Trước khi đọc lời giải thích của tổng thống Thiệu, chúng ta hãy thử tham khảo nguyên văn đoạn trích dưới đây trong công bố của Bộ Ngoại giao CHXHCN VN - Hà Nội 10.1979 (tài liệu đã dẫn Kỳ 33) liên quan đến sự việc:
“Khi Nixon kết thúc cuộc đi thăm Trung Quốc hai bên đã ký thông cáo Thượng Hải ghi nhận kết quả hội đàm giữa hai bên, trong đó có một đoạn như sau:
“Mỹ khẳng định mục tiêu cuối cùng là  rút hết các lực lượng và cơ sở quân sự ra khỏi Đài Loan. Trong khi chờ đợi, tùy theo tình hình căng thẳng trong khu vực này giảm đi (hàm ý nói đến cuộc chiến sôi động ở Đông Dương – chủ yếu ở Việt Nam thời đó - GH), Mỹ sẽ dần dần giảm lực lượng và cơ sở quân sự của Mỹ ở Đài Loan (Mỹ nêu điều kiện để đánh đổi – GH).
“Đầu tháng 3.1972, khi thông báo cho phía Việt Nam về cuộc hội đàm với Nixon, đại diện những người lãnh đạo Trung Quốc đã giải thích về đoạn thông cáo trên như sau:
“Muốn bình thường hóa quan hệ Trung Mỹ, muốn làm dịu tình hình ở Viễn Đông, thì trước hết phải giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương (…)”.
Thâm tâm của Bắc Kinh là lợi dụng vấn đề Việt Nam để giải quyết trước vấn đề Đài Loan. Nhưng Việt Nam (Hà Nội - GH) kiên quyết giữ vững đường lối độc lập tự chủ của mình. Do đó những người lãnh đạo Trung Quốc và tổng thống Nixon mới thỏa thuận (rằng):

“Trong khi chờ đợi, tùy theo tình hình căng thẳng trong khu vực này giảm đi…”
“Điều đó có nghĩa là nếu Bắc Kinh muốn thúc đẩy việc rút lực lượng và các cơ sở quân sự của Mỹ ra khỏi Đài Loan thì họ cần ép Hà Nội đi vào một giải pháp thỏa hiệp với Mỹ”.
Từ Sài Gòn, tổng thống Thiệu đinh ninh “giải pháp thỏa hiệp” đã được Kissinger (phía Mỹ) và Lê Đức Thọ (phía VNDCCH) âm thầm thể hiện trước (qua bản dự thảo hiệp định Paris 10.1972), rồi mới thông báo với ông sau. Nên lúc đầu ông phản ứng dữ dội, quyết liệt, không đồng ý ký vào hiệp định và Hồi ký Richard Nixon (sđd Kỳ 32) cũng nhắc đến phản ứng đó của Thiệu. Nixon gởi “tối hậu thư” đến dinh Độc Lập dọa nếu VNCH không ký thì chính phủ Mỹ vẫn ký và hàm ý thông báo trong trường hợp “đáng tiếc” đó hậu quả sẽ không mấy tốt đẹp sẽ đến với Sài Gòn và cá nhân Thiệu. Vào giờ cuối, Thiệu đã nhượng bộ để “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết bởi đại diện của 4 bên, gồm: 1Nguyễn Duy Trinh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 2Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 3. William P. Rogers - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. 4. Trần Văn Lắm – Tổng trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
Lúc ấy (1.1973), dầu phải “gật đầu” ký hiệp định nhưng tâm tư Thiệu “không chấp thuận”. Đến khoảng hơn một tuần trước ngày 30.4.1975, Thiệu bộc lộ tất cả uất ức qua phiên họp với đại diện các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp của VNCH đêm 21.4.1975 tại phòng Khánh tiết dinh Độc Lập, nói rõ:
“Cái bản văn hiệp định đó là bản văn hiệp định Hoa Kỳ bán miền Nam Việt Nam cho cộng sản. Và tôi đã có đủ can đảm nói với ông ngoại trưởng Kissinger lúc đó (rằng) nếu như ông chấp nhận bản hiệp định này, nghĩa là ông chấp nhận bán cái miền Nam này cho cộng sản. Còn tôi mà chấp nhận cái bản văn hiệp định này thì tôi cũng chấp nhận phản quốc, bán cái dân tộc và đất nước miền Nam cho cộng sản. Ông (Kissinger) có chấp nhận thì chấp nhận vì quyền lợi của Hoa Kỳ, vì lý do riêng tư  tôi không biết, nể nang nhau, đổi chác nhau, đem quyền lợi sinh mạng của dân tộc miền Nam này ra bán – chớ tôi là người Việt Nam, tôi không chấp nhận.
Bản văn hiệp định đó là một bản văn mà tôi đã từ chối, tôi đã phản đối trong 3 tháng trời (từ 10.1972 đến 1.1973 - GH). Và trong 3 tháng trời ấy chỉ có 3 điểm chánh mà tôi tranh đấu sống chết. Và sự tranh đấu của tôi được chứng minh một cách rõ ràng bởi mỗi một lần tôi mời họp có ông chủ tịch Thượng viện Nguyễn Văn Huyền cũ, ông chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá Cẩn, ông Tổng trưởng ngoại giao, ông chủ tịch Tối cao pháp viện, có Phó tổng thống, đại tướng Tổng tham mưu trưởng và Thủ tướng, thỉnh thoảng có một vài nhân vật chính trị khác. Ba cái điểm mà tôi cho là mất nước:
1. Một chính phủ ba thành phần ở trên chốp-bu đã chỉ huy hai chính phủ là chính phủ VNCH và chính phủ của Mặt trận giải phóng, và cái chính phủ liên hiệp ba thành phần đó được đặt để cho tới tỉnh, quận, xã, ấp. Tôi cho đó là một cái chính phủ liên hiệp, dù dưới hình thức nào, dù ở cấp bậc nào, tôi cũng không chấp nhận và tôi không chấp nhận cái chuyện đó là từ 5, 7 năm trước.
Cho nên, đừng có nói gì tới ấp cho tới xã, mà ngay cả trung ương tôi đã không chấp nhận 3 thành phần, 4 thành phần và 2 thành phần tôi cũng không chấp nhận, cho nên tôi đã nói không chấp nhận !.
2. Là họ chỉ nói ở Đông Dương, chỉ có 3 quốc gia là Cao Miên, Ai Lao và Việt Nam. Tôi nói ngoại trưởng Kissinger, Việt Nam nào? Việt Nam của Sài Gòn hay Việt Nam của Hà Nội? Nếu mà ông chấp nhận bản văn này là ông chấp nhận cái Việt Nam của Hà Nội (…) Tôi không chấp nhận. Tôi muốn trở về nguyên thủy hiệp định Genève là có hai quốc gia Việt Nam, hai chính quyền Hà Nội và Sài Gòntôi kêu họ là Việt Nam Dân chủ Cộng hòahọ phải kêu tôi là Việt Nam Cộng hòa không xâm phạm lẫn nhau, lấy vĩ tuyến 17 và lấy hiệp định Genève làm căn bản, chờ đợi ngày thống nhất bằng phương tiện hòa bình và dân chủ, dù cho ngày đó không biết là ngày nào. Tôi bác cái chuyện đó. Tôi nói trở về hai miền Nam Bắc, hai quốc gia riêng biệt có thể vô Liên Hiệp Quốc, giữ cái vĩ tuyến 17, giữ vùng phi quân sự chờ ngày thống nhất.
3. (Về) quân đội Bắc Việt, thì ông ngoại trưởng Kissinger chấp nhận là quân đội Bắc được quyền ở trong miền Nam một cách hợp pháp, đương nhiên. Tôi nói điểm này là điểm quan trọng nhất (…) Tôi nói điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là quân đội Bắc Việt phải rút lui về Bắc. Ông Kissinger trả lời với tôi rằng: “Cái chuyện này thương thuyết với Nga Sô, Trung Cộng đã 3 năm nay không được, Mỹ chịu thua”.
Trên là đoạn trích từ bài nói chuyện cuối cùng của tổng thống Thiệu tại Sài Gòn sau 9 năm cầm quyền (1966 – 1975) được lưu giữ nguyên văn tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II - TP. HCM (theo số hồ sơ và Font đã nêu) dưới đề mục “Diễn văn từ chức của Nguyễn Văn Thiệu ngày 21.4.1975”.
Đoạn cuối, ông Thiệu nhắc đến quyết định của Mỹ cắt giảm viện trợ VNCH từ 1,4 tỷ USD xuống 700 triệu, rồi cắt nữa chỉ còn 300 triệu. Con số hẩm hiu đó vẫn bị Mỹ “treo lắc lư, lắc lư cả năm trời không nói tới. Trong khoảng thời gian đó quân đội VNCH đã mất hết 60% tiềm năng chiến đấu. Một ông võ sĩ mất hết  60% sức lực, và cái vấn đề đánh nhau là hễ mạnh là mạnh luôn, mà yếu là yếu luôn, nó cũng như con bệnh, hễ mạnh là vượt qua, hễ yếu là bị kiệt sức luôn. Quý vị có thể tưởng tượng trong thời gian Hoa Kỳ cắt viện trợ của chúng ta, mà chúng ta mất hết 60% tiềm lực chiến đấu thì cái gì sẽ xảy ra ? Số thương vong gấp bội, bởi vì không có phương tiện không quân yểm trợ, mà pháo của ta lại thua pháo của họ, nội thương vong vì pháo của ta lên rất cao, rồi chết lại lên cao vì thiếu trực thăng để tải thương. Thậm chí, vô nhà thương mà một cái băng phải băng đi băng lại tới hai lần, thật vô nhân đạo đối với một chiến sĩ bị thương !”.
Tướng Murray cùng các cộng sự trong ban tham mưu của Murray đã soạn thảo để gởi đến tổng thống Thiệu một tài liệu đặc biệt, nội dung phân tích về tương tác của viện trợ Mỹ đối với sức sống còn của VNCH, cô đọng qua 5 chữ “nếu” đáng sợ sau:
1.    Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả 4 vùng chiến thuật;
2.    Nếu là 1,1 tỷ thì Quân khu 1 phải bỏ; 
3.    Nếu là 900 triệu thì khó lòng giữ được QK I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tổng tấn công của Bắc Việt;
4.    Nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc và khó điều đình được với Bắc Việt;
5.    Nếu quân viện dưới 600 triệu thì chính phủ VNCH chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long;
Đó là 5 tuyến phòng thủ tương đương với 5 mức độ quân viện. Tướng Murray kết luận: “Ta có thể ví sự mất tiền xấp xỉ như mất đất vậy” (Khi đồng minh tháo chạy, sđd Kỳ 2, tr. 234-235).
Vậy, với mức quân viện quá thấp (300 triệu USD thời điểm 1974-1975), hẳn nhiên nhịp thở của nền đệ nhị Cộng hòa bị đứt quãng, lâm nguy, dẫn đến sụp đổ trước cuộc tấn công của đối phương. Các nhà nghiên cứu và quan sát quốc tế nhận định thêm:
Ngoài “yếu tố Mỹ” (bỏ rơi), cần phải xét đến “yếu tố nội tại” (tự phân hóa) khiến VNCH suy yếu. Lỗi dễ thấy nhất là: những bất hòa dai dẳng trong hàng ngũ lãnh đạo của quân đội VNCH (xem rõ thêm: Đọc hồi ký các tướng tá Sài Gòn xuất bản ở nước ngoài- Báo điện tử  Một thế giới tháng 11 & 12.2014) đã gây chia rẽ và bất ổn nội bộ triền miên. Nên sau 30.4.1975, vị phụ tá đặc biệt của tổng thống Thiệu đã kêu lên:
-                “Trước những thất bại, ta phải tự trách mình “mea culpa” (lỗi tại tôi)!”. (còn nữa)
Giao Hưởng