Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

TÔ HOÀNG cũng là một chuyện lạ khác



Năm, sáu năm trước tôi có dịp tham gia trại viết của ngành Công an. Sắp kết thúc trại, chúng tôi được  đưa đi “ thực tế “tại một trại giam rộng đến cả ngàn héc ta, nằm gọn trong một thung lũng lọt giữa bốn bề núi đá vây quanh, có cả xe ô tô búyt bán vé chở người nhà tới từng khu vực thăm nuôi tù nhân… Nhiều điều quả là đáng sửng sốt, ngạc nhiên vì cái quy mô bề thế, khang trang của trại giam này. Đồng nghiệp văn chương của tôi giở sổ sòan sọat, ghi chép lia lịa lời kể của những anh thiếu úy, trung úy coi các đội tù nhân, của các giám thị, đương nhiên là cả của tù nhân. Tôi không ghi chép được một dòng nào, vì không hiểu sao lòng dạ bỗng lây lan nỗi buồn từ những ánh mắt, những nụ cười không thể nói nên lời của các phạm nhân.

   
                      
CŨNG LÀ MỘT CHUYỆN LẠ KHÁC

                     TÔ HOÀNG  

Lời tác giả : Tối qua, ngày 9 tháng 10 năm 2015 Bản tin Thời sự VTV đưa tin nhân ngày Kỷ niệm lần thứ 70 CMT8 và Quốc khánh 2/9 Chính phủ quyết định ân xá 18.000 phạm nhân.  Xin đăng lại 1 bài báo viết cách đây đã 5 năm.              
           
Sáng nay, ngày 2 tháng Chín năm 2010, các trang báo “Tuổi trẻ” tràn ngập bài, ảnh ngợi ca truyền thống cách mạng hào hùng của quá khứ dựng nước, giữ nước; biểu dương những thành tựu của thời kỳ Đổi mới nhân Đại lễ kỷ niệm 65 năm ngày lập nước. Có một bài nhỏ thôi, e ấp , thẹn thùng nấp ở những trang cuối chứa một dòng tin khiến người quan tâm thế sự đâm ra ngẫm ngợi: Tại Hội nghị chuyên đề về công tác truy nã tội phạm do Bộ Công an tổ chức ở TP Hồ Chí Minh sáng hôm qua, ngày 1 tháng 9, Tổng cục Cảnh sát chống tội phạm cho biết, TÍNH ĐẾN THÁNG 5 NĂM 2010  TRÊN PHẠM VI CẢ NƯỚC CÒN GẦN 18.000 ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ CHƯA BẮT ĐƯỢC, TRONG ĐÓ CÓ GẦN 5.000 ĐỐI TƯỢNG NGUY HIỂM VÀ ĐẶC BIỆT NGUY HIỂM CÒN LẨN TRỐN NGÒAI XÃ HỘI.
Con số 18.000 này là nhiều hay.. hơi nhiều đây? 
            Chợt nhớ, mới mấy ngày vừa qua, báo chí đưa tin, đăng bài về nỗi hoan hỉ, sung sướng của những tù nhân được về đòan tụ với gia đình, về quyết tâm làm lại cuộc đời của anh chị em vào dịp Chính phủ ban lệnh đặc xá nhân những ngày lễ lớn năm nay. Xúc động vì những cháu bé sinh ra trong tù, mẹ dắt cháu ra khỏi trại mà cháu ngơ ngác không hiểu mẹ sẽ dắt cháu về đâu. Mừng vui vì có những cô gái con nhà lành, nghe sui dại cầm một bánh heroin, bị phạt tới 18 năm, nay được ra khỏi trại chỉ sau vài năm thụ án …CÓ TỚI GẦN 17.000 PHẠM NHÂN được phóng thích trong đợt đặc xá này?  Vậy số tù nhân còn tại trại là bao nhiêu ?
Con số gần 17.000 này là nhiều hay… hơi nhiều đây?
Hồi chiến tranh, một Sư đòan ( từ quân sự thường gọi tắt là F.) quân số đủ cũng chòm trèm 5000 quân. Lo nuôi được từng ấy miệng ăn qua một mùa mưa, tìm được cánh rừng nào để cho từng ấy con người ẩn náu tránh sự dòm ngó của các lọai máy bay, các công cụ trinh sát của Mỹ đâu là chuyện đơn giản? Và trong suốt  gần 10 năm đánh Mỹ, trừ đợt Tổng Tấn công Mậu thân 1968  và cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ra, hình như chưa có trận đánh nào các vị tướng lĩnh của chúng ta cần (hoặc dám) huy động đến 3 sư đòan vào trận!
Ấy thế mà số phạm nhân được đặc xá dịp này là trên 3 Sư đòan ! Và số đối tượng bị truy nã đang lẩn quất ngòai vòng lao lý cũng gần 3 Sư đòan ! Ghê khiếp chứ đâu phải chuyện đùa ?
Tội ác ngày một gia tăng, tội phạm ngày một nhiều là do nhiều nguồn cớ, căn nguyên. Ghen tuông đến mù quáng tạt axít vào mặt nhau, cứa cổ nhau; buôn bán bạc giả, heroin;  tham giàu nhanh, vác tiểu liên A.K nhẩy vào cướp tiền ở nhà băng, xuyến nhẫn ở tiệm vàng…- còng số 8, lao tù là việc đương nhiên. Ít lâu nay, đọc báo gặp nhiều trường hợp thọc dao vào ngực, vào bụng nhau vì những lý do không chủ mưu từ trước, xẩy ra như một sự tình cờ, ngẫu nhiên: va quệt xe trên đường, nặng lời với nhau trên xe búyt, lời qua tiếng lại trên bãi nhậu hoặc trong quán karaokê…Trong những giây phút xử sự như vậy, chắc chắn hệ thần kinh của kẻ phạm tội không bình thường. Vì sao nên nông nỗi ấy? Do cha mẹ không chăm nom, dạy bảo con cái đến nơi đến chốn, do nhà trường không dạy đạo lý làm người cho học sinh, do ảnh hưởng yếu tố bạo lực trong phim ảnh và trò chơi Game, do kỷ cương, phép tắc xã hội lơi lỏng, xuống cấp hay còn do những nguyên nhân sâu sa nào khác nữa đây? Khi điều nghiên từng trường hợp cụ thể chắc chắn không thể bỏ qua được yếu tố tâm lý bị bức xúc. Mà vì sao tâm lý bức xúc ? Vì thất nghiệp dài ngày, phóng xe  ngang dọc phố phường cả tháng trời mà không tìm ra nơi nào nhận vào làm. Vì chưa xoay nổi khỏan tiền trả học phí cho con đến nỗi thằng con học rất giỏi mà đang bị nhà trường đe đuổi học. Vì bà mẹ già mắc bệnh hiểm nghèo mà không có sổ bảo hiểm, tiền viện phí, thuốc thang có thể lên tới vài trăm triệu. Vì tình cờ gặp lại người bạn cũ, nể lời rẽ vào nhà bạn chơi để sửng sốt, ngạc nhiên mới 6, 7 năm không gặp nhau, thằng bạn cũ làm cách gì mà bước vào cuộc sống đế vương xe hơi nhà lầu nhanh đến thế, còn vợ con mình vẫn vặt mũi đút miệng, rúc ráy trong căn nhà cấp bốn hơn chục mét vuông…Với nhiều thứ “ vì” như vậy, phóng xe trên đường duới cái nắng gay gắt và sức nóng như hun đốt lại gặp vài chiếc ụ sửa đường, hai ba đọan phố kẹt xe. Từ đó văng ra một câu chửi tục, một cái bạt tai không kìm nén, để rồi mất hết lý trí mà rút dao ra…Ai hiểu rõ những tâm trạng bức xúc có tên và không tên để giảm bớt mức độ phạm tội cho kẻ gặp phận hẩm hiu đây?             
Năm, sáu năm trước tôi có dịp tham gia trại viết của ngành Công an. Sắp kết thúc trại, chúng tôi được  đưa đi “ thực tế “tại một trại giam rộng đến cả ngàn héc ta, nằm gọn trong một thung lũng lọt giữa bốn bề núi đá vây quanh, có cả xe ô tô búyt bán vé chở người nhà tới từng khu vực thăm nuôi tù nhân… Nhiều điều quả là đáng sửng sốt, ngạc nhiên vì cái quy mô bề thế, khang trang của trại giam này. Đồng nghiệp văn chương của tôi giở sổ sòan sọat, ghi chép lia lịa lời kể của những anh thiếu úy, trung úy coi các đội tù nhân, của các giám thị, đương nhiên là cả của tù nhân. Tôi không ghi chép được một dòng nào, vì không hiểu sao lòng dạ bỗng lây lan nỗi buồn từ những ánh mắt, những nụ cười không thể nói nên lời của các phạm nhân. Một buổi sáng giám thị trại đưa đi thăm khu Chùa Một cột, khu Đền Hùng, khu tưởng niệm các danh nhân … được xây cất trong trại. Những tưởng tất cả chắc nhỉnh hơn mô hình chun chút thôi . Điều hiển hiện trước mắt thật không ngờ . Chùa Một cột y như ngôi chùa  thật ở Hà nội. Khu tưởng niệm các vua Hùng cũng có đền thượng, đền hạ , cũng phải leo lên, lần xuống vài trăm bậc đá đến vãi mồ hôi hột . Khu tưởng niệm các danh nhân gồm ba khối tượng của ông Khổng Tử, ông Victo Huy gô, ông Lỗ Tấn. Mỗi ông đều được đúc bằng bê tông cốt thép, đều lừng lững to, lừng lững cao đến 5, 6 mét, trầm tư ngồi nhìn nhau . Anh Giám thị hướng dẫn đi tham quan rỉ tai tôi, thỉnh thỏang phạm nhân ở các đội được đưa đến đây để ngắm ngợi các cụ mà suy nghĩ về bổn phận và đạo lý làm người lương thiện! Nghe vậy, biết vậy và gật gù vầy vậy. Ngắm những đường nét uốn lượn tuyệt vời trên mặt, theo nếp áo và hình hài cân đối, hài hòa của ba bức tượng, một ý nghĩ hay hay chợt lóe trong đầu tôi:  Anh nghệ sỹ tù nhân – tác giả của ba bức tượng kia gắng gỏi, dồn hết tài năng làm cho ba bức tượng thập đẹp, thật sinh động cốt mong được giảm bớt số năm tháng “ ngồi bóc lịch”? Hay biết đâu đấy, trong hòan cảnh lao lý, giữa sự cô đơn vây bủa xung quanh, kéo dài triền miên hết ngày này qua tháng khác, bỗng dưng tình yêu, cảm hứng nghệ thuật đích thực, những giây phút thăng hoa bỗng tìm đến với anh ta chăng ?
Gần xế trưa  chúng tôi được đưa tới thăm khu hành chính mới đang xây cất của trại giam. Tôi chú ý tới một căn nhà  xây sắp xong, với hàng trăm tù nhân đang làm việc, đứng ngay gần cổng ra vào.Tòa nhà khá đồ sộ, xây theo phong cách Pháp với những hàng bậc tam cấp lát đá, với bốn chiếc cột to, cao, đỡ lấy mái vòm có hình đắp nổi gương mặt các nữ thần, với lối ra vào rộng thênh ở cửa chính và lối ra vào ở các cửa phụ. Các ô cửa đã lắp kính màu nâu nhạt, khá hài hòa với mầu vôi nâu ngả vàng sơn quết cả tòa nhà, tạo nên một vẻ trang nghiêm mà cổ kính. Quái , nom tòa nhà cứ hao hao giống tòa nhà ở đâu đó mình đã từng gặp? Ồ, thì ra mô phỏng theo tòa nhà của Ủy ban nhân dân T.P Hồ Chí Minh. Thấy tôi chăm chú ngắm nhìn tòa nhà, anh Giám thị mau miệng giới thiệu ngay với tôi:
-Chưa gắn hàng chữ dắp nổi trước tiền sảnh nên anh không rõ đó thôi. Đấy sẽ là Nhà truyền thống của trại giam này. Tù phạm trước khi được về với đời thường cũng cần ghi nhớ những trang sử vẻ vang cùng thành tích mấy chục năm của trại chúng tôi; còn đối với tù phạm mới thì Nhà truyền thống này sẽ hệt như những bài học của buổi khai trường!
            Nhà truyền thống của một trại giam? Nó sẽ tồn tại mãi mãi, từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời sau sao đây ?
Cầu cho quốc thái, dân an, Nghiêu Thuấn trị vì…Để mọi người được sống sung túc trong tình thương yêu đùm bọc nhau. Để không còn tội ác, không còn phạm nhân. Để các khu trại giam biến thành bãi sắn, nương dâu, hoặc xây những khách sạn 5 sao, các khu resort. Để các bác công an đỡ vất vả, nhọc mệt  tạo nên công tích trong việc cai quản, răn dạy phạm nhân.
Bởi lẽ công việc giữ gìn lề thói “đói cho sạch, rách cho thơm” của ông bà, lập lại kỷ cương, trật tự xã hội, làm thui chột các mầm đọt tội ác đâu chỉ chất riêng lên đôi vai các bác công an ? 



( từ Tập tản văn “ Nỗi buồn lâu quên” NXB Hội Nhà văn 2014 )

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: