Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Nhìn lại hiện tượng Trương Tửu

Tác giả: Tuấn Kiệt
Ngày 11-12, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Những thí nghiệm của ngòi bút tôi” nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn – Giáo sư Trương Tửu (1913 – 2013), người đặt nền móng đầu tiên cho ngành phê bình văn học nước nhà.
Nhà văn – Giáo sư Trương Tửu
Hiếm khi nào số người tham dự lại đông hơn dự kiến như tại hội thảo về nhà văn – Giáo sư Trương Tửu nhân 100 năm sinh của ông. Các giáo sư đầu ngành như Nguyễn Đình Chú, Trần Đình Sử, Phong Lê, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên… nói về ông với sự ngưỡng mộ và kính trọng. Trương Tửu được hậu thế nhớ tới với vai trò là nhà nghiên cứu có cá tính mạnh mẽ.
Ông luôn có ý thức nêu vấn đề mới, đặt lại vấn đề một cách độc lập, táo bạo, cho nên các tác phẩm của ông luôn có tính thách thức, đối thoại và tranh luận với người cùng thời để nêu kiến giải riêng của mình. Cách làm đó khiến cho đời sống văn hóa luôn sôi động và gương mặt ông luôn giữ được nét riêng. Ông không ngại nói những điều gọi là “chướng tai gai mắt thiên hạ”. 
Theo nhìn nhận của GS Trần Đình Sử, phê bình văn học cho dù được quan niệm là khoa học, nhưng xét đến cùng nó vẫn là văn học, nghĩa là đồng sáng tạo. Do đó dù có thiếu sót, thiên lệch, “đọc nhầm” như thế nào thì cách đọc của Trương Tửu vẫn tạo ra “dị bản” của ông. Dị bản đó vẫn tạo ra một sự đa dạng đủ làm cho ta tham khảo. Và không ít dữ kiện của ông rồi đây giúp ai đó có thể đọc Truyện Kiều theo một hướng khác hẳn.
Sẽ rất ngộ nhận nếu cho rằng chỉ có cách hiểu của Hoài Thanh hay của Phan Ngọc mới là duy nhất đúng. Vả lại, xét một cách khác, trường hợp “đọc nhầm” dung tục như Trương Tửu đâu phải là cá biệt trong phê bình văn học nói chung và phê bình văn học Việt Nam nói riêng. Việc vận dụng phương pháp duy vật biện chứng của nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam một thời đối với Thơ Mới, tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn, đối với tác phẩm của Vũ Trọng Phụng và với nhiều tác phẩm văn học khác cũng dung tục không kém, gây tác hại còn lớn hơn cả Trương Tửu. 
Là học trò “ruột” của GS Trương Tửu, GS Nguyễn Đình Chú xúc động khi nhắc tới người thầy của mình với sự cảm phục bậc sư phụ đã để lại cho đời một mẫu mực về văn hóa tranh luận. Văn hóa tranh luận là phải như thế đấy. Phải làm cho ra nhẽ nhưng là trên cái nền tảng tôn trọng nhau.
Còn phần đúng sai trong văn chương, học thuật thì ai dám khẳng định tiếng nói của tôi là tiếng nói cuối cùng? “Mong rằng, hiện tượng phê bình theo kiểu mà mấy ai đó đã làm với nhà văn – GS Trương Tửu thời kỳ chống Nhân văn – Giai phẩm chỉ là hiện tượng thần kinh không bình thường trong nhất thời mà thôi…” – GS Chú nói.
GS Nguyễn Đình Chú cũng kể lại câu chuyện đến thăm thầy Trương Tửu sau hàng loạt “tai nạn” nghề nghiệp đến với ông. Bỏ nghề giáo, nghề văn, Trương Tửu lại chuyển sang nghề bốc thuốc nhưng khuôn mặt ông vẫn giữ được nụ cười rạng rỡ như ngày nào.
———-


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: