Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Thả Khodorkovski : Putin muốn thay đổi bộ mặt nước Nga


Cựu tỷ phú Nga Mikhail Khodorkovsky tại phiên tòa ở Matxcơva, 28/12/2010
Cựu tỷ phú Nga Mikhail Khodorkovsky tại phiên tòa ở Matxcơva, 28/12/2010
REUTERS/Sergei Karpukhin/Files

Trọng Nghĩa
Hôm nay, 20/12/2013, Tổng thống Nga ký sắc lệnh ân xá cho một tù nhân đặc biệt, cựu tỷ phú dầu hỏa Mikhail Khodorkovski, ngay sau khi có tuyên bố gây bất ngờ, hứa trả tự do cho ông Khodorkovski vào ngày hôm qua 19/12. Trước khi được Tổng thống Nga quyết định trả tự do, ông Khodorkovski đã viết đơn xin ân xá. Theo AFP, nhà cựu tỷ phú khẳng định ông đề nghị được ân xá « vì lý do gia đình », nhưng không thừa nhận bất cứ tội lỗi nào.Vì sao Tổng thống Nga Vladimir Putin lại có quyết định đột ngột trả tự do cho ông Mikhail Khodorkovski, trong khi trước đó không lâu, ngày 06/12, Thủ tướng Nga từng có một phát biểu bác bỏ khả năng thả nhà tỷ phú ?

Hoàng Dung : (…) Người ta đang bàn tán xem, tại sao ông Khodorkovski lại được thả vào đúng dịp này. Giới bình luận cho rằng, hiện nay là thời điểm kỷ niệm 20 năm thông qua bản Hiến pháp Nga – một sự kiện rất đặc biệt -, thứ hai nữa, chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa là sẽ khai mạc Thế vận hội mùa đông tại Sotchi. Trước một sự kiện quan trọng được cả thế giới đón chờ như vậy, thì những tin tức mang ‘‘tính nhân đạo’’ của chính phủ Nga chắc chắn sẽ rất được chú ý. Vì vậy, sự kiện Khodorkovski được ân xá, chắc chắn sẽ mang lại thêm điểm cho Tổng thống Putin nói riêng và cho chính phủ Nga, để khỏi mang tiếng là có quá nhiều tù nhân chính trị trong các nhà tù của nước Nga.
Vì sao ông Khodorkoski lại viết thư xin được ân xá, trong khi đây là điều mà ông đã từ chối trong cả chục năm nay ?
Hoàng Dung : Trong suốt 10 năm qua, ông đã không xin ân xá, vì ông cho rằng ông không có tội. Thế nhưng, trong thời gian này, các sự kiện cũng cho thấy là mặc dù Khodorkovski cố gắng chứng minh là mình vô tội, nhưng hệ thống pháp luật Nga vẫn cố gắng chứng minh là ông đã có tội (…). Và suốt từ đầu năm 2013, trên báo chí Nga lại xuất hiện những thông tin cho thấy là chính quyền Nga đang chuẩn bị các hồ sơ để tiếp tục xem xét lại vụ án của Khodorkovski lần thứ ba nữa. Và lần này ông sẽ bị liên quan đến một số tiền rất lớn 10 tỷ đô la Mỹ, đã bị biến mất. Nếu bị kết tội, thì thời gian ông Khodorkovski bị ngồi tù sẽ còn kéo dài. (…)
Thêm nữa, có tin cho rằng mẹ của ông đang ốm, sức khỏe không được tốt. Chính vì thông tin này, ông quyết định viết thư xin ân xá. Ngay khi ông vừa viết thư này, thì Tổng thống Putin đã chấp nhận, dường như Tổng thống Putin đã chỉ chờ có được các thủ tục hành chính cần thiết để ký lệnh ân xá.
Khodorkovski là người nổi tiếng có khả năng kinh doanh. Trước khi ngồi tù, ông là một trong các doanh nghiệp giầu có, thành công và rất có uy tín. Như vậy, có thể thấy, một mặt là để tăng thêm uy tín trước quốc tế (…), mặt khác chính phủ Nga đang trên đường dẫm chân tại chỗ, và có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Nga không có đà phát triển. Có thể tới đây trong thời gian hai, ba năm, nó cũng chưa có được sức bật. Việc ân xá cho Khodorkovski sẽ mang lại thêm ý chí, cũng như niềm hy vọng cho giới doanh nghiệp Nga để họ bớt sợ chính quyền.
Như vậy, phải chăng việc ân xá ông Khodorkovski cho thấy chính quyền Nga đang đứng trước một bước ngoặt, buộc phải thay đổi hành xử của mình, để chứng tỏ một bộ mặt khác đối với thế giới ?
Hoàng Dung : Trong suốt thế kỷ XX, người ta đã nói đến nước Nga, hay nói đến Liên Xô, như "bàn tay sắt đằng sau một tấm rèm bằng sắt". Hình ảnh đó, suy nghĩ đó, đã đi sâu vào đầu óc của người dân các nước khác về Liên Xô rồi. Sau này nước Nga, kế thừa Liên Xô, cũng gắn liền với những hình ảnh không mấy nhẹ nhàng, không mấy nhân đạo. Trong 20 năm qua, những gì xẩy ra ở nước Nga lại càng làm tăng thêm những suy nghĩ không được thân thiện với người Nga. Và điều đó cũng đã không có lợi cho việc phát triển kinh tế của Nga, không có lợi cho du lịch, cho việc xây dựng các mối quan hệ kinh tế thân thiện giữa các đối tác.
Người Nga muốn tận dụng cơ hội Thế vận hội Sotchi để thay đổi hình ảnh, bằng một loạt sự kiện « nhân đạo ». Cụ thể là việc trả tự do cho một loạt các tù nhân « lương tâm » có tên tuổi. Sự kiện này sẽ giúp cho các hoạt động ân xá này có tiếng vang xa hơn là chỉ ân xá cho những người tù bình thường. [Ngoài đối thủ chính trị Mikhail Khodorkovski, tổng thống Putin cũng ký sắc lệnh ân xá hàng ngàn người trong đó có 30 thành viên tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace và hai nữ ca sĩ của ban nhạc Pussy Riot].
Người ta hy vọng là hình ảnh thân thiện của các hoạt động thể thao tại Sotchi, một lần nữa lại sẽ cải thiện thêm hình ảnh của nước Nga.
Và có lẽ chính quyền Nga cũng không muốn phải chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối khắp nơi trên thế giới, thậm chí các hoạt động tẩy chay Thế vận hội Sotchi, vì những lý do nhân quyền ?
Hoàng Dung : Đúng như vậy, đây chính là sự mở đầu cho một chương trình rất quan trọng, rất dài, rất là lớn trên khắp thế giới, để xây dựng hình ảnh nước Nga hoàn toàn khác so với cách nghĩ của người dân các nước về nước Nga hiện nay : Một nước Nga thể thao, thân thiện, tôn trọng quyền con người hơn.

Thư từ của "người tù đặc biệt" của Nga với nhà văn Oulitskaia

Người tù Khodorkovski và nữ văn sĩ Oulitskaia (DR)
Người tù Khodorkovski và nữ văn sĩ Oulitskaia (DR)

Trọng Thành
Trong số báo đề ngày 22-23/1/2011, báo Libération giới thiệu một gương mặt khác của nhà tỷ phú Nga, Mikhail Khodorkovski, người tù đặc biệt của nước Nga, qua các thư từ trao đổi của ông với nữ văn sĩ Ludmila Oulitskaia. Ông Khodorkovski vừa nhận thêm án tù, bị giam cho đến năm 2017.

Bà Ludmila Oulitskaia, vừa đến Paris ngày 10/1/2011, để nhận giải thưởng « Simone de Beauvoir vì tự do của phụ nữ » cho các tác phẩm mang đậm tinh thần dấn thân vì quyền bình đẳng và tự do cho phụ nữ của bà, mà trong đó các nhân vật trung tâm phần lớn đều là phụ nữ.
Khó ai có thể đoán được rằng nữ văn sĩ Ludmila Oulitskaia lại có những liên lạc với ông Mikhail Khodorkovski, "cựu vương của ngành dầu mỏ" nước Nga, kém bà đến 20 tuổi, và bị giam giữ từ năm 2003 tại Sibêri, và vừa nhận thêm án tù tổng cộng 14 năm, có nghĩa là cho đến năm 2017.
Nhiều người cho rằng nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovski đã dại dột dám đối đầu với nhà lãnh đạo toàn uy Vladimir Putin để đến mức bị Kremlin trừng phạt. Tuy nhiên, những năm ở tù của ông Mikhail Khodorkovski không hẳn đã là vô ích, nhất là khi "cựu vương dầu mỏ" có điều kiện bút đàm với một số nhà văn danh tiếng của nước Nga.
Mang tên « Những lời nói tự do », tuyển tập các thư từ trao đổi giữa nữ văn sĩ Ludmila Oulitskaia, cùng hai nhà văn Nga khác, với ông Mikhail Khodorkovski, sẽ được dịch và ra mắt vào mùa thu năm nay tại Pháp, sau khi đã được phát hành tại Matxcơva ngày thứ năm 20/1/2011.
Ludmila Oulitskaia kể, chính nhà văn viết truyện trinh thám bán rất chạy tại Nga, Boris Akounine, đã khuyến khích bà trao đổi thư từ với tù nhân số 1 của điện Kremlin.
Nhà văn tâm sự, thoạt tiên, giữa bà và người tù đặc biệt của nước Nga, chẳng có điểm gì chung cả, thậm chí bà còn không có chút cảm tình nào đối với anh ta. Đối với bà, Mikhail Khodorkovski là người xuất thân từ tầng lớp tinh hoa của xã hội cộng sản cũ, đã tham gia vào cuộc chia phần chiếc bánh lợi ích của nước Nga, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Mà bà thì rất ghét những người giàu.
Quá trình trao đổi thư từ một năm rưỡi với Mikhail Khodorkovski đã giúp cho nhà văn hiểu thêm nhiều điều, và đặc biệt là nó làm cho bà thay đổi hẳn một quan niệm. Trước đó, bà là người ủng hộ tự do và thường xuyên đứng về phía các cá nhân để chống lại những lạm dụng và đàn áp của Nhà nước. Chính Khodorkovski đã thuyết phục bà rằng nước Nga cần phải có một Nhà nước mạnh. Bà hiểu rằng, Nhà nước Nga yếu, và chính bởi vì yếu, nên nó mới phải ra tay đàn áp. Một Nhà nước mạnh sẽ để cho dân chúng thể hiện và bày tỏ những quan điểm của họ.
Trong phần mở đầu cho các trích đoạn thư từ của bà với ông Khodorkovski, được xuất bản lần đầu trên tạp chí Nga « Znamia » vào tháng 10/2009, nhà văn đã kể lại nguyên nhân vì sao, bà, vốn là một người rất thờ ơ với giới chính trị, lại đột nhiên quan tâm đến ông Khodorkovski, sau khi bà phát hiện thấy trên khắp nước Nga mênh mông, rất nhiều hoạt động được "cựu vương ngành dầu mỏ" tài trợ : những trại trẻ mồ côi, trại lao động cải tạo, trường phổ thông, trường đại học ... Toàn bộ hệ thống phúc lợi khổng lồ, được tổ chức rất tốt này đã gần như hoàn toàn biến mất, ngay sau khi ông Khordokovski bị bỏ tù.
Từ chỗ ác cảm với Mikhail Khordokovski, vì ông là một người giàu, nữ văn sĩ Ludmila Oulitskaia hiểu rằng, những người giàu như vậy là vô cùng cần thiết cho đất nước. Giải Simone de Beauvoir vì tự do của phụ nữ giờ cũng là người đấu tranh cho tự do của nhà cựu tỷ phú, chống lại các lực lượng, mà bà gọi là « độc đoán và mê muội ».
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: