Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục không bỏ cuộc



Những ngày này, nhà văn Nguyễn Khắc Phục - “Vua kịch bản” lễ hội văn hóa - đang chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục không bỏ cuộcVợ chồng nhà văn Nguyễn Khắc Phục -  Ảnh: Nguyễn Việt Chiến
Dường như Nguyễn Khắc Phục đang cố gồng mình lên để bạn bè khỏi ái ngại: “Tớ không chịu thua cuộc đâu các cậu nhé, sau một tháng rưỡi xạ trị, nếu tốt cũng cầm cự được vài năm nữa, hoàn thành nốt mấy cuốn sách đang viết dở!”. Ông bảo tôi: “Xạ trị được mười mấy buổi rồi. Bệnh viện Quân y 103 tốt lắm, biết mình trước đây có thời gian dài ở chiến trường phía nam, cùng cánh lính với nhau cả, họ miễn viện phí và tìm thuốc tốt để điều trị. Xạ trị đợt đầu một tháng rưỡi, nếu chuyển biến tốt sẽ làm tiếp đợt sau. Còn nếu dở thì đành cho về nhà… lúc ấy thì chào các bác!”. Ông nhoẻn miệng cười, nụ cười thật khó khăn. Ông kể, năm ngoái đi khám sức khỏe chẳng thấy u nào. Nhưng tháng 6 năm nay, ông bị khản tiếng, mất giọng, đi khám, phát hiện một khối u như trứng gà trên đỉnh phổi, sinh thiết cho thấy tế bào ác tính không được mổ.
Lắng nghe vợ hát thơ
Tôi lặng người đi khi thấy vợ ông (nhà báo, nhà thơ Trang Thanh) lên giường ngồi cạnh chồng, bảo hát cho ông và tôi nghe bài thơ Đừng đi xa anh nhé! chị mới sáng tác và tự phổ nhạc. Trang Thanh khe khẽ hát, Khắc Phục chớp mắt rồi chìm đắm vào giai điệu thiết tha, sâu lắng, da diết: “Anh đừng xa em nhé anh/Ngoài kia đang đêm bão giông/Đường mơ ta chưa đi hết… Anh đừng đi đâu nhé anh/Ở bên em đây yên lắng/Về bên sông mây trắng/Chiều tương tư mắt cay… Đừng đi đâu nhé anh/Đừng quên anh đã sống yêu em/Như dòng sông ấp ôm mây triền miên/Một dòng sông mây trắng say/Về bên anh như hát ru/Như gối êm ru mắt ta trong nhau… Anh đừng đi xa nhé anh/Vì con, anh hãy gắng lên/Chờ mai khi con lớn khôn, như dòng sông vạm vỡ, sóng cồn mây đại dương…”.
Tôi cũng ngỡ ngàng khi Nguyễn Khắc Phục vùng ra khỏi giường, dẫn tôi đi xem cả chục bức tranh sơn mài khổ lớn, treo khắp mấy gian phòng mà ông đã vẽ cách đây gần chục năm. Ông không hề được học gì về hội họa, chỉ mua vài cuốn sách dạy vẽ tranh sơn mài, mang về đọc rồi mày mò, tìm hiểu và vẽ. Nhà văn cười, chỉ các bức tranh sơn mài: “Tớ mà chết đi thì bán được nhiều tiền đấy!”. Có lẽ ông không nói đùa khi trước đây đã từng bán một vài bức sơn mài với giá vài ngàn đô la Mỹ.
Khi 20 tuổi Nguyễn Khắc Phục đã nổi danh là người viết truyện ngắn hay (như Hoa cúc biển, Ngã ba vô tình) và kịch bản sân khấu Người từ giã cuối cùng sau đó được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay Những ngôi sao biển. Ông là tác giả của nhiều kịch bản phim nhựa như: Chiến trường chia nửa vầng trăng, Sơn ca trong thành phố, Tự thú trước bình minh, Nhiệm vụ hoa hồng, Học trò thủy thần, Lạc cầm thứ mười ba và đặc biệt là phim Bọn trẻ đã được trao huy chương vàng cho kịch bản văn học trong Liên hoan phim quốc tế Á - Phi năm 1994.
Ngày Nguyễn Khắc Phục tới bệnh viện xạ trị, tối về chơi với con trai ba tuổi, lúc nó ngủ là ông ngồi vào bàn viết. Ông bảo tạm dừng viết kịch bản sân khấu, lễ hội để dồn sức viết cho xong cuốn sách Những bài học giữ nước. Cuốn này đã viết được 300 trang, còn 200 trang ông cố gắng viết nốt. Nhà văn trầm ngâm: “Đây là công trình lớn, trình bày những kinh nghiệm chống ngoại xâm của dân tộc ta qua các triều đại trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước cho đến hôm nay. Cuốn sách này viết dưới dạng bút ký lịch sử nhưng tập hợp đầy đủ các tài liệu của mỗi giai đoạn lịch sử với cách diễn đạt mềm mại. Thực ra có thể gọi đây là công trình khảo cứu lịch sử nhưng không viết theo kiểu hàn lâm để cho các độc giả trẻ tuổi có thể cảm nhận được”.
Truyền cảm hứng yêu nước và văn hóa cho giới trẻ
Nguyễn Khắc Phục cho tôi xem bản thảo cuốn tiểu thuyết Hỗn độn đang viết dở của ông. Trong số 12 cuốn tiểu thuyết của mình, ông tâm đắc nhất là 3 bộ tiểu thuyết: Thăng Long ký, Bay qua cõi chết và Hỗn độn. Ông nói với tôi: “Cậu có biết Thăng Long tồn tại và đứng vững qua ngàn năm bằng cái gì không? Chắc chắn không phải bằng vũ khí, không phải bằng lợi thế về người và đất đai. Theo tôi, Thăng Long đứng vững được qua ngàn năm là do thái độ anh hùng và văn hóa. Thăng Long đứng vững được là còn do các triều đại biết tập hợp tinh thần yêu nước của trăm họ. Đây không phải là câu chuyện của ngày hôm qua và cũng không phải là câu chuyện của riêng ngày mai khi hùng khí Thăng Long vẫn là sức mạnh muôn thuở. Và mình chỉ tận dụng mọi cơ hội, tìm mọi cách để tham gia vào việc truyền cảm hứng anh hùng, cảm hứng yêu nước và cảm hứng văn hóa cho các bạn trẻ”.
Khi tôi hỏi ông lấy sức đâu mà viết tới cả trăm kịch bản sân khấu, điện ảnh, kịch bản lễ hội và năm, sáu ngàn trang tiểu thuyết trong những năm qua thì Nguyễn Khắc Phục nhìn tôi một cách rất hóm hỉnh và đầy ý nhị: “Tôi chỉ là một kẻ ham chơi và ham sống, còn viết thì đã có một đấng nào đó trong con người mình viết ra đấy, tôi có làm gì đâu!”. Nguyễn Khắc Phục là như vậy, dù nho nhã, hiểu biết nhiều nhưng vẫn cứ rất mực khiêm tốn: “Mình chả là cái quái gì trong cuộc đời này, cuộc đời này quan trọng, chứ còn các thứ khác cũng chả là đinh gỉ gì khiến mình phải quan tâm, cứ rong chơi vậy thôi…”. Tuy hồn nhiên bộc bạch như thế, nhưng tôi vẫn thấy sau ánh mắt đăm chiêu, u uẩn của ông, một nguồn mạch sục sôi của sự sáng tạo không bao giờ chịu lụi tắt.
Nguyễn Việt Chiến
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: