Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Thị trường văn nghệ cũng có … lợi ích nhóm?

NGUYỄN THANH BÌNH


Layout 1

Tác giả Lại Nguyên Ân được biết đến với tư cách là một nhà nghiên cứu phê  bình văn học cẩn trọng, sắc sảo. Với các sự kiện lớn của văn học nước nhà, hoặc  khi xuất hiện một tác phẩm văn học tạo ra những dư luận trái chiều, ông đều đưa  ra những kiến giải độc lập, sâu sắc. Xoay quanh chuyện làm gì để văn học Việt  Nam có tác phẩm đỉnh cao, trao đổi với ĐĐK, ông đã cho thấy một cái nhìn bao  quát, khách quan. Cùng đó, ông cũng đề cập đến ảnh hưởng của lợi ích nhóm trong đời sống văn nghệ thời gian qua.
Mỗi lần gặp nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, tôi vẫn thầm ngạc nhiên về sức làm việc, di chuyển của ông. Dù sắp bước vào tuổi 70 nhưng ông bền bỉ bám  sát đời sống văn nghệ nước nhà, nhất là văn học. Trái với những lo lắng về một  nền văn nghệ thiếu những tác phẩm đỉnh cao, vừa được đặt ra tại hội thảo khoa  học toàn quốc “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao” do Hội đồng lý luận VHNT Trung ương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, nhà  nghiên cứu Lại Nguyên Ân có cái nhìn khá lạc quan.
Chúng ta vẫn có tác phẩm đỉnh cao!
PV: Là một nhà nghiên cứu văn học lâu năm, ông quan niệm thế nào là một “tác  phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao”?
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân: Thông thường, người ta chỉ có  khái niệm tác phẩm có giá trị; mức độ giá trị có thể là xuất sắc, có thể là kiệt  tác; ở kiệt tác có tất cả, tư tưởng cao, nghệ thuật cao. Còn khái niệm “tác phẩm  có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao” là khái niệm mang tính song đề, tự phía  chủ quan những người đề ra khái niệm ấy có thể đã và sẽ phải tự cãi vã bất phân  thắng bại giữa hai thuộc tính “giá trị tư tưởng” và “giá trị nghệ thuật”.
Theo tôi, ở những xã hội khôn ngoan người ta có những lối đo đạc khá tinh  ranh chấp nhận độ “tương đối” rất rộng về giá trị đối với các tác phẩm từ lúc  mới xuất hiện đến về sau. Người ta có thể chấp nhận nhiều phép thử, nhiều kiểu  vinh danh đối với các tác phẩm ấy như các giải thưởng khác nhau của những tổ chức khác nhau, từ những giám khảo quần chúng đến những giám khảo chuyên gia;  lại thêm những thước đo như số lần và số bản in, số bản dịch, số ngôn ngữ được  dịch, phạm vi ảnh hưởng… Rồi qua thời gian tính bằng trăm năm, những tên tuổi  lớn, tác phẩm lớn sẽ lộ ra dần dần nhưng ngay khi đã lộ rõ phẩm chất của kiệt  tác, nó có thể vẫn bị những bộ phận công chúng hay chuyên gia nhất định chê bôi,  cho là thiếu toàn bích… Như bộ truyện “Đi tìm thời gian đã mất” của văn hào Pháp  Marcel Proust là trường hợp mới đây được nhắc đến nhân 100 năm từ lúc xuất bản  tập sách đầu tiên (1913), chẳng hạn.
Cách làm “tương đối” nói trên rất khác với những lối làm in rõ dấu ấn duy ý  chí, lấy thước đo của những giới hẹp trong thời gian ngắn nào đó để xác quyết  tác phẩm thế này, thế kia là “có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao”; kết quả của lối làm này chỉ xác nhận tầm hữu hạn nhất thời của những thị hiếu, những  thiện cảm, những định kiến chứ không tiên lượng được sức sống của tác phẩm trong  chiều dài lịch sử của nhiều không gian sống, nhiều đời người.
Cách đánh giá, nhìn nhận nào cũng có những phiến diện nhất định. Vậy theo  ông, nền văn học nghệ thuật của chúng ta hiện nay có thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao?
- Có và không! Bởi tác phẩm đỉnh cao (xuất sắc, kiệt tác) là kết quả lựa  chọn, lắng đọng của thời gian hàng trăm năm chứ không phải kết quả sự bầu chọn  ngay tức khắc. Ta chưa thể biết trong vô số tác phẩm văn nghệ xuất hiện trong  vòng dăm chục năm nay của các tác giả Việt Nam có hay không có những kiệt  tác.
Ta đang sống ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, ai nấy đều thấy rõ chỉ trong  vòng vài chục năm trở lại đây, chúng ta mới xác nhận được một vài kiệt tác văn  học người Việt thế kỷ XX, ví dụ về văn xuôi thể truyện, là “Số đỏ” (1936, truyện  dài của Vũ Trọng Phụng) và “Chí Phèo” (1941, truyện ngắn của Nam Cao). Vậy là từ sau khi các tác phẩm này xuất hiện, phải mất chừng 50 – 60 năm, giá trị đỉnh cao  của chúng mới được xác nhận.
Phải chăng ông đang muốn chứng minh, ngày nay chúng ta cũng có những tác phẩm  xuất sắc?
- Đúng vậy. Làm sao ta có thể nhận định về tầm giá trị những tác phẩm xuất  hiện gần ta hơn? Năm 1990, xuất hiện tiểu thuyết “Thân phận tình yêu” (tức Nỗi  buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, ngay sau đó giá trị của tác phẩm này được xác  nhận bằng giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam. Thế nhưng cũng chỉ sau đó ít lâu, cuốn truyện này trở thành đề tài phê phán của nhiều tờ báo quyền  uy đến nỗi một số thành viên từng bỏ phiếu trao giải cho nó cũng quay ra mạt sát  giá trị của nó. Và từ đó nó hầu như bị cấm tái bản (tất nhiên là ngấm ngầm).  Nhưng rồi cuốn truyện được dịch và in ở nhiều nước Âu, Mỹ, được dư luận nước  ngoài khen ngợi. Trong “thế giới phẳng” này, tiếng khen ấy rồi cũng lọt lên báo  chí trong nước, từ chỗ khẽ khàng đến chỗ công nhiên. Đến năm 2005, sách lại được  in trong nước, và từ đó được tái bản không ít lần. Đây có phải một kiệt tác  không? Rõ ràng đây là tác phẩm xuất sắc, xuất chúng, nhưng có là kiệt tác không  thì còn phải chờ thời gian.
Những “lợi ích nhóm” là rào cản cho sự phát triển nghệ thuật, cho  sáng tạo văn nghệ
Cũng có ý kiến cho rằng, một nguyên nhân khá quan trọng dẫn đến chỗ chúng ta  thiếu vắng tác phẩm hay, đó chính là vai trò của các nhà phê bình. Ông nhận định  gì về vấn đề này?
- Nếu chưa thể xác quyết trong văn nghệ (hoặc hẹp hơn: văn học) của ta vài ba  chục năm gần đây có hay không có những tác phẩm đỉnh cao, thì về nguyên tắc,  càng chưa thể bàn đến nguyên nhân. Song ở đây, nhân câu hỏi này cũng có thể bàn đến sự ảnh hưởng thuận lợi hay không đến sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, từ phía  hoạt động phê bình và từ phía chế độ đãi ngộ.
Theo tôi, trong đời sống gần đây hoạt động phê bình trên báo chí vừa có phần đáng ngại, lại vừa có chỗ khả thủ. Điều khả thủ là ở khu vực hẹp của giới phê  bình nghiên cứu “hàn lâm”, ở đó những nền nếp ít nhiều bài bản đang được xác lập  trở lại; nét đáng khích lệ nhất là khu vực này đang gắng tiếp cận các chuẩn thế giới, nhưng tiếc là chính nó lại ít tác động được đến đời sống văn nghệ trong  nước.
Ít tác động được, thưa ông, phải chăng vì các nhà phê bình ngại va chạm,  thiếu sự dấn thân? Hay nói một cách khác, khi các nhà phê bình cũng phục vụ cho  các “nhóm lợi ích” thì nền văn nghệ khó mà phát triển?
- Đúng vậy. Điều đáng ngại chính là ở khu vực phê bình văn nghệ trên báo chí, ở đó những bài điểm tác phẩm, điểm vở diễn, giới thiệu nghệ sĩ… đang xoay theo  phục vụ các nhóm lợi ích lớn hoặc nhỏ thay vì phải xét đoán khách quan, nhân  danh các chuẩn mực cao nhất về giá trị. Xu thế này khiến phê bình đánh mất sự tin cậy của công chúng. Nhưng tình trạng này lại chỉ nên xem là kết quả sự lan  tràn tình trạng bất công, bất bình đẳng đang xảy ra ở xã hội ta sau một quá  trình phát triển kinh tế – xã hội, khi nhiều loại “luật rừng” đã trở lại trong  sự cạnh tranh; từ lợi ích kinh tế những cạnh tranh không lành mạnh cũng đang chi  phối sự phát triển ở không ít loại hình văn nghệ.
Ở trên ông cũng vừa nhắc đến chuyện đãi ngộ văn nghệ sĩ. Một số ý kiến cũng  cho rằng đó là nguyên nhân dẫn đến việc chưa có tác phẩm hay?
- Chế độ đãi ngộ cũng đang rất có vấn đề khi mà mặt bằng để định giá thù lao,  nhuận bút đã khá lạc hậu so với thực tế. Trong khi đó, những quy phạm pháp luật để quản lý các loại hình hoạt động văn nghệ (như xung quanh việc bảo vệ tác  quyền) và bộ máy thực thi còn quá nhiều khiếm khuyết, lạc hậu. Chúng ta duy trì  quá lâu các hệ thống hội đoàn văn nghệ có từ thời bao cấp, vốn nặng tính hành  chính, không khuyến khích sự sáng tạo và người sáng tạo; cho đến nay, những ảnh  hưởng tiêu cực của hệ thống hội đoàn bao cấp mang nặng tính chất nhà nước hóa và  tính độc quyền, thậm chí vẫn còn chưa được nhận rõ để vượt qua. Sau những năm  dài bao cấp, một thị trường nghệ thuật chỉ mới vừa hình thành ở một vài ngành,  trong từng công đoạn lại bị méo mó do những ảnh hưởng kiểu nhóm lợi ích, đan  chéo với những hệ lụy bao cấp chưa được khắc phục. Theo tôi, đó là những rào cản  cho sự phát triển nghệ thuật, cho sáng tạo văn nghệ hiện nay.
Chúng ta không thiếu tài năng
1_thitruongvannghe3
Phải chăng chúng ta thiếu vắng tài năng, thưa ông? Hay chúng ta thiếu cơ chế  đầu tư phát triển và giữ chân tài năng?
- Tôi không nghĩ là chúng ta thiếu tài năng. Tôi nghiệm ra rằng, các thế hệ người Việt, thế hệ nào cũng sẽ làm nên thành tựu của mình. Tất nhiên mức độ đóng  góp của mỗi thế hệ vào sự phát triển từng lĩnh vực văn hóa xã hội của đất nước  là khác nhau. Thế hệ ra đời cách nay chừng 100 năm, do tiếp nhận một thay đổi  căn bản về hệ hình văn hóa đã làm nên một thời đại mới trong văn học Việt Nam,  với thơ mới, kịch nói, văn tiểu thuyết và văn bình luận, đưa văn nghệ Việt Nam  vào thời hiện đại.
Cũng có thế hệ chịu thiệt thòi như thế hệ tôi, ra đời cách nay trên 60 năm,  chịu những hạn chế lớn trong việc tiếp cận các nguồn tri thức xã hội nhân văn  nên sự đóng góp rõ ràng là bị hạn chế, tuy cũng có những đại diện của mình trong  sáng tạo văn nghệ. Các thế hệ ra đời trong vòng vài ba chục năm nay, họ đã có điều kiện mở rộng tầm hiểu biết, sự tiếp xúc rộng hơn hẳn. Tôi không tin là sức  sáng tạo của họ không dồi dào.
Còn về sự đầu tư, tôi nghĩ cũng có vấn đề liên quan đến hệ thống hội đoàn văn  nghệ mang nặng tính chất nhà nước hóa và tính độc quyền kể trên. Trong khi đó,  sự đầu tư lớn nhất, đáng mong muốn nhất, theo tôi là ở việc tạo ra môi trường xã  hội cho tự do sáng tác.
Không bi quan vào sáng tác
Trong một lần trò chuyện với Đại Đoàn Kết, GS Phong Lê có nói đại ý rằng, ông  không nhìn thấy “tín hiệu” gì nữa từ những nhà văn đương thời. Cõ lẽ phải chờ mươi, thậm chí vài chục năm nữa may ra mới có được một “thế hệ vàng” như đã từng  có. Còn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì có bi quan như vậy không?
- Tôi không bi quan về thế hệ đang bước vào tuổi sáng tác sung sức. Hãy tin  rằng, những tác phẩm kém cỏi sẽ nhanh chóng bị thời gian loại bỏ, còn những tác  phẩm có giá trị sẽ luôn luôn có khả năng ở lại với xã hội con người.
Trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN THANH BÌNH
THEO ĐẠI ĐOÀN KẾT

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: