Truyện ngắn của Hồng Giang
Tôi
đang tìm cách theo người ta hướng dẫn, hãm cho cây đào nở chậm hoa lại ít ngày.
Năm nay nhuận, tết về muộn hơn mọi năm. Còn hơn một tháng nữa mà nụ đào đã có bông
he hé. Kiểu này tết đến, hoa đã nở xong.
Lại
mưa phùn lay phay suốt tuần nay, gió bấc lạnh tê tê người.. Thời tiết đã lâu mới
có lại nét quen xưa cũ, nhiều năm rồi mới thấy.
Bỗng
chợt con “Bon” xủa nhắng lên. Con chó này nhỏ, lúc bé nó hay làm trò đến buồn cười.
Nó cuộn mình tròn lại y như quả bóng, đầu ghé vào giữa háng hai chân sau, lăn từ
từ trên ta luy xuống, rồi lại trèo lên, lại bon xuống. Bọn trẻ thích chí reo hò,
nó thấy thế có vẻ thích, cứ lặp đi lặp lại đến khi thở dốc mới thôi. Bọn trẻ gọi
nó là con “Bon”, thế là thành tên.
Bây
giờ tôi quát thế nào nó cũng không chịu nghe. Chắc có sự lạ, tôi buông mớ lạt hãm
cây, quay ra.
Tôi
không tin ở mắt mình. Trước mặt tôi là một người vừa mới tới. Ông ta đang xoay
về phía con chó nên chưa nhìn rõ mặt. Người này mặc bộ dạ tá, hàng cúc bằng
đồng sáng chóe, ve áo còn in dấu quân hàm quân hiệu mờ mờ. Chân đi giày Kốt sơ
gin, loại dùng cho sĩ quan, cảnh sát trước đây. Loại này giờ người ta ít đi, trên
thị trường cũng không có bán. Đôi giày còn mới, giây cũng mới, buộc khá cẩn
thận, chắc hẳn được cất rất kỹ lưỡng, mới được đem ra dùng.
Tưởng
ai, hoá ra lão Nên. Vẫn cái mặt đỏ gay như gà chọi, cần cổ cao, hai búi thịt
bạnh ra ở hai bên như hổ mang bành. Vẫn giọng nói khan khan, âm cao xứ Nghệ,
không quen rất khó nghe. Tóc tai gọn gàng, chải rẽ ngôi hẳn hoi chứ không bờm
xờm, bù xù như mọi bữa. Mà sao răng lão lúc này trắng và đều thế nhỉ? Tôi nhớ hàm
răng lão năm ngoái. Lúc đó cùng ngồi mâm với nhau, đã chín sáu ba không rồi kia
mà? Vội chào:
- Ô
bác! Sao hôm nay rồng lại đến nhà tôm thế này? Tưởng bác quên rồi chứ?
Lão
cười. Cái cười không mim mím như mọi khi, cười hở hết cả lợi, phô hàm răng đến
món thanh niên có hàm răng đẹp cũng phải ghen tỵ:
- Chú
mày thật! Anh em kết ngãi với nhau, sao lại là rồng đến nhà tôm? Chẳng qua công
việc bận bù đầu, anh em không mấy lúc thảnh thơi đến chơi nhà nhau, chứ anh với
chú làm sao quên nhau được?
Tôi
vội xoa dịu:
-
Em nói vui thế thôi. Nhưng hôm nay trông bác lạ quá. Cứ như trai tơ ấy!
-
Chuyện. Mỗi lúc nó phải mỗi khác. Chú không nghe câu “Y sức xứng kỳ đức” hay
sao? Lúc nghèo nàn khó khăn, ăn mặc sao cũng được. Nhưng khi khá giả rồi hà
tiện, bủn xỉn là không nên. Chả gì anh hồi này cũng đỡ hơn một tý. Ăn mặc nó cũng
phải lịch sự một chút chứ?
- Đúng
là bác nom mới toàn phần..
Lão
chưa hiểu ý tôi, khoe luôn:
-
Thằng con dể nó vừa đưa anh đi “nâng cấp” hàm răng đấy. Hết hai mươi lăm chai đấy
chú mày ạ!
Lão
vẫn còn giữ thói quen nói “lái” như ngày nào. Hai lăm triệu thì nói luôn hai lăm
triệu, chai với lọ làm gì? Tôi nghĩ, nhưng không nói. Thói quen, nhất là thói
quen cửa miệng, đâu muốn sửa là sửa được? Vả lại nó cũng không hại gì, thôi kệ.
Nhưng chả nhẽ hôm nay lão lên chơi chỉ để khoe bộ dạ tá, hàm răng và đôi giày?
Tôi
không cần thắc mắc lâu, lão nhíu đôi lông mày rậm, vào chuyện:
-
Hôm nay anh lên, có việc nói với chú đây..
Tôi
hoảng hồn, mỗi lần thấy lão vào đề kiểu này, lại một phen chột dạ. Lần nào cũng
ái oăm, thậm chí còn nguy hiểm nữa..
**
Nếu
không có ông giáo ở gần nhà, thực tình tôi không biết lão là ai?
Tôi
ở mãi xứ Đoài, cái tỉnh có tên như chuyện cây tre trăm đốt, nay tách ra mai
nhập vào cứ liên xoành xoạch. Chúng tôi gọi vui với nhau bây giờ là tỉnh “Hà
Nhì”, không còn là Hà Tây hay Hà Sơn Bình nữa!
Lão
ở nơi có câu ca : “Ai biết nước sống Lam là trong hay là đục..”. Nghĩa là xa
cách ngàn trùng, chả có dây mơ rễ má nào. Một lời của ông giáo, chúng tôi trở
thành chỗ thân tình, suýt nữa tôi còn là “con dê” của lão, nếu con gái lão
không chê tôi sức vóc học trò, trói gà không chặt. Mà nhà lão là nhà làm ăn,
toàn những việc người ta ngại vất vả không muốn dính tay vào. Nói rời non lấp
biển thì là nói ngoa, nhưng đốt đất, hun trời là việc có thật..
Hôm
giới thiệu ông giáo không nói thẳng ra, chỉ bảo: “ Chỗ nầy rất đặc biệt, cậu
tới rồi sẽ biết. Có khi còn được một công đôi ba việc cũng nên”.
Cái
đặc biệt thứ nhất là nơi lão Nên cư ngụ. Chỗ ấy một bên vách đá thẳng đứng, một
bên là dòng sông sâu, trên bờ được ngăn cách nhau bởi một con ngòi. Phải qua
một cái dốc cao gọi là dốc Bò đái chênh vênh. Chả cứ bò, bất cứ con vật nào bắt
buộc phải qua đây cũng đều kinh hãi, hoảng sợ. Chỗ này mấy trăm năm trước có
một xóm người Dao, bị dịch bệnh thế nào đó bỏ đi, từ đó đến nay hầu như thiếu
dấu chân người. Năm bốn bảy Tây ghé tàu gần chỗ này, nửa đêm tự nhiên tàu bốc
lửa phải bỏ chạy ra giữa sông rồi chìm, kêu la inh ỏi. Người ta đồn chỗ ấy có “ma
chài”, không ai dám ở. Thỉnh thoảng vẫn đào được những chiếc bình gốm đựng tro
hài cốt rải rác quanh vùng. Lão là người
đầu tiên đến lập cư, bỏ ngoài tai mọi đồn đại. Đất chỗ ấy tốt cực kỳ, cây nào
cũng hợp, xanh miên xanh man.
Ngày
chưa có đường nhựa QLC2 như bây giờ. Cứ phải vạch lau lách mà đi.
Đặc
biệt thứ hai là nhà lão có hai cô con gái, như Thúy Vân, Thúy kiều. Nói theo
kiểu thi ca gọi là “trên cả tuyệt vời”. Làm ăn tháo vát, giỏi giang hơn người,
lại xinh xắn không thể chê vào đâu được.
Đặc
biệt thứ ba nữa là cách làm ăn của gia đình lão không giống ai. Vùng tôi chưa
từng có. Nào đốt gạch, nung vôi, trồng mía, nấu rượu.. đều có bí quyết riêng,
người ngoài cố mấy cũng không thể tìm hiểu hay học mót được.
Còn
mấy thứ vặt vặt khác cũng vào loại đặc biệt, lão bảo không đáng kể.. Vì thế,
đến là tôi mê ngay.
Số
tôi vất vả, chả nên cơm cháo gì. Cô gái lớn tên Yêu nghe tôi ngỏ lời, lặng lẽ
không nói gì. Tôi cứ ngỡ cô như người ta “im lặng là đồng ý”, thực ra không
phải. Hồi lâu cô bảo: “Anh đi theo em”. Tôi bối rối theo cô, không biết chuyện
gì? Cô đưa tôi đến chân vách núi dựng đứng. Ở đó có khối đá tròn và nhẵn. Đến
bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao nó có hình thù như thế? Lúc đó tôi tự nhủ có
lẽ cô đưa mình vào đây tâm sự. Không thể có chỗ nào thích hợp hơn nếu trai gái
muốn nói những điều thầm kín, hệ trọng với nhau hơn chỗ này! Cô chỉ phiến đá:
-
Anh nói em nghe rất thông cảm. Bản thân em cũng không kén chọn gì nhiều. Nhưng
có điều anh phải giúp em một việc..
-
Việc gì em cứ nói? – Tỏ ngỏ ý sẵn sàng!
-
Ba mẹ em đã bàn về chuyện hôn phối, nếu ai mang được hòn đá này về để kê cầu
nước, sẽ gả em cho người đó!
Tưởng
gì? Tôi hăm hở bước lên, chả thèm vận khí công, lên xuống tấn làm gì cho mất thì
giờ, cúi xuống định bê luôn! Hòn đá nặng hơn tôi tưởng tượng. Nó phải nặng đến
ngót một tạ. Thử lại lần nữa cũng không kết quả. Lần cuối cùng tôi vận hết công
lực tập tẹ bấy lâu nay.. Kết quả hòn đá vẫn không rời mặt đất.
Đến
lúc ấy cô mới bảo tôi lui ra. Cô nhấc hòn đá đưa lên vai, mặt chỉ hơi đỏ do dồn
sức, bình tĩnh đi về nhà.
Tôi
xấu hổ không biết để đâu cho hết. Cuối năm ấy cô lấy chồng, một anh làm “thợ
đấu” ở xã khác.
Lão
Nên có vẻ áy náy. Lão bảo tôi:
-
Đừng vội thối chí! Con chị nó đi con dì nó lớn.. Không sao đâu mà!
Lần
nữa, tôi hy vọng. Làm trai “nam nhi sống ở đời” hễ khó là bỏ, thì hỏng!
Cô
em tên là Mến, yểu điệu hơn cô chị. Mông tròn, ngực nở, tóc dày và đen rưng
rức, môi mọng màu quả nhót, nhưng tính rụt rè, ít nói. Thực ra là kiêu ngầm.
Tôi theo cô hàng tháng trời lên nương sau nhà làm cỏ, hái chè. Xuống bến sông
vác mía lên thuyền, đánh đường ra bến để bố cô chuẩn bị cho việc mua thuyền
Kole. Việc nào ra việc ấy, riêng tôi chả được việc gì. Hễ tôi mở miệng đến
chuyện ngỏ lời là y như rằng má cô đỏ bừng, kiếm cớ chạy vội đi chỗ khác.
Cô
học lái thuyền rất nhanh. Chỉ mấy buổi thuê người dạy, cô về tỉnh lấy ngay được
bằng. Tôi đi theo học lỏm, định bụng hôm nào ra tay thử xem tay nghề thế nào.
Tối
hôm ấy trăng sáng có thể xâu kim được. Chỉ có tôi và em trên thuyền. Chắc mẩm
phen này có không muốn hay e thẹn, em cũng không chạy đi đâu được. Bờ sông nước
vừa rút, lầy lội thế kia, em chả dại gì mà chạy lên chỗ bùn ngập quá gối.
Nhưng
tôi lại nhầm! Em không đợi tôi mào đầu, xuất chiêu ngay:
-
Ba mẹ em bảo nếu anh cầm lái được con thuyền này, sẽ cho chúng mình gá nghĩa
trăm năm!
Một
lần nữa tôi lại không hiểu mình. Cứ ngỡ học mót được ngón nghề rồi, chủ quan
cho là chuyện ấy đâu có khó?
Ngay
cả học theo chính quy, không qua thực hành đã khó rồi. Nói chi đến chuyện học
lỏm, lõm bõm không đầu không cuối? Sai lầm chết người ấy làm hại tôi!
Thuyền
mở máy, xuôi dòng ngon trớn. Lúc ấy tôi nhủ thầm thì ra lái thuyền đâu có gì
ghê gớm cơ chứ? Chỉ cần cầm càng máy cho chắc. Muốn thuyền sang bên phải, đánh
bánh lái sang bên trái và ngược lại. Tôi hỉ hả nhìn em. Lúc này nét mặt em có
vẻ như đang lưỡng lự, lo lắng lắm. Như người vừa bị lỡ hứa mà trong bụng chưa
thực lòng muốn giữ lời! Người ta đâu có thể nói chơi chuyện này?
Nhưng
tôi mừng vội, quá sớm. Lúc quay lên, thuyền phải qua một cái gềnh, hai bên là
những tảng đá đầu ông sư nhô lấp lim mặt sóng. Chỗ này hẹp, nên nước chảy rất
xiết. Muốn vượt qua nó phải khéo léo lấy đà từ xa, rê chân vịt thật chính xác.
Nếu không chân vịt quạt vào một tảng đá nào đấy là lật thuyền!
Tôi
một phần chủ quan, một phần chưa có kinh nghiệm, mắc ngay cái lỗi này. Lúc đó
chỉ kịp nghe loảng xoảng phía đuôi thuyền, có ánh lửa lóe sáng và mùi đá khét
lẹt. Tôi cuống không biết xử lý ra sao, không kịp nhận biết xảy ra chuyện gì,
ùm ào một tiếng, thuyền đã lật. Nó trôi về hạ lưu một quãng mới chìm hẳn. Hai
đứa tôi mỗi đứa dạt một bên bờ, may nhờ biết bơi, không bị sao.
Ông
Nên thuê người trục con thuyền lên, cho sửa lại. Tôi lo phát ốm khi nghĩ đến
tiền bồi thường.
Thật
may chuyện đó không xảy ra. Khi đó tôi tay trắng, mình trần, nếu ông bắt thường
lấy gì mà trả?
Nhưng
cái may đó cũng chả có ý nghĩa gì ngoài ý nghĩa vĩnh viễn không đạt được giấc
mơ làm con dể ông! Sau chuyện đó, phần xấu hổ về sự lóng ngóng chủ quan của
mình, phần e ngại thiệt hại đến ông mình chưa có cách đền trả, tôi lánh luôn
không đến nữa.
Không
ngờ năm năm sau, một buổi sáng như hôm nay ông đến nhà. Ống quần chân thấp chân
cao, nét mặt bơ phờ, ông bảo ông vừa mới lên xã tôi mở lò gạch. Ủy ban và địa
phương đã cấp đất và đồng ý cho ông làm. Hồi bấy giờ đường cấp phối mới mở,
nhưng đi lại còn khó khăn. Nhu cầu xây dựng trường học, bệnh xá, trụ sở xã đang
cần gạch. Không những người ta không gây trở ngại gì mà còn có phần tạo điều
kiện giúp. Một tương lai sáng lạn đang mở ra trước mắt ông. Mẹ tôi mời ông ở
lại dùng cơm. Cao hứng thế nào Người nhận ông làm con kết nghĩa! Tôi còn đang
lúng túng về sự tế nhị này thì ông bảo:
-
Mấy đứa con gái anh chúng thành gia thất cả rồi. Có muốn kết thân gia như dự
tính trước đây cũng không được. Thôi không làm bố con thì thành anh em, chú chả
việc gì phải nghĩ ngợi lăn tăn.. Với lại anh cũng chỉ hơn chú con giáp, anh em
kết nghĩa phải hơn là cứ “chú chú cháu cháu”!
Tôi
chả biết nói sao, chỉ biết ngượng ngịu cười. Mẹ tôi thì mừng lắm. Có được người
anh lớn như lão dẫn dắt cho thằng con lông bông của bà, hỏi còn có gì tốt hơn?
Nhưng
mẹ tôi mừng hơi sớm. Chỉ một tuần sau lão Nên lại đến. Lão bàn với mẹ tôi góp
cổ phần cho tôi có chân “công ty vật liệu xây dựng” của lão. Mẹ chả nghĩ ngợi
nhiều, bảo: “ Ừ thì anh em làm ăn với nhau, mình cũng phải có góp ít nhiều. “Đi
câu sắm giỏ, làm mõ sắm dùi.. Con ạ. Của người ta hàng đống hàng vác, mình góp
đôi chục triệu bõ bèn gì?”
Lão
nói phen này quyết làm ăn lớn, phải phá bằng được vòng vây đói nghèo. Lúc đấy
tôi chẳng nghĩ gì và có phần tin tưởng. Lão giao cho tôi trông coi công việc,
lão về quê đón người, vì nhân công chỗ tôi khó mướn. Hơn chục ngày sau lão mới
về, mang theo gần hai chục con người cả nam lẫn nữ. Sự kiện này như một điềm
xấu báo trước công việc làm ăn đổ bể sau này. Trời bắt đầu đến thời kỳ mưa dầm
kéo dài. Hàng chục con người ăn xong lại nằm. Hết đánh bài, lại đánh tầm quất
lẫn cho nhau mà mưa vẫn chưa dứt. Thợ làm thổ mộc ăn như thuồng luồng kéo nước.
Nồi bảy bưng vào, nồi ba bưng ra đều sạch bóng. Gạo bao to bao nhỏ vẫn không
đủ. Trong đám thợ nữ có một cô dong dỏng cao, mắt hơi hiếng một bên. Cô này
không đẹp, được cái giọng trong veo. Nghe cô nói cứ như hát hay, lời như chạy vào
gan vào ruột. Tôi không ngờ người bề ngoài cũ cũ như lão nên lại đa tình.
( Sau này mới biết thêm, lão từng bơi qua sông
Gâm mùa lũ mang lòng lợn tiết canh nóng sốt đem cho người tình ở bờ sông đối
diện. Phàm những anh có tài năng đặc biệt hoặc sức khỏe xuất chúng thường trội
hoóc môn sinh sản. )
Mặc
đám thợ đánh bài, chơi cờ với nhau, cô ả với lão nên sáng nào cũng lên rừng lấy
măng. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ lão thân làm tội đời. Mang tiếng là ông chủ, tội gì
phải lên rừng hái măng như thế?
Đợt
mưa dứt, lò gạch chúng tôi đi vào “Đại sản xuất”. Máy chạy ba ca, ngày đêm
không nghỉ. Gạch cáng từng dãy dài. Ai đi qua cũng cũng trầm trồ “Lò gạch lão Nên
phen này trúng quả”. Lão mặt lại thêm hồng hào, cười nói hào sảng suốt ngày,
không cau có văng tục như mọi khi. Thuê người xây bầu lò, đổ than chất cao như
quả đồi, chuẩn bị vào lò mẻ gạch đầu tiên.
Không
ai ngờ sang tháng chín âm rồi còn có đợt lũ muộn. Mấy trăm vạn gạch và quả đồi
than cùng đám phên nứa lềnh bềnh trôi cả xuống sông! Bao nhiêu tiền khách đặt
cọc cũng theo đó tan biến. Nguy cơ vỡ nợ là rất lớn. Đám thợ gạch cũng rủ nhau
bỏ đi hết. Chỉ còn lại mỗi cô hiếng mắt còn ở lại. Cô gắn bó thật tình với cơ
sở gạch của chúng tôi hay vì đã phải lòng ông chủ, chưa ai biết. Đến khi bà vợ
lão ở dưới nhà lên đánh ghen mọi người
mới vỡ lẽ.
Lão
Nên mang cô ả về gửi dưới nhà quen bán hàng cơm ở thị xã. Lâu lâu lão mới đạp
xe xuống thăm cô.
Lão
hốc hác đi trông thấy. Mặt tái nhợt, không còn đỏ đắn như trước, nhưng vẫn nói
cứng: “Thua keo này bày keo khác!” Chưa biết lão bày bằng cách nào? Cô hiếng
lại nhắn lên liên tục. Hình như cô có bầu và đang thiếu rất nhiều thứ. Lão Nên
như đứng trên đống lửa, ngồi trên đống than, hay làu bàu câu gì đó rất tục.
Nhưng trước mắt người khác vẫn làm ra vẻ thản nhiên, không có chuyện gì!
Lão
hỏi vay nốt con trâu cái đang có chửa của
mẹ tôi. Lúc đầu bà không đồng ý, sau nghĩ lại. Đằng nào thì “Đâm lao phải theo
lao. Với lại phúc ai phận nấy, không ai có thể lấy không của ai, hoặc mất phận
của mình”, mẹ nói như thế. Tôi không dám nói sao vì thấy mẹ có lý. Lão lập tức
đem số tiền này mua một xe than về đốt số gạch mộc còn sót lại, vừa vặn được
một lò.
Tôi
lúc này đã xoay ra nghề khác, coi như số vốn hùn hạp ban đầu không tính đến
nữa. Có đi qua lò gạch của lão cũng không muốn vào. Phần lão không uống trà,
không thuốc lào thuốc lá, ngồi uống nước lã, nói chuyện suông chả thú vị gì.
Phần không muốn nhớ đến chuyện cũ. Của đau con xót, gom góp mấy năm trời, nay
bị hà bá cướp mất, ai còn muốn nhớ đến làm gì?
Bỗng
một hôm, mới tang tảng sáng lão đã đến gọi cửa. Lại chuyện gì nữa đây? Lão nợ
mình chứ mình đâu có nợ gì lão mà sao cứ thấy thắc thỏm lo lắng trong lòng! Lão
đến kỳ này không phải vay tiền, vay gạo thậm thụt với bà mẹ tính hay thương
người của tôi những lúc tôi đi làm vắng. Lão đến nhờ tôi một việc:
-
Anh đang bận trông lò, không thể giao cho ai được. Nếu chú không giúp anh việc
này, anh e rằng anh buồn mà chết mất!
Việc
gì mà ghê gớm vậy? Thì ra cô hiếng ở dưới tỉnh nhắn lên. Hàng cơm phát hiện cô
có bầu, không muốn thuê nữa. Lão mà không xuống đón, cô chẳng biết đi đâu. “chỉ
còn cách nhảy xuống sông Gâm chứ đâu còn đường nào?” Đấy là cô nói thế. “Nó mà
làm vậy anh ân hận suốt đời. Không chỉ ân hận suông, có khi còn phải ngồi tù
chứ chẳng chơi”, lão bảo thế. Tôi không sợ sự việc diễn ra theo lời lão nói.
Người ta sống chết có số. Có phải ai muốn từ bỏ cuộc sống cũng có gan làm cả
đâu? Vì thế có nhiều cô cứ chờ lúc bến sông đông người mới làm ra vẻ chuẩn bị
nhảy xuống. Thường khi đã nói ra miệng, rất ít thực hiện được. Nhưng tôi sợ lão
bỏ lò gạch đấy, liều đi đón cô hiếng, hỏng cái lò gạch. Tuy không phải người
trong nghề, nhưng tôi biết. Lửa mới lên bén gi lò mà bỏ không đút củi nuôi lửa,
lò sẽ tắt. Muốn nhóm lại rất khó. Số vốn cuối cùng này mất cũng có nghĩa con
trâu của mẹ tôi cũng đi đứt luôn!
Bụng
không muốn mà chân đi vẫn phải đi. Tôi đạp xe về thị xã. Đường cấp phối, đi một
mình có khó vẫn đi được, nhưng đèo hai người đành chịu. Lúc lên chúng tôi phải
đi thuyền Kole.
Đàn
bà chửa hình như thích gần đàn ông. Cô Hiếng làm tôi xấu hổ không biết để đâu
cho hết. Cô cứ sán vào như thể đang rét quá, người xung quanh cứ nhìn tôi chằm
chằm. Bực mình tôi đứng vụt dậy đi ra phía sau mũi thuyền. Đúng lúc con thuyền
nghiêng qua một trớn nước. Trong lúc đầu óc bấn bí như thế, tôi không để ý, ngã
nhào xuống sông. Chỉ nghe tiếng chân vịt quạt ào ào ngay trên đầu, tiếng người
kêu la inh ỏi. Tôi thoát nạn trong gang tấc! Bơi một lúc mới lên được thuyền. Đây
là lần thứ hai tôi bị nạn sông nước. Lần trước là chạy thuyền với cô Mến và lần
này với cô bồ của lão. Sao cái thân tôi cứ vướng mắc nạn sông nước mãi thế nhỉ?
Về
gần tới nơi, tôi mừng như người đi xa sắp về đến nhà. Lại nhầm. Từ xa đã nghe
tiếng nổ như pháo ran. Lúc đó không biết đang xảy ra chuyện gì? Nhìn về phía lò
gạch đang khói đen một vùng trời. Người trên thuyền nhao nhao “ Nổ ở chỗ lò
gạch lão Nên”! Tôi giật mình. Quên cả mang chiếc xe đạp lên bờ. Tôi chạy vội
đến chỗ lão. Không biết cô hiếng làm cách nào với những túi, những bao lủng
lẳng của cô?
Cảnh
tượng trước mắt không thể tin được. Tường lò há ra như miệng một con quái vật,
lửa phụt ra xanh lè. Liên tục những tiếng nổ như đạn pháo thăng thiên. Lão Nên
mặt cắt không còn tí máu, nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh, gan lắm. Lão hô người
vác cây chống lò, nhưng không ai dám đến gần. Một mình lão chống chỗ nọ đổ chỗ
kia. Từng tảng như nửa chiếc chiếu cháy đỏ lựng như thế đổ xuống từ trên cao.
Ngoài lão ra ai dám lăn xả vào nơi như thế?
Sau
này mới biết, gạch nổ là do chỗ đất nhiễm phèn, độ PH cao, lại chưa khô hẳn bên
trong. Đây là sai lầm chết người do tính chủ quan, vội vã, bốc đồng của lão. Cuối
cùng bất khả kháng, lão ngồi ôm gối, đôi mắt như người mất hồn, không nói câu
nào.
Ngày
hôm sau không ai thấy bóng dáng lão Nên đâu nữa. Chỉ còn đống gạch vụn, nửa
sống nửa chín, cao như quả đồi. Lão mất tích một thời gian..
Mẹ
tôi lại an ủi tôi theo lối các bà già ở quê an ủi con cái mình: “ Thôi của đi
thay người, đừng tiếc con ạ. Trời cho khá sẽ lại có ngày làm nên”!
Không
ai biết lão mang thêm hai thằng con trai đi đâu, làm gì chừng hơn một năm thì về.
Lão khoe nhà lão có mả cứu bần. Mấy bố con mót lại xỉ ở bãi vàng, vớ ngay được
cái ục. Như thể có người đem của giấu ở đấy. Từng hạt vàng to như hạt ngô vàng
xòng xõng, đều như qua cùng một mắt sàng! Nếu lão không mang tiền lên nhà trả
không thiếu một đồng, có lẽ tôi không tin. Lão gốc gác đất Trạng Quỳnh, nói con
kiến trong lỗ còn phải bò ra, biết thế tôi đến giờ vẫn còn ghê răng!
Lão
xoay ra khai thác đá, đóng gạch bi, mua xe ô tô cho hai con chạy.. Đương nhiên
không vướng nợ nần với bất cứ ai. Thôi thì cũng mừng cho lão!
Đường
qua dốc Bò đái bây giờ máy ủi hạ dốc, tráng nhựa đi lại tênh tênh. Tôi bận việc
tôi, lão bận việc lão, dễ đường vậy mà đâu có mấy lúc gặp nhau?
***
“Sao
hôm nay có việc gì mà đại ca lại quá bộ lên thăm?” Vào nhà rồi tôi vẫn nhắc lại
câu hỏi cũ. Lão cười khoe hàm răng mới trắng bóc, không tinh không biết là răng
giả, xong lại tủm tỉm không nói câu nào. Mãi sau mới bảo:
-
Lúc gian khổ có nhau, bây giờ anh em mình đỡ cả thì mẹ không còn! Chắc mẹ ở
trên trời thấy con cái làm ăn được mẹ cũng vui - Lão nói y hệt câu trong phim
cổ trang, kiếm hiệp Tàu.
Tôi
cảm động quá. Lão thật là con người ăn ở có trước có sau, có tình có nghĩa. Cái
chuyện không phải với cô hiếng ngày nào giờ cũng nên thông cảm. Con người chứ
đâu phải thần thánh gì? Ai chả có lúc sai? Với lại anh có tài thường hay có
tật. Ai nói gì mặc ai, với lão tôi vẫn phục. Lên bờ xuống ruộng, sống đi chết
lại như thế mà vẫn dựng được cơ đồ. Người khác chỉ một phen thất bát, có khi
sạt nghiệp, mất hết tinh thần.
Tôi
đoán hình như còn có chuyện gì nữa, lão đâu có rảnh đi chơi không? Đúng như vậy
thật. Lão lấy trong bọc ra gói trà phải đến hơn một cân đưa cho tôi:
-
Có đứa cháu bên Đại Từ sang cho mấy cân chè ngon uống tết, anh chia chú một
nửa. Nhân tiện bàn với chú một việc, anh em cùng làm cùng ăn!
Tuy
rằng con người lão khác trước, nhưng tôi vẫn còn e ngại, không nói gì. Nét mặt
lão có vẻ trầm xuống:
-
Ngày trước anh làm chú mất lòng tin, chú e ngại là phải. Nhưng con người ta mỗi
lúc mỗi khác. Có phải khi nào cũng thế cả đâu? Anh bàn với chú việc này cũng có
ý trả cái nghĩa ngày xưa bà cụ và chú đối với anh. Người khác có mời anh cũng
không nói. Anh lúc này có vốn, chú có vườn rộng, có thời gian hơn anh, anh mới
bàn với chú..
-
Bác nói sao, em chưa hiểu?
-
Từ từ rồi khoai cũng dừ, đi đâu vội? Anh ghét nhất trò “thấy người ta ăn cá,
vác rá đi đơm”, chả chịu tìm tòi, nghĩ ngợi gì. Đấy chú xem, năm ngoái một vài
anh dựng máy làm đót, thấy được ăn, năm nay không biết bao nhiêu anh lăn vào
làm. Chen vào chỗ chật, chắc gì kiếm được trong khi phải đầu tư vốn tương đối
lớn? Vì thế..
Lão
lại lấp lửng như cố ý để tôi sốt ruột. Mãi sau mới nói:
-
Việc này đảm bảo với chú ở đất mình, kể cả tỉnh mình chưa ai làm. Nếu mình đi
trước một bước, đảm bảo thắng lợi! Khả năng lại ở trong tầm tay mình, anh sẽ
đầu tư cho chú làm, lãi lời cùng hưởng.
Tưởng
lão nói chuyện gì, việc này tôi có biết. Ấy là việc nuôi chim quý như công, trĩ, vịt uyên ương.. Thực ra trước đây cũng có
người làm rồi không thành công. Ông này không biết đặc tính của giống loài chim
quý, nên không nuôi sinh sản được. Bỏ tiền mua mấy chục con giống đẻ trứng đem
ăn rồi thịt dần, mất cả chì lẫn chài. Đặc tính của các loài chim hiếm là chỉ
biết đẻ rất sai, nhưng không biết ấp. Chúng thường đẻ giấu vào tổ của các loài
chim khác, đến khi chim con biết chuyền cành mới bay đến dụ theo mình. Với lò
ấp trứng giản tiện ngày nay, khiếm khuyết ấy không còn là vấn đề. Các nơi khác
người ta đã nuôi nhiều, có anh trở thành tỷ phú nhờ công việc này.
Biết
thì biết như vậy, nhưng không phải cứ muốn là làm được. Nuôi chúng không khó.
Cái khó ở đây là đầu tư chuồng trại, giống vốn.. Có nhà tài trợ đã từng là anh
em kết ngãi với mình còn gì bằng?
Cuối
năm lại thêm cái may này, khiến tôi cay cay khóe mắt. Chưa kịp nói lời nào với
lão thì con lão đã đánh xe quay lại. Lão kéo vạt áo dạ tá có hàng cúc bằng đồng
vàng cho phẳng, trước lúc lên xe bảo:
-
Cứ thế đã, tết nhất xong bảo cháu lấy xe đưa hai anh mình xuống Hà Nội. Địa chỉ
con giống anh liên hệ rồi. Để đến ra giêng ấm áp, ta khởi sự cho chắc ăn. Tháng
này còn rét, chim chậm lớn, với lại công việc gấp gáp cuối năm. Ăn cái tết cho
ngon lành cành đào cái đã!
-
Vầng, được như bác nói còn gì bằng?
-
Anh đã nói sai với chú câu nào chưa?
Tôi
nín bụng, không dám cười. Chả nhẽ lại cãi lão vào lúc như thế này? Con Bon lúc
này đã quen, có vẻ lưu luyến lão, nó cứ cựa cựa mõm vào bên giày da của lão như
trẻ con làm nũng. Lão phải cúi xuống vuốt vuốt mấy cái lên bộ lông mượt của nó,
Bon mới chịu quay lại chỗ tôi, vẻ buồn rầu.
Khi
ấy, xe của bố con lão đã khuất dần trong đám sương mờ, ngày cuối năm..
================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét