Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

Hai cuộc khủng hoảng ngoài dự kiến


Nhiều người, đặc biệt là các nạn nhân của mạng xã hội có thể bi quan với kỷ nguyên hỗn loạn truyền thông mà họ đang đối mặt. Các hiện tượng như tin giả, tin đồn, tấn công cá nhân, lừa đảo, lũng đoạn thông tin… thực ra chỉ là một phiên bản mới của cuộc khủng hoảng truyền thông mà loài người đã gặp trong quá khứ. Lịch sử sẽ nói gì về các cuộc khủng mạng xã hội này? Và đâu là giải pháp cứu rỗi chúng ta khỏi những câu hỏi như: biết tin ai bây giờ? Hay nỗi sợ hãi (hoặc chán nản) mỗi khi đối mặt với sự hỗn loạn trên không gian tương tác mạng?


Từ in ấn đến mạng xã hội: Hai cuộc khủng hoảng ngoài dự kiến

VŨ ĐỨC LIÊM

Lịch sử sẽ nói rằng mỗi thời đại loài người gắn liền với một loại hình chủ đạo của truyền tin và truyền thông. Chúng ta không phải chờ tới Facebook thì mới có mạng xã hội.  Thực tế, chúng là một phần của sự vận hành xã hội loài người, phản ánh cách thức con người liên lạc, truyền tin, trao đổi thông tin và sử dụng thông tin để làm lợi (và gây hại, gây nhiễu...) theo mục đích của mình. Internet chỉ cung cấp thêm công cụ để mở rộng và phát triển mạng xã hội lên mà thôi. Có người đổ lỗi cho văn hóa tranh luận, việc tôn trọng quyền tự do cá nhân, người khác đổ lỗi tại công nghệ, hay nhắm đến đạo đức, văn hóa xã hội. Tuy nhiên, câu chuyện này chắc chắn không chỉ riêng Việt Nam mà còn là một hiện tượng gây đau đầu trên toàn cầu. 

Bản chất của vấn đề ở chỗ nhân loại và các thiết chế xã hội chưa được chuẩn bị để tiếp cận và làm chủ các công cụ truyền tin mới này. Vì thế, lượng thông tin khổng lồ tạo ra trong một thời gian ngắn không chỉ giúp tạo ra cách mạng tri thức mà còn làm chia rẽ, phân tán và gây ra hoài nghi, xung đột giữa các cá nhân và nhóm xã hội. Những người sáng lập Facebook, Twitter... tin rằng thế giới sẽ trở nên hoàn hảo nếu như tất cả mọi người được kết nối với nhau và tiếp cận thông tin một cách tự do. Tuy nhiên, công nghệ và các ý tưởng tốt đẹp về một xã hội tự do mới chỉ là điều kiện cần cho một hệ thống thông tin hoàn hảo. Góc bên kia của cuộc khủng hoảng mạng xã hội (tiếp nhận thông tin và ứng xử thông tin mạng xã hội) là hiện tượng có tính lịch sử, phản ánh sự khủng hoảng của con người trong cách thức sử dụng các công cụ truyền tin mới trong vận hành xã hội. In ấn dùng con chữ rời và máy tính cá nhân đóng vai trò tương tự nhau trong việc tạo ra một cuộc cách mạng trong sự vận hành của mạng xã hội. Điểm chung là chúng làm giảm giá thành phương tiện truyền tin trong khi làm gia tăng đột biến lượng thông tin trong một thời gian ngắn, vì thế, đặt con người trước thử thách xử lí, kiểm chứng và quản lí lượng thông tin này.

                                              


Hãy nhìn lại cuộc cách mạng mạng xã hội thế kỷ XVI để thấy in ấn không chỉ tạo ra kỷ nguyên Phục hưng và những Shakespeare, Diderot mà còn gây ra chiến tranh tôn giáo, thuyết âm mưu và các giàn hỏa thiêu. Năm 1455, tại Strasbourg, người thợ  rèn, kim hoàn Johannes Gutenberg lần đầu tiên giới thiệu kỹ thuật in con chữ rời kim loại. Đây là một cuộc cách mạng thực sự trong truyền thông vì nó giúp giảm thời gian tạo ra phương tiện truyền tin (sách), giảm giá thành (sản xuất hàng loạt) và giúp đưa thông tin đến với công chúng chứ không chỉ dành riêng cho lớp tinh hoa hay tăng lữ. Với công nghệ đó, mục sư và nhà cải cách tôn giáo người Đức Martin Luther tin rằng nếu tất cả mọi người đọc Kinh thánh trên các bản sách in bằng ngôn ngữ địa phương (không phải bằng tiếng Latin) thì xã hội sẽ đạt đến cảnh giới của thần thánh. Giống như Mark Zuckerberg 500 năm sau đó, Luther đã đúng khi sách báo in ấn làm thay đổi tri thức của nhân loại với một cuộc cách mạng tôn giáo, tư tưởng, văn hóa... và sau đó là khoa học, kinh tế và chính trị (thế kỷ XVI-XIX). Nhưng điều mà Luther không thể lường trước là bên cạnh sách về nghệ thuật Hy Lạp và hình học giải tích của René Descartes, là cơn sốt sách báo về xung đột tôn giáo, mê tín dị đoan, về các cuộc hành hình phù thủy... Hệ quả của nó là hơn một thế kỷ chiến tranh tôn giáo và xung đột văn hóa đẫm máu.
Quá khứ đó giúp hiểu biết những khía cạnh có tính lịch sử-xã hội-kỹ thuật của cuộc khủng hoảng thông tin và truyền thông hiện tại. Điều gì đang diễn ra với máy tính cá nhân và không gian mạng xã hội? Tiến bộ công nghệ và việc giảm giá thành phương tiện lấy tin, truyền tin, lưu trữ tin (máy tính, điện thoại di động) và gia tăng số lượng thông tin (tốc độ đường truyền, đa phương tiện, lưu trữ...) thúc đẩy hai quá trình lớn song hành: giải trung tâm (decentralization) và giải chính thống hóa (delegitimisation) của nguồn tin và thông tin.
Trong quá khứ, nguồn tin chính thức được tạo ra bởi nhà nước hay các nhóm quyền lực. Giờ đây, bất cứ ai có một thiết bị điện tử và Internet là có thể đóng vai trò là một kênh truyền thông. Một bình luận của cá nhân trên Facebook có thể gây hiệu ứng xã hội tới hàng triệu người và gây ảnh hưởng kinh tế hàng tỉ USD trên thị trường chứng khoán, trong khi đổi lại báo chí quốc gia có thể trở thành giấy gói xôi nếu như không cập nhật và bảo đảm được các yêu cầu mới của thông tin. Người đồng sáng lập Twitter, Evan Williams đã nói: "Tôi từng tưởng rằng khi mọi người có thể nói một cách tự do và trao đổi thông tin, ý tưởng thì thế giới này tự động sẽ biến thành một nơi tốt đẹp hơn. Tôi đã sai lầm về điều đó". Niềm tin của nhà công nghệ này chắc chắn đã sụp đổ trong giây phút nhận ra rằng bên cạnh các bài báo khoa học và gương người tốt việc tốt được chia sẻ còn là cách chế tạo bom, các bài diễn thuyết kích động hận thù và sau cùng là tin giả với khả năng lan truyền chưa từng thấy trong lịch sử.
Tin giả (fake news) không phải là sản phẩm của nền chính trị hiện đại. Tin Lê Văn Thịnh hóa hổ trên hồ Dâm Đàm năm 1095 chắc chắn đã lan truyền với tốc độ chóng mặt (go viral) tại các quán trà ở kinh thành Thăng Long, chẳng khác gì các scandal chính trị hiện đại. Thông tin về một mụ phù thủy ăn thịt trẻ con sống nơi bìa rừng ở châu Âu thế kỷ XVI và tin về một người đàn ông tình nghi bắt cóc trẻ con ở làng quê Việt Nam năm 2018 được lan truyền với cùng một bức thông điệp, chỉ có điều mức độ truyền tải và khả năng ảnh hưởng của tin xấu thời hiện tại có tốc độ và quy mô chưa có tiền lệ. Vì thế, cái giá phải trả cho tin giả cũng cao hơn.
Sự nguy hiểm của thế giới mạng xã hội với sự trợ giúp của công nghệ này có thể được phản ánh ở một số khía cạnh:
Thứ nhất, các cá nhân và đám đông bị dắt mũi về thông tin. Nếu chúng ta không chấp nhận sự đa dạng, khác biệt và không có khả năng kiểm chứng các thông tin trái chiều một cách cẩn trọng, nguy cơ bị cô lập trong thế giới ảo của chính mình là hiện hữu. Trong thế giới đó, chúng ta được vây quanh bởi những người bạn ảo (friend list), cấm cửa bất cứ ai có quan điểm khác mình (block) và vì thế ngày càng làm cho việc tiếp nhận thông tin trở nên đầy định kiến. Cuối cùng, mỗi cá nhân chỉ sống trong thế giới thông tin được vây quanh bởi những người bạn mà  họ muốn chơi và thông tin mà họ muốn nghe.
Thứ hai, các công ty công nghệ với các thuật toán, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo có khả năng hiểu biết về sở thích, thế giới quan, xu thế đọc, xu thế chính trị, niềm tin tôn giáo... của bạn vì thế sẽ chỉ cho bạn các thông tin đáp ứng với thế giới quan đó. Hệ quả là mỗi cá nhân ngày càng chìm sâu vào thế giới hiện thực do chính họ tạo ra, tấn công các hệ ý thức, niềm tin và giá trị khác một cách cực đoan.
Thứ ba, nền độc tài số là một nguy cơ lớn của lịch sử chính trị nhân loại khi các nhà nước có khả năng kiểm soát một lượng lớn thông tin và dẫn dắt hành động của con người. Các hệ thống dữ liệu lớn, dĩ nhiên có thể góp phần nâng cao hiệu quả quản trị xã hội. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu các chính phủ dùng chính hệ thống dữ liệu này để kiểm soát con người?
Cuối cùng, nhân loại trong quá khứ đã mất cả thế kỷ để lập lại trật tự sau sự ra đời của in ấn và sách báo ở thời đại công nghiệp. Mạng xã hội hiện tại chắc chắn sẽ phải trải qua một cuộc thai nghén tương tự, một cuộc chiến thông tin mà ở đó sự thiếu tỉnh táo của người tiếp nhận, xử lí và truyền thông tin có thể sẽ phải trả một giá đắt. Điều chúng ta cần không chỉ là sự can thiệp của các thiết chế, nhà nước, hệ thống pháp lí mà còn là khả năng làm chủ thông tin và bản lĩnh ứng xử đối với tri thức, văn minh và nhân văn của mỗi cá nhân.


Tham khảo:
- Dittmar, Jeremiah. “The Welfare Impact of a New Good: The Printed Book”, 2011. Department of Economics, American University.
- Dittmar, Jeremiah E. “Information Technology and Economic Change: The Impact of The Printing Press”. The Quarterly Journal of Economics 126, no. 3 (August 1, 2011): 1133-72. https://doi.org/10.1093/qje/qjr035.
-Ferguson, Niall. The Square and the Tower: Networks, Hierarchies and the Struggle for Global Power. London: Allen Lane, 2017.

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng 5-2019

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: