháp sắt đá. Ví dụ như nhờ tôn giáo mà họ chăm chỉ lao động và lương thiện. Nhờ dân chủ mà trí thức của họ đề cao học thuật. Khác với “cầu đồng” với Tàu, là cái Việt Nam làm rất giỏi mấy trăm năm qua, làm quan phát là lười nhác bụng phệ nằm võng có lính khiêng, rồi nhận quà biếu xén suốt ngày mà không thấy có vấn đề gì về đạo đức. Đi học rồi đi thi, viết cái gì phạm húy là vãi cứt ra quần, lấy đâu ra mà tự do học thuật.
Phần làm quan chắc Singapore nhờ ông Lý mà chuẩn như tây, còn phần tự do học thuật thì chắc vẫn còn cách xa một quãng.
Và bây giờ là Mộng Tưởng!
Hôm trước đã kể chuyện nghe nhạc trên đài truyền thanh. Hôm nay kể tiếp.
Hồi đó đài hay phát một bản nhạc rất quyến rũ, bất chấp chất lượng âm thanh dưới mức tầm thường của loa truyền thanh cấp huyện thị.
Bản nhạc này do một nghệ sĩ xen-lô chơi, không nhớ tên nghệ sĩ, nhưng nhớ tên nhạc sĩ là Su-Man, còn bản nhạc có tên là Mộng Tưởng.
Nhờ có internet, sau này biết nhạc sĩ ấy là Schumann, người Đức. Bản nhạc là Träumerei.
Người Liên Xô kỷ niệm chiến thắng Phát Xít Đức vào ngày 9 tháng 5. Phe đồng minh kỷ niệm sớm hơn một ngày, là ngày 8 tháng 5. Lý do đơn giản là múi giờ. Khi Đức đầu hàng thì ở Moscow đã là sáng ngày mùng 9. (Với người Nhật, kẻ thua cuộc, họ cũng kỷ niệm như ngày kết thúc chiến tranh, chung chiến kỷ niệm nhật Shūsen-kinenbi, vào ngày 2-9-1945).
Sáng mùng 8 tháng 5 năm 1945 thì chiến tranh coi như đã kết thúc. Radio ở Moscow phát một bản nhạc tưởng niệm những người đã chết trong chiến tranh. Chính là Mộng Tưởng. Quân đội xô viết cũng sử dụng bản nhạc này trong các lễ tưởng niệm. Thậm chí có tin đồn bản nhạc này được chơi ở đám ma Stalin.
Năm 1986, Horowitz lần đầu trở lại Liên Xô sau rất nhiều năm. Lúc này ông đã già lắm. Khán giả đến xem Horowitz hầu hết là lớn tuổi và chắc cũng phải là giới thượng lưu mới kiếm được vé đi xem buổi hòa nhạc vừa nghệ thuật vừa chính trị ở giai đoạn cuối của chiến tranh lạnh. Lên youtube xem Horowitz biểu diễn Mộng Tưởng ở Moscow, sẽ thấy khán giả mắt ai cũng ướt.
Có ai còn nhớ ngày 30.4.1975 ở Hà Nội đài tiếng nói Việt Nam phát bản nhạc gì? Một bài hát hào hùng ngợi ca chiến thắng?


Nguồn: 5xublog
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: