Các lãnh đạo từ chức, ông Dương Trung Quốc lên tiếng
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, việc lãnh đạo viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, từ chức có thể coi là dũng cảm nhưng nên dần coi đó là việc bình thường trong xã hội.
Nên tạo thành sự tự giác
Ngày 29/7, ông Lê Phước Thanh, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam đã có đơn gửi Bộ Chính trị về việc xin nghỉ hưu trước tuổi.
Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, ông Thanh cho biết ông làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi là vì lý do cá nhân, tình hình sức khỏe không đảm bảo.
Ông Thanh cho biết đang chờ Bộ Chính trị cho ý kiến về việc này. Nếu Bộ Chính trị đồng ý, Quảng Nam sẽ tìm người thay thế vị trí của ông.
Trước đó, ông Nguyễn Sự, Bí thư thành ủy Hội An đã từ chức và Bí thư thành ủy Hải Dương Phạm Thế Tập cũng có đơn xin từ chức, nghỉ công tác chờ hưu.
Trao đổi với chúng tôi, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, đối với nhiều nước thì việc các quan chức xin từ chức là chuyện rất bình thường, tuy nhiên ở nước ta thì lại không như vậy.
"Nhiều người cho rằng, việc lãnh đạo viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi có thể là dũng cảm, dám vứt bỏ những lợi ích nhưng cũng có những suy nghĩ cho rằng, đó là người rất thực tế.
Họ có những lý do, mục đích riêng như là là tuổi tác hay cơ chế... Nhưng theo tôi, chúng ta nên có cách nhìn đối với việc từ chức này là bình thường chứ đừng coi là sự bất bình thường", ông Quốc chia sẻ.
Ông Quốc cũng nhận định, việc một số quan chức muốn từ chức để mở đường cho thế hệ trẻ là suy nghĩ mang đầy tính tự trọng và gợi suy nghĩ cho nhiều người về thái độ ứng xử của một người đúng nghĩa là cán bộ, đầy tớ của dân.
Đồng quan điểm đó, Đại biểu QH Bùi Thị An cũng bày tỏ, từ trước tới nay ở Việt Nam, việc các quan chức viết đơn xin từ chức thường ít xảy ra nên có cảm giác "mới, lạ".
"Quan niệm trước đây là hết tuổi, hết nhiệm kỳ mới nghỉ nhưng giờ đây hãy quan niệm lại và thực sự việc từ chức này đối với các nước là hết sức bình thường.
Các đồng chí lãnh đạo nên tự đánh giá nếu mình không còn đủ năng lực hay không còn đủ các điều kiện như sức khỏe cho công việc mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó thì nên xin thôi và việc đó là bình thường, không có gì đặc biệt cả", bà An nói.
Bà An cũng cho mong muốn, trong thời gian tới đây, việc từ chức này nên được xem là một văn hóa và diễn ra thường xuyên ở các nơi, các vị trí.
"Chúng ta nên tạo thành một sự tự giác trong văn hóa lãnh đạo đối với việc từ chức. Điều đó cũng chính là thể hiện thái độ ứng xử của một người đúng nghĩa là cán bộ, đầy tớ của dân", bà An chia sẻ.
Tránh đột xuất
Về trường hợp xin từ chức của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh, bà An đã bày tỏ sự đánh giá rất cao và cho rằng, trong lúc không ít quan chức cố xin ở lại hay chuyển sang chỗ này, chỗ khác thì đây sẽ là gương cho nhiều người soi, nhìn vào.
"Trước đây, việc xin từ chức của đồng chí Nguyễn Sự, Bí thư thành ủy Hội An đã là một cách suy nghĩ rất đáng trân trọng thì tiếp đến đây là đối với đồng chí Lê Phước Thanh, ở vị trí cao hơn là người đứng đầu một tỉnh thì càng quý hơn.
Việc từ chức, từ bỏ đi những quyền lợi như thế thì cả xã hội nên khuyến khích. Tôi tin chắc rằng, tre già thì măng sẽ mọc và sẽ mọc tốt hơn nên các đồng chí từ chức đều có thể yên tâm", bà An nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một vấn đề cũng được bà An đặt ra đó là việc từ chức này cũng không nên để tập thể và cộng đồng vào thế bị động.
"Có thể vì lý do sức khỏe, bất khả kháng sẽ đành chịu còn nếu vì lý do khác mà quan chức từ chức thì không nên đột xuất quá, bởi ở đây còn phụ thuộc vào kế hoạch làm việc của tập thể, địa phương, cộng đồng", bà An nêu quan điểm. (Tri thức trẻ)
---------
*** Đại biểu Lê Như Tiến: Trong xã hội hiện nay, việc làm như của ông Sự rất ít, nhưng nó cũng là một tiếng chuông, là một sự thức tỉnh, và cũng sẽ là tiền lệ để cho rất nhiều người không hoàn thành nhiệm vụ thì có cơ hội để từ chức. Đó là văn hóa mà các nước tiên tiến trên thế giới người ta đã làm từ lâu rồi. (Theo VOV)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét