Nguyễn Quang Thân
Phần 1: Vì đâu người Việt “còi cọc“
Cũng như một con người, một dân tộc có phần hồn và phần thể xác. Dân Việt ta cũng vậy. Xin chưa bàn đến phần hồn, hãy bàn với nhau chuyện thể xác. Hãy ra đường, đến sân trường học, cổng các khu chế xuất hoặc ngồi trên vài chuyến xe buýt, bất kỳ ai cũng phải thốt lên: Sao người mình “còi” thế!
Người Việt miền Bắc “còi” hơn người Việt miền Trung và Nam, người miền núi còi hơn dân duyên hải. Nghịch lý là, công nhân làm cơ bắp lại “còi” hơn cán bộ, cán bộ cấp dưới còi cọc hơn cán bộ cấp trên! Con số buồn: Dân số VN đứng thứ 13 nhưng chỉ số thể hình xếp 103/173 nước trên thế giới.
Một vấn đề văn hóa
Tuy là chuyện thể xác nhưng lại có thể bàn về rất nhiều khía cạnh văn hóa của chuyện còi cọc. Dung nhan cũng là thể diện. Vóc dáng người Việt chính là thể diện – hay người ta thường nói là bộ mặt của đất nước.
Bởi vì không phải ai cũng đọc sử Việt Nam, nghiên cứu di sản tinh thần như “anh hùng, dũng cảm, cần cù, tình nghĩa”, những đức tính tốt đẹp của người Việt. Thậm chí còn có nhiều người trên thế giới chưa nghe nói đến hai tiếng Việt Nam. Xin lỗi những người thích tự sướng, chuyện này là có thật đấy ạ và tôi đã được đọc trong một bài báo về du lịch.
Vậy thì trước hết người ta nhìn “người Việt” bằng mắt thường. Nghĩa là ngắm anh ta đi đứng ra sao, xách cái này, đẩy cái kia, phản ứng thế nào khi có một thằng cướp giật tóm cổ đòi tiền hay đe dọa. Đã là man thì đương nhiên phải manly chứ? Có khỏe mới giữ được nhân cách.
Với phái nữ thì người ta quen nhìn bộ ngực thế nào, vòng hai vòng ba ra sao. Các bà mẹ chồng thường chọn con dâu đẹp đã đành mà con phải có vóc dáng cao lớn, ngực nở vai rộng, xương chậu nở nang để còn làm mẹ, sinh con đẻ cái nối dõi gia tộc cho bà. Chân dài cũng hay nhưng cô con dâu tương lai không thể là cây sào chống thuyền hay làm giàn cho mướp leo!
Công dung ngôn hạnh thời xưa và cả thời nay nữa, có nội hàm một người nữ khỏe mạnh, cứng cáp không phải để bắt cướp mà có khả năng cáng đáng chức nội tướng trong gia đình khi gặp khó khăn.
Có “dung” khỏe chắc thì mới có “công” giỏi giang. Có “dung” có “công” khỏe mạnh thì mới có “hạnh” (không chỉ giữ tiết trinh cho chồng mà còn biết vị tha, giúp đỡ người khác bằng tinh thần, tay chân khi hữu sự, chăm sóc cha mẹ chồng con khi ốm đau), “ngôn” mẫu mực là ăn nói dịu dàng, đúng mực nhưng cũng phải biết hét thật to kêu cứu khi nhà có cướp hay bị xâm hại chứ?
Tóm lại, cái bao trùm “công dung ngôn hạnh” là khỏe mạnh. Còi cọc, ốm yếu thì không có gì hết. Chắc người nước nào, văn hóa nước nào cũng vậy thôi.
Người Việt mình (và cả người Tàu nữa) nói không oan là không biết nhảy. Tôi không kể các cuộc thi nhảy trên TV hầu như dành cho rất ít người có tài này muốn thành chuyên nghiệp, khác với nhiều dân tộc hễ có nhạc nổi lên là họ ngọ nguậy người, chí ít thì cũng đập đập thìa nĩa vào đĩa thức ăn.
Người mình có thể giỏi nghĩ mưu, giỏi đanh đá, chua ngoa, ngôn từ sắc như dao nhưng không giỏi dùng tay chân, cơ thể như một thứ có sẵn trời cho để biểu hiện suy nghĩ, tình cảm của mình trong lễ hội, liên hoan hoặc gặp gỡ, nơi không thể hoặc không tiện dùng tiếng nói, ngay cả hát. Động thái mạnh mẽ nhất là giơ tay lên với cái ly đầy bia như chuẩn bị đâm lê và thét lên mấy tiếng “dzô dzô” hệt người rừng.
Tôi đã hơn một lần nhìn người nước ngoài chán ngán ngắm các anh chị người Việt mình là những người duy nhất ngồi xổm trong nhà nghỉ chân ở sân bay châu Âu như Franfurt, Orly. Họ nhìn mà như gặp người sao Thổ, chán đến vãi!
Thiệt hại về kinh tế
Trên đây có nói tới các bà mẹ chồng chọn vợ cho con. Các ông chủ xí nghiệp- ngay cả người trong nước tuyển công nhân, kỹ sư hay chuyên gia còn khó tính hơn. Công nhân còi cọc thì làm được gì?
Máy móc được sản xuất từ châu Âu châu Mỹ, nơi chiều cao bình quân của đàn ông thường trên một mét bảy (Mỹ 1,78m, Úc 1,82m, Đức 1,81). Top 10 nước “cao” nhất thế giới đều là những nước phát triển rất giàu, có thể giàu nhất như Mỹ, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch...
Cho nên, “tiền nào của nấy”, công nhân mình (với chiều cao trung bình 1,62m) có giá rẻ. Và cái mà ta thường “tự hào” có nhân công giá rẻ thật ra chỉ là hậu quả của nhiều thứ trong đó có “giá trị thể hiện hình thể”.
Chị em làm máy khâu, công nhân điều khiển cần trục, lái xe tải, xe ben, thậm chí cả phi công lái máy bay Boeing hay Airbus đều phải cố gắng rất nhiều, “vươn người, duỗi chân, duỗi tay” tối đa để có năng suất như ý. Điều đó một người Mỹ hay Đức làm mà chẳng phải cố gắng bao nhiêu. Họ cao hơn ta những 12-15 cm cơ mà!
Trên đồng ruộng người nông dân mình chưa có diễm phúc được máy móc phụ trợ gần 100% như người các nước đã có hàng thế kỷ. 70% công việc đồng áng đều dựa vào sức người. Mọi sự chỉ trông mong vào tăng cường thể lực, nếu không nói là đang dẫm chân tại chỗ hay thụt lùi.
Vùng cao, vùng nghèo vẫn suy dinh dưỡng do cung cấp thiếu cả người lớn lẫn trẻ em. Vùng thành phố giàu có vẫn suy dinh dưỡng do hấp thu kém hoặc hóa chất độc hại. Nếu sự tăng trưởng thể lực của nông dân (lao động chính và phụ) không tương xứng thì chưa thể có tăng trưởng vững vàng.
Trong lĩnh vực kinh tế tri thức, thể hình của lãnh đạo đến nhân viên cũng là một trở ngại và thiệt thòi. Ngoại hình không thay được năng lực và tri thức. Nhưng trong nhiều lãnh vực kinh tế, nhất là du lịch, ngoại hình của nhân viên và cả CEO nữa có vai trò không thể coi nhẹ.
Dự các cuộc hội thảo quốc tế hay tour lữ hành, nhìn mấy ông chuyên gia, hướng dẫn du lịch người mình với thân gầy, vai so, kính cận mà thương. Tuy kiến thức hay khả năng của họ đâu có kém người nước ngoài. Không phải người nào cũng bất cần ngoại hình như bác học Hawking lừng danh!
Đã có nhà khoa học nào, ngành khoa học nào tổng kết, thống kê được thiệt hại do ngoại hình và thể lực yếu kém của con người đối với nền kinh tế một quốc gia?
Vì đâu nên nỗi ?
Không có thống kê con số nhưng dù sao chúng ta vẫn còn giữ gìn được nhiều chân dung vẽ hoặc ảnh chụp từ thế kỷ trước. Nếu bạn còn nhớ, có một bức ảnh trong bảo tàng chụp nghĩa quân Đề Thám bị thực dân Pháp bắt đi đày. Có nhiều đàn bà tham gia quân khởi nghĩa bên cạnh đàn ông là thuộc hạ thiện chiến của Đề Thám.
Nhiều đàn bà tham gia quân khởi nghĩa bên cạnh đàn ông
là thuộc hạ thiện chiến của Đề Thám, bị thực dân Pháp bắt đi đày
Xin bạn hãy nhớ lại những bộ ngực trần của họ chỉ được che bằng một cái yếm trễ nải, cổ mang gông gỗ. Hãy nhớ lại bắp tay, bắp chân của các vị nghĩa sĩ đàn ông đang đút chân vào cùm.
Tất cả họ, nếu tôi không nhầm, có vẻ đều khỏe mạnh, to cao hơn chúng ta ngày nay.Không đâu xa, ngay cả nhìn lại ảnh lính Vệ quốc đoàn hay lính Giải phóng của hai cuộc kháng chiến. Có vẻ như họ khỏe mạnh và lành mạnh, nghĩa là không mập và đít beo bụng ỏng như một số người trong chúng ta!
(Còn tiếp)
Theo Duyên Dáng Việt Nam - Bài Nguyễn Quang Thân
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét