Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

Chuyện sao bò


Sao bò. Nếu lật giở từ điển tiếng Việt, đố tìm thấy từ này. Nó chỉ tồn tại trong cuộc sống thực tế, gắn liền với một giai đoạn lịch sử, rồi chấm dứt. Đó là thời chiến tranh, Mỹ đưa máy bay ra ném bom, bắn phá miền Bắc, từ năm 1964 tới cuối năm 1972, khoảng 9 năm, bằng thời gian “9 năm kháng chiến thánh thần” chống Pháp.

Tự dưng nhớ tới “sao bò” bởi hôm qua đọc báo thấy có cái tin, có nhẽ là tin mừng, rằng Mỹ đã quyết định bán cho Việt Nam 6 chiếc máy bay trinh sát điện tử loại tối tân nhất của quân đội Mỹ hiện nay. Đó là những chiếc ScanEagle, đại bàng, thế giới gọi tắt là UAV, còn dân Việt lâu nay đặt cho nó cái tên nôm na máy bay không người lái. Thế gian biến cải, nhiều khi chả biết đâu mà lần. Trước kia, Mỹ đem máy bay không người lái tới dò la kẻ thù Việt cộng để ném bom cho chính xác, còn nay bán món hàng đó cho bạn từng kẻ thù xưa. Trong quan hệ quốc tế, không có gì là vĩnh cửu cả. Nay thù mai bạn, nay bạn mai thù, trong thù có bạn, trong bạn có thù, luôn luôn như vậy. Đâu thể hồ đồ kiểu tình hữu nghị này nọ đời đời bền vững. Lịch sử hơn nửa thế kỷ nay đã chứng minh thứ lý luận ấy hoàn toàn sai lầm, nẩy ra từ những đầu óc ngây thơ, thiển cận.

Từ hồi còn bé tí, đi học cấp 1, khi cả làng chỉ có vài chiếc xe đạp, thì đám trẻ con đánh dậm chúng tôi đã biết tới máy bay không người lái. Bây giờ nghĩ lại, hóa ra mình đã làm cách mạng 4 chấm 0 từ dạo còn đái dầm.

Suốt gần chục năm, những đứa trẻ ở miền Bắc quen với máy bay không người lái. Hầu như cứ ngửa mặt nhìn lên giời, cả ngày lẫn đêm, thấy ngay thứ của nợ này. Nó bay vào đất mình thung thăng tự nhiên như mấy bà Tú Đôi đi chợ huyện. Bộ đội tên lửa lúc đầu còn bắn nó, sau cũng chán, kiểu như kệ bà mày, mày tới đâu thì tới, chúng ông để dành đạn cho đám thần sấm, con ma. Mà kể ra bắn thứ ni cũng phí đạn. Nghe đâu rằng mỗi quả tên lửa Liên Xô to lừng lững nhọn hoắt kia nếu bán đi đủ tiền nuôi cả làng trong một tháng. Vậy mà chỉ thịt được thằng oắt con UAV giá mấy ngàn đô, phí. Cũng bởi nó nhỏ và bay cao quá nên bộ đội cao xạ, súng phòng không 12 li 7 khó bắn trúng, không với tới được. Sau này, tôi có nghe người trong nghề (bộ đội tên lửa) nói quân ta tổng kết bắn rơi hơn 3.400 máy bay, ai nghe cũng lắc đầu lè lưỡi, gớm, rơi lắm thế, nhưng ít ai biết cứ mỗi chiếc máy bay không người lái – UAV kia đều được coi là một đơn vị tính, tức là một… chiếc máy bay. Trộn đều, láo nháo thế cho nó oai, chiến công mới oanh liệt.

Tại sao nó có cái tên sao bò? Chả là những năm thập niên 60 làng quê miền Bắc còn thưa thớt lắm. Tôi nhớ như in, cứ buổi chiều, tiếng chuông chùa làng Trà vang xa mấy cây số, bởi không gian thoáng, không bị vướng víu đủ thứ như bây giờ. Cao nhất cũng chỉ ngọn tre là cùng. Cái chuông quý ấy, đúc từ thời nhà Mạc, về sau bị mất. Người thì bảo kẻ trộm vào đánh thó, người thì nghi chính nhà sư đem đi nơi khác, thế chuông dỏm vào. Vụ án mất chuông tới giờ vẫn nằm trong ngăn kéo, chẳng ai đoái hoài. Làng trống trải đến nỗi, lúc trời xanh trong ít mây, tôi ra gốc nhãn đình cổ thụ dõi về phía bắc còn nhìn thấy cả mỏm yên ngựa dãy núi Yên Tử cách xa hàng chục cây số đường chim bay, hệt câu dự báo thời tiết “tầm nhìn xa trên 10 ki lô mét”. Hầu như nhà nào cũng vậy, những đêm mùa hè, mùa thu, lại trải chiếu ra giữa sân nằm hóng mát, mắt ngước lên trời cao rộng mênh mông ngắm sao đếm sao.
Lũ chúng tôi, suốt mấy tháng nóng, đêm nào cũng ngửa mặt lên giời như vậy nên rất rành sao trời. Sao bắc đẩu, chòm tiểu hùng, đại hùng, sao thần nông, sao hôm sao mai, rồi cả cái đận được coi sao chổi Ha Lây (Halley) sáng rực quét hạ giới suốt gần nửa tháng giời, nghe đâu phải gần trăm năm mới quay lại quét, thật hãnh diện. Thày (bố) tôi nói sao chổi là điềm gở, hay ho cái gì. Năm ấy, trận địa Mả Đò bị trúng tên lửa Mỹ, chết mất chú sĩ quan điều khiển, thiếu úy Trần Phúc Cán.

Trong đám sao nhấp nháy lung linh ấy, mấy anh em tôi luôn phát hiện ra những ngôi sao không nằm yên một chỗ mà cứ di chuyển chầm chậm, suốt từ phương này sang phương kia, bao giờ xa tít mất hút thì thôi. Cứ tưởng chỉ mình biết, ai ngờ kể cho những đứa khác cũng tối tối ngửa mặt lên giời, hóa ra chúng biết cả. Chẳng ai bảo ai, tự dưng đặt tên cho nó là sao bò, tức ngôi sao bò trên giời.

Thày tôi và các anh lớn bảo rằng đó không phải sao, mà là vệ tinh nhân tạo của Liên Xô. Hồi ấy bất cứ thứ gì hiện đại nhất thế giới đều được coi của Liên Xô. Ban ngày trời nắng, sáng chói chang, mắt thường không nhìn thấy, nhưng ban đêm nó như ngôi sao nhỏ, bay lừng lững, thực ra bay nhanh lắm, tuy nhiên do quá xa trái đất nên trông bò chậm vậy thôi. Bay mấy tháng không cần xăng dầu. Nghe giải thích, đứa nào cũng gật gù Liên Xô giỏi thế không biết. Chỉ có điều, từ giữa năm 1964 về sau, tự dưng quá nhiều sao bò. Trước, đêm có đêm không, giờ đêm nào cũng thấy bò. Chú Tước, bộ đội tên lửa trận địa Mả Đò nói không phải vệ tinh đâu, lấy đâu ra lắm vệ tinh thế, mà là máy bay không người lái của Mỹ đấy. Nó từ hạm đội 7 bay vào dò la, chụp ảnh, ngay cả trận địa Mả Đò nó cũng biết rõ như trong lòng bàn tay. Nghe khiếp quá. Mấy anh họ tôi còn dặn, chúng bay đi đánh dậm mà ngóc cái cán dậm lên, nó tưởng súng, nó chụp rồi kêu phản lực tới bỏ bom thì có mà chạy đằng giời. Lại khiếp.

Thấm thoắt, thế mà đã hơn nửa thế kỷ rồi. 

Nguyễn Thông


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: