Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Mao Trạch Đông: Dân Trung Quốc còn nhớ gì ?


Ngày 26/12 tới, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 120 năm sinh nhật Mao Trạch Đông. Báo La Croix dành một hồ sơ lớn dài ba trang cho nhân vật lịch sử này. Tờ báo đặt câu hỏi: Những gì còn đọng lại trong tâm trí người Trung Quốc về nhân vật được Nhà nước tôn thờ như một đấng cứu tinh dân tộc mặc dù những chính sách mà ông đã đưa ra khi lãnh đạo đất nước đã gây chết chóc cho hàng triệu người dân Trung Hoa ?

Quà lưu niệm với chân dung của hai ông Mao Trạch Đông 
và Tập Cận Bình - REUTERS /Kim Kyung-Hoon
Lê Vy: Phóng viên của tờ báo La Croix về thăm lại quê hương của Mao Trạch Đông tại làng Thiếu Sơn, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam. Già có, trẻ có, sinh viên, học sinh, nông dân và các cặp tay bồng bế con xếp hàng vào thăm trang trại, nơi mà Mao Trạch Đông đã sinh trưởng và lớn lên. Ngày nay, đối với người dân Trung Hoa, Mao Trạch Đông là “sự hiện thân của nền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.

Ngôi nhà thuở thiếu thời của ông trở thành một địa điểm du lịch nhưng bằng một cách nào đó, du khách lại thể hiện một sự tôn trọng sâu sắc. Việc cấm chụp ảnh bên trong ngôi nhà còn cho thấy Trung Quốc sùng bái vị lãnh tụ này như thế nào.

Sau ngôi nhà là con đường mòn dẫn du khách đến những tiệm bán đồ lưu niệm. Vòng đeo tay, chuỗi, poster hình Mao hay tượng Mao… được bày bán. Hình tượng của ông đã trở thành một công cụ thương mại béo bở. Một cô bán hàng cho biết, có ngày, người dân phải xếp hàng từ 2 đến 3 giờ mới vào thăm được nhà Mao. Hiện tượng này không phải là vì Mao ngày càng được dân chúng nhớ tới nhưng vì con đường dẫn vào ngôi làng của Mao đã được trùng tu, hiện đại hóa nên du khách dễ dàng đến thăm hơn.

Một số người già hồi tưởng lại những ký ức về nạn đói kinh khủng xảy ra vào năm 1960 dưới thời Mao Trạch Đông, đã làm 30 triệu người chết. Hai sinh viên khác cho biết chỉ biết đến Mao qua sách giáo khoa : “70% là những điều tích cực của ông và 30% là tiêu cực, đặc biệt là qua cuộc Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến 1976”. Ngoài ra, họ không tìm cách biết thêm hay để tìm ra sự thật lịch sử.

Tác giả bài báo nhận định, tuổi trẻ ngày nay không nhìn về quá khứ. Chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là một chủ nghĩa sáo rỗng, được bao bọc bằng những ngôn từ chỉ để ca ngợi sự an khang thịnh vượng của con người.

Một cô sinh viên phát biểu: “Chúng tôi biết là chính phủ đang vẽ truyện nhưng chúng tôi không có phương tiện để tìm ra sự thật, về những gì Mao đã làm và những gì ông chưa làm. Bà của tôi bảo không nên phê bình Mao Trạch Đông vì ông đã mang lại hòa bình cho đất nước. Những gì bà đã hy sinh thì chẳng có ai kể. Dù sao đi chăng nữa thì chúng tôi cũng không muốn biết. Thế hệ của chúng tôi mù quáng”.

Cuối cùng, tác giả bài báo kết luận, thế hệ già tôn trọng và ngưỡng mộ Mao mặc dù họ đã phải trả giá đắt vì những chính sách điên cuồng của ông. Thế hệ trẻ thì chỉ biết đến Mao qua sách vở. Thế nhưng, trong trái tim người Trung Quốc thì hình ảnh của Mao vẫn tồn tại.

Ngoài ra, tờ báo còn trích dẫn một nhân chứng tên Mã Tiểu Quân, 83 tuổi, ngụ tại thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Bà không hề quên cuộc trấn áp khủng khiếp của Mao Trạch Đông nhắm vào những người Công giáo. Nhiều người dân và linh mục bị cảnh sát bắt vào năm 1953. Họ bị buộc phải bỏ đạo và theo cộng sản. Bà thuật lại: “Phải hứa phục vụ tổ quốc trước Đức Chúa và phải từ bỏ, chối đạo. Đó là những gì mà những người cộng sản đòi hỏi. Họ muốn xóa bỏ đạo hoàn toàn”. Những hộ gia đình không theo đạo Chúa cũng chỉ điểm gia đình bà nên khó mà trốn tránh hoặc chối cãi được.

Trung Quốc đang chờ đợi baby-boom

Sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm nhẹ chính sách một con và dần xóa bỏ chính sách này, hôm nay, báo Le Figaro đăng bài viết: “Trung Quốc đang đợi chờ baby-boom”. Theo nhận định của tờ báo, phải đợi đến 9 tháng sau để biết được tình trạng baby-boom sẽ nổ ra hay không tại Trung Quốc. Việc nới lỏng chính sách một con cho phép các cặp mà một trong hai người là con một, được sinh con thứ hai.

Cho tới nay thì chỉ có các cặp mà cả hai đều là con một mới được phép sinh con thứ hai. Theo ước tính, biện pháp này có thể kích thích tỷ lệ sinh sản : 9 triệu rưỡi trẻ thơ được sinh trong 5 năm tới. Một số cặp đã lấy làm vui mừng và chuẩn bị cho việc sinh đứa con thứ hai. Một người dân lấy làm phấn khởi: “Nhờ vào chính sách này, chúng tôi có thể thực hiện được ước mơ và được phép có con thứ hai một cách hợp lệ mà không phải bị phạt tiền”.

Một số khác hội đủ tiêu chí trên cho biết cũng rất háo hức sinh con thứ hai trước khi quá muộn. Những trường hợp như vậy cho thấy khả năng bùng nổ sinh sản tại Trung Quốc. Tình trạng này đã đẩy giá chứng khoán các công ty sản xuất sữa, tả lót cho trẻ hay sản xuất nhạc cụ tăng vọt tại thị trường chứng khoán Thượng Hải.

Thế nhưng, bên cạnh đó, một số lại không tin rằng tình trạng bùng bổ dân số sẽ xảy ra trong những năm tới. Chính sách một con kéo dài trong nhiều thập kỷ đã tạo nên hiện tượng “trẻ con là vua”. Một giáo sư dạy dân số học tại Trung Quốc cho biết : “Một số thanh niên không muốn sinh con thứ hai. Họ cho rằng để nuôi một đứa con tốn kém nhiều tiền. Không phải vì họ nghèo nhưng chính sách một con đã làm cho họ kỳ vọng quá nhiều vào đứa trẻ. Người nông dân không muốn con cái họ vẫn cứ cày cuốc ngoài đồng. Họ mơ ước cho con cái học nghề luật sư hay bác sĩ”.

Tại một số thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thưuợng Hải, một số cặp vợ chồng có thu nhập chỉ vừa đủ để kiếm sống, cho nên họ không biết làm thế nào để lo chu đáo cho một đứa trẻ có cuộc sống hạnh phúc và sung túc, huống chi là đến hai đứa con.

Đối với những cặp trung lưu, trong những chuyến đi châu Âu hay Mỹ, họ tranh thủ mua trữ sữa bột để không phải dùng đến loại sữa nội địa mà chất lượng tệ hại, vốn mang nhiều tai tiếng. Khi con cái lớn lên, cần phải đầu tư để con cái được ăn học đầy đủ, có các mối quan hệ để con cái có thể thăng tiến, tìm việc làm dễ dàng. Một cặp cho biết, họ quyết định không có con và chỉ nuôi chó vì họ sợ một đứa trẻ sẽ không trung thành như chó. Một số khác khẳng định rằng, nên đầu tư tiền bạc vào bất động sản, mua xe hơi xịn hơn là đầu tư vào giáo dục một đứa trẻ.

Kết quả là tỷ lệ sinh sản của phụ nữ Trung Quốc là 1,08, một trong những nước có tỷ lệ sinh sản thấp nhất thế giới. Năm ngoái, lần đầu tiên, dân số trong độ tuổi lao động đã giảm sút. Số người trên 60 tuổi sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030, tức đến 400 triệu người. Cuối cùng, tờ báo nhận định, 30 năm phát triển kinh tế của Trung Quốc đã biến quốc gia này thành đế chế của sự ích kỷ vật chất theo kiểu phương Tây.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: