Bức ảnh bìa của Time có mối liên hệ với câu chuyện mẹ con cô bé Yanela Sanchez đến từ Honduras được nhiếp ảnh gia John Moore (từng đạt giải Pulitzer) ghi lại hôm 12/6 ở McAllen, bang Texas, thuộc khu vực biên giới Mỹ – Mexico.
Truyền thông có sức mạnh ngày càng ghê gớm, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng mượn sức mạnh của mình để định hướng dư luận, hạ bệ, sỉ nhục người khác, dù là để vận động cho điều mà họ cho rằng tốt đẹp nhưng thiếu góc nhìn đầy đủ, là trái với đạo đức nghề nghiệp.
Mới đây, dư luận Mỹ xôn xao vì ảnh bìa tạp chí Time, một tạp chí lâu đời và có tiếng nói đã đưa ra thông điệp khiến người xem có thể đánh giá sai sự thật. Một bức ảnh bìa như cho bộ phim kinh dị, với người đóng vai kẻ ác là chính tổng thống của họ.
Một nửa sự thật thì không còn là sự thật
Trên mầu nền đỏ tươi gợi liên tưởng tới sự nguy hiểm, tổng thống Donald Trump cao lớn lừng lững bình tĩnh nhìn xuống bé gái 2 tuổi đang khóc nức nở đầy tội nghiệp. Kèm theo bên cạnh là dòng chữ nhỏ nhưng đủ nổi bật với nội dung đầy mỉa mai: “Chào mừng tới nước Mỹ”.
Bức ảnh gốc của ông chụp là khi mẹ cô bé đang bị lực lượng canh gác biên giới bắt giữ, bà mẹ ba con này lúc đó đã được yêu cầu đặt bé Sanchez xuống đất để lực lượng chức năng kiểm tra người.
Nhiếp ảnh gia Moore chắc chắn rằng hầu hết các gia đình này không hề biết về chính sách mới của Mỹ về việc tách trẻ em khỏi cha mẹ trong thủ tục tố tụng của tòa di trú. Sau khi ghi lại tên tuổi và quốc tịch, nhóm người lớn hoảng sợ được đưa vào xe tải tới trung tâm xử lý.
“Là một phóng viên ảnh theo dõi đề tài này nhiều năm và là cha của 3 đứa con, trong đó có một bé mới chập chững bước đi, bỗng dưng tôi thấy chụp rất khó. Hai mẹ con nhanh chóng được đưa vào xe tải. Tôi phải hít một hơi thật sâu, vì cảm thấy rất xúc động”, ông John Moore kể. Nhưng câu chuyện đằng sau bức ảnh của ông không phải giống như cách Time lèo lái và gây hiểu lầm.
Hãng tin Fox News ngày 22/6 dẫn một tuyên bố của nhiếp ảnh gia John Moore cho biết, cô bé Sanchez không hề bị tách khỏi mẹ. “Họ đã đi cùng nhau tới một trung tâm giam giữ. Tôi chưa bao giờ thấy họ bị chia tách vĩnh viễn”, ông Moore thông tin.
Chính cha của bé gái, ông Denis Javier Varela Hernandez cũng khẳng định cô bé và mẹ vẫn ở chung với nhau chứ chưa bao giờ bị tách ra như tạp chí Time phản ánh. Mẹ của cô bé, bà Sandra Sanchez, trước đây từng bị trục xuất về Honduras hồi năm 2013. Người chồng tiết lộ với tờ Washington Post rằng trong vụ việc mới nhất, vợ con ông tìm cách vượt biên mà không hề nói cho ông biết, và ông không thể liên lạc được với vợ. Ông chỉ biết chuyện sau khi nhìn thấy con gái Sanchez xuất hiện trên báo. Ông cũng khẳng định ông không hề ủng hộ việc vợ vượt biên sang Mỹ.
“Họ đã đi cùng nhau tới một trung tâm giam giữ. Tôi chưa bao giờ thấy họ bị chia tách vĩnh viễn”, ông Moore thông tin.
Như vậy, việc tạp chí Time sử dụng hình ảnh cô bé Sanchez trong bức ảnh gốc của Moore và ghép với hình ảnh ông Trump với mục đích nêu bật sự tương phản để nói về vấn đề chia tách trẻ em nhập cư rõ ràng chỉ phản ánh một nửa sự thật.
Mọi vấn đề đều cần được nhìn từ những góc nhìn đầy đủ
Trước đó, chính sách “không khoan nhượng” (Zero-tolerance) của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp ở mức độ mạnh mẽ hơn đã gây ra tranh luận trong xã hội Mỹ. Theo đó, những người bị bắt giữ sẽ được đưa trực tiếp đến tòa án liên bang dưới sự giám sát của cảnh sát tư pháp, trong khi con cái của họ sẽ được chuyển tới Văn phòng Tái định cư tị nạn và Dịch vụ dân sinh.
Sự chia tách này chỉ là tạm thời trong thời gian thủ tục tố tụng hình sự diễn ra, và cũng là để đảm bảo các em nhỏ không phải chịu cảnh giam cầm cùng cha mẹ mình.
Nhưng những kênh truyền thông không khách quan đã nhận thấy có thể lợi dụng điều này để gây ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền ông Trump hoặc ít nhất là để bảo vệ ý kiến phản đối chính sách mà họ cho rằng không hợp lý bằng cách đưa tin tập trung vào một góc nhìn duy nhất: Những đứa trẻ bị tách khỏi gia đình mình.
Xét một cách khách quan, chính quyền ông Trump đang thắt chặt chính sách nhập cư để cứu nước Mỹ theo cách nhất quán kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Để tăng mức độ cảnh báo đối với người nhập cư, chính quyền của ông buộc phải có những biện pháp mạnh tay như quy trách nhiệm hình sự cho người nhập cư trái phép. Muốn vậy họ phải bị bắt giam và xét xử.
Nhưng con cái của họ không nên bị chịu những điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và tù túng ở các buồng giam cùng cha mẹ chúng. Vậy nên song hành cùng mức độ “không khoan nhượng” sẽ phải là sự đảm bảo quyền tự do tối thiểu cho những đứa trẻ vô tội không thể lựa chọn khi đi cùng cha mẹ mình vượt biên.
Ở một góc nhìn khác, ông Trump đã cáo buộc truyền thông đang giúp đỡ những kẻ buôn người: “Những ai nộp đơn xin tị nạn hợp pháp ở các cửa khẩu không bị truy tố. Những tin tức sai sự thật của truyền thông đã không nói đến điều đó”, “Bọn họ là những kẻ giả dối. Họ đang giúp những kẻ buôn người và những kẻ buôn lậu”- ông Trump thẳng thắn kết luận.
Đồng thời, lý lẽ bảo vệ cho động thái ủng hộ chính sách nhập cư “không khoan nhượng” của ông đươc thể hiện rõ trong buổi gặp mặt gia đình các nạn nhân bị người nhập cư trái phép giết hại hôm 22/6. “Đây là những công dân Mỹ đã bị chia cắt vĩnh viễn khỏi những người thân yêu của họ. Hãy chú ý tới từ “vĩnh viễn”. Vĩnh viễn. Họ không bị chia cắt trong chỉ một hay hai ngày, mà là chia cắt vĩnh viễn”…
…“Truyền thông không bao giờ nói về những người Mỹ là nạn nhân của nạn nhập cư trái phép. Tôi biết rất nhiều người trong số những nạn nhân đó. Tôi tham gia những chiến dịch cùng với họ. Những điều đã xảy ra với con cái họ, với vợ chồng của họ. Truyền thông không bao giờ mang camera tới để phỏng vấn những người mẹ có con bị giết hại bởi những kẻ tội phạm là người nhập cư trái phép, những kẻ trước tiên không bao giờ nên xuất hiện ở đây”, ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm bức ảnh nạn nhân bị giết hại bởi người nhập cư trái phép.
Những người phản đối chính sách cho rằng việc bị chia tách khỏi bố mẹ có thể để lại những tổn thương tâm lý cho những đứa trẻ.
Nhưng những người ủng hộ cho rằng việc chia cắt là tạm thời và nếu đi cùng bố mẹ tới nơi giam giữ chúng sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn hơn là được cung cấp chỗ ở thích hợp. Và trên hết, sự quyết liệt của chính sách có thể khiến những bậc làm cha mẹ có ý định vượt biên sẽ phải nghĩ tới trách nhiệm của mình khi thay con quyết định chấp nhận rủi ro khi vượt biên.
Trước mỗi vấn đề, có rất nhiều cách nhìn nhận và lý lẽ phân tích. Việc của truyền thông chân chính là đưa tin khách quan và cung cấp được càng nhiều góc nhìn, cách tiếp cận vấn đề của nhiều bên nhất có thể. Khi có thể kết luận chắc chắn và kết luận đó nhằm hướng tới những giá trị tốt đẹp cho xã hội thì truyền thông mới có thể sử dụng quyền năng dẫn dắt dư luận của mình.
Truyền thông không trung thực của Mỹ vẫn đã đưa những tin gây hiểu nhầm về chính sách nhập cư của ông Trump từ khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và liên tục cho tới tận bây giờ.
Trước ông Trump, ông Obama cũng thực hiện chính sách trục xuất người nhập cư trái phép, trong 8 năm cầm quyền của ông Obama, đã có 3,1 triệu người nhập cư trái phép bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Chính sách của ông Trump nói một cách ngắn gọn thì chẳng qua chỉ là với mục tiêu trục xuất nhiều người nhập cư không giấy phép hơn và phải nhanh hơn so với những gì ông Obama đã làm.
Nhưng truyền thông có mục đích không trong sáng đã hình thành một khái niệm trong đầu rất nhiều người tiếp cận thông tin trên toàn thế giới rằng chính sách nhập cư của ông Trump là một kế hoạch vô nhân đạo và chưa từng có trước đó.
Hay như trong tháng trước, các nhà báo và những người theo đường lối tự do đã đồng loạt chia sẻ một bài viết với nhiều hình ảnh cho thấy trẻ em bị nhốt trong những chiếc lồng ở trung tâm giam giữ Arizona sau chính sách “không khoan nhượng”. Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội sau đó phát hiện bài viết này có từ năm 2014, tức trong thời kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama.
Những bức ảnh đó được chụp tại Trung tâm Định cư Nogales thuộc Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ tại bang Arizona trong một cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2014 với hơn 40.000 trẻ em từ Nam và Trung Mỹ ồ ạt kéo tới biên giới Mỹ bất hợp pháp.
Ông Trump sau đó đã đăng lên trang mạng xã hội của mình rằng: “Chúng ta thực thi công việc tốt hơn nhiều, trong khi đang duy trì Biên giới mạnh mẽ hơn! Truyền thông Tin giả dòng chính ghét câu chuyện này”.
Hình ảnh ghi lại cảnh hàng trăm đứa trẻ phải ngủ và xem tv trong một chiếc lồng sắt lớn được cho là vì chính sách “không khoan nhượng” của ông Trump thật ra đã được chụp từ năm 2014, dưới thời ông Obama.
Trước những ý kiến trái chiều về chính sách, ngày 21/6, ông Trump đã ký sắc lệch đảo ngược lại chính sách và cho phép trẻ em được ở cùng cha mẹ của mình trong thời gian thực hiện tố tụng hình sự vì vượt biên trái phép. Đó có thể là kết quả của việc sẵn sàng tiếp thu ý kiến từ dư luận và cả từ giới truyền thông. Nhưng không có nghĩa rằng truyền thông được phép làm những việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp của mình chỉ vì nóng vội muốn “thực thi lẽ phải”, “bảo vệ các giá trị của nước Mỹ” hay đơn giản là bởi định kiến với ông Trump hoặc một ý đồ chính trị hay kinh tế không trong sáng.
Và một lần nữa, ví dụ về tin tức giả (fake news) lại cảnh báo người tiếp nhận thông tin về sự tỉnh táo phán xét, bình tĩnh tìm hiểu và nhân từ, sáng suốt trước khi đưa ra kết luận. Trong một thế giới mà người ta có thể dễ dàng thay đổi cách người khác nhìn nhận một vấn đề bằng việc giới hạn góc nhìn, chọn lọc đưa tin có mục đích, thì bạn rất dễ trở thành chú ếch ngồi đáy giếng hoặc kẻ ác khẩu, cay nghiệt. Đừng tự biến mình thành người phạm sai lầm và đừng tạo điều kiện cho truyền thông không trong sáng có đất hoành hành.
Thuần Dương
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét