Thế Giới Phẳng (TGP), một thuật ngữ dùng trong tác phẩm “The World Is Flat – A Brief History of the 21st Century” của Thomas L. Friedman, đã trở thành một cụm từquen thuộc từ những năm đầu của thế kỷ 21. TGP ám chỉ sự phát triển toàn cầu hóado tác động của các nhân tố liên quan đến kinh tế và kỹ thuật. Từ đó, các mô hình xã hội, chính trị bị thay đổi và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn.
Tại sao thế giới ngày nay lại phẳng chứ không tròn như ta thường biết về hình dạng trái đất? Theo Thomas L. Friedman, chúng ta hiện hữu trên một trái đất hình tròn nhưng cái thế giới mà chúng ta sống ngày nay được ngày càng làm phẳng(flattening).
Tại sao vậy? Phẳng vì những người sống trong thế giới đó ngày càng giao tiếp với nhau qua kết nối của công nghệ thông tin, vượt qua những rào cản về địa lý, chính kiến và tri thức.
Một thí dụ điển hình: các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ có thể thiết lập những hệ thống cung ứng nhân sự từ những nước xa xôi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… Từ các quốc gia này, đội ngũ nhân viên, chuyên viên có thể làm việc trực tuyến cho công ty mẹ ở cách nửa vòng trái đất.
Đây là quá trình được gọi là ‘Outsourcing’, tạm dịch là tuyển dụng nhân viên từ nước ngoài để phục vụ cho các công ty đa quốc gia. Outsourcing, trên danh nghĩa là một sự hợp tác bình đẳng theo hàng ngang nhưng xét về khía cạnh nhân bản, người ta lại cho rằng đó chỉ là cách thuê mướn tinh hoa từ những đất nước có nguồn nhân công rẻ như Ấn Độ và Trung Quốc.
Outsourcing, theo Friedman, là một trong những biến động quan trọng nhất vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Công nghệ thông tin đã kết nối loài người trên trái đất và thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn, tạo cơ hội giúp các quốc gia trở nên phồn thịnh hơn nhưng đồng thời cũng đòi hỏi các quốc gia phải triến nhanh hơn nếu không muốn bị tụt hậu.
Có đến 10 yếu tố tác động đến việc làm phẳng thế giới mà Friedman gọi là tác nhân làm phẳng (flattener).
Flattener #1 là sự sụp đổ của bức tường Berlin ngày 9/11/1989. Friedman cho rằng đây là bước khởi đầu của ý tưởng về ‘cộng đồng thế giới’, từ đó hình thành Liên minh Châu Âu (European Union) và đồng tiền chung euro. Biến cố này cũng là sự thoái trào của cuộc chiến tranh lạnh (The Cold War) giữa hai chủ nghĩa Tư bản và Cộng sản.
Phiên bản hệ điều hành Windows 3.0 được tung ra thị trường ngày 22/5/1990, chỉ 6 tháng sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Kể từ đó, người ta có thể nối máy tính cá nhân với điện thoại để gửi e-mail qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) như CompuServe hoặc America Online. Friedman dùng lối chơi chữ khá thú vị khi ông đặt tiểu đề: “When the Walls came down and the Windows went up” (Khi Bức tường [Berlin ] sụp đổ và Cửa sổ [Windows] mở ra).
Flattener #2 là sự ra đời của trình duyệt các trang web vào ngày 9/8/1995 do Netscape tung ra thị trường. Khi đó Netscape chỉ là một công ty khởi nghiệp nhỏ bé tại Mountain View, Califormia, nhưng đã khiến cả thế giới có thể tiếp cận các trang web một cách dễ dàng.
Flattener #3 là một cuộc cách mạng các phần mềm (software) thuộc nhiều lãnh vực trong khi Flattener #4 được mệnh danh là giai đoạn Open-Sourcing qua đó người sử dụng máy vi tính có thể dùng những ‘nguồn mở’ mà không phải trả một khoản phí nào cho các công ty cung cấp.
Điển hình cho loại ‘nguồn mở’ là trang web Wikipedia, xuất xứ từ chữ Wikis (nhanh chóng) của Hawaii . Wikipedia khởi đầu là dự án của Jimmy Wales, người đứng đầu công ty Internet Bomis.com. Wales chủ trương thành lập một bộ từ điển bách khoa bằng nhiều thứ tiếng và điều đặc biệt là trang web này luôn luôn ‘mở’ để người sử dụng có thể hiệu đính từ máy tính của mình. Tính đến tháng 4/2004, Wikipedia đã vượt qua con số 250.000 bài viết bằng tiếng Anh và 600.000 bài bằng các ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt.
Flattener #5: Outsourcing đã được đề cập đến ở phần trên và Flattener #6 là nhân tố mang tên Offshoring, tạm dịch là hướng về nước ngoài. Trong khi Outsourcing nỗ lực tìm nguồn nhân lực tại nước ngoài, Offshoring là tiến trình di dời nguyên trạng một nhà máy đến một nước khác vì những lý do như giá nhân công rẻ và giá thành trong việc cung ứng sản phẩm cho thị trường nơi đặt nhà máy sẽ thấp hơn.
Tiến trình Offshoring (hướng ra nước ngoài) được các công ty đa quốc gia đẩy mạnh kể từ khi Trung Quốc chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 11/12/2001. Trung Quốc, Ấn Độ là những thị trường đông dân nên Offshoring trở thành một chính sách tối ưu trong kinh doanh.
Flattener # 7: Supply-Chaining, mạng lưới cung ứng là một hình thức hợp tác theo chiều ngang giữa nhà cung cấp, người bán lẻ và người tiêu dùng. Phương pháp này khiến thế giới trở nên phẳng hơn. Thí dụ hệ thống siêu thị Wal-Mart mua vào 260 tỷ USD hàng hóa để phân phối qua mạng lưới gồm 108 trung tâm phân phối và phục vụ 3.000 cửa hàng khắp nước Mỹ trong năm 2004. Trên quy mô toàn cầu, khách hàng có thể ăn món Sushi của Nhật tại Arkansas , cách nhau nửa vòng trái đất.
Flattener #8: Insourcing. Trong khi Supply-Chaining thường được các công ty 'đại gia' như Wal-Mart thực hiện thì ở một tầm vóc khiêm nhường hơn, các công ty nhỏ áp dụng chính sách Insourcing. Họ sử dụng những mạng lưới dịch vụ của các công ty khác như UPS (United Parcel Service) để tiến hành việc kinh doanh. Với 270 phi cơ và hàng ngàn xe tải, UPS sẵn sàng chuyển một chiếc laptop hỏng hóc đến địa chỉ của hãng Toshiba để sửa và khi sửa xong, bạn chỉ việc đến cửa hàng USP nhận về.
Flattener #9: In-Forming (tìm kiếm thông tin) góp một phần không nhỏ trong việc làm phẳng thế giới với các công cụ tìm kiếm các trang web của Yahoo!, Google, MSN (Microsoft Network)… Theo thống kê năm 2004, Yahoo! đã vượt con số 300 triệu người sử dụng từ khắp nơi trên thế giới bằng rất nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Flattener #10 được Friedman mệnh danh là Steroids. Nếu trong thể thao, Steroid là chất doping, kích thích sự hưng phấn của vận động viên thì đối với Friedman,Steroids là yếu tố flattener cuối cùng làm tăng tiến trình ‘phẳng hóa’ của thế giới vào thế kỷ thứ 21. Đó là những tiến bộ về kỹ thuật số nói chung, riêng trong phạm vi điện thoại di động, nước Nhật với công ty NTT DoCoMo đã tiến xa hơn Hoa Kỳ trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
DoCoMo là chữ tắt của ‘Do Communications Over the Mobile Network’ (Liên lạc qua hệ thống di động) và người Nhật biết đến DoCoMo qua tên ngắn gọn: ‘Bất cứ nơi nào’. Ngay từ năm 2004, khách hàng tại Nhật đã có thể sử dụng điện thoại di động qua màn hình video hai chiều, một sự kết hợp nghe-nhìn hoàn hảo.
Minh họa nội dung cuốn sách "The World Is Flat"
Friedman cho rằng thế giới đã trải qua 3 giai đoạn có tính cách lịch sử:
(1) Từ năm 1492 khi Christopher Columbus khám phá ra châu Mỹ đến năm 1800 với sự xuất hiện của các quốc gia được coi là cường quốc;
(2) Từ năm 1800 đến 2000 với sự ra đời của động cơ hơi nước, giao thông đường sắt và sự hình thành của các công ty đa quốc gia; và
(3) Từ năm 2000 với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, mỗi cá nhân được kết nối với nhau qua mạng lưới cáp quang toàn cầu. Từ giai đoạn sau cùng này, ‘hệ thống thế giới phẳng’ đã được hình thành.
Một số các nhà phê bình cho rằng Friedman đã quá đơn giản hóa khi phân tích 3 giai đoạn lịch sử của thời kỳ cận đại. Tác giả hình như chỉ quan tâm tới thế giới kinh doanh và vai trò của các đại công ty mà quên đi những thực tế vô cùng phức tạp khác của thế giới như vai trò của các quốc gia, các lực lượng xã hội hay tôn giáo.
Friedman cho rằng hệ thống Thế Giới Phẳng phát sinh tiến trình Toàn cầu hóa. Giả sử thế giới này biến thành một thị trấn thì châu Âu sẽ là một viện dưỡng lão, châu Mỹ Latin là một khu phố sinh động nhưng chỉ hoạt động về đêm, châu Phi là khu ổ chuột còn Ả Rập là một khu tối tăm mà ít người bên ngoài muốn thâm nhập … Không thấy tác giả nói về châu Á và bắc Mỹ trong cái thị trấn giả tưởng đó.
Có người lại cho rằng Friedman đã có sự lẫn lộn giữa quá trình toàn cầu hóa với quá trình ‘Mỹ hóa’ (Americanisation). Điều này cũng dễ hiểu vì tác giả là một nhà báo Mỹ, làm việc cho tờ New York Times và đã có đến 3 lần đoạt giải thưởng Pulitzer về báo chí. Friedman có khuynh hướng đề cao nước Mỹ và coi đây là một kiểu mẫu phát triển đúng đắn nhất. Đó cũng là lý do khiến người ta thường khó phân định đâu là quá trình toàn cầu hóa và đâu là quá trình Mỹ hóa.
Friedman thường tiếp xúc với những chuyên gia thuộc tầng lớp ưu tú tại các nướcnên ông có thể ngộ nhận ở đâu người ta cũng nói cùng một thứ ngôn ngữ, cũng sốngvà làm việc giống nhau. Chắc chắn khi bước ra khỏi ‘tháp ngà của các thành phần ưu tú’ người ta sẽ đối mặt với những thực tại khốn khổ của sự nghèo đói, thất học và phân hóa xã hội của khu vực đông hàng tỷ người được mệnh danh là thế giới thứ ba này.
Friedman là người theo lý thuyết ‘tân tự do kinh tế’. Ông kêu gọi các nước nghèothuộc thế giới kém phát triển hãy ‘tự do hóa kinh tế’, đơn giản chỉ vì đó là cách duy nhất và bền vững nhất để đưa một đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo đói.
Thomas L. Friedman, tác giả "The World Is Flat"
Thế giới phẳng và Toàn cầu hóa khiến cho các xã hội và nền văn hóa khác nhau giao thoa trực tiếp với nhau nhiều hơn và kết nối con người lại gần với nhau hơn, nhưng Friedman cũng phải nhìn nhận sự xuất hiện của những lực cản gây trở ngại trong nỗ lực làm phẳng thế giới.
Trong Chương 13 nói về ngày 9/11 và ngày 11/9 (11/9 Versus 9/11), Friedman cho rằng đó là 2 ngày trọng đại nhất trong lịch sử của thế giới phẳng. Ngày 9/11/1989 bức tường ngăn cách Đông và Tây Berlin sụp đổ sau khi được xây dựng vào năm 1961 tượng trưng cho cuộc chiến tranh lạnh. Ngược lại với những con số trên, ngày 11/9/2001 nước Mỹ bị lực lượng cực đoan Hồi Giáo Al Qaeda tấn công khủng bố vàoNew York , tượng trưng cho cuộc chiến khủng bố vào tiến trình Mỹ hóa.
Theo ông, sở dĩ có sự điên cuồng chống Mỹ của khối Hồi Giáo cực đoan ngày 11/9 là vì ‘người ta đã quá gần gũi với nhau [trong Thế giới phẳng] nên rất dễ đem so sánh mình [Hồi Giáo] với người khác [nước Mỹ]’.
Nhiều người cho rằng giải thích như vậy là chưa thỏa đáng và cũng chưa hiểu đúng về lịch sử văn minh của các nước Ả Rập.
Trong Chương 12: Lý thuyết Dell về ngăn ngừa xung đột (The Dell Theory of Conflict Prevention) Friedman cho rằng ‘không có hai quốc gia nào cùng nằm trong một dây chuyền cung ứng toàn cầu, như dây chuyền Dell chẳng hạn, sẽ gây chiến với nhau, chừng nào họ vẫn còn ở trong cùng dây chuyền đó’ (Dell là một trong những hãng sản xuất máy tính lớn nhất Hoa Kỳ).
Lý thuyết này hoàn toàn không đúng một cách tuyệt đối. Thực tế đã chứng minh, ở tổ chức WTO, các quốc gia luôn tính toán hơn thiệt về cái giá của sự xung đột thương mại. Chẳng hạn tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nếu thấy có lợi họ vẫn đối đầu với nhau, cho dù giữa hai nước đã có những mối quan hệ thương mại hay những dây chuyền cung ứng như thế nào đi nữa.
Điều nghịch lý cuối cùng nằm ngay trong hình ảnh của bìa sách. Phải chăng Thế Giới Phẳng của Friedman sẽ dẫn đến việc hai chiếc tầu sẽ trôi xuống vực thẳm trước mặt vì trái với lý lẽ thường tình về việc trái đất có hình tròn chứ không phẳng?
Bìa sách "The World Is Flat"
Chủ tịch tập đoàn Microsoft, Bill Gates, đưa ra một nhận xét đáng suy nghĩ: “Thế giớingày càng nhỏ đi, nhưng có phải nhờ thế mà chúng ta nhìn thấy hết được điều kiện sống của mọi người không? Hay là thế giới vẫn còn rộng lắm, đến nỗi chúng ta vẫn chưa thể thấy hết hoàn cảnh nghèo khổ của người khác”.
Xin mượn lời kết của Bill Gates: “Tôi sợ rằng sẽ chỉ có một nửa thế giới trở nên phẳng và tình trạng đó sẽ khó thay đổi”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét