Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Người Tây Tạng 'bị thế giới làm ngơ'

Damian Grammaticas, Phóng viên BBC, Trung Quốc
Mặt trời lên và nhiệt độ khoảng âm 20 độ C. Tiếng tụng kinh của các vị sư vẩn vương trong thung lũng phủ tuyết trắng.
Chúng tôi ở trên vùng núi cao lô nhô, hướng về phía cao nguyên Tây Tạng. Khắc nghiệt và rất đẹp, vùng nằm bên ngoài Tây Tạng này cũng là nơi có tới sáu triệu người Tây Tạng sinh sống.

Một vị sư quét tuyết khỏi những bậc thang dẫn tới một cái phù đồ nhỏ (nơi giữ xá lợi của Phật). Người Tây Tạng cuộn mình trong chăn để chống rét, tay nâng bánh xe pháp luân.

Xa hơn ở phía trườn đồi, sương sớm treo lơ lửng trên những mái ngói sơn vàng của các thiền viện.

Rải rác khắp thung lũng của vùng núi cao là các thiền viện lưu giữ cách sống của người Tây Tạng.

Các nhà sư trong bộ áo cà sa màu vang đỏ dần tiến ra để làm lễ cầu kinh sáng, trong khi các phụ nữ mang theo tràng hạt đi xung quanh thiền viện, rồi phủ phục xuống đất.

Người Tây Tạng lo lắng khi tiếp xúc với các phóng viên nước ngoài

Từ khi các nhóm lính Trung Quốc được điều động tới kiểm soát Tây Tạng hơn nửa thế kỷ trước, và đức Đà Lai Lạt Ma bỏ xứ đi xa, các thiền viện thưa vắng hẳn đi.

Và đã nhiều tháng qua, báo chí bị chặn lại không được vào vùng Tây Tạng do căng thẳng sôi sục ở khu vực này.

Chúng tôi lọt vào mà không bị phát hiện. Trung Quốc không muốn có sự can thiệp của người nước ngoài ở vùng này.

Các vị sư mà chúng tôi tiến đến gần đều tỏ ra lo lắng, Trung Quốc đã tăng cường theo dõi ở đây.

Một vị sư trẻ lắc đầu tỏ ý không muốn nói chuyện; nhà sư khác xua xua chúng tôi, hoặc có người thì rút vào bên trong. Có nguyên nhân khiến họ cẩn trọng như thế.

Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát, không chỉ ở các thiền viện mà còn ở toàn bộ các hoạt động khác của đời sống và văn hóa người Tây Tạng.

Các thiền viện là nơi lưu giữ văn hóa và cuộc sống của người Tây Tạng
Sự chán nản cũng dần lớn lên trong lòng người Tây Tạng. Và có cảm giác rằng, kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính ở thế giới bên ngoài, đặc biệt là phương Tây, họ cũng không còn muốn giải quyết hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc nữa.

Điều mà các quốc gia muốn là xâm nhập được vào thị trường và tài chính Trung Quốc

Thế nên người Tây Tạng đành chọn cách phản đối cực đoan, tự thiêu mình. Con số người tự thiêu trong ba năm qua được cho là đã lên tới hơn 120 người, nhằm phản đối sự cai trị của Trung Quốc trên quê hương họ.

Một số người được cho là đã kêu gọi đức Đà Lai Lạt Ma trở về khi xảy ra những vụ tự hủy hoại bản thân.

Người Tây Tạng thấy mình bị phân biệt đối xử, 
bị coi là 'da đen hơn và bẩn hơn'

Có thể đó là hành động tuyệt vọng, nhưng Trung Quốc nói những người tự thiêu là do bị Đà Lai Lạt Ma xúi giục, thậm chí trả tiền.

Lo sợ sự việc sẽ ngày càng lan rộng, Trung Quốc lại càng mạnh tay hơn, bắt giữ, thậm chí bỏ tù người Tây Tạng bị cáo buộc giúp đỡ những người đã tự thiêu.

Ngọn cờ của những người cầu kinh bay lất phất bên ngoài ngôi nhà của người đàn ông đã tự kết liễu đời mình. Chúng tôi tìm đến gia đình ông, nhưng được yêu cầu phải giữ bí mật tên tuổi.

Anh trai ông nói người cha có hai con nhỏ ấy không hề nhận được tiền của Đà Lai Lạt Ma. Chỉ nhắc tới điều đó thôi, ông nói, cũng là sự sỉ nhục.

Ông cho biết chính quyền đã đến tra hỏi nhiều lần. Họ muốn biết vì sao em ông lại tự đốt mình, nhưng tất cả những gì ông có thể trả lời là em trai mình là người tốt, hành động vì lương tâm. Người Tây Tạng, ông nói thêm, đã nản rồi.

“Tôi thường thấy người Tây Tạng bị coi là thấp hèn,” ông giải thích. “Tôi rất buồn về điều này.

“Người Tây Tạng vào thành phố tìm việc thường bị coi là da đen hơn và bẩn hơn những người khác; chúng tôi bị đối xử phân biệt. Tôi tin là mình bị cư xử khác biệt.”

Ông nhấn mạnh rằng gia đình ông không bị chính quyền trả đũa. Nhưng cha mẹ ông rõ ràng là rất lo lắng về việc nói chuyện với phóng viên nước ngoài.

Người Tây Tạng sợ văn hóa của mình sẽ bị phai nhạt

Ở vùng núi trống trải đầy gió, nơi người chăn gia súc chăm sóc cho những con bò Tây Tạng đen lốm đốm các sườn đồi, không có nhiều việc làm cho người Tây Tạng.

Trung Quốc nói sẽ thay đổi điều này, sẽ cho xây đường sá, mang thịnh vượng tới. Nhưng phát triển lại là một nguyên nhân gây mâu thuẫn khác.

Giữa tháng Tám năm nay xảy ra một cuộc biểu tình ở trung tâm Tây Tạng bởi nhiều người lo lắng rằng môi trường sẽ bị ảnh hưởng do các hoạt động khai thác khoáng sản. Nhiều người Tây Tạng thấy tài nguyên của mình đang bị Trung Quốc khai thác kiếm lời.

Đáp trả của Trung Quốc cho sự phản kháng, vì có quá nhiều người Tây Tạng tham gia biểu tình, khá mạnh tay. Nhóm người Tây Tạng lưu vong nói cảnh sát ập tới, bắn khói cay và dùng dùi cui điện dẹp đám đông biểu tình.

Ở ngôi làng khác, chúng tôi thấy một phụ nữ đang chất cỏ dự trữ cho gia súc. Bà nói với tôi rằng đã có năm, sáu vụ tự thiêu ở thiền viện gần nhà bà.
Bà không muốn cho chúng tôi biết tên nhưng nói có đàn áp xảy ra sau các vụ tự thiêu đó.

“Chúng tôi thấy rất áp lực. Bắt bớ xảy ra, cảnh sát đến và bắt giữ người.
“Các gia đình còn không biết người thân của mình bị mang đi đâu.”


Người Tây Tạng thấy nản vì có lẽ thế giới giờ chỉ lo tới mối lợi kinh tế với Trung Quốc
Không xa đó, người Tây Tạng đi vòng quanh một khu mộ, quay bánh xe luân hồi. Một nhóm phụ nữ lớn tuổi cúi mình trước tòa phù đồ, siết chặt tay. Rồi họ phủ phục xuống, cầu nguyện.

Sau vụ đàn áp và cấm đưa tin, các vụ tự thiêu có vẻ đã ít xảy ra hơn.

Nhưng những điều không được nhắc tới là mối bất bình ở đây: người Tây Tạng lo sợ rằng họ đang bị gạt ra ngoài lề, văn hóa dần mất đi, bị buộc làm cho im lặng, trong khi đó thế giới ngoảnh mặt đi.

(BBC)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: