Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Tập làm giông

The Economist

Phan Trinh dịch
Giới thiệu của người dịch
Tập Cận Bình nhanh hơn nhiều, vượt khỏi dự đoán của báo chí thế giới. Vào ngày 15/11/2013, chỉ ba ngày sau khi Hội nghị Trung ương 3 Khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc, nghị quyết 22.000 chữ đã được phổ biến, kèm với diễn văn của Tập. Kiến nghị này do một ban gồm 60 chuyên gia soạn thảo và Tập là người cầm đầu.
Một loạt những cải cách, được The Economist gọi là chấn động, đã được nói tới: Kinh tế thị trường là chủ đạo, quyền sở hữu đất đai của nông dân, bãi bỏ trại lạo động cải tạo, nới lỏng chính sách một con,… đặc biệt là cho phép các tổ chức xã hội (phi chính phủ) hoạt động, và dự định cải cách tư pháp cho độc lập với hành pháp.
Trông người lại nghĩ đến ta:
Tập làm giông, Tập không, ta có.
Tập làm gió, Tập có, ta không!
Tập có gì? Chủ động, phát động, vận động, chấn động!
Ta có gì? Thụ động, bị động, phản động, bất động!
Dưới đây bản dịch hai bài về cải cách của Tập, đăng trên The Economist số ra ngày 23/11/2013. Bài thứ nhất có tựa “Let quite a few flowers bloom” (nhiều hoa đua nở), bài thứ hai “The Xi manifesto” (tuyên ngôn Tập Cận Bình). Tựa phía trên là của người dịch.
1.
Nhiều hoa đua nở
Hai đề xuất ẩn trong văn kiện Đảng có thể thay đổi chính quyền Trung Quốc.
Thế là các ông bà nghị đã nghị xong, và mọi sự đã rõ. Sau nhiều tháng đoán già đoán non và sau bản Thông báo cuối hội nghị phổ biến vào tuần trước [ngày 12/11], bản nghị quyết cuối cùng, dài 22.000 chữ của Hội nghị 3 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được công bố hôm 15/11. Trong lĩnh vực kinh tế, nghị quyết cho thấy Đảng còn muốn cải cách mạnh dạn hơn cả những gì bản Thông báo tóm tắt gợi ra. Lãnh tụ Đảng, ông Tập Cận Bình, muốn đẩy mạnh hơn những cải cách đã phải giậm chân tại chỗ suốt một thập niên qua. Như nguyên văn nghị quyết nói rõ: “Chúng ta hãy để cho lao động, tri thức, công nghệ, quản trị và tư bản phát huy hết tiềm lực của nó, hãy để cho mọi nguồn gốc của thịnh vượng được mặc sức nở rộ và hãy để cho mọi người được hưởng một cách công bằng thành quả của phát triển.” Quả là hay.
Dĩ nhiên, không có gì chắc chắn ông Tập có thể làm được tất cả những gì ông muốn, nhưng đã rõ là ông thắng trận này, tính cho đến nay. Về mặt kinh tế, ông cho thấy mình là hậu duệ của Đặng Tiểu Bình, nhà cải cách lớn của Trung Quốc, và hoàn toàn không phải là một gã Mao-ít hũ nút như một số người lo ngại trước đây.  Các thế lực bảo thủ tìm cách bịt miệng những tiếng nói cải cách đã bị khóa họng, ít nhất là cho đến lúc này.
Nhưng, điều thú vị của nghị quyết không chỉ nằm trong những cải cách kinh tế, vốn đã được đoán trước. Chấn động hơn là một số những cải cách trong lĩnh vực xã hội mà nghị quyết công bố, ví như việc nới lỏng chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Những cặp vợ chồng mà vợ hoặc chồng đã là con một sẽ được phép có hai con, và chính sách này sẽ còn được nới lỏng hơn nữa. Một bước tiến khác được ủng hộ mạnh mẽ đó là các trại lao động cải tạo – hiện giam giữ 190.000 người, gồm cả các tù nhân chính trị và nhà hoạt động tôn giáo – sẽ được bãi bỏ.
Nhưng có thể nói, những tiết lộ quan trọng nhất của nghị quyết lại nằm rất sâu và chôn rất kín trong văn kiện, chẳng được mấy ai đưa tin hay giựt tít. Riêng có hai động thái cho thấy Đảng rất nhạy bén với bức xúc của xã hội Trung Quốc hiện nay và với những đòi hỏi được tự do hơn, đồng thời đòi hỏi chế độ phải chịu trách nhiệm, phải được kiểm soát nhiều hơn.
Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã chuyển hóa từ một xã hội toàn trị sang một xã hội mà trong đó người dân có thể đi làm ở chỗ mình muốn, kết hôn với người mình chọn, đi lại nơi mình thích (dĩ nhiên vẫn còn những vướng mắc hạn chế quyền đi lại của người từ nông thôn và những vùng có sắc dân thiểu số). Trong 10 năm qua, sự xâm nhập của internet đã đi từ tối thiểu đến gần như cực đại. Những cơ chế an sinh xã hội truyền thống bị phá vỡ mà chưa gì thay thế thỏa đáng. Người dân bình thường bỗng có thêm quyền định đoạt nhờ có tiền, nhờ tham gia công luận thông qua các trang blog cá nhân, và nhờ họ đã hóa vai trở thành người tiêu thụ và người chủ những tài sản mình có.
Xã hội “PHI” chính phủ
Xã hội đã trở nên quá phức tạp, vượt khỏi khả năng kiểm soát của các cơ cấu xã hội truyền thống. Vì vậy, nhà cầm quyền đã quyết định cho phép sự phát triển của điều họ gọi là “các tổ chức xã hội”. Trên thực tế, đây chính là những tổ chức phi chính phủ (NGO). Đảng vốn rất không ưa bất cứ điều gì “phi” chính phủ và từ lâu xem các tổ chức phi chính phủ như những con ngựa thành Troy, nơi ẩn chứa những tư tưởng chính trị phương Tây và sự phá hoại, nhưng nhà cầm quyền ngày càng hiểu rằng các tổ chức xã hội kia có thể giúp giải quyết một số những vấn nạn – như chăm lo cho người bệnh, người cao tuổi, người nghèo. Sự phát triển của xã hội dân sự không chỉ quan trọng vì chức năng thực tế của nó, mà còn vì đó là cầu nối đến tương lai, gắn kết những cải cách kinh tế hôm nay với bất cứ những cải cách chính trị tương lai nào có thể có.
Cũng quan trọng không kém là vấn đề cải cách tư pháp. Các ông thẩm phán tham nhũng trắng trợn tại Trung Quốc bị dân chúng rất oán ghét. Nghị quyết của Đảng nhắc tới ý tưởng “hệ thống quyền hành tư pháp được tách rời một cách phù hợp với khu vực hành pháp”, nghĩa là bộ máy tư pháp ở địa phương sẽ không do chính quyền địa phương trả tiền hay kiểm soát nữa. Mặc dù một số nhà quan sát không tin điều này sẽ xảy ra, nhưng nếu nó xảy ra thật thì rất có thể đó sẽ là khởi đầu của một hệ thống kiểm soát và đối trọng tạo cân bằng làm cho quan chức nhà nước phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Nội chuyện hai động thái này được nhắc tới trong văn kiện đại hội mà thôi đã là rất khích lệ rồi; nhưng ngược lại, việc chúng được chôn kín đến gần như không thể nhận ra trước con mắt người trần không chuyên cũng cho thấy Đảng đang đi hai hàng và vừa đi vừa run trên con đường tiến đến tự do hóa. Nhưng Đảng phải dấn tới thôi. Kế hoạch cải cách kinh tế của Đảng sẽ mang lại không chỉ thịnh vượng, mà sẽ tạo thêm những áp lực buộc thay đổi chính trị nhiều hơn. Nếu Đảng không đáp ứng, ắt sẽ có bùng nổ. Nếu ông Tập lâm vào cảnh chùn chân run gối, ông nên nhớ lại lời khuyên hào sảng này trong văn kiện đại hội: “Dám gặm cả xương cứng, dám lội nước chảy xiết, dám bẻ gẫy gông cùm ý thức hệ với quyết tâm kiên định.”
2.
Tuyên Ngôn Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc tiết lộ những kế hoạch cải cách chấn động nhất trong hai thập niên qua, vừa táo bạo bất thường, vừa thận trọng như thường.
Kể từ thời Mao Trạch Đông lên nắm quyền năm 1949, chưa có lãnh tụ Trung Quốc nào lại nhanh nhẩu công bố kế hoạch chi tiết cho hàng loạt những cải cách như thế. Ngay cả Đặng Tiểu Bình, sau khi nắm quyền năm 1978, cũng chậm rãi trong việc công bố kế hoạch của mình. Chủ tịch nước Tập Cận Bình, trong văn kiện dài 22.000 từ được phổ biến vào ngày 15/11 vừa qua, đã cam kết thực thi những cải cách triệt để. Cải cách bao gồm từ việc nới lỏng chính sách một con, bãi bỏ các trại lao động cải tạo, đến việc bãi bỏ kiểm soát lãi suất. Nhưng cũng phải nói rằng chưa từng có lãnh tụ nào gặp nhiều thử thách như ông.
Mặc dù đã vượt qua Nhật Bản vào năm 2010 để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc vẫn chưa thấu hiểu được nhu cầu nắm bắt thông tin của thế giới bên ngoài với các chính sách của họ. Đảng Cộng sản Trung Quốc loan báo đã thông qua Nghị quyết vào ngày 12/11 sau cuộc mật nghị với trên 370 thành viên Ủy ban Trung ương Đảng. Nhưng họ đã muốn, như thường lệ, giấu kín nội dung Nghị quyết trong một tuần để triển khai trước cho nội bộ đảng viên. Nhưng cuối cùng thì họ đã nhượng bộ, chỉ sau ba ngày; có lẽ vì bị áp lực do sự đồn đoán (trên cả báo chí nhà nước Trung Quốc) rằng Hội nghị đã không xứng tầm là một cột mốc lớn cho công cuộc cải cách. Đảng cũng làm một việc bất thường khác là phổ biến một diễn văn của ông Tập Cận Bình, trong đó ông cho biết ông đã đích thân chỉ đạo nhóm soạn Nghị quyết gồm 60 thành viên. Báo đài nhà nước nói ông là lãnh tụ Đảng đầu tiên kể từ năm 2000 giữ vai trò này. Rõ ràng, trên thực tế, báo đài nhà nước ám chỉ rằng Nghị quyết kia chính là tuyên ngôn của ông Tập Cận Bình.
So với văn phong nhợt nhạt phát ngán thường thấy trong các văn kiện Đảng, Nghị quyết này phải nói là chấn động. Nghị quyết để một đoạn dài nói thêm về điểm đầu tiên trong Thông báo rút gọn đưa ra vào ngày 12/11 rằng các lực lượng thị trường sẽ giữ vai trò “chủ đạo” trong việc định đoạt mô hình kinh tế (đây là một bứt phá về khái niệm mà trước đây cứ bị Đảng tránh né, mặc dù đã áp dụng chủ nghĩa tư bản từ lâu). Nghị quyết kêu gọi “tăng tốc” các bước thúc đẩy để thị trường có thể quyết định lãi suất. Có thể để tạo tiền đề cho việc này, Nghị quyết cũng nói một hệ thống bảo hiểm sẽ được thực hiện để bảo vệ người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng: quan chức nhà nước lo ngại rằng các ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn nếu lãi suất tiền tiết kiệm được thả nổi. Việc kiểm soát lãi vay cũng đã được bãi bỏ vào tháng 7 vừa qua. Có dự báo rằng hệ thống bảo hiểm này sẽ hình thành trong những tháng sắp tới. Nghị quyết cũng kêu gọi Trung Quốc tạo điều kiện để biến đồng Nhân dân tệ trở thành chuyển đổi được, đây là một điểm hóc búa, được hứa hẹn nhưng không được thực hiện trong suốt hai thập niên qua.
Nghị quyết cũng lặp lại cam kết của Đảng là sẽ để cho thị trường quyết định giá cả các tài nguyên then chốt như nước, dầu hỏa, khí đốt, điện và giao thông vận tải. Nhưng lần này, Nghị quyết dùng từ ngữ mạnh miệng hơn. Nghị quyết viết “Thị trường phải được quyền quyết định giá cả của bất cứ thứ gì mà thị trường có thể định đoạt được, và chính quyền không được can thiệp không chính đáng.” Trong diễn văn của mình, ông Tập định nghĩa vai trò của chính quyền bằng ngôn ngữ nghe rất quen thuộc với lập trường trung lập ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Ông nói đến những điều như: duy trì ổn định kinh tế, cung cấp dịch vụ công ích, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quy trình hoạt động của thị trường và chỉ can thiệp khi thị trường thất bại.
Tuy nhiên, ngôn ngữ đậm tính thị trường của Ủy ban Trung ương lại chệch choạc khi bàn đến vấn đề gây tranh cãi sôi nổi nhất, đó là vai trò của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy vậy, phe cải cách – vốn lo ngại bởi sự khẳng định quen thuộc trong Thông báo cuối hội nghị rằng các doanh nghiệp nhà nước sẽ là “thành phần chính” của nền kinh tế – cũng được Nghị quyết cho một số hy vọng. Nghị quyết cho biết đến năm 2020, các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải giao cho chính quyền 30% lợi nhuận của họ bằng hình thức cổ phần (tăng lên từ 15% hay ít hơn hiện nay). Như nhiều nhà cải cách đã đòi hỏi từ lâu, một số tài sản của họ sẽ được giao lại cho quỹ an sinh xã hội của chính quyền trung ương. Và khu vực kinh tế tư nhân sẽ được cho nhiều cơ hội hơn để đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước và kinh doanh trong các lĩnh vực hiện do doanh nghiệp nhà nước thao túng, kể cả ngân hàng. Tuy nhiên, nghị quyết không đòi hỏi các doanh nghiệp nhà nước phải rút khỏi những lĩnh vực không then chốt như khách sạn và bất động sản. Nghị quyết cũng lặp lại từ ngữ của bản Thông báo tóm lược khi kêu gọi đẩy mạnh khả năng “kiểm soát và ảnh hưởng” của các doanh nghiệp nhà nước.
Cải cách nông thôn
Ở một lĩnh vực cải cách quan trọng khác – quyền sở hữu đất đai nông nghiệp và nhà ở nông thôn – Nghị quyết cho thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn. Cuối thập niên 1990, thị trường bất động sản bắt đầu xuất hiện ở các đô thị Trung Quốc, nhưng không diễn ra ở nông thôn, nơi quyền sở hữu đất đai được quy định rất mơ hồ. Năm năm trước, Đảng yêu cầu thị trường bất động sản ở đô thị và nông thôn phải hòa chung thành một, nhưng chưa có tiến bộ đáng kể. Hiến pháp vẫn khẳng định đất đai nông nghiệp là “sở hữu toàn dân”, một khái niệm lưu cữu từ thời Mao, và luật pháp vẫn cấm việc bán đất đai cho người ngoài nông thôn và cấm cầm cố bất động sản nông thôn. Tuy nhiên, Nghị quyết với kế hoạch mới nói rằng nông dân cần được cho phép cầm cố nhà cửa. Một vài địa phương đã cho thử nghiệm việc này. Dù Nghị quyết tiếp tục kêu gọi thận trọng, nhưng những thử nghiệm theo hướng này sẽ còn lan rộng nhanh chóng (và luật lệ có lẽ cũng sẽ thay đổi) khi giờ đây Đảng đã bật đèn xanh.
Báo đài nhà nước đã ca tụng những bước vừa kể bằng ngôn ngữ dạt dào cảm xúc, cứ như là Trung Quốc vừa nhận được một phần mềm nâng cấp, kế hoạch cải cách đã được đặt tên là “cải cách phiên bản 2.0”. Một số bài báo gọi đó là những “cột mốc lịch sử” trên lộ trình đạt đến “giấc mơ Trung Hoa”, cụm từ được ông Tập dùng và trở thành phổ biến trên khắp các biển quảng cáo ngoài trời trong cả nước. Trong diễn văn của mình, ông Tập báo trước là hành trình sẽ không dễ dàng gì. Nhưng ông cũng trích lời Đặng Tiểu Bình nói năm 1992 rằng nếu không có cải cách sâu rộng thì đất nước sẽ đi vào “ngõ cụt”. Rõ ràng, ông Tập muốn so sánh mình với ông Đặng, và có vẻ ông đã thu tóm được quyền lực để tạo cho mình một thế lực tương tự như ông Đặng.
Giống như Đặng Tiểu Bình, và thực ra cũng giống như tất cả các lãnh tụ Trung Quốc kể từ thời Mao, ông Tập có vẻ vẫn kiên định duy trì quyền lực độc tôn của Đảng. Như dự đoán, kế hoạch của ông nói rất ít về cải cách chính trị. Nghị quyết nói về cải cách tư pháp nhưng không cho biết chi tiết, mà cũng nhắc đến nhu cầu cho phép nhiều không gian hơn cho các “tổ chức xã hội” – tên Đảng gọi các tổ chức phi chính phủ – trong khi vẫn kêu gọi tăng cường sự “quản lý” của chính quyền với những tổ chức này.
Nghị quyết cũng cho thấy một số nhượng bộ trong hai lĩnh vực về nhân quyền. Một là lời cam kết sẽ xóa bỏ các trại “lao động cải tạo” mà Liên Hiệp Quốc ước tính, vào năm 2009, có tới 190.000 người bị giam giữ không qua xét xử với các thời hạn lên đến bốn năm. Các trại cải tạo này thường được dùng để cách ly các nhà bất đồng chính trị và tôn giáo. Ngay báo đài nhà nước cũng từng đăng tải các lời kêu gọi xóa bỏ các trại này và một số quan chức trong nhiều tháng qua cũng từng cho thấy tín hiệu là sự thay đổi sẽ xảy ra. Tuy nhiên, Nghị quyết lại không nhắc đến việc cấm các hình thức giam giữ không viện dẫn pháp luật khác, vốn xảy ra thường xuyên.
Một thay đổi đáng kể khác là quyết định nới lỏng chính sách một con, cho phép các cặp vợ chồng được có hai con nếu vợ hoặc chồng là con một. Trong những năm qua, các cặp vợ chồng đều là con một đã được phép có hai con. Các gia đình nông thôn cũng thường có hai con nếu con đầu lòng là con gái. Tuy vậy, chính sách mới này có lẽ sẽ không mang lại một sự bùng nổ dân số. Nhiều cặp vợ chồng thị dân nói họ vẫn thích có một con hơn, vì chi phí nhà cửa, y tế và học hành ngày càng đắt đỏ. Nghị quyết cũng không đưa ra lời hứa chấm dứt việc chính quyền kiểm soát việc sinh đẻ, hoặc giảm bớt tiền phạt, đôi khi cao đến cắt cổ, đối với những ai vi phạm luật kế hoạch hóa gia đình.
Ông Tập Cận Bình sẽ phải đối đầu với những chống đối lớn. Nghị quyết kêu gọi thay đổi nhanh chóng chính sách hộ khẩu, vốn không cho nông dân lên thành phố sinh sống được hưởng các khoản an sinh xã hội ở đô thị, và nhiều trường hợp không được quyền mua xe hơi hay mua nhà. Chính quyền địa phương cũng sẽ chống đối khoản này, trừ khi họ nhận được nhiều hỗ trợ tài chính để chi cho trường học, bệnh viện cà các dịch vụ khác. Thị dân trung lưu cũng ngại ngùng không muốn chia sẻ tài nguyên cho giáo dục và chăm sóc y tế cho những người nhập cư. Các doanh nghiệp nhà nước, những công chức bướng bỉnh và những nhà kẻ giáo điều trong hàng ngũ Đảng cũng sẽ chống lại những cải cách thị trường có khả năng đe dọa quyền lợi của họ. Ông Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) một nhà phân tích ở Bắc Kinh nói rằng những cải cách của ông Tập có thể dễ thành công hơn nếu đưa ra mười năm trước đây, trước khi những quyền lợi riêng tư được đổ bê tông và cố thủ.
Tuy vậy, quyền lực của ông Tập vẫn có thể giúp ông thực thi được các dự định của mình. Ông đã cho thấy ông đang xác lập quyền kiểm soát trực tiếp hệ thống an ninh trong nước, bằng cách lập ra một “ủy hội an ninh quốc gia” (người tiền nhiệm, ông Hồ Cẩm Đào lại nhường vai trò này cho đồng nghiệp). Ông Tập cũng cho hình thành một “nhóm lãnh đạo nhỏ” để lèo lái công cuộc cải cách, có lẽ cũng sẽ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông. Nắm chặt hệ thống an ninh sẽ là điều có lợi cho ông: Nghị quyết, trong lời kêu gọi kiểm soát internet, cho thấy giới lãnh đạo lo ngại sâu sắc về những bất ổn xã hội và về quyền lực của hoạt động bất đồng trên mạng. Ông Tập Cận Bình có lẽ phải ghen với ông Đặng Tiểu Bình, vì ông Đặng đã tiến hành cải cách vào một thời đỡ rối ren hơn nhiều.
Bản tiếng Việt © 2013 Phan Trinh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: