Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc Xuân Mậu Tuất 2018 thu hút được đông đảo các dân tộc anh em như Tày, Nùng, Thái… và hàng nghìn lượt du khách đến tham dự.
Từ ngày 13-15 tháng Giêng hàng năm, tại xã Ea Tam (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) diễn ra Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc. Lễ hội có nhiều hoạt động ý nghĩa, mang đậm bản sắc truyền thống các dân tộc phía Bắc như: Tung còn, quay lợn, thi gói bánh chưng, bánh dày, thi văn nghệ, lảy cỏ…
Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc trên Tây Nguyên. Ảnh: Trang Anh.
Mang những nét đặc sắc của người dân tộc Nùng ở Cao Bằng vào mảnh đất Tây Nguyên, cô Triệu Thị Lan (quê Cao Bằng, sinh sống tại Đắk Lắk) cho biết, đây là lần thứ 3 cô đến tham dự Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc.
“Mỗi lần đến đây, tôi đều có một cảm nhận khác nhau bởi quy mô ngày càng lớn mạnh và phát triển. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở lễ hội khiến tôi lưu luyến đó là các dân tộc anh em có dịp được gặp gỡ, giao lưu với nhau về những bộ trang phục truyền thống và các tiết mục văn nghệ, giúp tình cảm anh em khăng khít hơn”, cô Lan tâm sự.
Theo cô Lan, đến với lễ hội cô rất vui khi các dân tộc anh em vẫn giữ nguyên được bản sắc, văn hóa truyền thống của vùng núi phía Bắc. Khi cô cùng mọi người trong đoàn diện bộ trang phục truyền thống của người Nùng đến đây thì các du khách trầm trồ khen ngợi, thích thú bởi màu sắc sặc sỡ và vẻ đẹp quyến rũ…
Lê hội thu hút rất nhiều người dân và du khách gần xa. Ảnh: Trang Anh
Còn cô Lâm Thị Nga (44 tuổi, ở Bình Phước) vượt quãng đường khá xa cùng với 16 thành viên khác mang những bộ trang phục truyền thống của người Nùng và nhiều tiết mục văn nghệ để đến giao lưu với các dân tộc anh em.
Không chỉ có những tiết mục văn nghệ đặc sắc, đến với lễ hội các đôi trai gái còn có cơ hội gặp gỡ, kết duyên với nhau. Bên cạnh đó, lễ hội còn có những đặc sản của các dân tộc được người dân bày bán nhằm phục vụ cho du khách thưởng thức.
Cô Nga cùng nhóm văn nghệ từ Bình Phước lên để giao lưu các tiết mục văn nghệ. Ảnh: Trang Anh
Chị Nông Thị Chi (21 tuổi, ngụ huyện Krông Năng) cho biết, đến với Lễ hội năm nay chị chuẩn bị các món ăn đặc sản của dân tộc mình như: cơm lam, bánh dày, bánh tro… để du khách thưởng thức và mua về làm quà.
Theo chị Chi các món ăn này chủ yếu làm từ gạo nếp. Đặc biệt, món bánh tro được làm từ tro của cây cà phê.
“Cây cà phê sau khi đốt, sau đó lấy tro lọc lấy nước rồi trộn chung với gạo để nấu lên. Một số người dân còn sử dụng rễ cây tiêu và một số cây khác để làm bánh tro”, chị Chi chia sẻ.
Thực khách mua những đặc sản tại lễ hội. Ảnh: Trang Anh
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hoan, chủ tịch UBND xã Ea Tam (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn xã có 12 dân tộc anh em, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng. Các dân tộc anh em sống rất hòa thuận, không phân biệt chủng tộc…
Theo ông Hoan, Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc đã được tổ chức thường niên từ năm 2009 đến nay trên địa bàn xã Ea Tam.
“Do được sự quan tâm của Đảng và nhà nước nên ngay từ trong năm 2017, chính quyền địa phương đã chuẩn bị các nội dung chương trình và được ban thường vụ và ban chấp hành đảng ủy thông qua.
Đơn vị cũng phân công nhiệm vụ cho tất cả các anh em để đảm bảo an toàn cho bà con địa phương và du khách gần xa để có một lễ hội vui tươi, ý nghĩa”, ông Hoan cho biết.
Những tiết mục văn nghệ đặc sắc được trình diễn. Ảnh: Trang Anh
Theo ông Hoan, đơn vị cũng đã chỉ đạo các cửa hàng bày bán ẩm thực, đặc sản niêm yết giá, không được chặt chém du khách để từng bước xây dựng lễ hội thành thương hiệu Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc tại xã Ea Tam.
“Mục đích tổ chức Lễ hội này là để tôn vinh nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc phía Bắc và phát huy, phát triển truyền thống dân tộc trên quê hương mới”, ông Hoan nói.
Trang Anh / Đời sống &Pháp lý
http://daklak.tintuc.vn/tin-tuc/nguoi-dan-no-nuc-tham-du-le-hoi-van-hoa-dan-gian-viet-bac-tren-tay-nguyen------span-classico-photospan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét