Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Inrasara: Mười năm Tien Ve



Tiền Vệ — thức thời, dứt khoát và bền bỉ
Bước vào thế kỉ mới, khi văn chương mạng tiếng Việt cấp tập xuất hiện, dù tạp chí Việt vẫn còn sức công phá, Ban Biên tập của tạp chí luôn được chờ đợi này chuyển hệ ngay từ giấy sang mạng. Tienve.org ra đời. Nhưng không nhập nhằng như vài tạp chí khác, giấy chính mạng phụ hay ngược lại, Tiền Vệ đã rất dứt khoát: mạng. Và, không như vài mạng khác — bởi nhiều nguyên do khác nhau — nửa đường đứt gánh, Tiền Vệ sống khoẻ & mạnh suốt 10 năm thăng trầm cuộc thế, cuộc chữ và cuộc người.

Tiền Vệ — cuốn hút đại bộ phận con người tiền vệ
Là nơi để “mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để làm ra cái mới”, Tiền Vệ lôi cuốn nhiều thế hệ văn học tiền vệ đến với nó. Trong nước lẫn hải ngoại. Bất kể khác biệt về chính kiến. Họ đến, đi và ở lại. Đa phần là ở lại. Ở lại, hay đi rồi trở lại. Non 2.000 tác giả dự phần trong đó tác giả có lượng bài đóng góp trên con số 100 không phải là ít. Rồi khoảng 97.000 lượt người truy cập mỗi ngày, không chỉ là con số. Dù vẫn có số người ghé qua Tiền Vệ như là cách đánh bóng tên tuổi, rồi ra đi mãi mãi. Nhưng rồi, ai còn quan tâm đến cái mới, họ sẽ trở lại với Tiền Vệ. Với tư cách người viết, người nghiên cứu, người đọc.Tiền Vệ còn gợi tò mò cho cả người ghét cái mới, và nhất là nó gây thù oán cho những kẻ chống cái mới. Thế nào, họ cũng phải mở trang Tiền Vệ để xét nét, mỗi ngày. Nghĩa là, Tiền Vệ vẫn cứ có sức cuốn hút khó cưỡng.

Tiền Vệ — cuộc thử nghiệm nghệ thuật không ngưng nghỉ
Kiên trì trong ý hướng và chiến lược “nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để làm ra cái mới”, Tiền Vệ chấp nhận mọi thử nghiệm. Có thể khẳng định rằng, nhiều cuộc thử nghiệm mươi năm qua diễn ra trên/ xuất phát từ Tiền Vệ. Từ văn học đến hội hoạ, từ sân khấu đến nghệ thuật tạo hình. Sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật hay trao đổi học thuật. Từ thế hệ mới cho đến tác giả cũ chuyển sang thử nghiệm “làm mới”, họ chọn Tiền Vệđể có mặt. Từ Tiền Vệ và trước Tiền Vệ, nhiều cây bút chính lưu buộc phải có những thay đổi [dù là ở hình thức] trong lối viết; họ cảm nghe mặc cảm tự ti bị ràng buộc, trước không khí tự do sáng tạo của Tiền Vệ. Họ sẽ còn phải hoang mang, chắc chắn thế!

Tiền Vệ — hậu hiện đại
Phi tâm hoá, từ đó giải lãnh thổ hoá [và nhiều giải... khác], Tiền Vệ gắn liền với hậu hiện đại. Hậu hiện đại từ tạp chí Việt cho đến Tiền Vệ. Theo thời gian và chuyển động của thời cuộc, hậu hiện đại có vài thay đổi nhất định — về thái độ đón nhận, về chín muồi tri thức, về thủ pháp... — nhưng tinh thần và thái độ hậu hiện đại luôn song hành với Tiền Vệ và đại đa số tác giả xuất hiện trên Tiền Vệ. Bài nghiên cứu học thuật về hậu hiện đại đầy khả tín, tiểu luận hậu hiện đại xuất sắc, lí lẽ biện minh sắc bén cho hậu hiện đại, và nhất là các tác giả hậu hiện đại tiêu biểu... đều có thể tìm thấy ở Tiền Vệ.

Tiền Vệ — không khoan nhượng
Sống cùng và thở hơi thở nóng bỏng của thời sự văn học, Tiền Vệ tham gia vào nhiều cuộc chiến. Và đã lâm trận là không nhân nhượng. Chiến với không ít quan chức Hội Nhà văn Việt Nam vừa nhí nhố vừa khệnh khạng (chuyên đề “Đại hội Nhà văn Việt Nam”), chiến với sự độc đoán về văn học hay áp chế tác giả văn học, chiến với sự hiểu lập lờ về hậu hiện đại, chiến với nạn đạo văn, chiến để khám phá “thảm hoạ dịch thuật” đang lộng hành thế giới chữ nghĩa trong nước. Xuất hiện từ năm 2008, mục “Đối thoại” đã đóng vai trò tiền tiêu ở các cuộc chiến đó. Quyết liệt và không khoan nhượng đúng chất Tiền Vệ, cho nên không ít ý kiến cho rằng Tiền Vệ chỉ giỏi đánh đấm, chống phá chứ không tạo nổi tên tuổi nhà văn. Nhầm to! Thế hệ trước “làm lại cuộc đời” đầy mới mẻ như: Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường, Lê Văn Tài...; người trong nước xuất hiện đĩnh đạc và sáng giá hơn như: Phan Đan, Nguyễn Viện, Trần Tiến Dũng...; rồi những khuôn mặt mới độc đáo với Hoàng Long, Lê Minh Phong... hay hiện tượng Lê Vĩnh Tài, Lưu Mêlan xuất hiện lồng lộng. Tất cả không là tác giả, thì còn kêu là gì!?

Tiền Vệ — thở hơi thở thời cuộc đất nước
Dẫu không là trang mạng chuyên về vấn đề chính trị xã hội, Tiền Vệ chưa một lần rời bỏ thời cuộc Việt Nam. Ở đây, hậu hiện đại còn hiện thực hơn chủ nghĩa hiện thực. Mươi năm qua, đâu là sự kiện tác động lớn và toàn diện nhất đến tâm thức người Việt Nam khắp thế giới? — Không gì khác, chính Sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa. Kì đầu năm 2007, khi nhà văn trong nước hoàn toàn im lặng, Tiền Vệ đã mở ngay chuyên đề“Viết cho Hoàng Sa - Trường Sa” thu hút cả trăm tác giả hậu hiện đại [và không là hậu hiện đại] vào cuộc. Sang kì hai, năm 2011, khác hẳn nhà văn chính thống — khi được phép — chỉ làm thơ viết văn “chống” Trung Quốc, Tiền Vệ ngược lại, qua mục “Đối thoại”, và bằng chiêu thức mới, đăng các bài viết ngắn phơi bày hiện thực lồ lộ giữa đường phố Sài Gòn và Hà Nội mỗi cuối tuần.

Tiền Vệ — thúc đẩy ý thức tự do và dân chủ
Qua đó, Tiền Vệ trực tiếp đánh thức ý thức trách nhiệm công dân của nghệ sĩ sáng tạo. Để rồi, từ các sáng tác của nghệ sĩ, thúc đẩy ý thức tự do và dân chủ của cộng đồng. Không phải không lí do, khi đại đa số tác giả ngoài lề, ngoài luồng hay bị chối từ ở trong nước, các tác giả không muốn tác phẩm mình phải chịu bị kiểm duyệt — nếu không chọn hình thức in photocopy — đều chọn Tiền Vệ để kí thác tác phẩm. Cả các tác giả “chính lưu” có sáng tác khó đăng, khó in trong nước, cũng tìm đến địa chỉ Tiền Vệ. Có thể khẳng định, 10 năm tồn tại, Tiền Vệ đã góp phần quan trọng làm thay đổi khuôn mặt văn học tiếng Việt đương đại, để hướng về một nền văn học tự do, và triển khai tối đa tinh thần tự do theo đúng nghĩa cao cả và nguyên ủy nhất của từ này.

Tiền Vệ — kho chứa tư liệu, nhưng không là tư liệu khô cứng mà, mãi mãi mang tinh thần tiền vệ
Vô hình trung, Tiền Vệ trở thành kho tư liệu ở bề khác của nền văn học Việt Nam đương đại, cũng là kho tư liệu về dòng văn học phản kháng lại sự áp chế của tư tưởng toàn trị đương thời. Thế nhưng đó không phải là kho tư liệu chết, mà Tiền Vệ luôn biết “làm mới” mình. Bằng phương thức mới, khuôn mặt mới, khám phá các thủ pháp sáng tác mới. Tại sao? — Đơn giản, Tiền Vệ xuất hiện và tồn tại tạo niềm tin cho kẻ sáng tạo, nhất là những người mới vào cuộc. Họ tự do viết, tự do thể hiện tư tưởng mình, mà không còn hồi hộp trông về cổng số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Nhà nghiên cứu văn học muốn nhìn toàn cảnh văn học đương đại Việt Nam không chỉ giới hạn ở phía chính thống, mà là — và nhất là — cần có cái nhìn khác về phía phi chính thống, ở đó Tiền Vệ có vị trí đặc biệt quan trọng.

Tiền Vệ & tôi
Lên đường với Tiền Vệ ngay buổi ban đầu, tôi đã cùng Tiền Vệ đi suốt hành trình 10 năm. Thơ, phê bình không thể đăng bất kì báo nào trong nước, tôi đăng ở Tiền Vệ (tập thơ Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], tập tiểu luận phê bình: Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại). Tiểu luận bị thiến, bị cắt trong nước, tôi gửi toàn văn cho Tiền Vệ. Tranh luận học thuật không đất sống, tôi kí thác cho Tiền Vệ. Tôi nhập cuộc vào thời sự nóng của đất nước cùng Tiền Vệ (bài thơ “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo” ở chuyên đề “Viết cho Hoàng Sa - Trường Sa”); không ít lần tôi thuyết về Tiền Vệ trên các diễn đàn. Có thể nói nửa sau cuộc văn chương chưa lấy gì làm dài của tôi gắn chặt với Tiền Vệ. Không thể không nói tiếng “cảm ơn Tiền Vệ”!

Tiền Vệ — mãi sống!
Xin mượn lời Hoàng Ngọc-Tuấn trả lời phỏng vấn ABC Radio Australia, ngày 1-12-2012 làm lời tạm kết bài kiểm kê này: “Tiền Vệ của là một phần của cuộc sống, cho nên nó luôn phải thay đổi. Thay đổi quan trọng nhất là nó không chỉ kêu gọi sự đổi mới, mà cần phải làm cho sự đổi mới, vốn ban đầu có thể gây “shock”, trở nên bình thường, sau đó lại tiếp tục tìm kiếm những cái mới khác”.
Do đó, Tiền Vệ mãi sống, sống bằng tinh thần tiền vệ!

Inrasara
Sài Gòn, cuối năm 2012


Như chưa hề có gì xảy ra
Đoàn thể thao Việt Nam vừa giật thêm huy chương
Vừa giật thêm vài ưỡn ngực ngạo nghễ
Thế giới như đặt dưới chân huy chương vàng môn billard Đông Nam Á
Cờ xí với khẩu hiệu
Như thể chưa hề có chuyện gì đang xảy ra
Chúng ta có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Không thể chối cãi
 
Tuần lễ văn hoá Cà phê Sài Gòn cứ đông nghịt
Chơi tới bến đi em, chẳng có có gì xảy ra, ở nơi ấy
Dzô dzô                                DZÔ
Ta đã làm cú rút ngoạn mục vượt mặt Indo với Mã
Hồ Xuân Hương đẹp và Đà Lạt thơ
Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam diễn ra đúng ngày giờ
Dzô dzô                                DZÔ
Chiều qua tuyển Việt Nam thua nát nhưng sáng nay
Toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành đội mũ
Bảo hiểm hộp sọ nhát gan chứa đầy toan tính ươn hèn mong kéo dài kiếp sống khiếp hãi
 
Như chưa hề có chuyện gì sắp xảy ra
Hà Nội se lạnh và Phan Rang khô rát
Đại hội vừa hạ quyết tâm phấn đấu để có nhiều tác phẩm tốt hơn
Như chưa bao giờ tình hữu nghị Việt–Trung tốt đẹp hơn
Hoàng Sa & Trường Sa
Nam Quan Hà Giang Tam Sa
Đạn nổ nhịp ba       hảo… hảo… hảo…               chưa chết
Một nhà thơ tuyên dứt khoát phải có thơ ta giữa 100 bài thơ hay nhất
Thế kỉ và một nhà văn khác
Dự án cho Nobel văn chương nước Việt
7.560 hecta đất nông nghiệp được thu hồi cho dự án sân golf
Hàng vạn hộ nông dân Long An bổ sung số liệu cho dự án xoá đói giảm nghèo chục năm tới
 
Nam Quan Hà Giang Tam Sa
Như chưa hề có chuyện gì đã xảy ra
Tiền phong Thanh niên Tuổi trẻ
VTV1 VTV2 VTV3
Đạn nổ nhịp ba                  vắng ngắt
Ngàn chữ kí vạn chữ kí triệu chữ kí vừa tung lên trời mù mịt
Hảo hảo hảo
Mầy đã nghe lời ai xúi giục                   tao bảo
Đuổi thẳng cổ chúng ra khỏi trường
Camera dây thép gai và máy ảnh kĩ thuật số
Họa sĩ trịnh cung vừa ném cây cọ ra ngoài cửa sổ
nhà văn nhà báo nhà thơ và cả nhà chưa là nhà xuống đường hô khẩu hiệu tranh hậu siêu thực vẽ lưng áo thận văn nhiên bỏ thơ làm cư dân mạng tuấn idol anh chịu chơi bão blog mịt mù quốc bùi minh thư tuyệt mệnh chai nước lavie tiếp viện ném nữa đi em lynh bacardi tự quyền nữ nhi không thường tình chống nạnh như huy số dzách xắn tay áo hoàng hưng yêu nước không bị áp đặt hương hồ hồng thu lan cứ chĩa máy vào tụi tao đi ôi quý ngài trí thức hay không trí thức và ôi quý siêu sao thơ văn 8X tung bụi mù văn đàn an nam lủi đâu hết trọi rồi hay đang cà phê đắng rung đùi tọa sơn quan hổ đấu
Người đi xe giữa đường tò mò nhìn đám biểu tình
Như có điều gì đó vừa xảy ra đang xảy ra sắp xảy ra
Lễ tang nhà thơ lớn Phạm Tiến Duật vừa qua và Đời sống tinh thần người Sài Gòn sắp tới
Càphê Văn học của Hội đồng Anh và Ba kịch bản có thể xảy ra
Ngày 16
Ngày mai
Ngày mai
Que sera sera
Ai biết chuyện gì xảy ra, ở nơi ấy.
 
15/12/2007
 
(Trích từ tập Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] — chưa in)
 

Không có nhận xét nào: