Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Thương binh bị cắt chế độ vì không bàn giao mặt bằng

Ông Nguyễn Phú Thơm (49 tuổi, trú thôn Kim Thọ, xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho biết, năm 1989, ông rời chiến trường Campuchia trở về trong tình trạng mình đầy thương tích: chân trái bị cụt gần tới bẹn, đùi chân phải bị bom đạn róc mất nhiều thớ thịt, vùng đầu và sườn phải mang nhiều thương tích.

Thương binh bị cắt chế độ vì không bàn giao mặt bằng
Ông Nguyễn Phú Thơm nói việc gia đình ông bị cắt tiền chế độ thương binh vì chưa bàn giao mặt bằng là rất vô lý. 
Ảnh: Nguyên Dũng
Tháng 12.1989, ông được công nhận là thương binh loại A, mất sức 91%. Từ đó cho đến tháng 5.2013, ông Thơm và vợ được cơ quan chức năng chi trả tiền trợ cấp hàng tháng dành cho người có công. “Năm 2013, tổng số tiền trợ cấp mà vợ chồng tui nhận được là 5,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên từ tháng 6 đến nay, cơ quan chức năng bỗng dưng cắt tiền chế độ thương binh và cắt luôn tiền trợ cấp chăm sóc thương binh của tui”, ông Thơm nghẹn ngào nói.
Bà Nguyễn Thị Xanh, vợ ông Thơm cho biết từ tháng 6 đến nay, tháng nào bà cũng lặn lội đi 3 - 4 lần lên bộ phận chi trả chế độ của UBND xã Hương Quang và Phòng LĐ-TB-XH huyện Vũ Quang để yêu cầu được nhận tiền trợ cấp theo quy định, nhưng đều bị từ chối.
“Tui hỏi tại sao lại cắt chế độ của vợ chồng tui thì họ trả lời là do cấp trên chỉ đạo. Họ nói nguyên nhân là do gia đình tôi không bàn giao đất đai, nhà cửa và chuyển đến nơi ở mới theo chủ trương di dời khỏi khu vực lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang nên bị UBND tỉnh và Sở LĐ-TB-XH yêu cầu dừng chi trả chế độ”, bà Xanh phản ánh.
Vợ chồng bà Xanh cũng cho biết lý do mà vợ chồng bà chưa bàn giao nơi ở cũ để di chuyển đến khu tái định cư là vì chưa được đền bù thỏa đáng, gây thiệt hại cho gia đình bà gần 400 triệu đồng. Tại xóm này hiện còn nhiều gia đình vẫn bám trụ chưa di dời vì chưa đồng tình với giá bồi thường của tỉnh và cơ sở hạ tầng ở khu tái định cư còn dở dang. “6 tháng qua không được nhận tiền chế độ thương binh nên gia đình chúng tôi rất khó khăn vì nguồn sống chủ yếu chỉ dựa vào trợ cấp”, bà Xanh lo lắng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Viết Vỹ, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Vũ Quang lý giải, việc cơ quan này tạm dừng chi trả chế độ cho ông Thơm là làm theo chỉ đạo trong Thông báo số 127 ngày 23.4 của UBND tỉnh Hà Tĩnh và công văn số 372 ngày 8.5 của Sở LĐ-TB-XH.
Chính ông Võ Xuân Linh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh, cũng thừa nhận chỉ đạo trên của Sở tới Phòng LĐ-TB-XH H.Vũ Quang. Theo ông Linh, việc Sở ra quyết định trên là vì cơ quan này đã họp bàn kỹ lưỡng và căn cứ vào thông báo chỉ đạo số 127 của UBND tỉnh. “Tuy nhiên, vụ việc ông Thơm 6 tháng qua không được nhận trợ cấp chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và thông tin đến báo chí sau”, ông Linh hứa.
Trao đổi với Thanh Niên về vụ việc trên, ông Đào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) rất ngạc nhiên về quyết định dừng chi trả chế độ cho thương binh của UBDN xã Hương Quang. Theo ông Lợi, không có quy định nào tạm dừng trợ cấp của người có công, trừ trường hợp người đó vi phạm pháp luật thành án. “Có nhiều cách để xử lý, cớ gì địa phương lại cắt của người ta, nhất là đối với thương binh nặng mất khả năng lao động, nguồn sống đều trông chờ vào khoản trợ cấp hàng tháng. Nếu vì lý do đền bù không thỏa đáng, người ta chưa di dời, địa phương phải vận động, phân tích cho người dân hiểu; đồng thời cũng cần xem xét lại mức đền bù thỏa đáng hay chưa... Người ta vi phạm thì có pháp luật xử lý, dừng trợ cấp của người có công, vô hình trung chính quyền lại trở thành vi phạm pháp luật”, ông Lợi bày tỏ.
Theo ông Lợi, với trường hợp này, ông Nguyễn Phú Thơm, cần có đơn lên cấp tỉnh đề nghị giải quyết.
T.Hằng (ghi)

Nguyên Dũng


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: