DANIIL KHARMS
Tôi không phải là dịch giả chuyên nghiệp, chỉ đôi khi dịch vì công việc phải làm, hoặc đôi khi gặp được điều gì thú vị thì muốn chia sẻ với bạn bè. Nói thế không phải để tránh trước cho những va chạm. Mà đúng hơn, để hi vọng có được những va chạm, nếu có, giữa những người đọc lang thang.
Daniil Kharms là người đã phần nào chia sẻ với tôi những ngày gần đây. Kì lạ, có thể nào tôi vẫn quá ngây thơ về cuộc sống mình? Những điều tưởng đã nằm dưới mồ mấy chục năm ở nước Nga hồi ấy lại có thể đội mồ đi lang thang nơi khác. Tôi ra đường đôi khi có cảm giác rùng mình vì gặp những zombies.
Bản dịch của tôi hẳn nhiều chỗ còn phải xem lại, nhưng trước hết là để giới thiệu một cái tên, cùng một đôi ít mẩu vụn; lại là dịch từ tiếng Anh, chứ không phải tiếng Nga. Lúc đầu tôi định viết lời giới thiệu như một short fiction, nhưng rồi thì không biết nó thành ra cái gì cả. Tôi cũng đã chọn những truyện mà Tiền Vệ (có lẽ là nơi đầu tiên giới thiệu Kharms trong tiếng Việt) chưa dịch, nhưng khi xong xuôi thì phát hiện ra trùng một truyện mà tôi đặt là Không đề 2 dưới đây. (link kèm theo bản dịch của Hoàng Ngọc Tuấn. Phần chữ M, chữ R Hoàng Ngọc Tuấn Việt hoá rất thú vị. Nhưng nó lại mất cái thú vị của …phần chú thích.)
Lời giới thiệu và phần truyện dịch dưới đây đăng trên Tia Sáng số vừa rồi, tháng 8/2013.
Cuốn sách này tôi đã bắt một người bạn tặng cho mình. Giờ tôi ngấm ngầm tặng lại người bạn phương xa chưa lần gặp mặt ấy.
DANIIL KHARMS
Ở nước Nga hồi ấy có một người Nga, Daniil Kharms, sinh ra với tên Daniil Ivanovich Iuvachev tại St. Petersburg. Chàng sinh năm 1905 và mất năm 1942. Daniil Kharms là tên gọi theo bút danh bắt đầu thuở chàng mười bảy và trở nên nổi tiếng nhất trong hơn ba mươi bút danh của chàng, thậm chí chàng đã đổi tên trên hộ chiếu theo bút danh này. Chàng cũng là “Kharms-Shardam Charms,” “Dandan,” “Shardam,” “Kharms-Shardam”, “Karl Ivanovich Shusterling”… và giờ còn được gọi là Sherlock Kharms. Nhưng bây giờ, chàng đã không còn là một bí mật. Có lẽ, ta nên dừng nói về chàng.
Có lẽ đúng với Kharms, cụm từ đưa ra ánh sáng hay mang vào bóng tối không hoàn toàn là những sự khác biệt. Đằng nào thì những gì bên trong ngăn kéo của Kharms cũng đã dày dạn cô đơn, cả khi đã “tan băng”. Dù lối suy nghĩ mòn sáo của tôi không thoát được từ “số phận”, tôi hiểu, đó cũng chỉ là những ví dụ được biết tới của cái gọi là số phận mà thôi. Số phận của những chiếc ngăn kéo không phải là ngoại biệt, ở các chân trời khác nhau.
Cuộc đời và sự kì dị nổi tiếng của Kharms cũng từng nằm lẫn những tác phẩm trong ngăn kéo ấy như một bài thơ thương tổn. Căn phòng chàng ở làm ta ngập tràn tưởng tượng: đầy sách ma thuật và những biểu tượng huyền bí, và chàng đang chơi Bach và Mozart trên chiếc dương cầm cũ. Ở chốn lưu đày, chàng nằm dài trên giường, lo âu vì thân nhiệt không đổi của mình, hoang tưởng một đời sống viết lách phong nhiêu và hồn nhiên mơ mộng một viễn tượng tăm tối. Trong khi đó, bước vào tác phẩm của chàng, những cái đời thường đầy rẫy, chốn cư ngụ của những điều vặt vãnh không đáng kể không làm ta bớt hoang tưởng hơn. “Lạ lùng, lạ lùng không tưởng nổi!” như một truyện ngắn của Kharms.
Chàng có lẽ đã chẳng bao giờ chống đối, và vì thế mà bị kết tội. Tôi không biết chàng ghét trẻ con đến độ nào nhưng suốt quãng thời gian sống ngắn ngủi, chàng chỉ được biết tới với những truyện trẻ em hài hước, cũng là bằng cứ cho việc kết án chàng. Tôi không biết chàng đã ác cảm với thói philistine và ghét các hội nhóm thống nhất đến thế nào nhưng chàng đã tham gia không ít nhóm hội, và nhóm nghệ sĩ OBERIU (“The Association for Real Art”, Hiệp hội Nghệ thuật Thực sự) với những nghệ sĩ không thoát khỏi nhà tù, lưu đày, đói khổ đã gắn chặt với tên tuổi chàng, là những người bạn đồng hành không mệt mỏi với sáng tác của chàng.
Tôi, tự cho phép mình đọc Kharms như đọc một bài thơ, nên việc tiếp cận ít ỏi và sơ khai cái ngăn kéo ứ đầy văn chương và đời sống của Kharms không cản trở cảm giác muốn đến gần thi sĩ. Những huyền thoại về cuộc đời, những nhãn hiệu nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch tiền phong, những thuật ngữ siêu thực, phi lí, hài hước đen, mọi so sánh Kharms với Kafka hay Beckett không cho chúng ta may mắn trải nghiệm lại “hiện thực” về một kẻ khác. Có thể, hiện thực, với Kharms, nghĩa là cái không thể quy chiếu, và vì thế, những trang viết của Kharms huỷ hoại mọi nỗ lực khám phá, hay tệ hơn, khám phá lại. Nhưng cảm giác muốn đến gần có thể đem lại cơ may nới rộng mơ mộng của những người đọc yêu mến chàng.
Người ta cứ tưởng đã tiên đoán được mọi điều về chàng. Nhưng có thể chàng đã tiên đoán chúng ta. Để cho dễ hiểu, có lẽ ta cũng không nói về các tác phẩm của chàng thêm nữa.
Thay vào đó, xin gửi tới bạn đọc một chút tác phẩm của Kharms tôi chọn dịch từ bản Anh ngữ của Matvei Yankelevich và các cộng sự, trích trong tuyển tập “Today I wrote nothing”, nhà xuất bản Overlook Duckworth, New York, 2007. Một số tác phẩm vốn không có nhan đề, người dịch tự đặt hoặc đặt theo bản dịch tiếng Anh.
12.08.2013
Nhã Thuyên
Cuộc gặp
Một hôm một người đàn ông đi làm và trên đường hắn gặp một người đàn ông khác, người này, vừa mua một ổ bánh mỳ Ba Lan và đang thẳng bước trở lại nhà, nơi hắn đã xuất phát.
Và câu chuyện chỉ có thế thôi.
( Dịch từ “The meeting”, trang 69, sđd.)
Lạ lùng sao, lạ lùng không tưởng nổi
Lạ lùng sao, lạ lùng không tưởng nổi, rằng sau bức tường, chính bức tường này, một người đàn ông mang bộ mặt giận dữ đang ngồi trên nền nhà với cặp chân duỗi dài đeo đôi ủng đỏ.
Ai đó chỉ cần đục một lỗ trên tường và nhìn vào trong, là có thể thấy ngay người đàn ông giận dữ này đang ngồi đó.
Nhưng tốt hơn là không nghĩ về hắn. Hắn là gì? Chẳng phải hắn là một phần tử của một đời sống chết đã chuyển dần về từ chốn hư không tưởng tượng. Bất kể hắn là ai, Chúa cùng với hắn.
22, Tháng Sáu, 1931
( Nguyên gốc và bản dịch tiếng Anh không có nhan đề. Trang 170, sđd.)
Ở nước Mỹ có hai người Mỹ
Ở nước Mỹ có hai người Mỹ, ông Pick và ông Pack. Ông Pick làm việc ở một văn phòng còn ông Pack làm việc tại một nhà băng. Nhưng một hôm ông Pick tới văn phòng làm việc và người ta nói với ông: “Ông không còn làm ở đây nữa.” Và hôm sau, người ta cũng nói với ông Pack điều y hệt ở nhà băng. Nên ông Pick và ông Pack ra đi, không còn việc làm. Ông Pick qua chỗ ông Pack và nói:
“Ông Pack này!”
“Gì? Gì? gì – gì? Ý ông hỏi: Chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ làm gì! Ý ông hỏi: ta có thể làm gì?”
“Đúng “, ông Pick nói.
“Ô thì, ô thì, ô thì, ô thì! Ô thì, xem điều gì đã xảy ra? Ông xem? Ông xem, chúng ta rối bong bong rồi!”
“Đúng”, ông Pick nói và ngồi lọt trong một cái ghế trong khi ông Pack bắt đầu chạy quanh phòng.
“Những gì chúng ta có giờ đây, ngay đây… Tôi đang nói, ngay đây ở Liên bang này, cái Liên bang người Mỹ này, ở cái Liên bang của nước Mỹ này, ngay đây, ở cái… Ông hiểu không?”
(1933)
(Nguyên gốc và bản dịch tiếng Anh không có nhan đề. Trang 184, sđd.)
Nước đen
Andrei Ivanovich nhổ vào cốc nước. Lập tức nước chuyển đen. Andrei Ivanovich nheo mắt và chăm chú nhìn vào chiếc cốc. Nước rất đen. Tim Andrei Ivanovich bắt đầu đập nhanh hơn.
Trong khi đó, con chó của Andrei Ivanovich thức dậy. Andrei Ivanovich bước tới cửa sổ và chìm vào suỵ tư.
Đột nhiên có cái gì to lớn, tối đen quét qua hắn và và bay ra ngoài cửa sổ. Chính là con chó của Andrei Ivanovich đang bay qua và liệng như một con quạ trên nóc nhà đối diện. Andrei Ivanovich quỳ xuống và bắt đầu rên rỉ.
Đồng chí Popugayev chạy vào phòng.
“Có chuyện gì thế? Cậu ốm à”, đồng chhí Popugayev hỏi.
Andrei Ivanovich im lặng và áp hai bàn tay vào mặt.
Đồng chí Popugayev liếc nhìn vào cái cốc trên bàn.
“Cậu có cái gì trong cốc thế?”, hắn hỏi Andrei Semyonovich.[1]
“Không biết”, Andrei Semyonovich nói.
Đồng chí Pougayev biến mất ngay lập tức. Con chó bay trở lại qua cửa sổ, nằm xuống chỗ cũ của nó và ngủ thiếp đi.
Andrei Semyonovich bước tới bàn và uống cốc nước đen.
Và nó trở nên sáng tràn trề trong tâm hồn Andrei Semyonovich.
21 Tháng 8 (1934)
(Nguyên gốc không có nhan đề. Dịch theo nhan đề bản tiếng Anh. Trang 190))
Một sự cố trên đường phố
Một lần, một người đàn ông nhảy xuống khỏi xe điện, nhưng gã nhảy tệ đến nỗi một cái xe hơi tông phải.
Giao thông nghẽn và cảnh sát bắt đầu xác minh nguyên nhân vụ tai nạn.
Người lái xe đang giải thích gì đó hồi lâu và chỉ vào bánh trước xe hơi của mình.
Cảnh sát sờ nắn các bánh xe và viết gì đó vào cuốn sổ nhỏ.
Một đám khá đông bu quanh.
Một thường dân nào đó với đôi mắt trì độn ngã khỏi một dải phân cách giao thông rắn chắc.
Một quý bà liếc đi liếc lại một quý bà khác, người này, đổi lại, liếc đi liếc lại quý bà đó.
Rồi đám đông rã ra và giao thông bắt đầu nhúc nhắc.
Nhưng thường dân với đôi mắt trì độn kia vẫn tiếp tục rơi khỏi dải phân cách, cho đến khi, cuối cùng, gã cũng kết thúc hành động này.
Cùng lúc ai đó phát hiện ra một cái ghế mang nhãn hiệu mới tông thẳng phải một cái xe điện và đột ngột bị tai nạn.
Lại viên cảnh sát đến, lại đám đông bu lại, và thường dân với đôi mắt trì độn lại bắt đầu ngã khỏi dải phân cách giao thông.
Lát sau mọi thứ lại ổn thoả, và Ivan Semyonovich Karpov thậm chí rơi vào một quán café tự phục vụ.
January 10, 1935
(Dịch từ “An incident on the street”. Trang 207)
Không đề (1)
Tôi cô đơn. Tối nào Alecxader Ivanovich cũng lượn đi đâu đó và tôi còn lại một mình. Bà chủ nhà đi ngủ sớm và khoá phòng lại. Hàng xóm cũng cách vài ba nhà và chỉ một tôi ngồi cô lẻ trong căn phòng nhỏ của mình với ngọn đèn dầu.
Tôi chẳng làm gì: Tôi đang dần tiều tuỵ vì một ca sợ hãi tồi tệ. Những ngày này tôi ở nhà vì bị nhiễm lạnh và chuyển thành bệnh cảm cúm. Đã một tuần tôi sốt nhẹ và đau ở vùng thắt lưng.
Nhưng tại sao vùng thắt lưng tôi lại đau, tại sao thân nhiệt tôi vẫn như thế suốt cả tuần – tôi đang ốm vì cái gì, và tôi nên làm gì? Tôi nghĩ về tất cả những điều này, lắng nghe cơ thể tôi và tôi trở nên hoảng hốt. Nỗi sợ làm tim tôi bần bật, chân tôi tê lạnh và nỗi sợ đông cứng phía sau đầu tôi. Sau đầu tôi trở nên đau thít từ gáy, và dường như – một chút nữa và chúng ép cả đầu tôi từ phía trên; rồi ta mất khả năng nhận ra tình trạng ý nghĩ của mình, và ta phát điên. Một sự yếu ớt bắt đầu lan khắp cơ thể và bắt đầu chạy từ chân. Và đột ngột ý nghĩ này đến với ta như một tia chớp: sẽ thế nào nếu tình trạng này không phải là vì nỗi sợ, mà nỗi sợ chính là bởi tình trạng này. Rồi còn đáng sợ hơn nữa. Tôi không thể xao lãng những suy tư của tôi thêm nữa. Tôi gắng đọc. Nhưng bất kể đọc gì cũng đột ngột trở nên trong suốt và tôi lại thấy nỗi sợ hãi của mình. Giá như Alexander Ivanovich về nhà sớm! Nhưng cậu ấy sẽ không về ít nhất phải hai giờ nữa. Cậu ấy đang đi dạo với Elena Petrvna, giảng giải cho cô ấy nghe quan điểm của cậu về tình yêu.
(1932)
(Nhan đề do người dịch đặt. Trang 173).
Không đề (2)[2]
Chúng tôi ở hai phòng. Bạn tôi ở một phòng nhỏ hơn, trong khi tôi ở một phòng khá lớn, ba cửa sổ chạy ngang. Bạn tôi thường ra ngoài cả ngày và chỉ trở về để ngủ đêm. Về phần tôi, tôi lại ở lì trong phòng mọi lúc, và nếu tôi ra ngoài thì chỉ hoặc là tới bưu điện, hoặc đi mua gì đó ăn tối. Thêm nữa, tôi mắc chứng viêm màng phổi khô, thực sự cho tôi thêm lí do ở yên một chỗ.
Tôi thích một mình. Nhưng rồi một tháng trôi qua, và tôi đã phát ốm vì sự đơn độc của mình. Những cuốn sách không khuây khoả được tôi, và, tôi thường cứ ngồi tại bàn viết kéo dài thời gian mà chẳng viết nổi một dòng. Tôi sẽ lại nhặt cuốn sách lên, bỏ mặc trang giấy trắng. Và rồi tình trạng ốm yếu đó lên tới đỉnh điểm! Tóm lại, tôi bắt đầu câm lặng.
Cái thành phố tôi sống hồi đó thật làm tôi thấy gớm. Nó đứng trên một ngọn đồi và chỗ nào nhìn cũng như một tấm bưu ảnh vậy. Tôi trở nên quá thù ghét những phong cảnh này tới mức tôi thà ở nhà còn hạnh phúc hơn. Và thật sự, ngoài bưu điện, siêu thị và cửa hàng, chẳng có nơi nào để đi.
Và vì thế tôi ngồi nhà như một thầy tu.
Có những ngày tôi chẳng ăn gì. Vào những ngày đó tôi sẽ gắng chế tác một tâm trạng hân hoan cho mình. Tôi sẽ nằm dài trên giường và mỉm cười. Tôi định mỉm cười hai mươi phút một lần, nhưng rồi cái mỉm cười biến thành một cái ngáp. Chẳng vui gì cả. Tôi sẽ mở miệng chỉ đủ cho một cái mỉm cười, nhưng nó lại ngoác rộng hơn và tôi ngáp. Tôi bắt đầu mơ màng.
Tôi thấy trước mặt một bình sữa đầy và những lát bánh mì tươi. Và chính tôi đang ngồi ở bàn viết và phóng bút. Trên bàn, trên những chiếc ghế, và giường rải đầy giấy đặc kín chữ. Và tôi viết mỗi lúc một nhiều hơn, nháy mắt mỉm cười với các ý tưởng của mình. Thật dễ chịu, với tay là có bánh mì và sữa và một hộp khảm gỗ óc chó đầy thuốc lá!
Tôi mở cửa và nhìn ra vườn. Những đoá hoa vàng hoa tím mọc áp sát ngôi nhà. Cây thuốc lá đang lên và một cây dẻ cổ thụ đứng xa hơn. Và xa hơn nữa, bắt đầu một vườn quả.
Thật yên tĩnh. Chỉ những hồi còi tàu rúc luồn qua núi.
Hôm nay tôi không thể làm gì cả. Tôi đo bước trong phòng rồi ngồi xuống bàn viết, nhưng lại nhanh chóng đứng lên và đổi hướng ra phía ghế bập bênh. Tôi chọn một cuốn sách và, lập tức bỏ xuống, và lại đo bước trong phòng.
Đột nhiên tôi có ấn tượng rằng tôi đã quên điều gì đó, một sự cố hay một từ quan trọng nào đó.
Tôi gắng gỏi nhớ lại từ này, và dường như tôi nghĩ rằng từ đó bắt đầu với chữ “M”. Không, không! Không phải với chữ M nào cả, mà là một chữ R.
Reason? Rapture? Rectangle? Rib? Hay: Mind? Misery? Matter?[3]
Tôi pha cà phê và hát lên những từ bắt đầu với chữ R. Ồ, một lượng từ phi thường tôi tạo ra bắt đầu với chữ R! Có thể trong đám từ này có cái từ đó, nhưng tôi đã không nhận ra nó, khiến nó cũng giống hệt mọi từ khác.
À mà nữa, có thể từ đó đã không tới.
(1932-1933)
(Nhan đề do người dịch đặt. Trang 174)
Bản dịch của Hoàng Ngọc Tuấn xin xem tại đây.
Ngày đang bắt đầu
Một cửa sổ với rèm cuốn đang dần sáng hơn bởi vì ngày đang bắt đầu. Nền nhà lích kích, các cửa ra vào ken két, những chiếc ghế đã bị chuyển quanh trong các phòng. Trèo ra khỏi giường, Ruzhetsky ngã dập mặt xuống nền nhà. Anh ta đang vội đi làm nên đành chạy ra ngoài, hai tay bưng mặt. Hai bàn tay làm anh khó mà thấy được mình đang đi đâu. Hai lần anh va phải cái ki ốt quảng cáo, rồi xô phải một ông già đội mũ nhựa có cái che tai bằng lông, đẩy cho ông già vào cơn giận dữ đến mức một tay gác cổng, cũng giận dữ gần độ như thế vì anh ta đang gắng dùng xẻng bắt một con mèo, nói với ông già với mức độ lo âu tăng tiến: “ Thật đáng xấu hổ, bố già, bằng này tuổi đầu mà còn gây rắc rối thế!”
(1935)
(Nhan đề do người dịch đặt. Trang 221, sđd)
Những điều không đáng kể
Người ta thật dễ trở nên rối tinh lên trong những điều không đáng kể. Bạn có thể đi hàng giờ từ cái bàn tới cái tủ áo rồi từ tủ áo tới đi-văng và không bao giờ tìm được đường ra. Bạn thậm chí có thể quên mình đang ở đâu và phóng phi tiêu vào những tủ nhỏ trên tường. “Coi chừng, hỡi tủ đồ!” bạn có thể hét vào nó. “Tao sẽ có được mày!” Hoặc bạn có thể nằm trên nền nhà và khảo sát bụi. Chuyện này cũng có cảm hứng mà. Tốt nhất là làm điều này một cách có kế hoạch, có lượng thời gian theo tiêu chuẩn. Cho dù sẽ khó xác định giới hạn thời gian, vì những giới hạn thời gian của bụi là gì mới được chứ?
Mà tốt hơn là cứ nhìn chăm chăm vào một cái ống nước. Nhìn vào ống nước luôn tốt cho bạn và lại còn lợi khí nhuận thần. Ngay cả khi bạn không thể thấy được gì trong đó, vẫn tốt. Chúng ta nhìn nước và chẳng thấy gì trong đó, và sẽ nhanh chán. Nhưng chúng ta đã làm dịu bản thân mà vẫn làm được một điều tốt lành. Chúng ta luôn dựa vào những ngón tay của mình mà đo đếm. Nhưng chúng ta đang đếm cái gì – chúng ta đã không biết – vì là nước có cách nào đếm được chăng?
(17 Tháng Tám, 1940)
(Nhan đề người dịch đặt. Trang 262)
[1] Trong bản thảo này, Kharm đổi họ của nhân vật chính. Đây không phải là điều bất thường trong tác phẩm của Kharm. Tuy nhiên, vì tình trạng phân tán của bản thảo, khó có thể biết chính xác đây là chủ ý của tác giả hay chỉ là một sơ xuất. (Theo chú thích của bản dịch tiếng Anh).
[2] Theo chú thích của người dịch bản tiếng Anh: tác phẩm này, cũng như tác phẩm “Không đề 1)” phía trên, gợi nhắc về thời kì lưu vong của Kharms ở Kursk. Từ mà Kharm cố gắng nhớ bắt đầu với chữ R hoặc chữ M, theo ghi chú của Mikhail Iampolski, là một phần trong tên riêng của Kharms. Từ rectangle (hình chữ nhật) trong bản dịch tiếng Anh vốn trong tiếng Nga là rama, nghĩa là “khung khổ”, cho ta trở lại với những ô cửa sổ trong truyện ngắn này.
[3] Lí do? Đắm đuối? Hình chữ nhật? Rách thủng? Hay: Trí óc? Khổ đau? Vấn đề?
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét