Bắc Hàn dỡ bỏ hầu hết tuyên truyền chống Mỹ
Báo giới quốc tế ghi nhận kể từ sau thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim tại Singapore, chính quyền Bắc Hàn đang xóa bỏ phần lớn tuyên truyền chống Mỹ từ tranh tường, áp phích, đồ lưu niệm tới tin tức trên truyền thông đại chúng.
Những áp phích mô tả Mỹ là quốc gia “đồ trụy, bệnh tật, cướp bóc” và hứa hẹn “trả thù tàn nhẫn” vào lực lượng Mỹ vì một cuộc chiến tranh tưởng tượng vào Bình Nhưỡng hiện tại gần như đã biến mất trên toàn Bắc Hàn.
Thay cho những áp phích chống Mỹ là những thông điệp vui tươi chào mừng viễn cảnh thống nhất bán đảo Triều Tiên và tuyên bố chung mà ông Kim Jong-un đã ký với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại thượng đỉnh Kim-Moon hôm 27/4 tại làng biên giới Bàn Môn Điếm.
Bắc Hàn trước nay gần như biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, rất ít người dân của đất nước cộng sản này được tiếp cận tin tức và thông tin từ thế giới bên ngoài. Do đó, tuyên truyền của nhà nước đóng một vai trò rất lớn trong việc định hình thế giới quan của đông đảo người dân.
Trong nhiều thập kỷ qua, các bức tranh tường, băng rôn, áp phích xuất hiện khắp thủ đô Bình Nhưỡng đều mô tả Mỹ là đế quốc xâm lược tàn bạo với âm mưu đen tối hủy diệt chế độ nhà nước Bắc Hàn. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản cũng được Bình Nhưỡng thường xuyên tuyên truyền là các đồng minh sẵn sàng giúp Mỹ chống lại nhân dân Bắc Hàn.
Nhưng mọi thứ đã bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tích tực ngay sau thượng đỉnh Trump-Kim tại Singapore hôm 12/6. Các ấn phẩm tuyên truyền chống Mỹ cũ đã biến mất khỏi Bình Nhưỡng kể từ sau thời khắc lịch sử tại khách sạn Capella, Sentosa.
Ông Rowan Beard, quản lý tour của hãng lữ hành Young Pioneer Tours mới đây nói với Reuters: “Tất cả các áp phích chống Mỹ mà tôi thường nhìn thấy quanh Quảng trường Kim Nhật Thành và tại các cửa hàng, đã biến mất. Trong 5 năm làm việc tại Bắc Hàn, tôi chưa bao giờ nhìn thấy các tuyên truyền này biến mất hoàn toàn như vậy”.
Những tấm áp phích và băng rôn lớn thể hiện tên lửa Bắc Hàn đang bay tới Washington giờ đã là quá khứ. Ngoài ra, những đồ trang sức, lưu niệm chống Mỹ cũng đã được loại bỏ và thay vào đó là những vật phẩm thể hiện các chủ đề tái thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Những thay đổi tích cực nêu trên cũng mở rộng tới truyền thông nhà nước Bắc Hàn. Các hãng tin tức trước đây từng mô tả Mỹ là kẻ thù và thường xuyên dẫn tin quân đội Mỹ có mặt tại Syria làm bằng chứng về chủ nghĩa đế quốc Mỹ, hiện tại đã không đưa tin như vậy nữa. Tờ Financial Times (Anh) cho biết nhật báo Rodong Sinmun – tờ báo giấy lớn nhất của nhà nước Bắc Hàn, đã không đăng các bài viết tấn công Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ hồi tháng Ba, thời điểm ông Trump nhận lời hội đàm với ông Kim.
Tờ nhật báo này hiện tại đăng đầy các bức ảnh về hai nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn hội đàm tại Singapore và không còn thấy các tin tức chống Mỹ. Những sự kiện quốc tế lớn khác, như chuyến thăm Trung Quốc lần thứ ba của ông Kim Jong-un tuần trước cũng đã được truyền thông Bắc Hàn đưa tin kịp thời, thay vì phải đợi một khoảng thời gian như trước đây và ngôn ngữ trong các bản tin cũng mang tính trung lập hơn.
Ông Peter Ward – chuyên gia nghiên cứu Bắc Hàn và là cây bút của tờ NKNews nói với BBC: “Đây là điều tuyệt vời. Nhìn chung trước đây, báo chí Bắc Hàn chỉ đưa tin tức với ngôn từ trung lập hoặc tích cực liên quan tới các nước mà Bình Nhưỡng có mối quan hệ thân thiết”.
Trong một diễn biến khác liên quan tới việc cải thiện quan hệ Bắc Hàn – Mỹ, quân đội Mỹ cho biết hôm thứ Bảy (23/6) họ đã chuyển ít nhất 100 quan tài gỗ tới biên giới Nam – Bắc Hàn để chuẩn bị nhận lại các bộ hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Cả Mỹ và Bắc Hàn đều thông báo việc hồi hương hàng trăm hài cốt lính Mỹ sẽ diễn ra sớm, nhưng chưa thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm trao trả.
Theo New York Post, Cơ quan Kiểm soát POW/MIA của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng có khoảng hơn 7.600 lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Triều Tiên. Trong đó có khoảng 5.300 lính được cho là nằm lại ở lãnh thổ miền Bắc. Từ năm 1990 tới nay, Bình Nhưỡng mới trao trả cho Washington khoảng 400 bộ hài cốt lính Mỹ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét