“Tôi sống trong một ngôi nhà không cửa
Mỗi người đến thăm phải mang theo cửa trên lưng
Lắp vào ngồi nói chuyện, xong
Khi từ biệt họ ra đi cùng với cửa”...
Phan Nhiên Hạo
Hắn không biết vì sao hắn lại mắc kẹt trong ngôi nhà này. Cha hắn nói: “Đấy là sự bất công mù mờ của lịch sử”. Mẹ hắn lại nói: “Đấy là do lựa chọn của cha mày!”
Hắn không biết nên tin cha hay tin mẹ. Cuộc sống tù mù và rối rắm đến nỗi không biết phải tin ai. Nếu hỏi gã hàng xóm, chắc câu trả lời sẽ rất khác. Nhưng hắn chưa bao giờ gặp được hàng xóm hoặc người nào khác vì suốt đời hắn phải ngồi trong ngôi nhà hình chữ S hoặc chữ L gì đó, tương tự một căn hầm loằng ngoằng. Lần lượt mẹ và cha qua đời đều được chôn xuống dưới nền nhà. Hắn chưa bao giờ thoát ra được khỏi nhà: Nhà hắn không hề có cửa!
Ánh sáng muốn lọt được vào nhà phải lọt qua các lỗ thông gió. Gió muốn lọt vào nhà phải đi vòng qua kẽ ngói. Ánh sáng và gió đã bị trừng phạt, bị thủ tiêu ngay khi lọt vào trong. Nhà tối om om. Mỗi tuần, hắn được một bàn tay dài ngoẵng nhét các thứ cần thiết cho sinh hoạt qua một cái lỗ mà ánh sáng thường đi qua. Hắn nói: “Thế giới này bị dịch hạch, chết hết rồi, không thấy đứa nào bén mảng!”
Hắn không biết rằng thế giới bên ngoài đang vô cùng rộn rã và tràn ngập sắc màu. Lịch sử của bản thân hắn được thiết kế bởi sự ngu dốt thật thà của các vị thân sinh nên đối lập hẳn với lịch sử loài người. Trong một buổi trưa yên tĩnh nào đó, hắn đã bực dọc nghĩ thế, và sau đó hắn hét to lên như một con hổ sa bẫy:
“Ai đến thăm tôi không? Sao đời hoang vắng quá!”
Hắn lặp đi lặp lại câu nói đó 4.084 lần, tương đương bốn nghìn không trăm tám mươi tư năm lịch sử. Lịch sử có vẻ tù mù đầy thiên vị nhưng kỳ thực cũng khá khách quan và biện chứng. Bằng chứng là bên ngoài ngôi nhà hắn sống thiên hạ vẫn thường xuyên qua lại. Người ta nhìn ngôi nhà bịt kín ấy và liên tưởng đến một nhà tù của các thế lực hắc ám âm mưu chống lại loài người. Người ta muốn vào trong để xem thử cuộc sống của tù nhân diễn ra thế nào, nhưng, không có cửa để vào!
“Sao đời hoang vắng quá, Ai đến thăm tôi không?”
Hắn nói câu nói đó đến lần thứ 4.085 thì có người nghe...
Không biết có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ hay không mà người đầu tiên nghe được câu nói của hắn là một nhà thơ! Nhà thơ ấy đang nằm trên bãi cỏ để khóc thương cho cuộc tình nào đó trong quá vãng, nhân thể khóc thương cho biển đảo quê hương đang bị xâm lấn từng ngày, nhân tiện, bày tỏ lòng kiên trung son sắt với đất nước thân yêu...
? xứ này, nhà thơ như thế, đi ngả nào cũng gặp, đông lắm, vậy nên, trong buổi chiều hoang vắng, nhà thơ nghe những tiếng âm u vọng ra từ ngôi nhà trơ trọi. Anh ta thốt lên: “Ồ, có ai đọc thơ ở trong này mà xao xuyến lạ? Đó đích thị là một câu thơ hay: 'Ai đến thăm tôi không? Sao đời hoang vắng quá!' Cực hay!”
Bạn có ý tưởng gì? Các nhà thơ là những người có nhiều ý tưởng nhất trong thiên hạ. Điều đó là không phải bàn cãi. Vậy nên, ngay ngày hôm sau, nhà thơ ấy đã làm một việc khá bất ngờ: Ông ta mang theo một cánh cửa trên lưng, nhẹ nhàng, trịnh trọng đến thăm ngôi nhà ấy, như một chính khách quốc tế đến thăm quốc gia khác theo một lời mời ngoại giao chính thức.
Hắn ở trong nhà với câu thở than quen thuộc: “Ai đến thăm...”
Tiếng lạch cạch bên ngoài vọng vào, và tiếng người dõng dạc trả lời: “Có tôi đến thăm anh...”
Hắn mừng, cười rú lên như một gã khùng.
Bằng cánh cửa vác theo ấy, và theo một cách thức nào đó hơi kỳ quặc, nhà thơ đã vào được bên trong ngôi nhà. Và họ nói chuyện với nhau như một đôi tri kỉ nửa đời gặp lại, rạo rực, mê say, hoan hỉ, xót xa... Câu chuyện ấy mãi mãi là một bí mật, vì không ai nghe được. Bốn bức tường có nghe nhưng không hiểu gì. Chú chim sẻ làm tổ trên mái ngói cũng có nghe nhưng không hiểu gì. Đến tối mịt, họ chia tay nhau, nước mắt nước mũi ròng ròng...
Nhà thơ ra khỏi nhà và vứt cánh cửa lại trên bãi cỏ, mãi mãi không trở lại. Cũng từ đấy không còn ai nhìn thấy nhà thơ nằm trên bãi cỏ làm thơ nữa. Nghe đâu, anh ta đi ra biển làm dã tràng xe cát, có lẽ đó cũng chỉ là lời đồn đại ác ý mà thôi...
Nhà thơ đi rồi, cánh cửa vẫn nằm đó, màu đỏ, tróc sơn, han gỉ. Có người đi qua giẫm lên; lũ trẻ chạy qua, ngồi lên; lũ chó đi qua, co chân đái lên. Thỉnh thoảng, cũng có một người nào đó trân trọng vác cánh cửa lên vai, kê vào ngôi nhà của hắn để vào trong. Không ai biết hắn và các vị khách đã nói gì với nhau, nhưng rồi, kết cục giống nhau là không ai trở lại thăm hắn lần thứ hai. Điều đó thuộc về bí mật của lịch sử.
Những điều bí mật thường kích thích trí tò mò của đám đông hiếu kỳ nhiều chuyện. Người ta vác đến một lần chín cánh cửa giống nhau với quyết tâm giải phóng cho con người đang đau khổ vì cô đơn trong đó.
Đồng loạt chín cánh cửa mở ra, các vị khách bước vào. Nhưng hắn đã chết từ lâu!
Hắn đã chết, vẫn ngồi ngay ngắn trên ghế. Trong ngôi nhà hoang vắng, tiếng than thở của hắn vẫn còn vang vọng: “Ai đến thăm tôi không? Sao đời hoang vắng quá!”
Người ta thấy những dòng chữ bằng máu viết chi chít lên tường, nhưng không ai biết nội dung thể hiện điều gì. Ngoài ra, còn một số hình vẽ về những cái đầu lâu đang di chuyển phía sau một tấm áo choàng màu đỏ, cũng không hiểu là muốn nói điều gì.
Ngôi nhà hắn ở sau này trở thành một điểm tham quan của du khách trên toàn thế giới. Người ta đề bảng chỉ dẫn ở ngoài: “Nơi đây, một nhà thơ kiên cường bất khuất đã chống lại quyền lực bạo tàn đến hơi thở cuối cùng!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét