Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Mikhail Borodin: Người sếp cũ của Hồ Chí Minh


Nguyễn Giang - Sử sách ở Việt Nam khi viết về giai đoạn Hồ Chí Minh hoạt động tại Trung Quốc đều nhắc đến nhân vật Mikhail Borodin nhưng không nhiều. Người ta thường chỉ nói ông Hồ từng làm phiên dịch cho người đại diện của Quốc tế Cộng sản ở Trung Quốc. Nhưng Mikhail Borodin không phải là một đại diện bình thường mà đã đóng vai trò chính trị hàng đầu ở Trung Quốc trong thập niên 1920.

Đảng Xã hội Pháp mà Hồ Chí Minh là thành viên đã có cuộc 
bỏ phiếu năm 1920 để một phái tách ra lập đảng cộng sản
Ông là một trong số rất ít người từ châu Âu sang để chỉ huy cả hai lực lượng cộng sản và Quốc Dân Đảng nhằm thống nhất Trung Quốc. Nhưng sau khi về nước, ông đã bị chế độ Stalin bỏ tù và giết chết.

Khi tìm tài liệu tiếng Ba Lan về các nhân vật cộng sản Đông Âu hoạt động tại châu Á, tôi đọc được một đoạn tin ngắn trên báo Dziennik Bydgoski từ năm 1927.

Bản tin đánh đi từ Moscow ngày 26/07 viết:

"Theo tin từ Vladivostok, cựu tổng tham mưu trưởng Quân đội Quảng Châu, đặc sứ Borodin đã về đến thành phố. Borodin trước đó đã chuyển giao quyền tư lệnh các lực lượng cộng sản ở Viễn Đông cho phe cộng sản trong ban lãnh đạo của Quốc Dân Đảng (TQ). Hoạt động của họ sẽ không chỉ giới hạn lại ở Trung Quốc mà sẽ lan rộng ra Đông Dương, Malakka, Polynesia và Indonesia."

Mấy dòng tin ngắn nhưng cũng nói đủ về quyền lực của Borodin, và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc được giao chỉ đạo phong trào trên toàn khu vực.

Nó cũng đánh dấu thời điểm Mikhail Borodin bị Tưởng Giới Thạch đuổi khỏi Trung Hoa sau đổ vỡ Trung - Xô.

Một bức hình chụp Borodin ở Thượng Hải trước khi ông bị Tưởng Giới Thạch đuổi khỏi Trung Quốc giới thiệu người phiên dịch tiếng Trung của ông là Red Kwong
Borodin làm gì ở Trung Quốc?

Sang Trung Quốc năm 1923, Mikhail Borodin trở thành cố vấn tối cao của Tôn Trung Sơn để xây dựng liên minh Trung - Xô.

Ông đã làm ba việc:

- Xây dựng lại Quốc Dân Đảng thành tổ chức theo mô hình Leninist;

- Cùng tướng Nga, Vasily Blyukher và Tưởng Giới Thạch chuẩn bị cho chiến dịch Bắc Phạt (1926) nhằm thống nhất Trung Quốc;
- Phát triển Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời đưa các nhân vật cộng sản vào nắm nhiều vị trí trong liên minh Quốc- Cộng.

Ông chuyển cho Trung Quốc khoản viện trợ khổng lồ của Liên Xô - 120 nghìn khẩu súng và 2 triệu đô la Mexico một năm - và cho lập ra Trường Võ bị Hoàng Phố.

Khi đó, giá một chiếc máy bay ném bom ở châu Âu chỉ có 20 nghìn đồng bạc Mexico, cho thấy khoản viện trợ của Liên Xô cho Trung Quốc lớn chừng nào.

Nhờ Liên Xô, quân đội Quảng Châu vươn lên thành thế lực đủ sức dẹp các sứ quân (warlord) trên toàn Trung Quốc.

Đổi lại, Tôn Trung Sơn đồng ý để những người cộng sản Trung Quốc "gia nhập Quốc Dân Đảng" với tư cách cá nhân.

Mao Trạch Đông thành chính ủy phụ trách tuyên truyền cho Quốc Dân Đảng, và Chu Ân Lai thành phó chính ủy Trường Võ bị Hoàng phố.

Nhưng Borodin đến Trung Quốc không phải là vì tình hữu nghị hai nước.

Chính sách của Liên Xô khi đó là thổi lên ngọn lửa cách mạng vô sản ở châu Á để hỗ trợ cho Moscow.

Là đại diện cao nhất của Lenin và Stalin ở Phương Đông, Mikhail Borodin thực hiện chính sách của Quốc tế Cộng sản, mà theo lời Leon Trotsky để "mở ra con đường đến Paris, London" qua Afghanistan, Punjab, Bengal và Trung Hoa.
Borodin và Hồ Chí Minh

Sau khi Ba Lan đánh bại cuộc tiến công của Nga năm 1921, một 'Vành đai Y tế' (cordon sanitaire) được lập ra ở châu Âu để chặn chủ nghĩa cộng sản lan sang.

Lenin đã quay về phía Đông, chọn cách Bolshevik hóa Trung Quốc và các nước châu Á để chống lại Phương Tây.

Theo Dan Jacobs trong một cuốn sách về Mikhail Borodin thì ông đã chiêu mộ M.N. Roy, nhà hoạt động Ấn Độ, và tuyển Hồ Chí Minh.

Ông cũng chọn Tưởng Giới Thạch làm Hiệu trưởng trường Võ bị Hoàng Phố và sau làm tư lệnh quân đội Quốc Dân.
Borodin và Hồ Chí Minh

Sinh năm 1884 ở vùng nay là Belarus, Mikhail Borodin theo phe Bolshevik từ năm 1903, là đồng sự của Lenin, và [được cử] sang Anh và Hoa Kỳ khi còn trẻ.

Ông ghi danh học ở Valparaiso University, Indiana và sau lập ra một trường cho người di dân ở Chicago.

Về Nga sau Cách mạng 1917, Borodin được cử sang Bắc Âu, Mexico, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Scotland để hoạt động.

Mikhail Borodin đã đồng sáng lập ra Đảng Cộng sản Anh, và biến Đảng Xã hội Mỹ thành Đảng Cộng sản, theo kế hoạch của Liên Xô.

Tương tự như vậy, trước khi sang Trung Quốc, Hồ Chí Minh từng sống nhiều năm ở Pháp, có sang Anh, Mỹ và đi một số nước khác.

Ông cũng là người đồng sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp.

Theo A.J. Langguth trong cuốn "Our Vietnam, The War, 1954-1975", vào năm 1923, "Hồ Chí Minh đã dùng một hộ chiếu do Đại sứ quán Trung Hoa ở Paris cấp để vào Nga".

"Ông Hồ sang Nga sau khi thấy "Phái cộng sản Xô Viết đã củng cố quyền lực tại Nga, khiến Hồ thấy những gì họ hứa cho đất nước của ông nhiều hơn hẳn những gì đảng Xã hội Pháp có thể cho. Cũng vì thế ông đã chính thức gia nhập đảng Cộng sản Pháp", A.J. Langguth viết.

Một điểm giống nhau nữa là cả hai người đều làm nghề báo cho hoạt động cộng sản của họ.


Hình ảnh chiếc búa và lưỡi liềm ra đời như thế nào? Vì sao nó trở thành biểu tượng của Cách mạng Nga và Liên bang Xô Viết?

Các tài liệu tiếng Anh nói khác nhau về vai trò của Hồ Chí Minh ở Trung Quốc.

Có sách nói ông làm phiên dịch cho Mikhail Borodin, nhưng cũng có tài liệu nói Hồ Chí Minh là người cộng tác (co-worker) với Borodin, hàm ý ông có vai trò riêng.

Nhưng có thật là Hồ Chí Minh làm phiên dịch cho Borodin và hai người trao đổi với nhau bằng tiếng gì?

Theo Arthur Ransome, người gặp Borodin năm 1924 và viết về ông trong cuốn 'The Chinese Puzzle' (1927), thì khi sang Trung Quốc, Borodin dùng tiếng Anh.

Borodin khi ở Moscow từng có nhiệm vụ theo dõi báo chí Mỹ để soạn briefing cho Lenin.

Trong số 40 cố vấn Liên Xô cạnh chính phủ Dân quốc, Borodin là người duy nhất giao tiếp với phía Trung Quốc bằng tiếng Anh.

Hồ Chí Minh sang Nga năm 1923, đến Trung Quốc năm 1925 nên khi gặp Borodin thì chưa thể đủ vốn tiếng Nga và Hoa để phiên dịch việc quan trọng.

Theo Sophie Quinn-Judge trong cuốn 'Ho Chi Minh: The Missing Years, 1919‑1941' thì ông Hồ chỉ dùng chức danh phiên dịch cho ROSTA News Ageny của Nga (tiền thân của TASS) để có thể làm việc tại Quảng Châu.

Bà Sophie Quinn-Judge nói khi sang Trung Quốc lần đầu rằng ông Hồ gửi các thư bằng tiếng Pháp và Anh về Moscow và nói ông cần thời gian để học tiếng Hoa.

Một bức hình chụp Borodin ở Thượng Hải trước khi ông rời Trung Quốc giới thiệu người phiên dịch tiếng Trung của ông là Red Kwong, chứ không phải Hồ Chí Minh.

Tài liệu về Hồ Chí Minh ở ĐH Columbia viết ông "sang Trung Quốc để cộng tác chặt chẽ với Mikhail Borodin, một đồng sự Comintern, nhằm thổi lên cách mạng XHCN ở Trung Quốc".

Các hoạt động của ông chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ cho các thanh niên Việt Nam sang Trung Quốc và đưa tài liệu cộng sản về Đông Dương.

Vì thế, ta có thể tin rằng chức danh 'phiên dịch cho Borodin' của Hồ Chí Minh chỉ là vỏ bọc cho hoạt động của ông chứ không phải là thật.

Và hai người nếu trao đổi công việc chắc chắn đã dùng tiếng Anh.

Tất nhiên, dù làm gì thì Hồ Chí Minh cũng chịu sự lãnh đạo của Borodin, đại diện cao nhất của Liên Xô và Quốc tế Cộng sản ở Trung Quốc, nhất là trong việc đưa thanh niên Việt Nam vào học Trường Võ bị Hoàng Phố.

Vì là Do Thái hay nạn nhân của đổ vỡ Trung - Xô?

Sinh ra trong gia đình Do Thái (họ Grunzenberg), thân với Leon Trotsky và Karl Radek, nhưng Borodin thoát hiểm trong đợi thanh trừng người Do Thái lần đầu của Stalin ngay sau khi Lenin qua đời năm 1924.

Nhưng đến năm 1949, trong đợt 'bài Do Thái' lần hai ở Liên Xô, ông đã bị bỏ ngục.

Trương Học Lương (trái) và Thống chế Tưởng Giới Thạch trong ảnh chụp năm 1930. 

Vào năm 1929, quân của Trương đã tấn công Lãnh sự quán Liên Xô ở vùng Đông Bắc, gây ra mâu thuẫn Trung - Xô. Sang năm 1934, hai nước lại tiếp tục có chiến tranh ở Tân Cương.

Tuy thế, cũng có lời giải thích rằng Borodin trở thành 'dê tế thần' cho sự đổ vỡ Trung - Xô lần một.

Tôn Trung Sơn qua đời năm 1925 và Tưởng Giới Thạch, người trở về sau khóa học chủ nghĩa Lenin tại Moscow, đã đổi chính sách.

Thời gian ở Nga khiến Tưởng Giới Thạch chỉ thêm ghét chế độ Xô Viết.

Mâu thuẫn giữa Liên Xô và chính phủ Quốc Dân Đảng gia tăng tới mức vào tháng 4/1927, Stalin gửi thư cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, kêu gọi nổi dậy vũ trang.

Ngày 6/4/1927, Stalin tuyên bố Quân đội Quốc Dân Đảng là kẻ thù và Tưởng phải bị tiêu diệt.

Một tuần sau, quân Tưởng Giới Thạch tàn sát phe cộng sản ở Thượng Hải, Quảng Châu, Quý Châu, Hạ Môn.

Mùa hè năm 1927, Mikhail Borodin phải trao lại quyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và về Liên Xô.

Hồ Chí Minh cũng trở lại Liên Xô lánh nạn.

Trên chuyến tàu về Moscow năm 1927, đi cùng Borodin còn có một vị thượng khách của chính phủ Liên Xô: bà Tống Khánh Linh.

Là vợ góa của Tổng thống Tôn Trung Sơn, bà cũng là chị gái của Tống Mỹ Linh, phu nhân của Thống chế Tưởng Giới Thạch.

Thiên tả và thân cộng sản, Tống Khánh Linh trốn thoát khỏi Thượng Hải khi các vụ 'diệt Cộng' xảy ra.

Trong ba người 'tỵ nạn' này, Hồ Chí Minh lên chức vụ cao nhất, làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1949, bà Tống Khánh Linh về Bắc Kinh làm một trong sáu phó chủ tịch Chính phủ Trung ương đầu tiên, rồi làm Phó Chủ tịch nước Trung Quốc thời Mao.

Mikhail Borodin có kết thúc đen tối nhất.

Về Moscow, ông làm Bộ trưởng Lao động, rồi phụ trách hãng thông tấn TASS.

Từ 1932 ông làm chủ biên tờ Moscow Daily News bằng tiếng Anh.

Năm 1949, ông bị công an bắt cùng người thư ký, Anna Louise Strong.

Bà Anna, đảng viên cộng sản Mỹ, chỉ vì xử tù tội 'gián điệp' và trục xuất khỏi Liên Xô nhưng Borodin thì bỏ mạng trong tù.

Có nguồn nói ông bị tra tấn chết trong nhà ngục Lefortovo ở Moscow ngày 29/05/1951.

Nhưng theo Dan Jacobs thì Borodin chết ở Siberia, trong trại lao cải Yakutsk, bên sông Lena.

Đây cũng là con sông Vladimir Ilyich Ulyanov đã lấy làm họ, Lenin, để kỷ niệm thời gian tù đày dưới chế độ Sa hoàng.

Mikhail Borodin dù sao cũng 'sống lâu' hơn các nhân vật hàng đầu của cách mạng Boshevik Nga thời Lenin.

Ngay từ những năm 1936-39, Grigory Zinoviev, Lev Kamenev, Karl Radek, Yuri Piatakov Grigory Sokolnikov, Mikhail Tukhachevsky, Genrikh Yagoda và nhiều lãnh đạo, tướng tá đã bị Stalin xử bắn.

Tờ New York Times, khi giới thiệu cuốn 'Borodin, Stalin's Man in China' (1981) của Dan Jacobs, đã gọi Borodin là 'Anh hùng kiểu Liên Xô': A Hero, Soviet-Style.

Phải đợi đến dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh ông, vào năm 1964, tờ Moskovkaya Prav­da mới đăng bài phục hồi danh dự cho Borodin, người từng nắm chức vụ cao nhất tại Trung Quốc trong thời tao loạn nửa đầu thế kỷ 20.

Cuộc đời ông cũng là một bài học cho người Nga trong nhiều nỗ lực bất thành khi họ muốn nắm lấy nước Trung Quốc to lớn và phức tạp.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: