(GDVN) - Bắc Kinh đang tỏ ra rất "rắn" trong đàm phán, tìm mọi cách khai thác, tận dụng các điểm yếu có thể của Nga
Trung Quốc vẫn là mối uy hiếp khiến Putin lo sợ nhưng không dám nói ra? |
Tờ The Moscow Times ngày 17/12 bình luận, do mối quan hệ giữa Moscow với phương Tây tiếp tục xấu đi, Nga đã phải tham gia vào chiến lược công khai chuyển trục sang châu Á, trọng tâm là làm sâu sắc mối quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên ngoài những lời nói xuông, liệu lợi ích chung của 2 nước có đủ khiến Moscow và Bắc Kinh trở thành một liên minh?
Nga và Trung Quốc chia sẻ một số lợi ích quan trọng, bắt đầu từ lĩnh vực năng lượng. Sau gần một thập kỷ đàm phán, trong chuyến công du Bắc Kinh hồi tháng 5, Tổng thống Vladimir Putin đã ký hiệp định cung cấp 38 tỉ mét khối khí cho Trung Quốc mỗi năm trong thời gian 30 năm, tổng trị giá 400 tỉ USD. Lượng khí đốt này sẽ được vận chuyển từ miền Đông Siberia xa xôi thông qua một đường ống 4000 km còn đang nằm trên kế hoạch.
Ngoài các tuyến đường ống phía Đông này, Putin gần đây còn khẳng định rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành cho một tuyến đường ống khác ở phía Tây có thể vận chuyển khí đốt từ Altai đến miền Tây Bắc Trung Quốc.
Ngoài ra, hợp tác quân sự cũng là lĩnh vực phát triển nhanh chóng của quan hệ Nga - Trung. Đầu năm nay, Nga và Trung Quốc tiến hành tập trận chung trên biển Hoa Đông. Theo hãng tin Nga TASS, hai bên sẽ tổ chức thêm 2 cuộc tập trận chung trong năm tới, một ở Thái Bình Dương, một ở Địa Trung Hải.
Từ lâu Nga đã bán nhiều vũ khí tiên tiến của mình cho Trung Quốc. Kể từ những năm 1990 và đầu những năm 2000, Trung Quốc trở thành một khách hàng chính của công nghiệp vũ khí Nga. Sau một khoảng thời gian gián đoạn, 2 nước đang thảo luận về các dự án mua bán vũ khí mới, lần này là các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Cuối cùng, Nga và Trung Quốc chia sẻ quan điểm tương tự nhau trên hầu hết các vấn đề quốc tế. Cả hai chia sẻ một mục tiêu địa chính trị về một thế giới đa cực, trái ngược với sự thống trị của Hoa Kỳ. Nhìn từ Moscow, việc mở rộng của NATO và sự can thiệp của phương Tây vào Ukraine đại diện cho chiến lược Mỹ bao vây Nga.
Tương tự như vậy, chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Obama bị Bắc Kinh than vãn là cái cớ để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành sức mạnh hàng đầu châu Á.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Quan sát trục quan hệ Nga - Trung, một số nhà phân tích phương Tây đã đi quá đà khi suy đoán rằng Moscow và bắc Kinh có khả năng hình thành một khối "NATO Âu - Á" thống trị các vùng đất rộng lớn và đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ. Tuy nhiên khi xem xét trên thực tế, Nga và Trung Quốc vừa có nhu cầu kết hợp các lợi ích khu vực, nhưng cũng vừa nghi ngờ lẫn nhau.
Nga có một mối lo ngại không dám nói ra chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vấn đề quan trọng hạn chế hình thành một liên minh thực sự giữa Nga và Trung Quốc là sự mất cân bằng quyền lực giữa 2 nước. Trong khi xuất phát điểm kinh tế của 2 nước thời điểm Liên Xô tan rã khá giống nhau, thì ngày nay kích thước nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 5 lần Nga và đang phát triển nhanh chóng.
Những năm 1950 Liên Xô chiếm ưu thế hơn hẳn trong quan hệ với Trung Quốc, ngày nay rõ ràng ngược lại. Stephen Blank, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ bình luận: Mỗi liên minh có một con ngựa và một người lái. Trong trường hợp Nga - Trung thì Moscow là con ngựa.
Ngay cả với hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỉ USD được xem là thành công của Putin, trong khi người Nga giải thích rằng 25 tỉ USD là số tiền Trung Quốc phải thanh toán trước khi khí đốt được chuyển giao, cho đến nay người Trung Quốc vẫn cố hiểu rằng nó là một khoản vay có lãi suất. Điều này có nghĩa còn rất lâu Nga mới lấy được tiền của Trung Quốc.
Còn cái gọi là đường ống phía Tây cho tới thời điểm này vẫn chì là "sương khói" trên bàn đàm phán của một nhóm chuyên viên Gazprom và CNPC của Trung Quốc. Blank lưu ý, mặc dù là đối tác kinh tế chiến lược, tiền Trung Quốc không rót cho Nga vào thời điểm này. Bắc Kinh đang tỏ ra rất "rắn" trong đàm phán, tìm mọi cách khai thác, tận dụng các điểm yếu có thể của Nga.
Hơn nữa nhiều người Nga lo ngại rằng Trung Quốc thực sự xem họ không khác gì một nhà cung cấp nhiên liệu, trong khi mối uy hiếp quân sự từ Trung Quốc đối với vùng Viễn Đông của Nga vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong tương lai. Nhà phân tích Dmitry Trenin từ Viện Carnegie Moscow cho biết, các nhà hoạch định chiến lược Nga tin rằng Trung Quốc đang tích tụ quân sự về hướng Hoa Đông và Biển Đông, nhưng Nga không nên quên tham vọng của Trung Quốc có thể chuyển hướng về phía Bắc bất cứ lúc nào.
Putin tìm kiếm hợp tác với các quốc gia châu Á khác để tự bảo hiểm rủi ro cho mình khi chơi với Trung Quốc. |
Các cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Nga cho đến nay với khoảng 160 ngàn quân, 5 ngàn xe tăng và một số tàu chiến, máy bay hầu hết diễn ra ở Viễn Đông, gần biên giới với Trung Quốc. Động thái này cho thấy Moscow muốn ngăn chặn mối hiểm họa tiềm ẩn từ Trung Quốc.
The Moscow Times cho rằng, nhận thức được "mối uy hiếp từ Trung Quốc", Nga đã tự bảo hiểm rủi ro bằng cách tăng cường quan hệ với các nước châu Á khác, nhiều nước trong đó có tranh chấp với bắc Kinh. Chuyến thăm Ấn Độ của Putin vần đây là một dấu hiệu cho thấy điều đó. Hai nước đã ký hợp đồng phát triển các loại vũ khí mới, Nga sẽ giúp Ấn Độ xây dựng 10 nhà máy điện hạt nhân.
Nga cũng muốn phát triển mối quan hệ với Việt Nam, quốc gia đã bị Trung Quốc cầm quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc năm 1979 gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu. Putin đã khẳng định cam kết lâu đời của Nga với Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 11.
Tóm lại, mặc dù Putin hoan nghênh Trung Quốc thể hiện sức mạnh thách thức Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc vẫn là nỗi sợ tiềm ẩn của Putin, mối đe dọa mà Moscow không dám nói ra. Kremlin không sẵn sàng chấp nhận mối quan hệ với Trung Quốc mà trong đó Trung Nam Hải sẽ chi phối mình, việc hình thành liên minh Nga -Trung là vô cùng khó.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét