Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về gia đình và lịch sử văn minh (phần II)
Giáo sư Toshiko Nakamura,
Trường Đại Học Hokkai-Gakuen, Nhật Bản
Tqvn2004 chuyển ngữ
Trường Đại Học Hokkai-Gakuen, Nhật Bản
Tqvn2004 chuyển ngữ
2. Tư tưởng Fukuzawa về văn minh
Lịch sử của nền văn minh
Mặc dù Fukuzawa viết rất nhiều bài viết trong cuộc đời mình, nhưng cuốn sách quan trọng nhất trong đó chính là 'Văn minh luận chi khái lược' (An Outline of a Theory of Civilization). Năm 1874, ông quyết định dừng việc dịch sách phương Tây và tập trung nghiên cứu lý thuyết về văn minh. Ông đọc các cuốn sách của học giả phương Tây như Guizot, Buckle và J. S. Mill và viết một vài dàn bài và bản nháp. Ông thảo luận với bạn hữu và sinh viên về chúng trước khi xuất bản cuốn sách năm 1875. Như thế, chúng ta có thể thấy ông đã bỏ nhiều nỗ lực vào cuốn sách này.
Trong cuốn Khái lược này, ông viết về lịch sử của nền văn minh, nói về các bước mà xã hội loài người đã trải qua để phát triển. Ông chia lịch sử ra làm 3 giai đoạn: 'man rợ', 'bán văn minh' và 'văn minh'. Mỗi xã hội đều phải đi theo con đường này cho tới khi họ đạt tới giai đoạn cuối của văn minh. Chắc chắn là ông đã lĩnh hội tư tưởng này từ các cuốn sách phương Tây mà ông đã được đọc.
Thế Fukuzawa nghĩ những yếu tố nào thúc đẩy tiến trình phát triển văn minh diễn ra? Ông nghĩ rằng có hai yếu tố: Thứ nhất là sự tiến bộ của 'tri thức' (intellectual ability hay 'chi') và 'đạo đức' (virtue hay 'toku') của con người, tới mức mà anh ta có được vật chất đầy đủ trong cuộc sống và cóphẩm cách (dignity) như một con người. Thứ hai là sự tiến bộ trong các 'mối quan hệ xã hội loài người (human social relations hay 'jinnkan-kousai’). Hai yếu tố này phối hợp với nhau thúc đẩy xã hội tiến về trạng thái cuối cùng của văn minh. Tại sao lại như thế được? Ông giải thích như sau:
Trong giai đoạn 'man rợ', con người không có đủ 'tri thức' để hiểu các định luật của thiên nhiên. Và họ không biết cách đối phó với môi trường và kiểm soát nó. Khi họ gặp phải một tai ương tự nhiên hay một điều tốt nào đó, họ có xu hướng cho rằng nguyên nhân phía sau là do Thần (kami) Thiện hoặc Ác tạo ra. Cũng như thế với mối quan hệ xã hội của họ. Trong giai đoạn văn minh này, chắc chắn sẽ xảy ra sự cai trị mang tính đàn áp / đè nén trong xã hội. Nhưng vì con người không đủ 'tri thức' để hiểu lý do và nguồn gốc của sự cai trị mang tính đàn áp đó, do đó họ sẽ sợ hãi sự đàn áp và đè nén, coi chúng giống như những tai ương tự nhiên. Họ không có đủ 'tri thức' để hiểu và phản đối sự đè nén. Mọi thứ được quyết định bởi luật lệ do người cai trị đặt ra. Và người cai trị đặt ra luôn cả các giá trị đạo đức của xã hội. Mọi người buộc phải tuân theo các giá trị đạo đức mang tính ý thức hệ được đặt ra bởi người cai trị.
Tiến trình văn minh khởi động khi 'tri thức' của con người bắt đầu phát triển trước tiên. Lúc đó, con người sẽ 'nghi ngờ' tất cả mọi thứ xung quanh anh ta. Anh ta muốn biết lý do, hay nguyên nhân, gây ra các tai ương thiên nhiên, và tìm cách tránh chúng. Và như thế anh ta bắt đầu kiểm soát được tự nhiên với 'tri thức' của mình.
Tiếp theo là gì? Anh ta sẽ bắt đầu nghi ngờ và suy nghĩ về tình hình của chính bản thân mình. Anh ta nghi ngờ những lời giảng dạy của ý thức hệ Khổng Giáo, và vào các câu chuyện về lòng trung thành của Samurai - những thứ đã từng định hướng cho anh ta phải hành xử ra sao. Anh ta bắt đầu suy nghĩ bằng trí óc riêng của mình, rằng mình cần phải trở thành con người ra sao. Và như thế, anh ta 'đã dành được tự do suy nghĩ [hay tự do tinh thần], vậy tại sao không tìm cách dành tự do thân thể'? Nói cách khác, anh ta đã kiểm soát được bản thân mình, và trở nên độc lập. Anh ta TỰ quyết định rằng mình muốn trở thành loại người gì, và mình cần phải làm gì, và làm như thế nào. Các giá trị đạo đức giờ đây được quyết định bởi chính cá nhân, từ trong suy nghĩ của anh ta, chứ không phải bởi mệnh lệnh của người cai trị bên ngoài anh ta. Fukuzawa nghĩ rằng nếu con người dành được quyền tự quyết, và có các giá trị đạo đức riêng của mình, thì con người đó được gọi là 'hiểu đức' (virtuous). Fukuzawa gọi hệ thống giá trị đạo đức do con người tự quyết định đó là 'đạo đức tư' (private virtue), bởi nó liên quan tới chính cá nhân con người đó. Ông nghĩ rằng việc phát triển 'đạo đức tư' là điều quan trọng, bởi khi con người độc lập, anh ta không được dựa vào bất cứ ai, ngoài chính bản thân anh ta, đặc biệt trong việc quyết định xem anh ta nên là con người như thế nào.
Con người giờ đây không còn bị ràng buộc bởi các giá trị đạo đức cổ hủ nữa. Anh thể làm những việc, mà nếu xét theo các giá trị đạo đức cũ do kẻ cai trị đặt ra, thì bị coi là sai lầm. Ví dụ như phản đối những sai trái của kẻ cầm quyền, điều mà trước đây bị coi là bất Trung.
Khi con người đã độc lập và dành quyền tự quyết, thì anh ta bắt đầu nghĩ về mối quan hệ xã hội của mình. Bây giờ anh ta đã có thể dùng 'tri thức' của mình và biết mình muốn trở thành con người thế nào. Do vậy, anh ta suy nghĩ và quyết định bằng lập luận riêng của mình, rằng anh ta phải làm gì, và ứng xử như thế nào với những người khác. Anh biết cái gì là sai và cái gì là đúng khi đối xử với người khác [vì sao anh ta biết chắc cái gì đúng, cái gì sai? Là vì anh bây giờ đã có 'tri thức']. Và như thế, anh ta trở nên 'hiểu đức' (virtuous) trong quan hệ xã hội. Fukuzawa gọi loại đạo đức này là 'đạo đức công' (public virtue). Nếu con người trở nên 'hiền đức' và hành xử theo 'tri thức', thì mối quan hệ xã hội xung quanh anh ta sẽ phát triển. Đó là yếu tố thứ hai của sự phát triển của nền văn minh.
Khi con người ngày càng có 'tri thức' và trở nên đủ năng lực quyết định các giá trị đạo đức của riêng mình - không phải qua ý thức hệ áp đặt bên ngoài, mà từ suy luận bên trong, thì anh ta sẽ càng hành xử 'hiểu đức' với người bên ngoài. Tiến trình này sẽ làm các mối quan hệ xã hội xung quanh con người tiến bộ.
Fukuzawa tưởng tượng rằng các mối quan hệ xã hội của con người có thể được vẽ như những vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn đầu tiên của quan hệ xã hội là gia đình, và nó phải được cải thiện trước hết. Kế tiếp là vòng trong chỉ mối quan hệ trong một quốc gia. Con người trải qua tiến trình này từng bước một, và văn minh phát triển cho tới khi nó đặt tới trạng thái cao nhất của nền văn minh, khi mà ai ai cũng thông thái như Newton và hiểu đức như Khổng Tử. Cả thế giới sẽ sống trong hòa bình và cùng tồn tại như một gia đình. Sẽ không còn có tranh chấp và cướp giật, và con người không còn cần phải khóa cửa và viết ra những văn bản hợp đồng để làm bằng chứng với nhau. Fukuzawa gọi đó là 'thế giới hòa bình của văn minh' (the peaceful world of civilization - 'bunmei-no-taihei’). Nhưng ông biết thế giới đó chỉ có thể thành hiện thực vài ngằn năm nữa trong tương lai.
Khung tư tưởng Khổng Tử về văn minh và xã hội
Như tôi đã đề cập trước đây, Fukuzawa đọc rất nhiều sách phương Tây và học lý thuyết về lịch sử của nền văn minh từ đó. Chúng ta có thể thấy sự ảnh hưởng của các cuốn sách này trong lập luận của ông về tiến trình lịch sử của nền văn minh. Chúng ta cũng biết rằng ông đã nỗ lực rất nhiều để hiện đại hóa Nhật Bản. Và thế là chúng ta có xu hướng cho rằng Fukuzawa cố gắng bắt chước văn minh phương Tây mà bỏ qua các tư tưởng cũ. Nhưng, nếu chúng ta đọc lập luận của ông một cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy ông không chỉ hấp thụ tư tưởng của các học giả phương Tây, mà còn cố gắng điều chỉnh nó theo khung tư tưởng riêng của mình về con người và xã hội. Ông học sách Hán cổ khi ông còn trẻ và đặc biệt thích thú với các cuốn sách cổ về lịch sử. Ông đọc chúng nhiều lần và nắm rất vững chúng. Mặc dù ông tấn công ý thức hệ Khổng Giáo của hệ thống phong kiến Tokugawa trong các bài viết của mình, nhưng đó chỉ là [tấn công vào] chức năng ý thức hệ của Khổng giáo. Khung tư tưởng cơ bản của ông vẫn là Khổng Giáo. Ông hiểu lý thuyết của phương Tây về lịch sử phát triển văn minh thông qua khung tư tưởng Khổng Giáo, và cho rằng chúng tương thích và phù hợp với nhau.
Điều này có thể được nhận thấy dễ dàng khi chúng ta quan sát tư tưởng của Fukuzawa về 'con người'. Chúng ta thấy rằng Fukuzawa khẳng định rằng con người phải có tinh thần độc lập và tự quyết để phát triển nền văn minh. Điều này có nghĩa là con người phải phát triển được 'tri thức' và 'đạo đức' của mình và trở thành độc lập. Chúng ta có thể tìm thấy tư tưởng tương tự về con người và xã hội trong các sách vở phương Tây. Tuy nhiên, ông đã luôn gọi con người là 'linh ư vạn vật' (tinh khôn hơn vạn vật - 'banbutsu-no-rei'), vốn là ý tưởng của Khổng Giáo về con người. Trong triết lý Khổng giáo Hiện Đại, con người có bản chất chân thật (tính bản thiện?), và nó sẽ bộc lộ ra khi con người luyện tập để trở thành một người "hiểu đức". Fukuzawa cũng nghĩ rằng con người mang 'trái tim nhân hậu' trong lòng, và nó sẽ chỉ nổi lên bề mặt thông qua con đường duy nhất là nỗ lực phát triển 'trí tuệ' và 'đạo đức' của con người. (Đây là nền tảng tư tưởng của cuốn sách nổi tiếng mang tên "Khuyến học" của ông).
Mục tiêu của Fukuzawa không phải là trở thành 'tốt' và 'đạo đức' theo tư tưởng Khổng Giáo, mà là trở thành một con người 'độc lập và tự trọng' (dokuritsu-jison). Tư tưởng này dường như trùng khít với tư tưởng con người độc lập của phương Tây. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy một đoạn tương tự nằm trong sách vở Khổng Giáo trong thời Tokugawa. Vì thế, có lẽ đó không phải là ý tưởng do Fukuzawa nghĩ ra, mà có lẽ ông thừa hưởng từ những tư tưởng tương tự của các học giả Khổng Giáo thời Tokugawa. Fukuzawa trông đợi những người thuộc tầng lớp samurai trở thành hàng ngũ tiên phong dẫn dắt quá trình văn minh hóa ở Nhật Bản, và ông tin rằng họ có khả năng đảm nhận trọng trách này.
"Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" là nét tương đồng giữa tư tưởng Fukuzawa và Khổng Tử
Fukuzawa cũng viết rằng nếu con người trở nên có 'tri thức' và 'hiểu đức', nghĩa là 'linh ư vạn vật', thì các mối quan hệ xung quanh anh ta sẽ được cải thiện. Ông nghĩ rằng quá trình cải thiện sẽ đi từ vòng tròn bên trong ra vòng tròn bên ngoài bao quanh mỗi cá nhân. Và như thế, từ gia đình tới quốc gia, và cuối cùng là ra toàn thế giới. Ông viết rất nhiều lần rằng chỉ 'sau khi con người trở nên độc lập, gia đình anh ta sẽ trở nên độc lập, và sau đó quốc gia của anh ta sẽ trở nên độc lập, và cả thế giới sẽ trở nên độc lập'. Đoạn văn nổi tiếng này của Fukuzawa tới từ các sách vở Tân Khổng Giáo (Neo-Confucian).
Chủ đề chính của triết lý Khổng Giáo là làm sao để trở thành người có đạo đức và cai trị đất nước bằng đạo đức. Con đường để thực hiện điều này trong Tân Khổng Giáo như sau: Đầu tiên, con người phải hiểu biết đạo lý (ri) của trời đất (kakubusu-chichi). Sau đó anh ta phải nỗ lực theo đạo lý từ trái tim mình và theo đó mà hành động (seii-seishin). Bằng cách làm như thế, anh ta sẽ tu thân thành công và trở thành con người có đạo đức (shushin). Quá trình chuyển biến con người thành ra có đạo đức là đặc biệt quan trọng trong triết lý Tân Khổng Giáo. Và sau đó anh ta mới tề gia (seika), và trị quốc (chikoku) và cuối cùng là đem đến hòa bình cho cả thế giới (heitenka).
Chúng ta có thể hiểu cách giải thích của Fukuzawa tốt hơn nếu chúng ta sử dụng khung tư tưởng này. Trong hệ tư tưởng Tân Không Giáo, đạo lý của trời đất mà con người cần biết có nghĩa là lý thuyết 'âm dương', lý thuyết cổ điển của Trung Quốc về đạo lý trời đất. Nhưng Fukuzawa đã thay đổi 'đạo lý trời đất' này bằng 'đạo lý khoa học hiện đại'. Ý tưởng của ông về "tri thức" có nghĩa là con người biết suy nghĩ một cách duy lý; và ông khẳng định rằng con người phải duy lý để hiểu biết và chế ngự thiên nhiên. Và rồi trong khái niệm Khổng Giáo, con người phải cố gắng hành động dựa trên lý thuyết 'âm dương'. Fukuzawa thay đổi lý thuyết này thành con người phải cố gắng hành động theo trí óc riêng của mình và trở thành 'hiểu đạo'. Như thế anh ta sẽ độc lập và tự kiểm soát được mình (tu thân) (isshin-dokuritsu). Sau đó, mối quan hệ xã hội của anh ta sẽ phát triển và gia đình cùng tổ quốc của anh ta sẽ lần lượt độc lập (ikka-dokuritsu, ikkoku-dokuritsu). Như thế, ý tưởng của Fukuzawa về lịch sử văn minh có cấu trúc giống như tư tưởng Tân Khổng Giáo về con người và thế giới. Có lẽ Fukuzawa đã đọc và hiểu các cuốn sách phương Tây về lịch sử văn minh qua khung tư tưởng Tân Khổng Giáo để cảm nhận về thế giới, và sau đó hiện đại hóa khung tư tưởng này để bao hàm cả tri thức về khoa học tự nhiên hiện đại.
Fukuzawa lập luận rằng khi lịch sử văn minh phát triển đến mức nào đó, nó sẽ đạt tới mức cảnh giới cao nhất của nền văn minh, nghĩa là 'một thế giới hòa bình và văn minh'. Ý tưởng rằng lịch sử có một điểm tận chắc chắn vay mượn từ sách vở phương Tây. nhưng khi ta đọc giải thích của ông về 'thế giới hòa bình', chúng ta có thể thấy nó giống như mô tả về 'thế giới đại đồng' (daido-no-yo)’ trong các sách vở cổ điển Trung Hoa. Trong tư tưởng Khổng Giáo, thế giới lý tưởng này là điểm bắt đầu của lịch sử. Nhưng Fukuzawa đã đặt nó ở cuối chặng đường lịch sử, theo như quan điểm của phương Tây, nhưng duy trì mô tả 'cổ điển' về thế giới lý tưởng này.
(
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét