Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

NHÀ THƠ TÌNH SAY VŨ HOÀNG CHƯƠNG BỊ BẮT TÙ VÀ RA ĐI NGÀY 6-9-1976.


 Image may contain: 1 person, closeupNhà thơ Vũ Hoàng Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say 

ca, say tình đong đưa…
Vũ Hoàng Chương sinh ngày 5 tháng 5 năm 1916 tại Nam Định. Chinh quán của ông ở làng Phù Ủng tỉnh Hưng Yên. Thủa nhỏ ông theo hoc Albert Sarrault ở Hà Nội, đỗ tú tài năm 1937. Năm 1938 ông vào trường Luật nhưng chỉ được một năm thì lại bỏ đi làm Phó kiểm soát sở hoả xa Đông Dương. Năm 1941 ông bỏ sở hoả xa đi học toán tại Hà Nội, rồi bỏ dở để đi dậy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng viết thơ, viết kịch. Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Sài Gòn, tiếp tục sáng tác không ngừng...
Nhà văn Song-Thao ( là một cựu học sinh Chu-văn-An) mô tả Ông trong tập truyện “Chốn cũ”:
"“Thầy đi quanh lớp bằng những bước chân nhẹ nhàng, đầu nghểnh cao, mắt xa vắng, giảng bài bằng cái giọng nhừa nhựa thanh thanh. Có những lúc mắt thầy như nhắm hẳn lại, đầu lắc lắc từng chặp. Những lúc đó thầy như thoát hồn bay về một trời thơ nào đó. Thầy say thơ. Thầy ngâm thơ như một người đồng thiếp. Như không còn thầy. Như không có trò. Như không phải là một lớp học. Chỉ có một cõi thơ lồng lộng bát ngát. Chúng tôi cũng thấm thơ. Vô cùng nồng nàn là những dòng thơ đất Việt. Chỉ có tiếng chuông báo hết giờ học mới có thể kéo thầy trò ra khỏi cơn mê văn chương…”
Làm thơ đã hay, dạy học thì say mê như thế, Vũ-hoàng-Chương không hề làm chính trị. Hồi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Ông cũng chỉ tản cư khỏi thành phố một thời gian rồi lại hồi cư, chứ không ra bưng. Từ năm 1954 khi di cư vào Saigon, Ông cũng không tham gia một đảng phái nào. Thế nhưng cuộc đổi đời ” tháng tư đen” đã đưa Ông vào tù và chỉ được tha về khi kiệt lực gần chết.
Năm 1975 Huy-Cận được cử vào Saigon cùng với một phái đoàn với mục đích thăm dò và chiêu dụ các văn nghệ sĩ miền Nam .
Dĩ nhiên người mà Huy-Cận muốn gặp đầu tiên là Vũ-hoàng-Chương cũng vì tình bạn cũ và cũng nghĩ rằng nếu chiêu dụ được Vũ theo cách mạng thì mình lập được công lớn. Vì vậy Huy-Cận đã sửa soạn cuộc thăm viếng rất trọng thể. Lễ vật đến thăm Vũ-hoàng-Chương gồm một chai rượu quí, một lọ đầy thuốc phiện và cũng không quên mang theo một bức hình Hồ chí Minh. Rượu và thuốc thì để biếu bạn, còn bức hình thì Huy-Cận ước mong sẽ được Vũ-hoàng-Chương đề tặng cho mấy vần ca ngợi để có bằng chứng báo cáo lấy công đầu.
Cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp sau bao năm xa cách. Vũ-hoàng-Chương đón Huy-Cận như một bạn cố tri nồng nàn vui vẻ. Sau khi Huy-Cận ngỏ ý muốn Vũ đề thơ thì Ông trầm mặc không nói gì. Huy-Cận khi ra về có hẹn ba ngày sau sẽ cho người đến xin lại bức hình, Vũ-hoàng-Chương cũng chỉ ậm ừ tiễn bạn.
Đúng ba ngày sau khi nhân viên của Huy-Cận tới thì thấy trên bàn vẫn còn y nguyên hai món lễ vật và bức hình, Vũ-hoàng-Chương không hề đụng tới mặc dù rượu với thuốc phiện đối với Ông là rất quí hiếm. Còn bức hình thì vẫn chỉ là bức hình như khi đem tới,không một nét chữ đề. Được báo cáo lại, dĩ nhiên là Huy-Cận tím mặt. Nhưng Ông biết tính họ Vũ là ngưòi không dễ lung lạc nên cũng đành thôi.
Sau đó có vài lần Vũ Hoàng Chương được mời hội họp với các văn nghệ sỹ nổi tiếng từ miền Bắc vào và một số văn nghệ sỹ nằm vùng.Muốn phản bác luận điệu của Vũ-hoàng-Chương, có người đã yêu cầu Ông nói về thơ để hòng bắt bẻ này nọ, nhưng Ông vẫn ôn tồn phát biểu:
“Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. Không chấp nhận loại thơ tình tự hoang. Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng. Nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn tưởng trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực. Nhà thơ không được láo; nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy.
“Tôi xin nhắc ; sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca; vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời, sự thực bao quát không gian,thời gian, chân lý cuộc sống.”
Sau vài lần gặp gỡ không thuyết phục được ông như Cách mạng mong muốn, có một buổi họp khẩn cấp của các “nhân vật then chốt” cộng sản, và Vũ-hoàng-Chương đã bị bắt. Như vậy cái tội phản động của thi sĩ họ Vũ không phải là một mà có đến ba : bắt đầu từ bài thơ thời sự , kế đến không nể nang tình bạn và sau cùng là đã dạy khôn cho kẻ đang thắng thế. Theo Sông-Lô thì Vũ-hoàng-Chương không phải là người dại, cũng không phải người can đảm mà Ông chính là người của tự do không phải quị lụy trước bất cứ một áp lực nào.
Vũ-hoàng-Chương bị bắt vào khám Chí hòa, giam chung cùng một số nhà trí thức khác. Với thân hình gầy yếu sẵn có, phải ăn cơm tù đạm bạc lại thêm thiếu thuốc phiện thì làm sao mà Ông chịu nổi. Có thể nói bao nhiêu ngày trong tù, Ông đau yếu cả bấy nhiêu ngày. Sức lực Ông kiệt quệ dần dần, đã có lúc phải nằm liệt giường. Chính quyền “giải phóng” biết Ông không còn sống nổi bao lâu, nên sau thời gian giam giữ đã quyết định thả Ông về để tránh tiếng Ông bị bức tử trong tù. Về nhà gặp lại vợ con, dĩ nhiên là Ông mừng rỡ, nhưng trong đáy lòng hình như Ông có điều gì thỏa mãn vì tuy nằm bẹp trên giường Ông không có vẻ sầu héo bi lụy của một người gần đất xa trời. Một hôm Ông thố lộ là ở trong tù Ông có phần thích thú vì đã được Thủ-tướng bưng bô vệ sinh cho mình. Mãi sau người nhà Ông mới biết bị giam chung cùng với Ông là Bác sĩ Phan-huy-Quát. Bác sĩ Quát đã có thời làm Thủ-tướng chính phủ dân sự do Cụ Phan-khắc-Sửu là Quốc trưởng. Vì mến thương Vũ-hoàng-Chương và vì lương tâm của người y sĩ, trong thời gian bị giam chung, Bác sĩ Quát đã tận tình chăm sóc cho nhà thi sĩ bất hạnh đau yếu, và không ngần ngại giúp đỡ cả việc vệ sinh hàng ngày. Đó là niềm vui cuối cùng của thi sĩ họ Vũ trước khi Ông lìa đời ngày 6 tháng 9 năm 1976.
Tài liệu tham khảo từ Internet,và các bài viết của Sông Lô,Phạm công Bạch.
LeAn st và biên soạn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: