Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

An Tây mưu lược tướng Doãn Uẩn (1795 – 1850)


Song Lãng là một miền quê văn hiến từng sinh ra nhiều nhân tài qua các triều đại mà tiêu biểu là: Đỗ Đô, vị thiền sư thông tuệ, tài năng đức độ - một danh nhân văn hoá của nước ta thời Lý; Tiến sĩ Trần Củng Uyển, làm quan đến chức Hiến sát sứ; Đỗ Lý Khiêm, người đã đỗ đầu khoa thi Đình trở thành một trong hai vị trạng nguyên trong lịch sử khoa cử của Thái Bình và em trai ông là Hội nguyên tiến sĩ từng là Đông các Đại học sĩ (triều Lê). Trong cái nôi văn hiến ấy, dòng tộc Doãn với những tên tuổi như Doãn Thự, Doãn Duyện (thời Tây Sơn), Doãn Để, Doãn Khuê, Doãn Vị (thời nhà Nguyễn) đã làm rạng rỡ truyền thống quê hương Song Lãng và là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.
Doãn Uẩn sinh ngày 17 tháng 11 năm Ất Mão (1795) tại xã Khê Cầu, tổng Khê Cầu, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam hạ (nay là thôn Khê Kiều, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ông là con trưởng cụ Lãng Khê Doãn Đình Dụng và bà Nguyễn Thị Tào. Thuở nhỏ, ông được cha đặt tên là Ôn, khi vào làm quan trong triều được vua Minh Mệnh đổi là Uẩn, tự Ôn Phủ, sau đổi thành Nhuận Phủ, hiệu Nguyệt Giang rồi đổi hiệu là Tinh Trai. Tuổi học trò, Doãn Uẩn được cha và các chú bác trong nhà, đều là những bậc túc nho, khoa bảng, trực tiếp kèm cặp. Năm 19 tuổi ông theo học tiến sĩ Bùi Huy Bích - một cựu thần có danh vọng thời Hậu Lê. Năm Doãn Uẩn 20 tuổi thì cha qua đời, nhà nghèo nhưng ông vẫn gắng sức theo học. Đến tuổi 29, ông cùng gia đình rời Khê Cầu chuyển về ở hẳn Ngoại Lãng.
Sau hai lần thi đều đỗ tú tài, năm Minh Mệnh thứ 9, khoa thi Mậu Tý (1828) Doãn Uẩn dự thi trúng Cử nhân hạng ưu. Cuối năm Kỷ Sửu (1829) vào thi Hội nhưng không đỗ và cùng năm đó ông được bổ chức Điển bạ Hàn lâm viện, chính thức bắt đầu sự nghiệp quan trường của mình.
Liên tục 20 năm (1829 – 1849) trải qua ba triều vua: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Doãn Uẩn lần lượt giữ nhiều chức vụ lớn nhỏ khác nhau với nhiều công việc khác nhau. Trong kinh đô, ông được thăng bổ dần dần từ chức Chủ sự, Viên ngoại lang, Lang trung, Thị Lang đến Tham tri ở các Bộ Hộ, Bộ Hình, Bộ Lại. Và vào năm 1847 ông được phong chức Binh bộ Thượng thư. Ngoài các trấn, ông từng giữ chức Án sát ở Vĩnh Long, Thái Nguyên rồi Hưng Yên,sau là Tuần phủ An Giang và Tổng đốc An – Hà. Ở nội khoa cử: 5 lần ông được điều bổ làm phúc khảo, chủ khảo, khâm sai ở các trường thi Nghệ An, Bắc Thành (Hà Nội ngày nay), Gia Định, Thừa Thiên. Nhận mệnh vua: một lần ông được bổ sung làm Kinh lược phó sứ Thanh Hoá để “dẹp loạn vỗ yên dân”. Một lần làm Phó khâm sai Bình Định để giải quyết việc phân chia quân điền. Lần nữa đem theo “vương mạng kỳ bài” làm Phó khâm sai Trấn Tây để kinh lý việc đặt định các ngạch thuế khoá. Việt đột xuất tăng cường cho những nơi quan yếu có nhiều diễn biến phức tạp, ba lần ông được điều là Thự (quyền) Tổng đốc quan phòng Long - Tường (Vĩnh Long - Định Tường); Thự Đốc quan phòng Thanh Hoá, Thự Tuần phủ quan phòng Hưng Yên. Hầu như trên mọi vùng đất đều có dấu tích, công lao của Doãn Uẩn với cái chất thực học, thực tài bộc lộ rất rõ. Điều đó đã được ghi trong ĐạiNam thực lục chính biên (Bộ sử của nhà Nguyễn), trong gia phả họ Doãn (Song Lãng, Vũ Thư) và trong cả thư bút tự thuật của ông (Doãn công nhật ký).
Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), sau khi làm quan được 3 năm, Doãn Uẩn được Tham tri Bộ Hộ là Bùi Phổ hết lời đề cử, nhân có chỉ dụ cho phép các quan tiến cử người tài. Trong công việc, nhiều lần Doãn Uẩn đã tâu bày những kế sách về thuế lệ, hư ngạch, điền địa và được Minh Mệnh, Thiệu Trị khen ngợi: “Mọi việc nhận xét đúng, lo liệu, siêng năng chu đáo việc công”.
Năm Quý Tỵ (1833) sau việc ông trực tiếp tập hợp quan dõng, xông pha thu phục lại được thành Vĩnh Long. Vua Minh Mệnh ngợi khen “Doãn Uẩn đúng là người biết làm việc quân tử”. Năm Giáp Ngọ (1834) khi quyết định điều Doãn Uẩn làm Án sát Thái Nguyên để lo “Đi trước làm yên lòng dân và đôn đốc vận chuyển lương hướng quân nhu”, vua Minh Mệnh đã công khai bảo với các thị thần là “Doãn Uẩn có khả năng xử lý những việc khó khăn gấp gáp nơi biên ải. Lệnh tức khắc lên đường”.
Là con người hành động, Doãn Uẩn đã xông pha đến những nơi khó khăn nguy hiểm, hoàn thành trọng trách của mình. Ở đâu Doãn Uẩn cũng tỏ ra là người có tài xử trí, giải quyết công việc một cách khéo léo, êm thấm. Đối với những tộc người thiểu số, rất ít khi ông dùng vũ lực mà thường dùng trí cùng với sự cảm hoá khuyên dụ nhân tâm để thu phục. Ông còn tâu bày xin bằng được sự khoan dung và đình việc tra xét với những người từng tham gia nổi dậy chống triều đình còn phải lẩn lút ở một số nơi.
Một con người có nhiều kinh nghiệm “Trị loạn yên dân” như vậy, không thể đứng ngoài một công việc hệ trọng mà triều đình Huế vốn đã để tâm từ lâu. Đó là vấn đề đất đai ở biên giới Tây Nam. Đây là cuộc chiến tranh nhằm tranh giành ảnh hưởng giữa triều đình Huế và Xiêm đối với Chân Lạp đã xảy ra suốt thời vua Gia Long. Đến năm Mậu Tuất (1838) mối bất hoà lại bùng nổ ác liệt. Xiêm đã lợi dụng lúc triều đình Huế còn đang chống chọi với cuộc nổi dậy trong nước để lập mẹo đưa quân nhằm thực hiện tham vọng chiếm cứ Chân Lạp. Tháng 6 năm Canh Tý (1840) Minh Mệnh chọn Doãn Uẩn làm Phó Khâm sai đại thần vào Trấn Tây để xét định lại các ngạch thuế. Tháng 7, ông vào đến nơi thì cũng là lúc quân Xiêm chiếm thành Nam Vang và tiến quân quấy rối khắp vùng biên giới Tây Nam. Nhân đây Doãn Uẩn được cử làm Bang biện đại thần Trấn Tây cùng Tham tán Trương Minh Giảng, Hiếp tán Cao Hữu Dực hội đồng bàn bạc đối phó. Mấy tháng sau khi vua Minh Mệnh mất, Thiệu Trị lên thay quyết định bỏ thành Trấn Tây tạm lui binh để lo việc trong nước. Doãn Uẩn trở về triều giữ chức Tham tri Bộ Hộ.
Tháng 5 năm Giáp Thìn (1844) Thiệu Trị lại điều binh khiển tướng ngăn chặn quân Miên và quân Xiêm đang quấy phá nhiều tỉnh phía Tây Nam. Doãn Uẩn lại lên đường vào nhận chức Tuần phủ An Giang một tỉnh địa đầu biên giới phía Nam. Biết rõ tài năng của ông, trước khi điều Doãn Uẩn đi, vua Thiệu Trị đã phủ dụ rằng: “Nếu không phải là bầy tôi thân tín, há có thể giao phó việc quan trọng về biên giới” và “Khanh thì trẫm biết đã từ lâu nên vì trẫm mà hết lòng giúp việc lớn ở biên cương”. Suốt một năm trời, Doãn Uẩn đã cùng Tổng đốc An – Hà là Nguyễn Tri Phương ứng phó hết sức khôn khéo bằng cách: vừa ngăn chặn các âm mưu trá hàng lắt léo vừa khơi sau những mâu thuẫn giữa Xiêm với Chân Lạp, đồng thời ra sức chiêu dụ, lôi kéo những thổ mục, thổ dân người Miên ủng hộ.
Tháng 5 năm Ất Tỵ (1845) nội bộ Xiêm - Lạp lục đục, nhân người Cao Miên xin cầu viện để chống quân Xiêm, triều đình Huế quyết định giải quyết dứt điểm về vấn đề Chân Lạp. Doãn Uẩn trở thành một vị tướng tiên phong trực tiếp cầm quân phá giặc. Bị dồn đuổi tới cùng, cuối năm 1845 quân Xiêm buộc phải xin hàng, tù trưởng Chân Lạp cũng phải đến tận bản doanh của Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn xin nhận tội.
Với chiến công trong cuộc tiễu trừ giặc Xiêm Lạp, đắc kế phòng bị từ xa, bảo vệ yên bờ cõi phía Tây Nam của Tổ quốc, Tham tán đại thần Doãn Uẩn được ghi nhận: “Nhiều lần những trận đánh ở Thông Bình, Sách Sô, trước lập công đầu, cho đến Thiết Thằng, Định Trấn tây tiến Vĩnh Long, sát Ô Đông đều bày mưu chước lạ, nắm phần thắng”. Vua Thiệu Trị ban tặng cho ông nhiều báu vật, cho khắc tên vào cỗ đại bác “Thần uy phục viễn đại tướng quân” để ghi công trang, phong là An Tây mưu lược tướng, tước Tuy Tinh Tử, lại ban cho “Ba bài thơ ngự chế chuẩn cho theo vần họa lại”.
Sau cuộc chiến, biên thuỳ đã định, công việc cần có những trọng thần có năng lực trấn ở những nơi xung yếu, Doãn Uẩn lại được vua Nguyễn trao trọng trách làm Tổng đốc An – Hà (An Giang và Hà Tiên).
Là vị tướng mưu lược, trí dũng song toàn, Doãn Uẩn còn là một thi nhân có phong cách già dặn. Những tập thơ, tập sách còn lại đến ngày nay được đánh giá cao về nội dung tư tưởng và bút pháp nghệ thuật, hiện đang giúp ích khá nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn hoá về một thời kỳ lịch sử của đất nước như Doãn công nhật ký, Tuy Tinh Tử văn thi tập. Trong số đó Tuy Tinh Tử tạp ngôn là một tập thơ gồm 192 bài đã phản ánh phong phú những cảnh vật cùng tâm hồn tác giả.
Là người có danh cao, được trọng vọng nhưng ông và gia đình vẫn giữ một cuộc sống rất đạm bạc đơn sơ, chẳng ham phú guý giàu sang. Bản thân ông luôn tâm đắc một điều: “Giữ cho luân lý luôn được ngay thẳng, trọng điều ân nghĩa lại luôn làm điều thiện, vui vẻ xử sự có tình lý, nói phải luôn nhắc mình cẩn thận, người không lương thiện thì không giao du, vật mà phi nghĩa thì không giữ lấy, không trành giành lợi lộc, kiện tụng thì cốt yếu không được dối trá”.
Doãn Uẩn qua đời vào tháng 11 năm Kỷ Dậu (1849, tức ngày 3 – 1 – 1850) khi đang giữ chức Tổng đốc An – Hà, hưởng thọ 55 tuổi. Vua Tự Đức truy tặng ông hàm Hiệp biện Đại học sĩ, cấp tiền tuất và táng phí về quê theo lệ đối với một đại thần có nhiều công lao to lớn. Tên của ông được khắc ghi trong đền Hiền Lương (kinh đô Huế) nơi thờ các công thần nổi tiếng của nhà Nguyễn. Nhiều làng quê ở An Giang – Hà Tiên đã dựng đền thờ ông, các làng Ngoại Lãng, Khê Cầu, sau cũng đều có đến thờ ông. Lời ngợi ca của nhân dân Nam Bộ đối với ông: “Là quan võ thì bất chấp cái chết, là quan văn thì chẳng ham tiền tài, lòng chỉ mơ ngày thiên hạ thái bình. Sống thì anh hùng và khí khái, chết thì lẫm liệt như sống mãi” là sự khẳng định về một con người văn võ song toàn đã cống hiến trọn đời cho việc giữ gìn đất đai non sông đất nước vào nửa đầu thế kỷ XIX.
Nguồn: Xưa và Nay, số 251, 252, tháng 1 – 2006.
Tác giả bài viết: Phạm Minh Đức


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: