Nguyên Ngọc - Một nhà văn hóa, một tài năng, một nhân cách lớn
Phóng viên Bauxite Việt Nam
Nhà văn và cuộc sống ..
Hồng Giang
Tôi đọc và biết Nguyên Ngọc đã lâu, nhưng mãi đến năm 2003, vào dịp tháng
tám, tôi mới có dịp gặp và sống gần nhà văn ít ngày. Dạo đó ông lên nói chuyện
với trại ST của hội chúng tôi. Ban tổ chức trại gọi và giới thiệu ông là “thầy”!
Kể cũng đúng thôi, ông xứng đáng được gọi là “thầy” bởi con người, lối sống và đặc
biệt là tư tưởng của ông, nhất là từ khi ông thôi giữ chức tổng biên tập báo “Văn
Nghệ”, một tờ báo sang trọng và có uy tín nhất của HNVVN.
Cùng đi chuyến đó có nhà văn Trung Trung Đỉnh và người con gái duy nhất của
ông. Cô gái cao gầy, ít nói ( Hay là vì sự có mặt ông bố khả kính của mình mà
giữ ý đấy chăng? )
Trước ngày đọc“Đất nước đứng lên” (Có lẽ đất nước phải đứng lên một lần
nữa?), “Rừng xà nu” tôi cứ nghĩ tác giả những tiểu thuyết này phaỉ là người cao
to, vạm vỡ, tiếng nói thì sang sảng, vang vọng .. Vì thông thường người ta cứ
nghĩ: Văn chương chẳng qua cũng ít nhiều mang dáng dấp, tính cách được tác giả
khéo léo mô phỏng nên từ những gì có thật của chính mình thông qua hình tượng
nhân vật. Mãi sau mới biết nghĩ như vậy thật thô thiển và hồ đồ!
Tôi thật không ngờ ông thấp bé, người nhỏ nhắn, đứng đầu chỉ ngang vai với Trịnh Thanh Phong, tác giả “Ma làng” (tiểu
thuyết đã được dựng thành phim, ồn ào một dạo) Điểm đáng chú ý của ông là vừng
trán cao, hói tròn đến đỉnh đầu, đôi mắt ở tuổi bảy mươi vẫn sáng lấp lánh và đặc
biệt là giọng nói trầm ấm của người xứ Quảng rất gợi cảm, lôi cuốn người nghe .
Mới biết đối với một nhà văn dáng người cao hay thấp, béo hay gầy, già
hay trẻ không quan trọng gì! Cái mọi người trông đợi ở anh ta là tấm lòng, cách
nhìn, cách nghĩ, là tư tưởng, tình cảm anh mang đến cho người đọc được những gì?
Không phải những câu, những dòng tròn trịa, đèm đẹp, sáo rỗng, luỵ thời, hay những
việc lạ kỳ vô thưởng, vô phạt cốt để mua vui ..
Hôm đó ông nói nhiều chuyện, những chuyện lần đầu tiên tôi được nghe, chưa
từng có trên sách báo cả trong và ngoài nước. Ông đã để lại trong tôi những ấn
tượng sâu sắc cho dù lâu nay, tôi có thói quen “xấu” là không mấy mặn mà với những
lời lẽ văn hoa, mòn ruỗng, mà ở bất cứ cuộc toạ đàm nào về văn chương, về học
thuật, người ta nói nhiều đến nỗi thành nhàm chán, mặc kệ người nghe có chú ý
hay không?
Những điều ông nói không phải là những điều cao siêu, kỳ bí, hay những gì
to tát mà trí tuệ con người khó tưởng tượng ra được . Vẫn là chuyện dung dị đời
thường, như lẽ đời, tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, nhân cách và trách nhiệm
của nhà văn với cuộc sống .. Ông tâm tình như một người bạn, khiến cả hội trường
chú ý lắng nghe, không một tiếng động nhỏ nào từ bên dưới, nhất là không có tiếng
chuông điện thoại, như nhiều buổi nghe nói chuyện khác. Đó là những phát hiện mới,
thú vị thông qua những chuyện đời thường, chuyện đời sống văn học khi đó .. Nhất
là những gì gắn bó, liên quan đến thiên nhiên, đời sống con người .
Trước đó tôi chỉ biết ông là một nhà văn viết nhiều, viết khoẻ ( Có người
còn có ý kiến cho rằng “Ông là nhà văn viết người thực, việc thực giỏi, theo lối
hiện thực chủ nghĩa”)
Nếu như thế, quả thực là phiến diện, là thiệt thòi lớn với một nhà văn hoá,
nhà tư tưởng như ông .
Sau này tôi có tìm đọc thêm những bài ông viết ( Xin phép không cần thống
kê ra đây vì với CNTT như hiện nay, muốn tìm những tư liệu ấy không có gì khó với
bất kỳ ai )
Đọc ông mới thấy hết ở ông một “Phông” văn hoá tầm cỡ, một triết lý sống,
điều mà bất cứ nhà văn nào cũng thèm muốn và cần phải có. Ông quan tâm đến nhiều
vấn đề, nhất là day dứt về chuyện “Đất nước ta, dân tộc ta đã trải qua một thời
kỳ lịch sử bi hùng, một thời đại hiếm có, không thiếu những con người, những số
phận đặc biệt mà văn chương ta lại quá nhợt nhạt, chưa có được những tác phẩm xứng
tầm, những đỉnh cao?”. Và những cố gắng đẫm máu, mồ hôi, nước mắt ấy để rồi có
được những gì?
Không riêng về văn học nghệ thuật, nói rộng ra về cuộc sống hôm nay còn
nhiều vấn đề bất cập trong nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội. Thậm tệ hơn nó sa
đà vào những nguy cơ không kiểm soát và cứu vãn đươc.
Thường về những vấn đề này, các tác giả một là nói miên man quá, hàm lượng
thông tin trở nên “Loãng” hoặc lại quá sơ sài, gây hụt hẫng cho người nghe,
người đọc. Ông không chỉ nêu vấn đề, những phát hiện của mình, mà còn có ý kiến
xác đáng bởi những phát hiện khiến người đọc đồng tình với mình.
Vấn đề dù rộng, dù cao siêu đến đâu cũng có cách lý giải gần gũi vầ rất
thuyết phục. Theo ông mọi sự bất cập, suy đồi nói trên đều chốt lại : “Ở cách đánh giá và đối
xử với con người, với thiên nhiên chưa thoả đáng, cách nhận đường mơ hồ, chủ
quan và bảo thủ” .
Điều đơn giản ấy“tồn tại quá lâu trong xã hội ta bao nhiêu năm nay, giống
như một khối u, càng ngày càng gây nên tác hại và những di chứng khó lường hết được”
Thời gian cũng khá lâu để không còn nhớ hết những gì của lần gặp gỡ ấy,
nhưng tâm tình của ông, khao khát và băn khoăn về những gì ông để cập đến khiến
cho tôi đến bây giờ còn như bị ám ảnh. Ông là một nhà văn có tấm lòng, có trách
nhiệm với thời đại ông đã và đang sống .
Có một nhà văn nói với tôi thế này, sau cuộc nói chuyện : “ Khen Nguyên
Ngọc có mà khen phò mã tốt áo, có mà khen suốt ngày, bì sao được với ông ấy ?”
Lại đúng là lời Nguyên ngọc “ .. Ở ta nhà văn thường tự ty, mặc cảm rất nặng
nề. Thậm chí có người chỉ chỉ nghĩ thân phận mình chỉ như con sâu cái kiến, thiếu
đi cái khí khái, khí phách cần phải có của người cầm bút, trách nào văn học ta
chưa có được những tác phẩm lớn nói lên được khát vọng của nhân dân, khát vọng
của thời đại”
Rất tiếc là sau đó vài năm, trên văn đàn người ta nói nhiều đến chuyện phải
làm sao để có tác phẩm “Đỉnh cao” xứng tầm, mà ý kiến này hầu như chưa có ai đụng
chạm đến?
**
Dự trại sáng tác chỉ có hơn chục người, chúng tôi được bố trí ăn ở tại chỗ.
Cơm nhà hàng thường xếp năm người một mâm, nhưng nhà văn bảo xếp liền một bàn
ngồi chung cho vui. Ông lấy trong bọc ra một gói nhỏ, nói là cao hổ cốt của một
anh bạn người Philípphin cho. Ông nhờ
TTP thái nhỏ, pha vào rượu. Nhà văn đàn em của ông ý tứ pha vào chiếc cốc nhỏ,
cho ông dùng riêng. Ông lắc đầu cười : “ Lộc trời nên san sẻ, không nên hưởng một
mình, Pha hẳn ra cốc to, anh em ở đây mỗi người một chút, mà đấy cũng là phẩm
chất cần phải có của người làm công tác quản lý, nhà văn chủ tịch nghĩ thế nào
?”.
Rồi còn nói thêm :“ Như thế này là chúng ta gián tiếp giúp tay cho lâm tặc
đấy !” TTP nói : “ Nhưng là lâm tặc nước ngoài, chúng ta không chịu trách nhiệm
anh ạ !” Nguyên Ngọc cười mà nét mặt không vui :“ Lâm tặc ở đâu cũng là lâm tặc,
nhưng mà thôi, chuyện đã rồi .. Chúng ta cũng không làm gì khác được .. Ở đời có
những lúc được người ta biếu quà mà mình không vui. Anh bạn người Phi này cũng
là trường hợp như vậy ..”
Vừa uống rượu, Ông vừa kể về người bạn trẻ này của ông .
Chúng tôi biết thêm nhiều chuyện về
con người và đất nước vừa gần gũi vừa xa lạ này. Một đất nước không xa
chúng ta về địa lý, nhiều tộc người, đa văn hoá và khác chúng ta về căn bản chính
trị .
Thú thật chúng tôi còn ít hiểu biết về lãnh vực này vì lúc đó rất ít
người viết biết dùng intenet.
Như chợt nhớ đang là bữa cơm trưa, nhà văn bảo : “ Chúng mình ăn cơm đi đã,
nếu các bạn muốn nghe, tôi sẽ kể vào đầu giờ chiều nay ..”
Như tôi đã đăng bài giới thiệu ở phần trước, ở đây không nhắc lại. Chỉ
xin sơ lược về câu chuyện của Nguyên Ngọc với người bạn ở đảo quốc này vào buổi
chiều hôm đó : Bạn ông là một nhà văn hoá trẻ, đang có địa vị trong xã hội mà nếu
nói đến nhiều người trong chúng ta phải thèm khát . Anh lại đang có môi trường
cực kỳ tốt để sống và làm việc, đó là kinh thành Pari tráng lệ.
Vậy mà từ bỏ tất cả, trở về quê hương để lo lắng, nghĩ ngợi về văn hoá của
dân tộc mình . Thử hỏi ở Việt Nam
chúng ta được mấy người như vậy? Hay chỉ nghĩ về văn hoá như một phương tiện, mưu
cầu những cái ngoài văn hoá? Đó là câu
chuyện cảm động về một con người ở một nước mà chúng ta thường được biết có nhiều
hải tặc, những vụ cướp bóc khủng khiếp trên biển đông. Theo tôi nghĩ, anh là
con người dũng cảm, nói người anh hùng thầm lặng cũng không có gì ngoa, bởi vì
trên thế giới này có những người anh hùng rất ít người biết đến. Hoặc vì lý do này
khác, mà người ta cố tình lờ đi .
Trở lại câu chuyện với nhà văn Nguyên Ngọc .. Lần ấy ông được ban tổ chức
trại sáng tác mời nói chuyện kinh nghiệm
viết truyện ngắn và sáng tác văn học. Trước khi đến dự ông đã xem xét và chọn tài
liệu rất tỷ mỷ những bài viết liên quan đến truyện ngắn và sáng tác văn học của
các tác giả trong và ngoài nước. Ông là người xuê xoa, giản dị trong sinh hoạt,
nhưng lại rất khắt khe, nghiêm túc trong học thuật. Những vấn đề ông đưa ra đều
cụ thể, chính xác và rất mạch lạc. Khác với nhiều diễn giả thường thì nói tràn
cung mây. Người nghe, nghe xong chịu không nhớ được mình đã được nghe gì, mà nếu
có ghi chép cũng không biết đường nào mà lần vì các vấn đề lặp lại, chồng chéo,
rối tung, rối mù.. Thường dùng nhiều đại ngôn, mỹ từ mà không kéo lại được sự hấp
dẫn vì dung lượng thông tin ít ỏi, kiến văn nghèo nàn.
Có người nói : Ông đã từng là chính trị viên các cấp trong quân đội, hàm đại
tá ( Lưu ý là hưởng lương ngang cấp tướng ) làm gì không nói chuyện hay? Tôi không
nghĩ như vậy, vì thực ra không phải tướng tá ông nào cũng biết nói hay cả, mà đây
là khẩu khí của từng người .
Trong câu chuyện của ông luôn ẩn chứa sự thông minh, hóm hỉnh. Có cái gì
như là sự tinh quái, nhưng lại rất dung dị, nhân hậu cứ da diết, ám ảnh người
nghe. Mỗi vấn đề đều có phát hiện rất mới, không có gì gọi là lên lớp, dạy bảo
cả. Nó giống như câu chuyện tâm tình, tuyệt nhiên không có từ “ Phải như này”,
“Phải như kia”..
Ông nói :
“ Chúng ta đang làm cái công việc mà không ai dạy được cho ai cả. Bởi vì
văn học là sự sáng tạo, mọi kinh nghiệm rất mau chóng trở thành lạc hậu. Chỉ có
thể “Gợi ý”, “Gợi hứng” được cho nhau mà thôi. Nên câu chuyện tôi nói với các bạn
chỉ coi như những chuyện tâm tình. Các anh các chị ngồi đây ít nhiều đã có những
tác phẩm, đã từng có những kinh nghiệm sáng tác riêng của mình. Nếu bây giờ lại
nói “ Thế nào là một truyện ngắn, một truyện ngắn hay và viết nó bằng cách nào
thì thật buồn cười. Những điều đó chỉ nên nói trên bục giảng nhà trường, còn ở đây
thì khác. Nói như vậy, chúng ta không mặc nhiên một cách chủ quan. Vẫn cần phải
học, học suốt đời. Nhưng người sáng tác học cách khác, mỗi người một cách,
chung quy học qua cảm xúc và lối tư duy độc lập, sáng tạo của mình”.
Ông đưa chúng tôi mỗi người một tập tài liệu về kinh nghiệm viết văn và nói
mang về tham khảo .
Tôi biết có những nhà văn viết rất hay nhưng khi nói chuyện lại rất dở,
thậm chí không biết nói chuyện .
Nguyên Ngọc lại khác, ông nói và viết đều rất lôi cuốn người đọc, người
nghe. Nhất là những năm gần đây, đều là những vấn đề quan thiết và sâu sắc
Tôi chỉ xin tóm tắt vài nội dung mà ông bấy lâu nay day dứt, trăn trở, như
ông nói :
“ Văn học là nhân học, là những gì
liên quan đến thân phận con người, những gì có trong tim, trong óc các nhân vật
của mình”..
Có hai chuyện mà ông đặc biệt quan tâm là môi trường xã hội và môi trường
tự nhiên. Đương nhiên là các môi trường gắn bó với những biến cố và số phận của
nó với khung cảnh chung của toàn thế giới. Nó vừa rộng, lại vừa cụ thể, chung
quy không ngoài mong muốn cháy ruột cháy gan của người trí thức là làm sao để mọi
sự, mọi việc khá hơn? Đặc biệt là về giáo dục .
Xin lưu ý rằng vào thời điểm 2003 những ý kiến này mới được đưa ra một cách
rụt rè vì tính nhạy cảm của nó, vì những khuôn thước tưởng chừng bất di, bất dịch
và vì cả những điều cho đến nay cũng khó mà nói thẳng băng ra được.
Theo ông chúng ta đang làm giáo dục một cách máy móc, cứng nhắc chủ yếu để
tạo ra những nhà thực hành, những người dễ sai bảo, mà quên mất rằng vô tình là
phản giáo dục .
Vì thực ra mục đích cuối cùng của giáo dục không phải là như thế. Chúng
ta rất cần những người thực hành, nhưng cũng rất cần những nhà sáng tạo, những
nhà khoa học, nhà tư tưởng, thậm chí nhà lãnh đạo đất nước trong tương lai. Tất
cả những thứ đó đều trông mong ngay từ lúc bắt đầu của sự nghiệp giáo dục.
Muốn giáo dục khá hơn cần phải có
những thay đổi căn bản từ cách dạy, cách
học. Từ khâu soạn sách giáo khoa trong các nhà trường, chuẩn bị con người và cơ
sở vật chất . Xem xét nội dung chính khoá và ngoại khoá sao cho phù hợp. Dám bỏ
đi cái cũ kĩ, lỗi thời, cái vô dụng và đưa thay vào đó những yếu tố, nhân tố
mới cần thiết.
Không nói ai cũng biết, giáo dục của
ta ngày nay còn nhiều bất cập. Học chưa đi đôi với hành. Hoặc những cái vô bổ,
mất thời giờ. Những cái thế giới đã bỏ lại sau lưng. Nhiều “học vị” được đào tạo
ra chưa đáp ứng với yêu cầu của xã hội nước ta, chứ chưa nói đến so với kiến thức
chung nhân loại .
Rất nhiều vấn đề, nhưng rút cuộc ở hai điều căn bản: Một là vì sao phải dạy
và học và hai là dạy và học như thế nào?
Vì sao mà có những tiêu cực nảy sinh trong một môi trường mà lẽ ra phải
thiêng liêng, trong sáng như môi trường rèn luyện và đào tạo con người cho những
thế hệ tiếp theo là nhà trường?
Chúng ta mới chỉ chữa cái ngọn mà chưa chịu khó tìm nguồn gốc sâu xa của
những căn bệnh trong giáo dục. Hậu quả là lại lấy cái sai này để sửa cái sai khác
– Như thế thì bao giờ cho xong ?
***
Có những con người ta chỉ có may mắn hiếm hoi gặp gỡ đôi lần trong đời,
nhưng họ để lại ấn tượng sâu sắc khó quên, trong ta mãi mãi. Với tôi Nguyên Ngọc
là một người như thế. Cho dù sau này vì lẽ nào đó, có người không thích ông thì
đấy là việc của họ, tôi nghĩ mình chả việc gì phải dấu diếm tình cảm ấy cả. Bởi
vì ông ngoài những tác phẩm của mình, đóng góp cho nền văn học nước nhà ông còn
có công gợi mở những vấn đề tư tưởng, học thuật cho văn học Việt Nam thoát ra
khỏi lối mòn, sáo rỗng, thoát ra cái giả dối, cứng ngắc một chiều. Làm cho diện
mạo văn chương Việt Nam
một thời gian khởi sắc. Ông là người có công phát hiện, nâng đỡ nhiều nhà văn tên
tuổi sau này như: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư .. Tuy nhiên, sau đó ông đã thôi chức Tổng biên biên tập báo
văn nghệ vì bị phê phán chính thức là “Đi chệch hướng” theo quan điểm chính thống.
Lâu nay chúng ta có thói quen là hay tách bạch, chia cắt thực thể một cách
máy móc phiến diện theo lối “Chẻ sợi tóc làm tư”. Tưởng như thế là mình đã có
phương pháp khoa học đúng đắn lắm rồi. Thực ra thì không phải. Làm sao lại tách
phần hồn khỏi phần xác khi còn đang sống? Trong văn học cũng vậy, nó là không
thể tách rời. Có thể nói nghệ thuật là linh hồn, là tinh hoa của tư tưởng. Nó là
rượu, không còn là gạo nữa, mà tư tưởng lúc đầu, mới chỉ là gạo mà thôi. ( Gạo
tốt hay xấu, lại là chuyện khác ). Hoặc nói cụ thể hơn nghệ thuật chính là hình
thái khác của căn bản tư tưởng. Một thời kỳ do nhu cầu khách quan, văn học phải
gánh vác thêm nhiều chức năng không thuộc phạm vi của nó. Như nó là cái này, phục
phụ cái kia .. Chúng ta xếp ra làm nhiều món khác nhau, như cách giảng dạy văn
học trong nhà trường. Nào là : “ Nội dung tư tưởng”, “Giá trị nghệ thuật”..
Ngay trong buổi nghe nói chuyện hôm
ấy, một anh bạn tôi vốn là cán bộ văn hoá còn ghé tai tôi : “ Nhà văn nói thế nào
ấy chứ, đương nhiên văn học nghệ thuật phải phục vụ chính trị rồi”. Tôi không
nghĩ là không có những “Nghệ thuật” như thế. Cũng như khi ta nói về văn hoá nói
chung, vẫn có văn hoá quần chúng để phục vụ những nhiệm vụ trước mắt bên cạnh văn
hoá tinh hoa dành cho mai sau. Nghệ thuật cũng vậy, có nghệ thuật của số đông và
những tinh hoa chắt lọc, để dành góp vào
truyền thống dân tộc. Bây giờ nhiều người cũng nhận ra rồi. Đôi khi chân lý cũng
bị lẻ loi, cô độc vì bản chất luôn đi tiên phong, luôn dấn thân về phía trước của
nó, mà xung quanh chưa kịp nhận ra, chưa muốn ủng hộ.
Nhà văn Nguyên Ngọc là người như thế, cho dù cả cuộc đời ông gắn bó thiết
tha và có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà
Mấy ngày sau, ông rủ Nhà văn TTĐ lên Mèo Vạc. Tình yêu thiên nhiên của ông
cũng thực hiếm có. Ông bảo “Ở Việt Nam có hai lá phổi, một là rừng núi
phía bắc, hai là Tây Nguyên ở phía nam. Hai lá phổi này có khoẻ chúng ta mới
mong khoẻ được”.
Lần này, lên Mèo vạc không phải là lần đầu đối với ông. Ngay từ thời kỳ
tiễu phỉ sau 1954 ông đã từng gắn bó với miền biên viễn. Đã từng có những tác
phẩm hay như: “Rẻo cao”, “Trở lại Mèo Vạc”.. Nghe nói thời đó ông còn trẻ, ông đã
từng yêu một người con gái vùng cao. Cô ấy là một cán bộ phụ nữ người dân tộc,
hoa khôi vùng cao nguyên đá có nhiều huyền thoại còn nhiều bí ẩn này.
Tôi nhận thấy trong mắt ông hôm ấy lấp lánh niềm vui, niềm vui mới mẻ ,
trẻ trung như khi người ta còn trẻ, hồi hộp như đi gặp người yêu !
Viết về Nguyên Ngọc, đây là việc quá khó đối với tôi, một người ngưỡng mộ
ông mà kiến thức còn hạn hẹp . Vả lại ông lại là một tầm cỡ văn hoá lớn, không
thể trong một bài viết bao hàm hết được . Đã có nhiều tác giả viết về ông, nếu
các bạn muốn tìm hiểu thêm, xin tìm đọc .
( Bài viết này khi đó chưa có sự kiện Bauxite Tây Nguyên và một số sự
kiện khác nên tác giả lúc đó chưa đề cập đến những bài viết hoặc những gì liên
quan đến nhà văn hóa, Nhà văn Nguyên Ngọc phần sau này.)
*****
1 nhận xét:
Nhà Văn Nguyên Ngọc thì nhiều người đã viết về Ông rùi, Ai chỉ muốn đọc về nhà văn Hồng Giang thui hihi...
Mai mốt nếu đủ nội công Ai sẽ viết về ông ấy đấy!
Đăng nhận xét