Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

TPP tưởng gần hóa xa

12 quốc gia tham gia TPP đồng ý xem xét tiến hành thêm một hội nghị cấp bộ trưởng nữa vào cuối tháng 8
Bất đồng xung quanh một loạt vấn đề như thương mại ô tô giữa Nhật Bản và Bắc Mỹ, mở cửa thị trường sữa, thời gian bảo vệ dữ liệu dùng để bào chế thuốc sinh học, quyền sở hữu trí tuệ… khiến vòng đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở đảo Maui, bang Hawaii - Mỹ chưa thể hoàn tất hôm 31-7 như kỳ vọng.
“Lằn ranh đỏ”
Theo Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb, điều đáng buồn là 98% công việc đã hoàn tất và trở ngại chính hiện tại nằm ở “bộ tứ” nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cho biết chỉ còn 1-2 vấn đề thực sự khó giải quyết và một trong số này là ngành sữa. New Zealand tuyên bố sẽ không ủng hộ một thỏa thuận không mở cửa đáng kể các thị trường sữa, nhất là tại Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico.
Thời gian bảo vệ dữ liệu dùng để bào chế thuốc sinh học cũng là vướng mắc lớn tại hội nghị bộ trưởng 12 nước tham gia TPP. Các hãng dược Mỹ muốn 12 năm, trong khi Úc muốn 5 năm, còn Chile lại nói không với vấn đề này. “Mỹ đứng ở một bên, những nước khác ở bên còn lại... Không bên nào muốn nhượng bộ và các bên đều coi vấn đề này là lằn ranh đỏ” - đại diện của một trong các quốc gia tham gia đàm phán tiết lộ.
Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí hầu hết quy định về xuất xứ của ô tô - dùng để xác định sản phẩm nào xuất xứ từ bên trong TPP và không phải chịu thuế. Tuy nhiên, thỏa thuận này lại không nhận được cái gật đầu của Canada và Mexico, 2 nước có mối liên hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp ô tô Mỹ.
Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP trong cuộc họp báo ngày 31-7 ở Hawaii - MỹẢnh: REUTERS
Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP trong cuộc họp báo ngày 31-7 ở Hawaii - Mỹ. Ảnh: REUTERS

Vẫn còn hy vọng
Diễn biến trên chắc chắn khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama không khỏi thất vọng bởi vòng đàm phán trên được xem là cơ hội cuối cùng để kịp đạt một thỏa thuận về TPP mà Quốc hội Mỹ có thể xem xét và thông qua ngay trong năm nay, trước khi nước này bước vào năm bầu cử 2016. Ông chủ Nhà Trắng xem TPP đóng vai trò quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ, đồng thời là cơ hội để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực.
Luật sư Tim Brightbill, chuyên về những vụ tranh tụng thương mại, cho biết một thỏa thuận tốt sẽ là “điều tích cực to lớn” đối với tất cả các nước tham gia TPP. Tuy nhiên, ông cảnh báo một thỏa thuận chẳng giúp ích gì mấy cho ngành sản xuất và công ăn việc làm ở Mỹ sẽ không được quốc hội nước này phê chuẩn. Những nước khác có những mục tiêu chính khác cũng như quá trình phê chuẩn của riêng họ. “Đây là một bước lùi đáng kể khi các nước không thể nhất trí với nhau. Tuy nhiên, cơ hội không hẳn đã kết thúc” - chuyên gia Gary Hufbauer, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), nhận định.
Trong thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngay sau vòng đàm phán ở Hawaii kết thúc cho thấy Washington tự tin hơn bao giờ hết rằng TPP hiện trong tầm tay và sẽ thúc đẩy việc làm và kinh tế. Không lạc quan như thế, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed tuyên bố: “Còn một số vấn đề tồn đọng, báo hiệu con đường về đích vẫn lắm chông gai”.
Các nhà đàm phán sẽ về nước để tìm kiếm sự phê chuẩn từ cấp cao hơn đối với những bất đồng còn tồn tại. Các cuộc đàm phán song phương sẽ sớm được khởi động trở lại. Theo hãng tin Kyodo ngày 1-8, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách tài chính Nhật Bản Akira Amari nói với báo giới rằng các vấn đề nổi cộm có thể được giải quyết trong “một cuộc họp nữa”. Ông cũng cho biết tất cả 12 quốc gia tham gia TPP đồng ý xem xét tiến hành thêm một hội nghị cấp bộ trưởng vào cuối tháng 8 này.
HUỆ BÌNH
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: