Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Lời gan ruột của Dương Trung Quốc


(Chính trị Việt Nam) - Không bấm nút thông qua Hiến pháp (sửa đổi), bản hiến pháp ông cũng trực tiếp tham gia với tư cách là thành viên ban biên tập, ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc đã thẳng thắn nêu quan điểm của mình về hành động này. Trước đó, chính ông cũng là người làm nóng nghị trường Quốc hội khi phát biểu về Biển Đông hay chỉ ra trách nhiệm của Quốc hội trong vấn đề thất thoát ngân sách...

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Không bấm nút thông qua Hiến pháp (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc là 1 trong 2 người đã không bấm nút thông qua Hiến pháp (sửa đổi).


Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội trước phiên bế mạc, Đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc cho biết, bản thân ông cũng trực tiếp tham gia vào dự thảo Hiến pháp với tư cách là một thành viên ban biên tập.

Ông khẳng định, công tác chuẩn bị đã tiến hành trong thời gian dài, đầu tư nhiều công sức, thảo luận dân chủ. Trong quá trình đó, hầu như tất cả ý kiến đều được ghi nhận và có hồi âm, giải trình rõ ràng. 

"Tuy nhiên, tôi vẫn có suy nghĩ riêng của mình. Đó là vào thời điểm này đã chín muồi cho việc chúng ta không chỉ sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mà với tất cả trải nghiệm của hơn 20 năm vừa qua, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, chúng ta nên có những bước đi căn bản hơn.

Hiện nay tôi thấy có những vấn đề chưa ngã ngũ, ví dụ như vấn đề sở hữu, vấn đề liên quan đến chính quyền địa phương..., vậy mà chúng ta khép lại như vậy thì tôi cho rằng nó hơi nửa vời", ông Dương Trung Quốc nói.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng cho biết, ông đang rất băn khoăn trước lịch sử lập hiến. "Lần đầu tiên chúng ta ghi thẳng vào Lời nói đầu là Hiến pháp cũng chỉ thể chế hóa cương lĩnh của Đảng. Tôi tự đặt câu hỏi rằng đây có phải là một nhận thức tiến bộ hay không? Sự lãnh đạo của Đảng thì có lẽ chúng ta không phải bàn nữa, nhưng nghệ thuật lãnh đạo của Đảng là điều hết sức quan tâm.

Chúng ta hãy đọc lại các bản Hiến pháp trước đây, nhất là các Hiến pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp lãnh đạo, chúng ta thấy rằng Đảng luôn đóng vai trò quyết định, thế nhưng nghệ thuật lãnh đạo lại khác, không thể hiện trực tiếp vào Hiến pháp như vậy, mà đặt dân tộc và nhân dân lên trên hết”, ông nói.

Trước câu hỏi, vì sao ông không dứt khoát ấn vào nút “không tán thành”, đại biểu Dương Trung Quốc giải thích: "Tôi phải khẳng định rằng những người soạn thảo đã thể hiện một tinh thần rất cầu thị. Nhưng hình như tinh thần cầu thị ấy không vượt qua được ngưỡng của tính nguyên tắc, tức là những gì đã có trong cương lĩnh.

Như chúng ta biết, cương lĩnh nói về những vấn đề cơ bản nhất cho cả một thời kỳ dài, Đảng gọi là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, còn sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay thay đổi từng ngày từng giờ. Đó là chưa kể một kiến nghị của tôi chưa được đưa vào trong Hiến pháp là phải có quy định đúng tầm mức về biến đổi khí hậu mà dự báo VN là một trong những quốc gia phải hứng chịu nhiều nhất.

'Vinashin không ngại bằng Vina... cho"

Cũng trong kỳ họp Quốc hội này, đại biểu Dương Trung Quốc đã từng phát biểu, cơ chế “xin - cho” là cội rễ của nhiều tiêu cực, len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, quốc hội phải liên đới nếu thất thoát ngân sách.

ĐB Dương Trung Quốc ví von: “Vinashin không ngại bằng Vina... cho!”. ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh vào chức năng giám sát của Quốc hội nhưng dường như ĐBQH cứ như vô can, là người đứng ngoài cuộc.

“Nếu chúng ta giám sát tốt, thực thi hết quyền hạn thì góp phần để tiêu cực không còn cơ hội nảy sinh, kể cả lãng phí, tham ô” - ông Quốc thẳng thắn.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng “niềm tin của người dân chưa thể được xác lập” khi trong ký ức còn nóng hổi vụ thất thoát tín phiếu chính phủ phát hành quốc tế của Vinashin, hay số tiền khổng lồ mà một người đứng đầu của Vinalines có thể định đoạt để mua về một khối sắt vụn với giá trên trời để tham ô.

"Báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện đúng tầm mức về vấn đề Biển Đông"

Còn nhớ, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIII (8/2011), Đại biểu Dương Trung Quốc đã đặt vấn đề, ngay chương trình làm việc của Quốc hội ban đầu hầu như chẳng có vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông cả, phải đến lúc dư luận và ĐBQH yêu cầu thì Quốc hội mới đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy 1 tiếng và không có thảo luận.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, không thể không thừa nhận rằng vấn đề Biển Đông trong đó có cả vấn đề bảo vệ chủ quyền cũng như vấn đề phát triển quốc gia là một vấn đề đang nổi bật. Sự tranh chấp, sự đe doạ, sự không ổn định là vấn đề không chỉ các nước có liên quan mà cả thế giới quan tâm.

"Vậy mà báo cáo của Chính phủ tuy có đề cập thể hiện quan điểm mang tính nguyên tắc của Chính phủ, nhưng rõ ràng là chưa thể hiện đúng tầm mức. Chúng ta không thổi phồng, không kích động, không để hoang mang là cần thiết, nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường được. Nó phải được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ đúng tầm mức, phải được phản ảnh trong chương trình nghị sự của Quốc hội đúng tầm mức để nhân dân tin tưởng, thông suốt…

Tôi xin bày tỏ điều tôi suy nghĩ về nội dung buổi báo cáo đó, và tôi đã nói với bộ trưởng ngoại giao ý kiến của tôi rằng: Trừ một vài nội dung chi tiết , còn về căn bản nếu những nội dung báo cáo đó được trình bày cho dân chúng thì chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì Chính phủ đã làm, nó làm sáng tỏ phần nào những băn khoăn, trăn trở của dân và quan trọng hơn là sự ủng hộ của dân được tổ chức, được huy động có hiệu quả.

Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa CP và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết", Đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Phát biểu của ông Hoàng Hữu Phước "xúc phạm đến dân"

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII (11/2011), phát biểu tại Quốc hội sáng 17/11/2011 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ĐBQH đoàn TP.HCM Hoàng Hữu Phước phát biểu: "Đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật".

Là người duy nhất ủng hộ dự án luật trong sáng 17/11, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, phát biểu như vậy là không thỏa đáng.

Ông rất thẳng thắn khi nêu lên quan điểm của mình về Luật này: “Nếu Hiến pháp (sửa) lần này không đề cập tới quyền biểu tình thì chẳng những thụt lùi so với các bản Hiến pháp trước đó, lại càng lạc hậu so với các nước. Nhưng nếu có quyền mà không có luật thì không lẽ chúng ta lại chấp nhận cả Hiến pháp... treo à!”

Ông cũng đưa ra một số dẫn chứng để làm sáng tỏ ý niệm về “biểu tình”. Từ việc dùng chữ “mít tinh” thay cho “biểu tình” những năm 1954 hay khái niệm này chỉ xuất hiện ở những cuộc tập hợp lực lượng chống chính quyền Sài Gòn, cho tới các vụ “biểu tình của quần chúng ở Thái Bình”… đã cho thấy sự nhận thức sâu sắc về vấn đề này.

Ông Quốc giải thích, việc bày tỏ thái độ của người dân là cần thiết, nó có nhiều diễn đạt khác nhau, nhiều hình thức khác nhau, việc tụ tập đông người mà thực chất là biểu tình là nói đúng tên của nó.

"Chính bởi vì không có luật nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Tôi không tán thành các đại biểu Quốc hội cứ nhân danh nhân dân. Tại diễn đàn Quốc hội chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối, người dân băn khoăn trước định lượng đó, nó dẫn đến tiêu cực xã hội. Nhưng người ta rất mong muốn rằng những tình cảm, cách thể hiện đó đúng lúc, đúng chỗ, nói cách khác là có luật", ông Quốc nói.

Theo ông, Luật biểu tình là một công cụ để điều chỉnh, bảo đảm những yếu tố tích cực và quyền của người dân.

"Không phải tự nhiên mà Thủ tướng cũng đã rất chủ động đề cập đến việc đề nghị đưa vào chương trình luật pháp của chúng ta về biểu tình. Tôi nghĩ Quốc hội hết sức thận trọng. Phát biểu như thế là xúc phạm đến chính người dân.

Chính vì thế càng thấy chúng ta cần phải có Luật biểu tình càng sớm càng tốt. Đây là luật rất nhạy cảm, khó khăn, phải có lộ trình thận trọng, nhưng không vì thế mà phủ nhận để biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường", ông Quốc kết luận.

Hà Anh
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: