Abkhazia tuyên bố độc lập khỏi Georgia hồi thập niên 1990, nhưng không mấy quốc gia công nhận nơi từng là một phần của Liên Xô nằm trên bờ Biển Đen này.
Tiếng vọng thời Xô-Viết
Abkhazia là vùng đất không mấy ai từng nghe tiếng. Số người tới thăm nơi đây thậm chí còn ít hơn.
Nằm giữa Biển Đen và Rặng núi Caucasus, quốc gia hầu như không được ai công nhận này là một nơi khác thường của thời Xô-viết, nằm kẹt trong cái bóng của cuộc tan vỡ Liên Xô hồi ba thập niên trước.
Khi Liên Xô sụp đỏ hồi cuối thập niên 1980, căng thẳng gia tăng giữa người Abkhazia và người Georgia, vốn có chung dải đất bên bờ Biển Đen, khi Georgia đòi độc lập.
Toàn bộ ảnh trong bài là của Stefano Majno / The Story Institute
Bóng ma quá khứ
Kể từ thời thập niên 1930, người Abkhazia đã có quyền tự trị hạn chế bên trong Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-viết Georgia, quốc gia thuộc Liên Xô về sau ly khai và trở thành nhà nước Georgia độc lập.
Nhưng cho tới trước năm 1931, Abkhazia đã được thừa nhận là một quốc gia riêng rẽ.
Sau khi Georgia tuyên bố độc lập vào năm 1991, người Abkhazia thấy rằng vị thế là một quốc gia của mình có thể bị gộp vào với Georgia. Căng thẳng dâng lên cho tới khi nội chiến bùng nổ vào năm 1992.
Ban đầu, binh lính Georgia đẩy lực lượng dân quân Abkhazia ra khỏi thành phố Sukhumi, nhưng một cuộc phản công lớn được Nga hỗ trợ đã dẫn tới cuộc giao tranh gay gắt. Hàng chục ngàn người thiệt mạng, hơn 200 ngàn người dân tộc Georgia được cho là đã phải bỏ chạy để tránh bị trả thù.
Những khu nhà nghỉ lặng lẽ
Abkhazia là một trong những địa điểm nghỉ dưỡng du lịch nổi tiếng nhất của Liên Xô, nhờ có khí hậu cận nhiệt đới dễ chịu.
Nhưng kể từ khi có cuộc nội chiến rồi tiếp đến là cuộc giao tranh tiếp theo trong năm 2008 khiến các lực lượng cuối cùng của Georgia trên lãnh thổ Abkhazia phải rút lui, các khách sạn và các nhà nghỉ hầu như rơi vào cảnh vắng lặng.
Nhiếp ảnh gia Stefano Majno lần đầu tiên tới Abkhazia vào năm 2017, một phần trong dự án chụp hình nơi vẫn đang mắc kẹt trong cái bóng của Liên Xô trước.
"Không quá khó khăn, tuy các đoạn đường biên giới là do binh lính Nga kiểm soát. Đó là nơi 'độc lập', nhưng trên thực tế là một quốc gia con rối trong tay Nga," ông nói.
Nguồn tài chính
Kể từ sau cuộc chiến ngắn giữa Abkhazia với Georgia vào năm 2008, các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công vào bên trong Georgia; Abkhazia đã buộc phải có những mối liên hệ gần gũi hơn bao giờ hết với Moscow.
Majno nói rằng nước này phụ thuộc nặng nề vào viện trợ tài chính từ Điện Kremlin.
"Tầm ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở việc kiểm soát chính thức đường biên; sự phụ thuộc kinh tế và du lịch Nga là điều hiển hiện rõ ràng," ông nói. "Tầm ảnh hưởng nằm ở các khía cạnh chính trị và xã hội. Sự quan tâm của Nga đối với bất động sản trong khu vực và đối với vị trí chiến lược trong vùng luôn đủ sức hấp dẫn để Nga đầu tư, hỗ trợ tài chính."
Đất nước vô hình
Hầu hết các cơ sở hạ tầng có từ thời Liên Xô đã rơi vào tình trạng xuống cấp. Trong con mắt thế giới thì Abkhazia hầu như là vô hình. Chỉ có năm nước, gồm Nga, Venezuela, Nicaragua, Nauru và Syria, chính thức công nhận Abkhazia là một quốc gia riêng rẽ.
"Tôi đã có cơ hội để đến Abkhazia trong thời gian cuối năm 2017 đầu năm 2018," Majno nói. "Đi từ Gali gần 'biên giới' Georgia tới miền bắc, Gagra, nằm cách thành phố Sochi của Nga 50km, đó quả là một hành trình đáng kể, qua mọi thành phố ven biển và thủ đô Sukhumi."
Quay về quá khứ
Bạn không thể đặt chỗ nghỉ tại Abkhazia thông qua các trang chuyên cho thuê phòng trọ, khách sạn như AirBnB hay Booking.com. Bạn cũng không thể thuê xe hơi được. Điều này càng làm tăng cảm giác như bạn đang quay ngược trở lại thời gian để tới thăm Liên Xô thời xưa.
"Đó thực sự là một nơi độc đáo," Majno nói. "Nó giống như một cái ốc đảo được bọc trong thời Xô-viết. Bạn không thể thuê xe hơi, cho nên bạn phải ngồi trên những chiếc xe buýt Liên Xô cũ kỹ, rất là chậm, để đi lại giữa các thành phố quan trọng nhất."
Quá khứ hào hùng
Ngay cả các trạm xe buýt ở "Riviera Liên Xô" cũng có từ thời Liên Xô. Sau cuộc giao tranh hồi đầu thập niên 1990 là những năm bị bỏ bê không được bảo dưỡng. Abkhazia ngày càng xích lại gần Nga hơn trong thập niên tiếp theo sau cuộc chiến 2008. Đồng rouble của Nga là loại tiền tệ chính thức được lưu thông tại đây, và nhiều tài sản quốc gia đã được đem bán hoặc cho các công ty Nga thuê.
Vùng đất nằm lọt giữa nước khác
Abkhazia là một trong một số các vùng đất không được công nhận của Liên Xô cũ mà Majno từng tới thăm. Trong số các vùng khác còn có vùng đất đang tranh chấp Nagorno-Karabakh và Transnistria, một vùng nói tiếng Nga thuộc Moldova, nơi dã không chính thức tuyên bố độc lập hồi thập niên 1990.
"Nhưng Transnistria thì có đồng tiền riêng của họ, còn Abkhazia phải dùng đồng rouble của Nga," ông nói.
Không được công nhận
Khác với Transnistria, Abkhazia không có quốc hội riêng. Phần còn sót lại của tòa nhà quốc hội, một tòa nhà 12 tầng xây từ thời Liên Xô tại Sukhumi, nay vẫn bỏ không kể từ sau cuộc giao tranh hồi thập niên 1990. Ngay gần đó, trạm xe lửa chính của thủ đô cũng bị bỏ hoang.
Majno nói rằng Abkhazia cho ta cảm giác an toàn. "Khó có thể chụp hình ở các nơi như chợ búa hay các tòa nhà chính phủ, nhưng trừ những chỗ đó ra thì việc chụp ảnh sẽ không bị cản trở gì."
Trong lúc ở Sukhumi, Majno đã tổ chức một buổi "hội thảo nhiếp ảnh analogue", nơi dân địa phương có thể mượn máy ảnh, phim rồi ghi lại cuộc sống của mình. Tuy nhiên, Majno phải đưa phim của họ tới Istanbul tráng rửa, bởi họ không còn bất kỳ phòng tráng rửa phim nào nữa ở quốc gia không được công nhận này.
Tương lai du lịch tiềm năng?
Trong những năm trước khi Liên Xô sụp đổ, khoảng 200 ngàn người tới thăm dải đất nằm trên bờ Biển Đen này mỗi năm. Tuy nhiên, nay mỗi năm có khoảng một triệu người Nga tới Abkhazia do sức hấp dẫn của ánh mặt trời, những bãi cát và những khách sạn, nhà trọ giá rẻ vốn được xây cất từ thời Liên Xô cũ.
Thế nhưng với người Georgia thì quốc gia không được công nhận này vẫn là vùng cấm vào - luật của nước này cấm các công dân Georgia tới thăm.
Một trong những ký ức theo Majno nhiều nhất về Abkhazia là cảnh vắng bóng người. Gần 250 ngàn người sắc tộc Georgia ra đi khiến cho dân số nước này ngay lập tức giảm xuống chỉ còn phân nửa. "Hầu hết Abkhazia vắng tanh," ông nói.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét