Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Thơ Nguyễn Quý



Râu tôi mọc hoang mang. Tiễn năm cũ về trời.

Nguyễn Quý 寫於 2012年12月31日17:45 ·
Phương trời tôi nói với phương trời ngày lông tơ dài ra như tổ quạ không lề lối.
Chúng tổ chức hội họp.
Tôi đậy lại buồn phiền năm cũ rồi vứt đi.
Một bầy phi lí đi ngang qua buổi chiều. Rét buốt không mở miệng một câu nào.
Chúng ngập tràn thành phố.
Chiều cuối năm, mẹ tôi ra đồng. Ruộng nương bát ngát lạnh.
Vườn hoang vắng cỏ mọc. Lưng chừng heo may đi.
Những ngón tay tôi. Chúng ngủ gật mơ màng.
Cuống họng tôi. Ho hen từ đầu mùa.
Lưng tôi. Cái chứng thiếu canxi của tuổi già.
Tôi phớt lờ thời gian, mặc chúng đến vắng vẻ hay vội vàng và tôi im lặng.
Đôi mắt tôi thiếu tình. Nó hư vô bất chợt.
Phương trời này hoàng hôn cứ quay về dù lòng mình chẳng muốn.
Chúng đi qua phố phường rồi mất hút. Trái núi thật cô đơn.
Tây Nguyên thật rỡn đực. Thiếu nữ bay lên trời còn tôi và bóng tối.
Bóng tốii chẳng nói gì. Căn phòng thật khô hạn. Bàn phím thành thổn thức.
Tôi đậy lại tim tôi.
Mây phương nào trôi qua. Bóng lẻ con đường lẻ. Người lẻ bàn chân lẻ. Phố lẻ mưu sinh lẻ. Tình lẻ bàn tay lẻ. 
Tôi lẻ.
Và suy tư.
Những vần thơ đứt gãy giữa chiều. Chúng gấp khúc và nén chặt.
Tôi bị một cuộc trộm. Chúng cắp thời gian đi.
Dự báo một trận buồn. Râu tôi mọc hoang mang.
Tiễn năm cũ về trời.
讚好 ·  · 分享

Ăn mày cũng phải học kinh tế



Đọc bài này trên blog của chị Trang Hạ thấy hay, copy về cho mọi người cùng đọc:
Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Levi’s ra khỏi Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học tại chức kinh tế ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.
- Xin anh… cho tôi ít tiền đi! – Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.
Ăn mày rất thích kể lể.
- Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Levi’s ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…
- Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! – Tôi ngạc nhiên.
- Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. – Ông ta bắt đầu mở máy.
Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
- Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
- Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoan chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.
Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
- Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…
-
…???
- Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.
Ông ta lấy giọng nói tiếp:
- Ở khu Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian để tìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
- Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? – Tôi căn vặn.
- Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!
- Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
- Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.
- Hả? Nhiều vậy sao?
Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
- Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.
Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.
Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.
- Ông nói tiếp đi! – Tôi hào hứng.
- Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?
Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
- Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.
Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.
Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.
- Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!
Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.
- Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?
Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: “Hồng ơi, anh yêu em”, gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.
Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.
Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!
- Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.
Quá chuẩn!
- Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.
- Ối ông cũng có vợ con?
- Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.
Tôi buột miệng:
- Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không?
(Trang Hạ dịch

Inrasara: Mười năm Tien Ve



Tiền Vệ — thức thời, dứt khoát và bền bỉ
Bước vào thế kỉ mới, khi văn chương mạng tiếng Việt cấp tập xuất hiện, dù tạp chí Việt vẫn còn sức công phá, Ban Biên tập của tạp chí luôn được chờ đợi này chuyển hệ ngay từ giấy sang mạng. Tienve.org ra đời. Nhưng không nhập nhằng như vài tạp chí khác, giấy chính mạng phụ hay ngược lại, Tiền Vệ đã rất dứt khoát: mạng. Và, không như vài mạng khác — bởi nhiều nguyên do khác nhau — nửa đường đứt gánh, Tiền Vệ sống khoẻ & mạnh suốt 10 năm thăng trầm cuộc thế, cuộc chữ và cuộc người.

Tiền Vệ — cuốn hút đại bộ phận con người tiền vệ
Là nơi để “mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để làm ra cái mới”, Tiền Vệ lôi cuốn nhiều thế hệ văn học tiền vệ đến với nó. Trong nước lẫn hải ngoại. Bất kể khác biệt về chính kiến. Họ đến, đi và ở lại. Đa phần là ở lại. Ở lại, hay đi rồi trở lại. Non 2.000 tác giả dự phần trong đó tác giả có lượng bài đóng góp trên con số 100 không phải là ít. Rồi khoảng 97.000 lượt người truy cập mỗi ngày, không chỉ là con số. Dù vẫn có số người ghé qua Tiền Vệ như là cách đánh bóng tên tuổi, rồi ra đi mãi mãi. Nhưng rồi, ai còn quan tâm đến cái mới, họ sẽ trở lại với Tiền Vệ. Với tư cách người viết, người nghiên cứu, người đọc.Tiền Vệ còn gợi tò mò cho cả người ghét cái mới, và nhất là nó gây thù oán cho những kẻ chống cái mới. Thế nào, họ cũng phải mở trang Tiền Vệ để xét nét, mỗi ngày. Nghĩa là, Tiền Vệ vẫn cứ có sức cuốn hút khó cưỡng.

Tiền Vệ — cuộc thử nghiệm nghệ thuật không ngưng nghỉ
Kiên trì trong ý hướng và chiến lược “nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để làm ra cái mới”, Tiền Vệ chấp nhận mọi thử nghiệm. Có thể khẳng định rằng, nhiều cuộc thử nghiệm mươi năm qua diễn ra trên/ xuất phát từ Tiền Vệ. Từ văn học đến hội hoạ, từ sân khấu đến nghệ thuật tạo hình. Sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật hay trao đổi học thuật. Từ thế hệ mới cho đến tác giả cũ chuyển sang thử nghiệm “làm mới”, họ chọn Tiền Vệđể có mặt. Từ Tiền Vệ và trước Tiền Vệ, nhiều cây bút chính lưu buộc phải có những thay đổi [dù là ở hình thức] trong lối viết; họ cảm nghe mặc cảm tự ti bị ràng buộc, trước không khí tự do sáng tạo của Tiền Vệ. Họ sẽ còn phải hoang mang, chắc chắn thế!

Tiền Vệ — hậu hiện đại
Phi tâm hoá, từ đó giải lãnh thổ hoá [và nhiều giải... khác], Tiền Vệ gắn liền với hậu hiện đại. Hậu hiện đại từ tạp chí Việt cho đến Tiền Vệ. Theo thời gian và chuyển động của thời cuộc, hậu hiện đại có vài thay đổi nhất định — về thái độ đón nhận, về chín muồi tri thức, về thủ pháp... — nhưng tinh thần và thái độ hậu hiện đại luôn song hành với Tiền Vệ và đại đa số tác giả xuất hiện trên Tiền Vệ. Bài nghiên cứu học thuật về hậu hiện đại đầy khả tín, tiểu luận hậu hiện đại xuất sắc, lí lẽ biện minh sắc bén cho hậu hiện đại, và nhất là các tác giả hậu hiện đại tiêu biểu... đều có thể tìm thấy ở Tiền Vệ.

Tiền Vệ — không khoan nhượng
Sống cùng và thở hơi thở nóng bỏng của thời sự văn học, Tiền Vệ tham gia vào nhiều cuộc chiến. Và đã lâm trận là không nhân nhượng. Chiến với không ít quan chức Hội Nhà văn Việt Nam vừa nhí nhố vừa khệnh khạng (chuyên đề “Đại hội Nhà văn Việt Nam”), chiến với sự độc đoán về văn học hay áp chế tác giả văn học, chiến với sự hiểu lập lờ về hậu hiện đại, chiến với nạn đạo văn, chiến để khám phá “thảm hoạ dịch thuật” đang lộng hành thế giới chữ nghĩa trong nước. Xuất hiện từ năm 2008, mục “Đối thoại” đã đóng vai trò tiền tiêu ở các cuộc chiến đó. Quyết liệt và không khoan nhượng đúng chất Tiền Vệ, cho nên không ít ý kiến cho rằng Tiền Vệ chỉ giỏi đánh đấm, chống phá chứ không tạo nổi tên tuổi nhà văn. Nhầm to! Thế hệ trước “làm lại cuộc đời” đầy mới mẻ như: Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường, Lê Văn Tài...; người trong nước xuất hiện đĩnh đạc và sáng giá hơn như: Phan Đan, Nguyễn Viện, Trần Tiến Dũng...; rồi những khuôn mặt mới độc đáo với Hoàng Long, Lê Minh Phong... hay hiện tượng Lê Vĩnh Tài, Lưu Mêlan xuất hiện lồng lộng. Tất cả không là tác giả, thì còn kêu là gì!?

Tiền Vệ — thở hơi thở thời cuộc đất nước
Dẫu không là trang mạng chuyên về vấn đề chính trị xã hội, Tiền Vệ chưa một lần rời bỏ thời cuộc Việt Nam. Ở đây, hậu hiện đại còn hiện thực hơn chủ nghĩa hiện thực. Mươi năm qua, đâu là sự kiện tác động lớn và toàn diện nhất đến tâm thức người Việt Nam khắp thế giới? — Không gì khác, chính Sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa. Kì đầu năm 2007, khi nhà văn trong nước hoàn toàn im lặng, Tiền Vệ đã mở ngay chuyên đề“Viết cho Hoàng Sa - Trường Sa” thu hút cả trăm tác giả hậu hiện đại [và không là hậu hiện đại] vào cuộc. Sang kì hai, năm 2011, khác hẳn nhà văn chính thống — khi được phép — chỉ làm thơ viết văn “chống” Trung Quốc, Tiền Vệ ngược lại, qua mục “Đối thoại”, và bằng chiêu thức mới, đăng các bài viết ngắn phơi bày hiện thực lồ lộ giữa đường phố Sài Gòn và Hà Nội mỗi cuối tuần.

Tiền Vệ — thúc đẩy ý thức tự do và dân chủ
Qua đó, Tiền Vệ trực tiếp đánh thức ý thức trách nhiệm công dân của nghệ sĩ sáng tạo. Để rồi, từ các sáng tác của nghệ sĩ, thúc đẩy ý thức tự do và dân chủ của cộng đồng. Không phải không lí do, khi đại đa số tác giả ngoài lề, ngoài luồng hay bị chối từ ở trong nước, các tác giả không muốn tác phẩm mình phải chịu bị kiểm duyệt — nếu không chọn hình thức in photocopy — đều chọn Tiền Vệ để kí thác tác phẩm. Cả các tác giả “chính lưu” có sáng tác khó đăng, khó in trong nước, cũng tìm đến địa chỉ Tiền Vệ. Có thể khẳng định, 10 năm tồn tại, Tiền Vệ đã góp phần quan trọng làm thay đổi khuôn mặt văn học tiếng Việt đương đại, để hướng về một nền văn học tự do, và triển khai tối đa tinh thần tự do theo đúng nghĩa cao cả và nguyên ủy nhất của từ này.

Tiền Vệ — kho chứa tư liệu, nhưng không là tư liệu khô cứng mà, mãi mãi mang tinh thần tiền vệ
Vô hình trung, Tiền Vệ trở thành kho tư liệu ở bề khác của nền văn học Việt Nam đương đại, cũng là kho tư liệu về dòng văn học phản kháng lại sự áp chế của tư tưởng toàn trị đương thời. Thế nhưng đó không phải là kho tư liệu chết, mà Tiền Vệ luôn biết “làm mới” mình. Bằng phương thức mới, khuôn mặt mới, khám phá các thủ pháp sáng tác mới. Tại sao? — Đơn giản, Tiền Vệ xuất hiện và tồn tại tạo niềm tin cho kẻ sáng tạo, nhất là những người mới vào cuộc. Họ tự do viết, tự do thể hiện tư tưởng mình, mà không còn hồi hộp trông về cổng số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Nhà nghiên cứu văn học muốn nhìn toàn cảnh văn học đương đại Việt Nam không chỉ giới hạn ở phía chính thống, mà là — và nhất là — cần có cái nhìn khác về phía phi chính thống, ở đó Tiền Vệ có vị trí đặc biệt quan trọng.

Tiền Vệ & tôi
Lên đường với Tiền Vệ ngay buổi ban đầu, tôi đã cùng Tiền Vệ đi suốt hành trình 10 năm. Thơ, phê bình không thể đăng bất kì báo nào trong nước, tôi đăng ở Tiền Vệ (tập thơ Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], tập tiểu luận phê bình: Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại). Tiểu luận bị thiến, bị cắt trong nước, tôi gửi toàn văn cho Tiền Vệ. Tranh luận học thuật không đất sống, tôi kí thác cho Tiền Vệ. Tôi nhập cuộc vào thời sự nóng của đất nước cùng Tiền Vệ (bài thơ “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo” ở chuyên đề “Viết cho Hoàng Sa - Trường Sa”); không ít lần tôi thuyết về Tiền Vệ trên các diễn đàn. Có thể nói nửa sau cuộc văn chương chưa lấy gì làm dài của tôi gắn chặt với Tiền Vệ. Không thể không nói tiếng “cảm ơn Tiền Vệ”!

Tiền Vệ — mãi sống!
Xin mượn lời Hoàng Ngọc-Tuấn trả lời phỏng vấn ABC Radio Australia, ngày 1-12-2012 làm lời tạm kết bài kiểm kê này: “Tiền Vệ của là một phần của cuộc sống, cho nên nó luôn phải thay đổi. Thay đổi quan trọng nhất là nó không chỉ kêu gọi sự đổi mới, mà cần phải làm cho sự đổi mới, vốn ban đầu có thể gây “shock”, trở nên bình thường, sau đó lại tiếp tục tìm kiếm những cái mới khác”.
Do đó, Tiền Vệ mãi sống, sống bằng tinh thần tiền vệ!

Inrasara
Sài Gòn, cuối năm 2012


Như chưa hề có gì xảy ra
Đoàn thể thao Việt Nam vừa giật thêm huy chương
Vừa giật thêm vài ưỡn ngực ngạo nghễ
Thế giới như đặt dưới chân huy chương vàng môn billard Đông Nam Á
Cờ xí với khẩu hiệu
Như thể chưa hề có chuyện gì đang xảy ra
Chúng ta có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Không thể chối cãi
 
Tuần lễ văn hoá Cà phê Sài Gòn cứ đông nghịt
Chơi tới bến đi em, chẳng có có gì xảy ra, ở nơi ấy
Dzô dzô                                DZÔ
Ta đã làm cú rút ngoạn mục vượt mặt Indo với Mã
Hồ Xuân Hương đẹp và Đà Lạt thơ
Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam diễn ra đúng ngày giờ
Dzô dzô                                DZÔ
Chiều qua tuyển Việt Nam thua nát nhưng sáng nay
Toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành đội mũ
Bảo hiểm hộp sọ nhát gan chứa đầy toan tính ươn hèn mong kéo dài kiếp sống khiếp hãi
 
Như chưa hề có chuyện gì sắp xảy ra
Hà Nội se lạnh và Phan Rang khô rát
Đại hội vừa hạ quyết tâm phấn đấu để có nhiều tác phẩm tốt hơn
Như chưa bao giờ tình hữu nghị Việt–Trung tốt đẹp hơn
Hoàng Sa & Trường Sa
Nam Quan Hà Giang Tam Sa
Đạn nổ nhịp ba       hảo… hảo… hảo…               chưa chết
Một nhà thơ tuyên dứt khoát phải có thơ ta giữa 100 bài thơ hay nhất
Thế kỉ và một nhà văn khác
Dự án cho Nobel văn chương nước Việt
7.560 hecta đất nông nghiệp được thu hồi cho dự án sân golf
Hàng vạn hộ nông dân Long An bổ sung số liệu cho dự án xoá đói giảm nghèo chục năm tới
 
Nam Quan Hà Giang Tam Sa
Như chưa hề có chuyện gì đã xảy ra
Tiền phong Thanh niên Tuổi trẻ
VTV1 VTV2 VTV3
Đạn nổ nhịp ba                  vắng ngắt
Ngàn chữ kí vạn chữ kí triệu chữ kí vừa tung lên trời mù mịt
Hảo hảo hảo
Mầy đã nghe lời ai xúi giục                   tao bảo
Đuổi thẳng cổ chúng ra khỏi trường
Camera dây thép gai và máy ảnh kĩ thuật số
Họa sĩ trịnh cung vừa ném cây cọ ra ngoài cửa sổ
nhà văn nhà báo nhà thơ và cả nhà chưa là nhà xuống đường hô khẩu hiệu tranh hậu siêu thực vẽ lưng áo thận văn nhiên bỏ thơ làm cư dân mạng tuấn idol anh chịu chơi bão blog mịt mù quốc bùi minh thư tuyệt mệnh chai nước lavie tiếp viện ném nữa đi em lynh bacardi tự quyền nữ nhi không thường tình chống nạnh như huy số dzách xắn tay áo hoàng hưng yêu nước không bị áp đặt hương hồ hồng thu lan cứ chĩa máy vào tụi tao đi ôi quý ngài trí thức hay không trí thức và ôi quý siêu sao thơ văn 8X tung bụi mù văn đàn an nam lủi đâu hết trọi rồi hay đang cà phê đắng rung đùi tọa sơn quan hổ đấu
Người đi xe giữa đường tò mò nhìn đám biểu tình
Như có điều gì đó vừa xảy ra đang xảy ra sắp xảy ra
Lễ tang nhà thơ lớn Phạm Tiến Duật vừa qua và Đời sống tinh thần người Sài Gòn sắp tới
Càphê Văn học của Hội đồng Anh và Ba kịch bản có thể xảy ra
Ngày 16
Ngày mai
Ngày mai
Que sera sera
Ai biết chuyện gì xảy ra, ở nơi ấy.
 
15/12/2007
 
(Trích từ tập Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] — chưa in)
 

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Thơ từ năm cũ của tôi.

ĐỌC LẠI “Mùa lá rụng trong vườn”

Mặt nạ rơi sau lưng
trước mặt
Em nghoảnh nhìn không thấy bão giông
Bão tan lâu rồi
mải mê ký ức
Em đâu hay
Bão nổi trong lòng?

Chúng ta đi qua những vườn hoa ám muội
Câu dối gian rơi vãi trên đường?
Hóa ra chỉ là lời mật ngọt
Chiết ra từ những cây khô sao cám dỗ say cuồng?

Hoa thẳm đấy
Thực ra cỏ rả..
Mọc trên đường đi
che khuất lối vào
Tòa lâu đài lỡ xây trên cát?
Ta nhận ra mình
Sau mỗi giấc mơ đau

Có cách nào cầm vết thương âm ỉ?
Bước trên lối mòn
mặt nạ rụng rơi
Mùa lá rụng,
mặt nạ nhiều hơn lá
Làm sao đến thiên đàng

Hỡi những linh hồn thích bay?

THƠ ĐOÀN THỊ TẢO

XẨM CHỢ



Này chị em ơi!!!
Ra chợ từ buổi sớm mai
Có ba đồng vốn giở vai với giời
Một đồng mua cái nổi trôi
Đồng mua duyên hẩm với người ngày xưa
Ốm đau mua lão là vừa
Hết ba đồng vốn chợ trưa mất rồi

Bôn ba tần tảo ngược xuôi
Thác ghềnh chèo chống một đời bán mua





TỨ TUYỆT TÌNH

I
Người đem buồn nhớ đổ đi
Còn tôi níu lại phòng khi giở giời
Sập sùi mưa  gió bời bời
Nỗi buồn còn đó đem chơi một mình.

II
Một mình ra ngẩn vào ngơ
Lặng nghe tiếng lá gọi mưa bồn chồn
Hạt mưa như lỡ độ đường
Yêu say đắm đó chán chường lại đi

III
Thơ yêu tôi tặng một người
Của thời vụng dại chỉ người ấy thôi
Một người với một mình tôi
Cũng làm nên cả một trời nhớ thương




 NGÔI SAO RƠI

Tôi đi về nơi ngôi sao rơi
Miền hoang vu gió
Một tinh cầu bé nhỏ
Bơ vơ rơi đâu

Tôi đi tìm nơi ngôi sao rơi
Hỏi từng ngọn cỏ
Có thấy một vì sao bé nhỏ
Bây giờ nơi đâu

Có ai tiếc thương một điều vô nghĩa
Giữa hằng hà thiên thể
Ngôi sao buồn bỏ đi nơi đâu
Cho tôi đi tìm
Một tinh cầu khờ dại đến xót đau





NGỌN ĐÈN VÀ ĐÊM ĐEN
        “Thà rằng chả biết cho xong”

Ngọn đèn dầu le lói
Rọi qua song cửa tre
Lập lòe đơn độc

Đêm đen đêm đặc
Nỉ non con dế khóc
Tủi duyên chú ếch kêu một mình

Người đa tình
Buồn sầu vô cớ
Đi không nỡ, ở chẳng trông ai
Thở dài thương
Thương cho ngọn đèn đầu phố   
Mở mắt trông thấy mặt đường lồ lộ
Đêm không đen
nhờ nhờ!....

Triết học

Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về gia đình và lịch sử văn minh (phần II)

Giáo sư Toshiko Nakamura,
Trường Đại Học Hokkai-Gakuen, Nhật Bản
Tqvn2004 chuyển ngữ

2. Tư tưởng Fukuzawa về văn minh

Lịch sử của nền văn minh

Mặc dù Fukuzawa viết rất nhiều bài viết trong cuộc đời mình, nhưng cuốn sách quan trọng nhất trong đó chính là 'Văn minh luận chi khái lược' (An Outline of a Theory of Civilization). Năm 1874, ông quyết định dừng việc dịch sách phương Tây và tập trung nghiên cứu lý thuyết về văn minh. Ông đọc các cuốn sách của học giả phương Tây như Guizot, Buckle và J. S. Mill và viết một vài dàn bài và bản nháp. Ông thảo luận với bạn hữu và sinh viên về chúng trước khi xuất bản cuốn sách năm 1875. Như thế, chúng ta có thể thấy ông đã bỏ nhiều nỗ lực vào cuốn sách này.
Trong cuốn Khái lược này, ông viết về lịch sử của nền văn minh, nói về các bước mà xã hội loài người đã trải qua để phát triển. Ông chia lịch sử ra làm 3 giai đoạn: 'man rợ', 'bán văn minh' và 'văn minh'. Mỗi xã hội đều phải đi theo con đường này cho tới khi họ đạt tới giai đoạn cuối của văn minh. Chắc chắn là ông đã lĩnh hội tư tưởng này từ các cuốn sách phương Tây mà ông đã được đọc.
Những yếu tố nào thúc đẩy tiến trình phát triển văn minh diễn ra? 
Thế Fukuzawa nghĩ những yếu tố nào thúc đẩy tiến trình phát triển văn minh diễn ra? Ông nghĩ rằng có hai yếu tố: Thứ nhất là sự tiến bộ của 'tri thức' (intellectual ability hay 'chi') và 'đạo đức' (virtue hay 'toku') của con người, tới mức mà anh ta có được vật chất đầy đủ trong cuộc sống và cóphẩm cách (dignity) như một con người. Thứ hai là sự tiến bộ trong các 'mối quan hệ xã hội loài người (human social relations hay 'jinnkan-kousai’). Hai yếu tố này phối hợp với nhau thúc đẩy xã hội tiến về trạng thái cuối cùng của văn minh. Tại sao lại như thế được? Ông giải thích như sau:
Trong giai đoạn 'man rợ', con người không có đủ 'tri thức' để hiểu các định luật của thiên nhiên. Và họ không biết cách đối phó với môi trường và kiểm soát nó. Khi họ gặp phải một tai ương tự nhiên hay một điều tốt nào đó, họ có xu hướng cho rằng nguyên nhân phía sau là do Thần (kami) Thiện hoặc Ác tạo ra. Cũng như thế với mối quan hệ xã hội của họ. Trong giai đoạn văn minh này, chắc chắn sẽ xảy ra sự cai trị mang tính đàn áp / đè nén trong xã hội. Nhưng vì con người không đủ 'tri thức' để hiểu lý do và nguồn gốc của sự cai trị mang tính đàn áp đó, do đó họ sẽ sợ hãi sự đàn áp và đè nén, coi chúng giống như những tai ương tự nhiên. Họ không có đủ 'tri thức' để hiểu và phản đối sự đè nén. Mọi thứ được quyết định bởi luật lệ do người cai trị đặt ra. Và người cai trị đặt ra luôn cả các giá trị đạo đức của xã hội. Mọi người buộc phải tuân theo các giá trị đạo đức mang tính ý thức hệ được đặt ra bởi người cai trị.
Nhưng vì con người không đủ 'tri thức' để hiểu lý do và nguồn gốc của sự cai trị mang tính đàn áp đó, do đó họ sẽ sợ hãi sự đàn áp và đè nén, coi chúng giống như những tai ương tự nhiên. Họ không có đủ 'tri thức' để hiểu và phản đối sự đè nén. Mọi thứ được quyết định bởi luật lệ do người cai trị đặt ra. Và người cai trị đặt ra luôn cả các giá trị đạo đức của xã hội. Mọi người buộc phải tuân theo các giá trị đạo đức mang tính ý thức hệ được đặt ra bởi người cai trị. 
Tiến trình văn minh khởi động khi 'tri thức' của con người bắt đầu phát triển trước tiên. Lúc đó, con người sẽ 'nghi ngờ' tất cả mọi thứ xung quanh anh ta. Anh ta muốn biết lý do, hay nguyên nhân, gây ra các tai ương thiên nhiên, và tìm cách tránh chúng. Và như thế anh ta bắt đầu kiểm soát được tự nhiên với 'tri thức' của mình.
Tiếp theo là gì? Anh ta sẽ bắt đầu nghi ngờ và suy nghĩ về tình hình của chính bản thân mình. Anh ta nghi ngờ những lời giảng dạy của ý thức hệ Khổng Giáo, và vào các câu chuyện về lòng trung thành của Samurai - những thứ đã từng định hướng cho anh ta phải hành xử ra sao. Anh ta bắt đầu suy nghĩ bằng trí óc riêng của mình, rằng mình cần phải trở thành con người ra sao. Và như thế, anh ta 'đã dành được tự do suy nghĩ [hay tự do tinh thần], vậy tại sao không tìm cách dành tự do thân thể'? Nói cách khác, anh ta đã kiểm soát được bản thân mình, và trở nên độc lập. Anh ta TỰ quyết định rằng mình muốn trở thành loại người gì, và mình cần phải làm gì, và làm như thế nào. Các giá trị đạo đức giờ đây được quyết định bởi chính cá nhân, từ trong suy nghĩ của anh ta, chứ không phải bởi mệnh lệnh của người cai trị bên ngoài anh ta. Fukuzawa nghĩ rằng nếu con người dành được quyền tự quyết, và có các giá trị đạo đức riêng của mình, thì con người đó được gọi là 'hiểu đức' (virtuous). Fukuzawa gọi hệ thống giá trị đạo đức do con người tự quyết định đó là 'đạo đức tư' (private virtue), bởi nó liên quan tới chính cá nhân con người đó. Ông nghĩ rằng việc phát triển 'đạo đức tư' là điều quan trọng, bởi khi con người độc lập, anh ta không được dựa vào bất cứ ai, ngoài chính bản thân anh ta, đặc biệt trong việc quyết định xem anh ta nên là con người như thế nào.

Con người giờ đây không còn bị ràng buộc bởi các giá trị đạo đức cổ hủ nữa. Anh thể làm những việc, mà nếu xét theo các giá trị đạo đức cũ do kẻ cai trị đặt ra, thì bị coi là sai lầm. Ví dụ như phản đối những sai trái của kẻ cầm quyền, điều mà trước đây bị coi là bất Trung.
Các giá trị đạo đức giờ đây được quyết định bởi chính cá nhân, từ trong suy nghĩ của anh ta, chứ không phải bởi mệnh lệnh của người cai trị bên ngoài anh ta. 
Khi con người đã độc lập và dành quyền tự quyết, thì anh ta bắt đầu nghĩ về mối quan hệ xã hội của mình. Bây giờ anh ta đã có thể dùng 'tri thức' của mình và biết mình muốn trở thành con người thế nào. Do vậy, anh ta suy nghĩ và quyết định bằng lập luận riêng của mình, rằng anh ta phải làm gì, và ứng xử như thế nào với những người khác. Anh biết cái gì là sai và cái gì là đúng khi đối xử với người khác [vì sao anh ta biết chắc cái gì đúng, cái gì sai? Là vì anh bây giờ đã có 'tri thức']. Và như thế, anh ta trở nên 'hiểu đức' (virtuous) trong quan hệ xã hội. Fukuzawa gọi loại đạo đức này là 'đạo đức công' (public virtue). Nếu con người trở nên 'hiền đức' và hành xử theo 'tri thức', thì mối quan hệ xã hội xung quanh anh ta sẽ phát triển. Đó là yếu tố thứ hai của sự phát triển của nền văn minh.
Khi con người ngày càng có 'tri thức' và trở nên đủ năng lực quyết định các giá trị đạo đức của riêng mình - không phải qua ý thức hệ áp đặt bên ngoài, mà từ suy luận bên trong, thì anh ta sẽ càng hành xử 'hiểu đức' với người bên ngoài. Tiến trình này sẽ làm các mối quan hệ xã hội xung quanh con người tiến bộ.
Fukuzawa tưởng tượng rằng các mối quan hệ xã hội của con người có thể được vẽ như những vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn đầu tiên của quan hệ xã hội là gia đình, và nó phải được cải thiện trước hết. Kế tiếp là vòng trong chỉ mối quan hệ trong một quốc gia. Con người trải qua tiến trình này từng bước một, và văn minh phát triển cho tới khi nó đặt tới trạng thái cao nhất của nền văn minh, khi mà ai ai cũng thông thái như Newton và hiểu đức như Khổng Tử. Cả thế giới sẽ sống trong hòa bình và cùng tồn tại như một gia đình. Sẽ không còn có tranh chấp và cướp giật, và con người không còn cần phải khóa cửa và viết ra những văn bản hợp đồng để làm bằng chứng với nhau. Fukuzawa gọi đó là 'thế giới hòa bình của văn minh' (the peaceful world of civilization - 'bunmei-no-taihei’). Nhưng ông biết thế giới đó chỉ có thể thành hiện thực vài ngằn năm nữa trong tương lai.

Khung tư tưởng Khổng Tử về văn minh và xã hội

Như tôi đã đề cập trước đây, Fukuzawa đọc rất nhiều sách phương Tây và học lý thuyết về lịch sử của nền văn minh từ đó. Chúng ta có thể thấy sự ảnh hưởng của các cuốn sách này trong lập luận của ông về tiến trình lịch sử của nền văn minh. Chúng ta cũng biết rằng ông đã nỗ lực rất nhiều để hiện đại hóa Nhật Bản. Và thế là chúng ta có xu hướng cho rằng Fukuzawa cố gắng bắt chước văn minh phương Tây mà bỏ qua các tư tưởng cũ. Nhưng, nếu chúng ta đọc lập luận của ông một cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy ông không chỉ hấp thụ tư tưởng của các học giả phương Tây, mà còn cố gắng điều chỉnh nó theo khung tư tưởng riêng của mình về con người và xã hội. Ông học sách Hán cổ khi ông còn trẻ và đặc biệt thích thú với các cuốn sách cổ về lịch sử. Ông đọc chúng nhiều lần và nắm rất vững chúng. Mặc dù ông tấn công ý thức hệ Khổng Giáo của hệ thống phong kiến Tokugawa trong các bài viết của mình, nhưng đó chỉ là [tấn công vào] chức năng ý thức hệ của Khổng giáo. Khung tư tưởng cơ bản của ông vẫn là Khổng Giáo. Ông hiểu lý thuyết của phương Tây về lịch sử phát triển văn minh thông qua khung tư tưởng Khổng Giáo, và cho rằng chúng tương thích và phù hợp với nhau.
Mục tiêu của Fukuzawa không phải là trở thành 'tốt' và 'đạo đức' theo tư tưởng Khổng Giáo, mà là trở thành một con người 'độc lập và tự trọng' 
Điều này có thể được nhận thấy dễ dàng khi chúng ta quan sát tư tưởng của Fukuzawa về 'con người'. Chúng ta thấy rằng Fukuzawa khẳng định rằng con người phải có tinh thần độc lập và tự quyết để phát triển nền văn minh. Điều này có nghĩa là con người phải phát triển được 'tri thức' và 'đạo đức' của mình và trở thành độc lập. Chúng ta có thể tìm thấy tư tưởng tương tự về con người và xã hội trong các sách vở phương Tây. Tuy nhiên, ông đã luôn gọi con người là 'linh ư vạn vật' (tinh khôn hơn vạn vật - 'banbutsu-no-rei'), vốn là ý tưởng của Khổng Giáo về con người. Trong triết lý Khổng giáo Hiện Đại, con người có bản chất chân thật (tính bản thiện?), và nó sẽ bộc lộ ra khi con người luyện tập để trở thành một người "hiểu đức". Fukuzawa cũng nghĩ rằng con người mang 'trái tim nhân hậu' trong lòng, và nó sẽ chỉ nổi lên bề mặt thông qua con đường duy nhất là nỗ lực phát triển 'trí tuệ' và 'đạo đức' của con người. (Đây là nền tảng tư tưởng của cuốn sách nổi tiếng mang tên "Khuyến học" của ông).
Mục tiêu của Fukuzawa không phải là trở thành 'tốt' và 'đạo đức' theo tư tưởng Khổng Giáo, mà là trở thành một con người 'độc lập và tự trọng' (dokuritsu-jison). Tư tưởng này dường như trùng khít với tư tưởng con người độc lập của phương Tây. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy một đoạn tương tự nằm trong sách vở Khổng Giáo trong thời Tokugawa. Vì thế, có lẽ đó không phải là ý tưởng do Fukuzawa nghĩ ra, mà có lẽ ông thừa hưởng từ những tư tưởng tương tự của các học giả Khổng Giáo thời Tokugawa. Fukuzawa trông đợi những người thuộc tầng lớp samurai trở thành hàng ngũ tiên phong dẫn dắt quá trình văn minh hóa ở Nhật Bản, và ông tin rằng họ có khả năng đảm nhận trọng trách này.

"Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" là nét tương đồng giữa tư tưởng Fukuzawa và Khổng Tử
Fukuzawa cũng viết rằng nếu con người trở nên có 'tri thức' và 'hiểu đức', nghĩa là 'linh ư vạn vật', thì các mối quan hệ xung quanh anh ta sẽ được cải thiện. Ông nghĩ rằng quá trình cải thiện sẽ đi từ vòng tròn bên trong ra vòng tròn bên ngoài bao quanh mỗi cá nhân. Và như thế, từ gia đình tới quốc gia, và cuối cùng là ra toàn thế giới. Ông viết rất nhiều lần rằng chỉ 'sau khi con người trở nên độc lập, gia đình anh ta sẽ trở nên độc lập, và sau đó quốc gia của anh ta sẽ trở nên độc lập, và cả thế giới sẽ trở nên độc lập'. Đoạn văn nổi tiếng này của Fukuzawa tới từ các sách vở Tân Khổng Giáo (Neo-Confucian).
sau khi con người trở nên độc lập, gia đình anh ta sẽ trở nên độc lập, và sau đó quốc gia của anh ta sẽ trở nên độc lập, và cả thế giới sẽ trở nên độc lập 
Chủ đề chính của triết lý Khổng Giáo là làm sao để trở thành người có đạo đức và cai trị đất nước bằng đạo đức. Con đường để thực hiện điều này trong Tân Khổng Giáo như sau: Đầu tiên, con người phải hiểu biết đạo lý (ri) của trời đất (kakubusu-chichi). Sau đó anh ta phải nỗ lực theo đạo lý từ trái tim mình và theo đó mà hành động (seii-seishin). Bằng cách làm như thế, anh ta sẽ tu thân thành công và trở thành con người có đạo đức (shushin). Quá trình chuyển biến con người thành ra có đạo đức là đặc biệt quan trọng trong triết lý Tân Khổng Giáo. Và sau đó anh ta mới tề gia (seika), và trị quốc (chikoku) và cuối cùng là đem đến hòa bình cho cả thế giới (heitenka).
Chúng ta có thể hiểu cách giải thích của Fukuzawa tốt hơn nếu chúng ta sử dụng khung tư tưởng này. Trong hệ tư tưởng Tân Không Giáo, đạo lý của trời đất mà con người cần biết có nghĩa là lý thuyết 'âm dương', lý thuyết cổ điển của Trung Quốc về đạo lý trời đất. Nhưng Fukuzawa đã thay đổi 'đạo lý trời đất' này bằng 'đạo lý khoa học hiện đại'. Ý tưởng của ông về "tri thức" có nghĩa là con người biết suy nghĩ một cách duy lý; và ông khẳng định rằng con người phải duy lý để hiểu biết và chế ngự thiên nhiên. Và rồi trong khái niệm Khổng Giáo, con người phải cố gắng hành động dựa trên lý thuyết 'âm dương'. Fukuzawa thay đổi lý thuyết này thành con người phải cố gắng hành động theo trí óc riêng của mình và trở thành 'hiểu đạo'. Như thế anh ta sẽ độc lập và tự kiểm soát được mình (tu thân) (isshin-dokuritsu). Sau đó, mối quan hệ xã hội của anh ta sẽ phát triển và gia đình cùng tổ quốc của anh ta sẽ lần lượt độc lập (ikka-dokuritsu, ikkoku-dokuritsu). Như thế, ý tưởng của Fukuzawa về lịch sử văn minh có cấu trúc giống như tư tưởng Tân Khổng Giáo về con người và thế giới. Có lẽ Fukuzawa đã đọc và hiểu các cuốn sách phương Tây về lịch sử văn minh qua khung tư tưởng Tân Khổng Giáo để cảm nhận về thế giới, và sau đó hiện đại hóa khung tư tưởng này để bao hàm cả tri thức về khoa học tự nhiên hiện đại.
Fukuzawa lập luận rằng khi lịch sử văn minh phát triển đến mức nào đó, nó sẽ đạt tới mức cảnh giới cao nhất của nền văn minh, nghĩa là 'một thế giới hòa bình và văn minh'. Ý tưởng rằng lịch sử có một điểm tận chắc chắn vay mượn từ sách vở phương Tây. nhưng khi ta đọc giải thích của ông về 'thế giới hòa bình', chúng ta có thể thấy nó giống như mô tả về 'thế giới đại đồng' (daido-no-yo)’ trong các sách vở cổ điển Trung Hoa. Trong tư tưởng Khổng Giáo, thế giới lý tưởng này là điểm bắt đầu của lịch sử. Nhưng Fukuzawa đã đặt nó ở cuối chặng đường lịch sử, theo như quan điểm của phương Tây, nhưng duy trì mô tả 'cổ điển' về thế giới lý tưởng này.
(