TT - Giới chủ Trung Quốc đang tăng cường săn lùng “lao động lậu” với mức lương rẻ mạt từ các nước Đông Nam Á để làm việc trong các nhà máy ở Quảng Đông, Phúc Kiến và Chiết Giang.
Khu nhà được cho là nơi trú ngụ của lao động nhập cư lậu tại Đại Lĩnh Sơn - Ảnh: Reuters |
Bài điều tra của Hãng tin Reuters dẫn lời một môi giới lao động người Trung Quốc ước tính có ít nhất 30.000 lao động lậu là người nước ngoài đang làm việc ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông. Đây là bằng chứng cho thấy nền kinh tế của Trung Quốc đang có sự biến đổi.
Các nhà máy Trung Quốc lâu nay phụ thuộc vào nguồn cung lao động giá rẻ từ trong nước để tiếp sức mạnh cho lĩnh vực xuất khẩu đạt 2.200 tỉ USD mỗi năm.
Giờ đây số người Trung Quốc tham gia lực lượng lao động này đã giảm nhanh vì dân số già và giá giờ công tăng cao.
Bất chấp luật
Thường thì lao động nhập cư lậu khi vượt qua biên giới vào đất Trung Quốc sẽ có xe đón đến điểm làm việc. Họ phải ngồi xe ôm vượt chặng đường dài hơn 700km đến tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang để làm trong các xưởng mộc, xưởng hàng thủ công xuất khẩu.
Số liệu do Reuters ghi nhận từ các nhóm môi giới lao động xuyên biên giới Việt - Trung cho biết có hàng chục ngàn lao động dạng này đang làm việc ở các nhà máy sản xuất thuộc đồng bằng sông Châu Giang.
Ngoài sử dụng lậu lao động Việt Nam, giới chủ ở đây còn tuyển mộ lao động ở các nước Đông Nam Á như Lào và Myanmar với chiêu thức tương tự. Có vẻ chính quyền địa phương tại Trung Quốc cũng thường làm ngơ trước sự hiện diện của một lượng lớn lao động nhập cư trái phép.
Các chủ xưởng sau khi tiếp nhận lao động sẽ cấp cho họ giấy tùy thân giả với giá 16 USD (trừ vào lương), cầm giữ những lao động này trong khuôn viên nhà xưởng nhằm tránh tai mắt của giới chức địa phương, đặt tên Trung Quốc và dạy họ cách ứng phó khi bị cơ quan chức năng phát hiện.
Giới chủ sẽ bị phạt 10.000 nhân dân tệ (1.600 USD) hoặc nhiều hơn nếu bị phát hiện sử dụng lao động nhập cư lậu. Nhân viên cảnh sát họ Châu ở Đại Lĩnh Sơn, phía nam thành phố Đông Quản, cho biết thỉnh thoảng cảnh sát Trung Quốc cũng mở những đợt truy quét lao động nhập cư lậu. Nếu bị bắt, những lao động lậu sẽ bị tạm giam 30 ngày trước khi bị trục xuất về nước.
Sự thờ ơ của địa phương
Các chủ xưởng đều biết số liên lạc của những tên cầm đầu các đường dây buôn người (mà Trung Quốc gọi là “đầu rắn”). Các “đầu rắn” này sẽ liên hệ với đầu mối ở Việt Nam để dụ dỗ gom người.
Trong một số trường hợp, các băng nhóm của Trung Quốc thu “phí tuyển dụng” đến 80 USD lương hằng tháng của lao động nhập cư lậu.
Cục Thống kê Trung Quốc cho biết lương của một lao động phổ thông người Trung Quốc hiện nay khoảng 2.800 nhân dân tệ (450 USD)/tháng.
Tuy nhiên, lao động nhập cư lậu chỉ được trả một nửa mức đó, chưa tính số tiền bị môi giới và “đầu rắn” xén bớt.
Một môi giới họ Trương ở Đông Quản cho biết nếu các nhà máy “đặt hàng lao động nước ngoài” thì anh ta và đồng bọn có thể gom hàng trăm người một lúc. “Các “đầu rắn” có thể đưa số lao động này qua Trung Quốc chỉ trong vòng một tuần” - Trương khẳng định.
Giới quản lý của các nhà máy Trung Quốc cho biết chính quyền địa phương đã nhận “lót tay” để làm ngơ trước tình trạng này. Cảnh sát Trung Quốc, Cục An sinh xã hội và nguồn nhân lực ở Đại Lĩnh Sơn từ chối trả lời về vụ việc có liên quan.
Theo Reuters, khi bước vào đất Trung Quốc thì những lao động nhập cư lậu gần như không phải trốn tránh. Nhân viên hải quan cửa khẩu Trung Quốc gần như phớt lờ sự hiện diện của họ.
Dọc con đường ở thị trấn Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây), những chiếc xe buýt lớn, nhỏ chở đầy lao động nhập cư lướt qua các trạm kiểm soát một cách dễ dàng và chạy thẳng về hướng tỉnh Quảng Đông...
* Ông LÝ QUỐC TUẤN (phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam):
Người dân miền biên giới đã được khuyến cáo nhiều
Tình trạng lao động người Việt đi “chui” sang Trung Quốc đã diễn ra mấy năm nay rồi. Ở các tỉnh phía Bắc, có hiện tượng người dân tự ý sang Trung Quốc lao động có thời vụ. Khi ông Nguyễn Thiện Nhân còn làm phó thủ tướng có chủ trì một cuộc họp với sáu tỉnh địa phương phía Bắc có chung đường biên giới với Trung Quốc.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu lãnh đạo các tỉnh khuyến cáo công dân không được phép đi sang biên giới làm những công việc thời vụ.
Dù vậy vẫn có nhiều người dân địa phương không tuân thủ quy định của Nhà nước. Nhiều người khi hết mùa vụ thu hoạch lúa và hoa màu lại lén sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch để tìm việc làm thêm cải thiện cuộc sống. Do họ đi lao động “chui”, chính quyền địa phương không biết nên không lập hồ sơ theo dõi.
Có trường hợp người lao động Việt Nam bị người chủ Trung Quốc quỵt lương nhưng do chúng tôi không nắm rõ hồ sơ nên công tác bảo hộ công dân gặp rất nhiều khó khăn và kéo dài.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam có chính sách cho phép các tỉnh biên giới ký thỏa thuận lao động song phương với các huyện của Trung Quốc, trong đó yêu cầu phía Trung Quốc phải báo cáo việc thuê và tuyển dụng lao động Việt Nam nhưng lãnh đạo các huyện Trung Quốc từ chối ký, viện lý do rằng chỉ có cấp tỉnh mới có thẩm quyền ký những thỏa thuận này và phải có sự cho phép của trung ương.
Hiện nay chúng tôi chỉ có thể giúp đỡ những công dân Việt Nam khó khăn ở Trung Quốc mà chúng tôi biết rõ.
Khi biết những trường hợp này, Bộ Ngoại giao yêu cầu các cơ quan đại diện có biện pháp hỗ trợ ngay lập tức.
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét