Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

DÂN TRÍ NƠI THIÊN ĐƯỜNG



Luân Lê


Câu chuyện nghe có vẻ lạ nhưng lại hoàn toàn không lạ so với đời sống tâm linh và trình độ dân trí quá thấp của một xã hội mà vẫn còn ở trạng thái mông muội vì bị thế giới bỏ lại khá xa trên con đường tri thức và văn minh.

Khi mà nhận thức của người dân còn thấp, đời sống vật chất vẫn còn thiếu thốn, ắt hẳn, người ta không có đủ tri thức và lý tính để có đời sống về mặt tinh thần lành mạnh, đúng đắn và đảm bảo ở một nền tảng khoa học nhất định.

Nghệ An và Thanh Hoá là hai tỉnh đông dân và cũng có diện tích lớn nhất cả nước. Nhưng hai tỉnh này cũng là những tỉnh nghèo với nhiều vùng sâu, xa, có nhiều sắc tộc khác nhau. Có những nơi, như ta đã biết, trẻ em sinh con thứ ba không được đến trường mầm non, hoặc nếu muốn khai sinh phải đóng vài triệu đồng. Hay chuyện có xã cả họ làm quan, rồi chuyện khi người hỗ trợ (từ thiện) những người bị lũ lụt vừa rời khỏi địa phương thì lãnh đạo xã đã đến từng nhà yêu cầu dân nộp lại gần một nửa hoặc có nơi gần như toàn bộ số tiền được giúp.

Không chỉ ở hai tỉnh này, mà hầu hết các tỉnh, thành khắp cả nước, mức sống thấp và nếp sinh hoạt cộng đồng dân cư, theo lề lối làng xã và phong tục kiểu phong kiến, những tập quán cổ hủ, lạc hậu còn rất nhiều và khá phổ biến. Ở ngay sát Thủ Đô hoặc kế cận những thành phố lớn trực thuộc Trung ương cũng không tránh khỏi những tình trạng người dân cư xử với nhau như còn ở cái thời nguyên thuỷ sơ khai trong một bộ lạc, bộ tộc nào đó. Thực rất lấy làm lo lắng và kể cả là sợ hãi.

Với một nền tảng dân trí như thế, mà xã hội thì ngày càng tha hoá về mặt đạo đức cũng như không coi trọng luật pháp trong hành xử, dùng mọi thủ đoạn để giành giật lợi ích sinh tồn, sẵn sàng hãm hại nhau để đạt mục đích kiếm chác cho bản thân, thì làm sao có đủ tâm hồn, phẩm giá và trí tuệ để sống một đời sống tâm linh tốt đẹp và tử tế.

Và những con người không đủ tri thức, không được giáo dục bài bản, không sống trong một môi trường về đạo đúng nghĩa, cũng như sự nghèo nàn về đời sống kinh tế, sẽ dẫn đến sự mê muội về mặt tín ngưỡng, rất dễ tin và cũng rất cả tin, luôn bấu víu vào những thành phẩm của trí tưởng tượng như thần linh, thánh phật hoặc bất cứ sinh vật, đồ vật nào đó có thể để làm điểm tựa trong trí não mông muội và nông cạn của những con người này.

Dân trí quá thấp, nên đời sống về đạo, về tâm linh, về tín giáo, về lễ cũng trở thành những trò lố bịch đến mức làm trò cười cho thế giới văn minh.

Nực cười hơn nữa, đứng trước cảnh dân chúng kéo nhau đến xem một cách thích thú, có những kẻ mang hoa quả, hương nhang đến khấn vái, chính quyền xã lại tính tổ chức một cuộc họp để xem xét tình hình. Giả như đang họp, con cá kia bỏ đi hoặc lăn ra chết bất thình lình, xã sẽ quay ra họp để “xử lý và giải quyết hậu quả” của nó?

Trong cuốn Một Người Quốc Dân tôi đã viết rất rõ ràng về vấn đề này. Đó là đất nước lắm thánh thần, tôn giáo nhưng lại thiếu niềm tin. Và khi con người không đủ trình độ thì sẽ bị lợi dụng bởi những trò tín ngưỡng, ma giáo hoặc những sinh hoạt tâm linh lệch lạc, man di. Tín ngưỡng hay tâm linh mà không có sự sáng suốt trong nhận thức thì nó sẽ trở thành thứ báo hại con người, làm u mê và loạn lạc xã hội vì mất đi phương hướng. Mà rõ là trong cuộc sống họ sống lưu manh, gian trá, đối đãi với nhau rất mất nhân tính và vô đạo, thế nhưng người ta lại luôn tìm đến thánh thần, thần phật để cầu xin những điều tốt đẹp hoặc những giá trị lợi ích cho đầy túi tham và cái lòng dạ gian tham mà đầy tội lỗi của họ.

Chẳng trách sao, đối với nền tảng dân trí (nhận thức) của đa phần dân chúng như thế này, thì dân chủ và văn minh luôn là những thứ vừa xa lạ lại vừa nguy hại đối với những tâm trí u mê kia.

Thực là cám cảnh và bất hạnh cho một xã hội.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: