(Thời biến đổi gien)
Kỳ 28
Bùi Ngọc Tấn
Tất cả chỉ có vậy. Chẳng thấy gì vĩ đại thiêng liêng như người ta vẫn nghĩ, vẫn nói về nhưng ki-lô-mét số không, những địa đầu. Chẳng thấy kết thúc một cái gì và mở ra một cái gì. Chỉ là thanh bình nối tiếp thanh bình, tin cậy nối tiếp tin cậy, một an lạc bao trùm không gian trong suốt của Châu Âu. Kamal nói:
– Đây là xứ Flandre.
Lại một bất ngờ nữa. Nghe Kamal giảng, tôi mới biết Bỉ cũng có xứ Flandre. Xứ Flandre thuộc Pháp và xứ Flandre thuộc Bỉ. Flandre. Địa danh này, những con đường này đã nằm trong một quyển tiểu thuyết đoạt giải Nobel. Claude Simon. Những con đường xứ Flandre. Dương Tường dịch. Giá có Dương Tường ở đây cùng tham gia cuộc du hành…
Lille là một địa bàn rất tốt để từ đó chúng tôi đi “thám hiểm” Bỉ, Hà Lan. Trong mười ngày ở Lille, tôi đã đi qua những con đường xứ Flandre, những ngọn đồi xứ Flandre nhiều lần. Đó là những nhánh rẽ từ những đại xa lộ vào các ngọn đồi mà nhìn từ xa ta cứ nghĩ là những khu rừng. Chỉ đến khi tới gần mới thấy đó là đường phố, những ngôi nhà, những biệt thự, những quảng trường, những cửa hiệu, những nhà thờ, và khi ô tô lên tới đỉnh dốc, mở cửa bước ra nhìn những phố xuôi dốc đổ xuống ngoại vi, thấy cánh đồng, thấy núi, thấy những đàn bò khoang im lặng gặm cỏ, những lùm cây đổ bóng sẫm đen trên đồng cỏ tưới đẫm nắng vàng. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi với xứ Flandre là xứ Flandre thuộc Bỉ. Ngay trong buổi chiều chúng tôi tới Lille và gặp Kamal. Kéo chúng tôi vào một cửa hàng, ngồi uống mỗi người một chai bia Bỉ, Kamal bảo chúng tôi đứng lên ra xe ô tô:
– Gần đây có cửa hàng bán sườn nướng ngon lắm.
Xe lại lăn bánh trên con đường nhựa, xuống một sườn đồi thoai thoải, lượn quanh co trên một cánh đồng nhỏ và lại leo dốc. Một restaurant khác trên đỉnh một ngọn đồi. Khoảng đất rộng phía sau nhà hàng đậu kín ô tô. Chúng tôi xuống xe đi qua một mảnh sân hẹp. Nhà hàng thấp và cũ kỹ. Mái lợp đá đen. Tường để nguyên gạch mộc. Dính vào tường là hai cái vô lăng tầu thuỷ bằng gỗ, một cái to một cái nhỏ, gợi những cuộc viễn du của những mạch lô hoặc dấu vết của những “Viking đầu quấn lá sồi.” Những thùng gỗ to xếp cạnh tường, những thùng rượu vang mà bên trong hẳn là rỗng, không có rượu, chỉ để tăng thêm không khí ẩm thực trước khi khách bước vào trong nhà ngồi trước bàn ăn gọi món. Ngay cửa nhà hàng là một chiếc xe bò với những bánh xe bằng gỗ lớn, chiếc xe hẳn chưa một lần lăn bánh đường trường, trong xe chất đầy những khúc gỗ tròn cưa cắt bằng nhau, chờ bổ cho vào lò, nhưng chắc chắn sẽ chẳng bao giờ được nhận một nhát rìu, chúng có mặt chỉ để gợi một không khí cổ xưa.
Trong nhà đã kín thực khách. Toàn người châu Âu. Những trai thanh gái lịch, những ông bà đứng tuổi và có tuổi im lặng ăn, im lặng uống. Lần đầu tiên bước vào một cửa hàng ăn châu Âu, tôi, một kẻ quê mùa từ một đất nước châu Á xa xôi nghèo nàn lạc hậu, không khỏi mất tự tin, nhất là khi mấy người quay ra nhìn chúng tôi bước qua khuôn cửa. Cái mặc cảm về thân phận, về chiều cao đến với tôi trong từng bước đi. Cám ơn Malika. Cô gái tóc vàng đã khoác tay tôi. Như hai bố con lững thững nhàn nhã sau một ngày làm việc mệt nhọc tìm nơi thư giãn. Dương Thụ, Kamal đi sau. Chúng tôi tìm được một bàn còn trống ngay cạnh chiếc lò sưởi bằng gang không biết có từ thế kỷ nào, đã lâu rồi không được dùng đến. Trong khi chờ thức ăn, chúng tôi uống bia và quan sát cửa hàng phía bên trong. Để dễ hiểu, ta gọi nó là một căn nhà cấp 4, có năm gian. Tất cả đều đen, mầu đen của khói bếp, của năm tháng. Những quá giang, những rui mè, những ngói lợp đều đen. Những thanh dầm gỗ, những trụ gỗ dựng dọc tường giữa những hàng gạch xây với những thớ to khô két thành từng rãnh sâu, uốn lượn cong vặn cứng như thép, không phải được cưa cắt mà như được xé đôi ra bằng cánh tay của những người khổng lồ như ta tách đôi một khúc tre. Nó còn nguyên tạo hình khi vẫn là cây là cành, rễ còn bám sâu vào đất, cành lá còn reo vui đón gió. Tường xây gạch mộc. Gạch và những mạch vữa đều một mầu đen. Trên tường, treo rải rác những đôi giầy bằng gỗ sơn trắng, một mầu trắng cũ kỹ, và bên trong những chiếc giầy, những ngọn đèn hình nến yếu ớt toả sáng. Tất cả bàn ăn đều bằng gỗ sồi mà tuổi của nó phải nhiều chục năm có thể hàng trăm năm, cũng một mầu nâu sẫm. Một ngọn nến nhỏ được đưa đến bàn của chúng tôi.
Hãy kín đáo nhìn mọi người ăn. Khi đặt chân tới Châu Âu tôi đã chú ý nhìn những nét mặt người, những dáng người đi. Và bây giờ tôi quan sát những người ngồi ăn. Không một lời nói to. Những tiếng đặt thìa nĩa cũng rất khẽ. Không một tiếng động gì tỏ ra có người đang say, lại càng không có những tiếng hét vang dzô dzô mỗi khi chạm cốc. Không có những khuôn mặt phừng phừng bóng nhẫy vì ăn, vì uống, không có những bộ mặt tự mãn hoặc tự tin quá mức, cũng chẳng một ai quên rằng mình đang ăn uống giữa những người khác cũng đang ăn uống.([1]) Chỉ có những nét mặt vui tươi, những tiếng rì rầm và những nụ cười. Tôi làm một cuộc tường thuật tại chỗ với Dương Thụ:
– Cứ ngồi yên. Đừng quay lại. Cô gái ngồi ở bàn sau lưng Thụ đã ăn hết dẻ sườn lợn nướng thứ ba hay thứ tư gì đó. Một cô gái còn rất trẻ xinh đẹp, tóc vàng nhưng không vàng bằng tóc Malika đâu. Cô ta chăm chú ăn, gặm tỉ mẩn từng chút thịt trên dẻ sườn, đặt dẻ sườn đã hết thịt xuống đĩa. Chưa. Chưa uống rượu. Còn đang mút ngón tay. Mút rất cẩn thận từng ngón tay một. Vẫn chưa uống. Lấy khăn lau những vết đen trên miệng. Bây giờ mới uống. Bia chứ không phải rượu. Và vặn một dẻ sườn nướng nữa rồi.
Tôi cứ thuyết minh như vậy. Malika không hiểu gì, nhưng thấy Kamal cười chị cũng cười. Cô gái tóc vàng nhạt ngồi sau lưng Dương Thụ còn rất trẻ, trẻ đến nỗi tôi tưởng cô đi ăn cùng bố mẹ. Chỉ đến cuối bữa, khi tất cả đứng lên chuẩn bị ra về, tôi mới biết mình nhầm. Toàn những thanh niên nam nữ trạc tuổi cô.
Những ngày ở Lille, nhờ sự quan tâm và lòng tốt tuyệt vời của Kamal, tôi và Dương Thụ đã sống những ngày thật sung sướng, vô tư, cùng nhau khám phá thế giới, trêu chòng nhau khi tắm biển Hà Lan, uống vang trắng dưới gốc một cây saule hay nhâm nhi cốc bia Leffe vàng óng, thứ bia Kamal nói là nồng nàn quá, rồi cùng nhau chụp ảnh trước chiếc cối xay gió trên một ngọn đồi.
Tôi đặc biệt yêu thành phố nhỏ Brugge nước Bỉ. Một thành phố với những con kênh ngang dọc. Móng những ngôi nhà, những dẫy phố, những biệt thự, lâu đài ngâm trong dòng nước, với những mảnh sân nhỏ, những bậc xây xuống bến, những hàng cây soi bóng, những con chim trắng, những con sâm cầm đen thả mình im lặng gà gà ngủ. Brugge mà theo Dương Thụ vừa rời Ý cách đây ít lâu, là một Venise thu nhỏ, êm đềm. Mỗi ngoẹo phố là một bất ngờ dành cho bạn. Giống như đang trên thuyền giữa vịnh Hạ Long. Không thể hình dung được những gì chờ ta mỗi khi rẽ ngoặt. Chính ở Brugge, tới một quảng trường trước cửa nhà thờ, chúng tôi đã gặp một ban nhạc nhẹ đồng quê. Có violon, cello, contrebasse, clarinette, piano, lại cả phong cầm, gợi một không khí rất Trung Âu thế kỷ trước. Ba cô gái trang phục cổ điển áo hoa liền váy, cùng các nhạc công complet cravate, thứ y phục quen thuộc, gần gũi. Không pop, không rok. Những làn điệu dân ca Trung Âu đậm âm hưởng nhạc chiều xê-rê-nat từ ba chất giọng soprano, mezzo, alto cùng với giọng baryton của người kéo phong cầm, khiến tôi tưởng mình đang sống trong một câu chuyện viết về nông thôn Romania nào đó như Những Người Chân Đất, Giếng Nước Cội Dương từng làm chúng tôi một thuở say mê và mãi mãi say mê. Thụ khe khẽ:
– Đúng là Châu Âu cổ xưa. Nhạc trăm năm. Chơi trên đường phố trăm năm, quảng trường trăm năm. Cây trăm năm. Y phục ngày xưa. Váy dài ngày xưa. Sơ mi áo vét ngày xưa. Thỉnh thoảng lại một cỗ xe ngựa ngày xưa đi ngang qua nữa…
Sau khi đặt tiền vào chiếc mũ để ngửa, chúng tôi tiếp tục công cuộc thám hiểm Brugge. Khi vượt qua chiếc cầu uốn cong bắc ngang một con kênh ăm ắp nước lặng tờ giữa những dẫy phố cổ, nhìn trời hoàng hôn thẫm dần, bóng tối đang len vào những cành sồi già trĩu nặng thời gian, trĩu nặng trọng lượng của chính mình ngả trên mặt kênh, Dương Thụ đã khóc. Anh không tin là người ta có thể được sống đẹp như vậy, anh không tin anh và tôi lại có thể có trong đời mình giờ phút đẹp như vậy, được làm người kiểu như vậy. Anh như nói với chính mình:
– Không phải thiên đường mà còn hơn thế. Không phải trên trời. Mà ngay trên mặt đất, ngay trong cuộc sống. Vẫn mơ ước một cuộc sống êm đềm, thanh bình, một quan hệ người với người thật tốt đẹp thì bỗng nhiên có ngay trước mặt mình, chung quanh mình. Mình được nhìn thấy, được sống, được hít thở trong nó. Dù chỉ là khoảnh khắc.
Chiều hôm sau Dương Thụ và tôi được Kamal đưa đi thăm một ngọn đồi xứ Flandre khác. Thị trấn ẩn trong rừng cây. Trên đỉnh đồi, giữa những tán lá là những cửa hàng, những khách sạn, những biệt thự và một nhà thờ nhỏ. Chúng tôi bước vào nhà thờ. Không có ai ngoài một bà già đang lúi húi dọn dẹp dưới tượng Chúa phía trong cùng và rất nhiều ngọn nến nhỏ im lặng cháy trong chiếc khay đặt trên bàn ở một góc khuất ngay cửa ra vào. Bà già bước về phía chúng tôi, nhẹ nhàng không một tiếng động, thì thào:
– Bonjour. Bonjour.— Xin chào. Xin chào.
Chúng tôi cũng thì thào đáp lại. Rồi chúng tôi bước ra, ngồi xuống chiếc ghế dựa bên lề đường. Dưới kia sườn đồi thoai thoải. Đàn bò khoang trắng đen vẫn thấy in hình trên những hộp sữa, gặm cỏ. Rừng đổ bóng thẫm xuống vạt cỏ xanh non. Tiếng nhạc nhà thờ vọng đến. Êm đềm, thanh bình đến thế là cùng. Như một chốn Bồng Lai. Dương Thụ rơm rớm. Anh nói với tôi:
– Em đang được thanh lọc.
Ngồi trên chiếc ghế gỗ sồi đặt ven đường, nghe gió thu Châu Âu chạm vào mái tóc, tôi hiểu được những nét mặt người, những dáng người đi này đã được hình thành như thế nào rồi. Đó là bao nhiêu năm người ta đã sống như chúng tôi mới được sống mấy ngày. Trừ mấy năm đại chiến thứ 2 mà tác dụng càng làm cho con người thêm yêu quý hoà bình. Sang Châu Âu, điều dễ nhận thấy nhất với những du khách như tôi, đập vào mắt ngay tức thì, là những nét mặt người và những dáng người đi.
Sau này về Paris, gặp Vũ Thư Hiên, tôi đã nói với Hiên nhận xét ấy:
– Trông những người bên này đi thích thật. Sải những bước dài, có mục đích, tự tin chứ không phải lang thang nổi trôi vô định. Thoăn thoắt, thoăn thoắt, dáng đi của người làm chủ cuộc đời, làm chủ số phận. Còn nét mặt họ mới tuyệt làm sao! Không một chút lo âu. Ở bên nhà, chúng tao vừa đi vừa nghĩ mưu. Ai cũng vừa đi vừa nghĩ mưu, không trừ một ai, từ tỷ phú cho đến những người khố rách áo ôm, từ ủy viên Bộ Chính Trị cho đến người đạp xích lô.
Hiên rất thích sự so sánh của tôi. Anh kể cho tôi nghe chuyện anh và các em gái anh mới ở Việt Nam sang đi du lịch nước Áo. Tới một quảng trường ở Vienne, thấy người ta cho chim ăn, mấy anh em Hiên cũng lấy bánh bẻ vụn trong lòng bàn tay chìa ra mời chim. Chim đến mổ bánh trong lòng bàn tay tất cả những du khách châu Âu, có một vài con đến mổ bánh trong lòng bàn tay Vũ Thư Hiên, mổ mấy mổ rồi đi. Còn những cô em mới ở Việt Nam sang, không một con chim nào bén mảng.
Chúng tôi kể những chuyện này cho nhau nghe khi anh ghi hình tôi trong buổi đến thăm lâu đài một vị hoàng đế nước Phổ. Tôi muốn lại gần con thiên nga một chút. Nó đã từ hồ nước lên bờ, trắng muốt, kiêu kỳ giương mắt nhìn tôi. Nhưng tôi tiến một bước, nó lại lùi một bước, giữ nguyên khoảng cách an toàn. Hiên bảo:
– Mày gọi nó đi.
– Gọi thế nào?
– Thiên nga ơi. Tiết canh! Tiết canh!
Chúng tôi cười lăn. Cũng phải kể một tối ở Berlin, chúng tôi đi chơi, về nhà Hoà, em gái Hiên, tại một chung cư.
Ngay chân cầu thang, gặp một ông già người Đức, dắt theo một con chó to lớn. Trông thấy chúng tôi, nó sủa, miệng há, răng trắng nhởn, nhả ra từng tiếng sủa và đớp từng miếng không khí. Người Đức tầng trên rất nhanh dắt con chó bước lên. Chúng tôi lên thang.
Cửa buồng Hoà đã mở. Hoà đang ngồi chờ chúng tôi. Hiên hỏi:
– Sao em biết bọn anh về mà mở cửa sẵn?
Hoà vô tư nhất đời:
– Nghe tiếng chó sủa là em biết. Con chó này chỉ sủa người Việt Nam mình thôi. Không sủa người Đức.
Chúng tôi cười và thè lưỡi nhìn nhau.
Chả lẽ lại thế thật ư? Vì sao?
Chỉ đến khi gặp một bạn đọc ở Úc tại Hải Phòng tôi mới đỡ buồn. Có thế chứ. Mà chắc là như thế nếu không thì sầu đời quá. Trong lúc chuyện vui, nghe tôi kể lại câu chuyện khó tin ấy, người bạn đọc Việt kiều Úc reo lên:
– Tôi hiểu rồi. Đến bây giờ tôi mới hiểu. Ở Úc, chúng tôi nuôi một con béc giê, người Việt Nam đến không sao, còn người Úc đến là sủa liền. Nó quen nhìn người mình, không quen nhìn người Úc, giống như con chó ở Đức quen nhìn người Đức, không quen nhìn người Việt.
*
Ở Lille 10 ngày, chia tay Dương Thụ về Paris, bắt đầu hơn một tháng cùng Vũ Thư Hiên lang thang mấy nước Châu Âu. Thật không ngờ hai chúng tôi lại có được những ngày bên nhau trên những ngả đường Châu Âu mà dù có giầu tưởng tượng mấy cũng không dám nghĩ tới. Chúng tôi, những kẻ khao khát tự do không mong ước gì hơn là nhân dân có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, người với người là bạn. Chúng tôi, những người xa lạ với chính trị, cả đời chỉ mong viết được một điều gì đó về nhân dân, về đất nước và cả hai đã bị tống vào tù không xét xử. Chúng tôi, hai thằng bạn lẽ ra đã được tha nhưng cùng vì không nhận tội, cùng nói rằng bắt mình là vi phạm pháp luật nên đã chịu thêm mỗi thằng hai năm tù nữa. Tổng cộng: Tôi 5 năm. Vũ Thư Hiên 9 năm. Hai thằng bạn của một thời mộng mị, hai thằng tù phiêu bạt, hai ông già 70 tuổi, sau khi đã nếm đủ mọi cay đắng đang ngồi bên nhau trên xe ô tô của một người không họ hàng thân thích nhưng biết bao yêu quý xót thương, lang thang trên những nẻo đường đẹp như mơ của một Châu Âu thống nhất, bỗng sống lại thời trai trẻ tưởng đã chết hẳn rồi, cùng cất tiếng hát, những bài hát bật dậy từ đâu đó thẳm sâu ký ức. Chúng tôi những con chim nhốt trong lồng bịt kín, đang tung bay trên bầu trời bao la. Cái ý thức về tự do của chúng tôi càng được nhân lên khi chung quanh chúng tôi là đất nước tự do của những người tự do!
Sang Châu Âu tôi thêm một lần cảm nhận hạnh phúc của một nhà văn. Cái đêm từ biệt Lille, cùng Kamal về Paris để sáng hôm sau gặp Vũ Thư Hiên, tôi chia tay Dương Thụ và Kamal. Chiếc xe đón tôi có cả chị Hồng Ngọc, vợ anh Hoàng Minh Chính, mới từ Ý sang. Chúng tôi đến một ngôi biệt thự ngoại ô. Một bữa tiệc đã được tổ chức với khá đông trí thức Việt kiều đang chờ chúng tôi. Và khi tiệc tùng kết thúc, tôi, Vũ Thư Hiên cùng chị Hồng Ngọc đi thăm Paris. Hiên chụp rất nhiều ảnh chị Hồng Ngọc và tôi. Một bức ảnh chị Hồng Ngọc đứng trên cầu bắc qua sông Seine được Hiên đặt tên là “Nát một đời hoa.” Cười đấy nhưng đúng là nát một đời hoa. Tan nát đời một phụ nữ thủy chung nhan sắc.
Rồi chúng tôi ghé vào một hiệu thuốc nhỏ. Đứng sau quầy hàng là hai thiếu phụ người Việt.
Vừa trông thấy tôi, một người dáng chừng là chủ Pharmacie — và tôi đã không nhầm — kêu lên:
– Anh Bùi Ngọc Tấn!
Rồi chạy ra ôm lấy tôi. Chị đã nhận ra tôi, không cần ai giới thiệu. Đó là Nguyễn Thanh Hằng, một thiếu phụ mảnh mai, xinh đẹp, vợ anh Trần Ngọc Sơn, những người sẽ cho tôi ăn ở tại nhà và làm guide phần lớn thời gian tôi lưu lại Pháp.
Đến đâu tôi cũng được đón tiếp như những người thân, những người ruột thịt. Ông Vũ Quốc Phan đối xử với tôi như một người em, dắt tôi đi ăn cơm Việt, và nói cùng tôi bao nhiêu chuyện về thời thơ ấu, về những ngày ở Nam Định rồi Hải Phòng với Nguyên Hồng, về quãng đời lính thợ của ông. Ông lấy từ trong tủ ra những quyển sách Nguyên Hồng gửi tặng ông. Tôi hiểu mình đang được hưởng một may mắn mà số phận sắp đặt: Gặp một nhân chứng của lịch sử và văn học. Vũ Thư Hiên giúp tôi chụp lại bức ảnh Nguyên Hồng với ông Vũ Quốc Phan khi hoàn thành Bỉ Vỏ và bức ảnh Nguyên Hồng bóc từ thẻ nhà báo tặng ông Phan khi mất chức chủ bút tuần báo Văn, một tờ báo mà báo Nhân Dân nhận xét: Trước chữ Văn ta thấy chữ Nhân ló ra. Cẩn thận hơn, Hiên còn chụp cả dòng chữ viết sau tấm ảnh. Chỉ với hai bức ảnh này, tôi nghĩ mình đã lập công lớn đối với văn học.([2])
Khi chân tôi bị đau vì dãn tĩnh mạch, có tới bốn chị bác sĩ, dược sĩ chăm chú theo dõi với nét mặt đăm chiêu. Các chị muốn tiến hành phẫu thuật cho tôi, nhưng tôi bảo: “Tôi sang đây là để đi chơi chứ không phải để nằm viện.” Chị Nguyễn Thanh Hằng đã đo các chỉ số của bàn chân, bắp chân, ống chân tôi để đặt dệt cho tôi hai đôi bít tất chữa bệnh, giá tới gần một trăm Euro.
Biết tôi đang có mặt ở Nuremberg, nhiều bạn đọc đã vượt ba, bốn trăm ki-lô-mét để đến gặp tôi, mặc dù có người phải vào bệnh viện thay băng, một vết thương ngang ống đồng, khiến tôi lo lắng:
– Nhỡ nhiễm trùng thì làm sao em?
Anh bạn cười xoà:
– Anh yên tâm. Bên này không dễ nhiễm trùng như ở Việt Nam đâu.
Có nhiều người Việt Nam khác thường mà Vũ Thư Hiên gọi là Nam Hải dị nhân. Chẳng hạn như anh Kiểm ở Munchen — Munich. Anh bỏ tiền túi inChuyện kể năm 2000 và phát không cho mọi người.
Hôm đến thăm anh Kiểm, sau khi chào chị vợ người Đức của anh, tôi đề nghị anh cho tôi xem “nhà in” của anh. Anh vui vẻ dắt tôi xuống tầng hầm. Mỗi hộ trong chung cư đều được chia một ô nhỏ trong tầng hầm. Đó là một thứ buồng kho. Trong phần hầm rất hẹp ấy, anh Kiểm có đủ máy in, máy đóng sách, máy xén giấy, toàn những máy hiện đại nhỏ xíu. Ở Việt Nam mà chứa những thứ này trong nhà, lĩnh vài cái bọp là cầm chắc. Chính trong tầng hầm này tôi nhớ đến tiếng cười giòn vang của Lê Bầu khi anh kể chuyện người công an hộ tịch đến nhà, nhờ anh cái máy chữ, đánh máy một đơn từ gì đó:
– “Ông ơi! Ông cứ gõ đủ các chữ đi. Tôi biết thừa, ông lấy đặc điểm máy chữ của tôi đúng không nào? Ông cứ nói thẳng ra như thế cho vui!” Tao bảo nó thế mày ạ! Nó không cải chính mà chỉ cười.
Ở Munchen có một Nam Hải dị nhân khác. Đó là Bùi Hồng Mạnh. Anh là kỹ sư hoá, tốt nghiệp ở Cộng Hoà Dân Chủ Đức, đã mấy lần sang Đức và lần này thì trở thành công dân Cộng Hoà Liên Bang Đức. Anh có một việc làm rất thú vị: Phiên dịch cho toà án. Mỗi giờ của anh thu nhập cả trăm Euro. Thế nhưng anh bỏ tất cả công việc, lái xe đưa tôi đi chơi ngang dọc nước Đức. Không chỉ nước Đức, còn sang cả Áo, để tôi được đặt chân tới ngôi nhà của Mozart và chụp ảnh trước tượng nhạc sĩ vĩ đại.
Rồi tôi sang Mỹ theo lời mời của trung tâm William Joiner Center, đại học Massachusett. Đầu năm đi Mỹ, cuối năm đi Nga. Người mời tôi tới Nga là Bùi Lan Hương, một phụ nữ Nga gốc Việt. Là chủ một doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn nhiều nước, Bùi Lan Hương đã ngừng mọi công việc ba tuần lễ, lo mọi kinh phí và thủ tục từ xin visa, lấy vé máy bay và đưa tôi đi thăm nước Nga, một nước Nga đang bước vào rực rỡ thu vàng. Cảm động làm sao khi Hương nói:
– Đọc chú, cháu vừa quý vừa thương chú, thương dân mình. Đọc chú, cháu thấy chú rất yêu nước Nga, yêu văn học Nga. Cháu ao ước được đón chú sang bên này, để chú tận mắt thấy nước Nga, chú cháu mình sẽ cùng đi thăm các bảo tàng, những cung điện, những nhà thờ, những rừng Nga… Cháu cứ nghĩ làm thế nào để mời được chú sang nhỉ? Không có địa chỉ, không biết điện thoại, không biết i-meo, chỉ có mỗi thông tin là chú ở Hải Phòng. Thế rồi mọi sự như trời sắp đặt. Cháu gặp một người quen chú có mọi thông tin về chú…
Thì ra ở đâu cũng có những Nam Hải dị nhân, Nga cũng như Đức, như Pháp, Mỹ và cả Việt Nam, những người yêu công lý, yêu lẽ phải, đau nỗi đau của người khác. Dù khiêm tốn đến đâu tôi cũng phải nói tôi rất tự hào được một bạn đọc quý mến mình đến thế. Lại thêm tự hào khi biết tôi đến Nga, nhiều bạn đọc từ Ba Lan đã làm thủ tục bay sang Nga để gặp tôi nhưng vì không xin được thị thực nhập cảnh nên chỉ một mình Lê Diễn Đức tới được. Anh có ý định mời tôi sang Ba Lan nhưng chân tôi bị đau, đến cửa bảo tàng Hermitaje mà không thể vào bên trong, đành chỉ ngồi ngoài chụp ảnh.
*
….Trong tôi giờ đây ngân nga những tên người tên đất. Tên những người bạn của tôi ở khắp bốn phương. Và tên những con đường, những thành phố, những Paris, Berlin, Thành Đô, Brugge, Amsterdam, Boston, New York, California, Peterburg, Mạc Tư Khoa …, những đất nước tôi đã đặt chân tới, những nơi tôi được bạn đọc đón nhận như những người anh em.
Đôi mắt tôi không còn bó gọn trong cái ô chữ nhật 12 inch của cái ti vi đen trắng, nghe và nhìn một cô ca sĩ hát rồi khi bất chợt thấy cô đi ngang qua, giật mình như thấy một ngôi sao rơi trước mặt.
Tưởng như thế là đã thỏa mãn, là được hưởng sự ưu đãi của số phận, không còn ao ước gì hơn, nhưng vẫn còn một khao khát âm ỉ, dai dẳng, vẫn còn những nơi tôi ước ao được đến. Đúng hơn, được một lần trở lại. Nhất là những đêm của tuổi già trằn trọc, những đêm chờ trời sáng, những đêm làm tổng kết cuộc đời. Một thèm muốn, một khát khao như thèm muốn khát khao được trở lại mảnh sân, góc vườn thời thơ ấu: Ao ước được trở lại những trại giam, những nhà tù tôi đã sống. Ao ước lại một lần bước qua cổng sắt đóng mở nặng nề trại giam Trần Phú, tiếng bản lề rít lên như tiếng cuộc đời bị kẹp nát, được nhìn lại dẫy xà lim biệt giam Trần Phú, nơi tôi nếm những phút giây tù ngục đầu tiên, được nhìn thấy cánh rừng già âm u hăm doạ và những rặng núi đá lởm chởm Hoành Bồ, hay đến với những thung lũng vùng đất đồi trại Vĩnh Quang — những trại 75, trại Q. trại V. trong tiểu thuyết — băm băm xới xới những luống sắn lá héo nẫu mềm rũ như luộc trong nắng hè, thứ nắng hè làm chúng tôi cũng rũ xuống như lá sắn.
Khi viết Chuyện kể năm 2000, tôi khao khát được trở lại đó chỉ với mục đích sống lại cảm xúc, sống lại hồi ức, sống lại chi tiết. Để tất cả ập vào tôi, chàm vào tôi, nhuộm lại tôi, để những gì tôi đã quên, đã “vãi rơi đi” lại trở về với tôi.
Giờ đây không phải thế. Nó như một thứ bản năng. Những nơi ấy là một phần cuộc đời mình, đã góp phần hình thành mình cả về xương thịt lẫn tâm hồn, không thể thiếu, không thể tách rời. Càng về già, càng đến gần cái kết thúc tất yếu càng mong được một lần trở lại. Những nơi đã ninh nhừ quãng thời gian đẹp nhất, sung sức nhất, chín nhất của đời, một quãng thời gian để sống và thời gian để chết của tôi. Không phải quê hương, nhưng là một cõi, cõi mình trải qua một kiếp. Khi ta ở đất chỉ là đất ở. Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn.([3]) Đất ấy cũng hóa tâm hồn hay sao mà cứ bám theo tôi, gọi tôi, rủ tôi gặp lại? Tâm hồn của những người bạn tù đã sống, đã chết, những Lỷ Xìn Cắm, Phạm Văn Giăng, Đỗ Lương, Hỉn Sán rồi già Hải, già Đô, hai ông già khiến tôi có một nhân vật văn học khó quên… Đất ấy cũng mang tiếng rì rầm của những buổi ngày xưa vọng nói về,([4]) của những năm tháng tra tấn mà mình nguyền rủa và giờ đây mới mong được sống lại làm sao, vì dù thế nào cũng vẫn là tuổi trẻ của mình, đất mình bị đầy đọa, càng bị dày xéo quằn quại dưới gót sắt chuyên chính càng bùng lên khát vọng sống khát vọng tự do, đất luyện ngục định hình con người mình, cuộc đời mình, không chỉ thế, còn định hình cuộc đời vợ con mình nữa. Đất bắt rễ vào cuộc sống, vào thân thể, vào từng tế bào thần kinh từ đời nọ sang đời kia gọi là số phận.
Trong cuộc tìm lại thời gian đã mất của tuổi già, tôi không thể không nhớ đến các nhà tù. Những nơi ấy thường xuyên trở về như một ám ảnh tuyệt vọng: Làm thế nào để gặp lại nó lần nữa? Mỗi lần duyệt lại bản tổng kết cuộc đời, trong số biết bao hình ảnh, kỷ niệm, không bao giờ thiếu vắng những nhà tù như không bao giờ thiếu vắng những ngày thơ ấu. Những ngày thơ ấu không thể gặp lại nữa. Nhưng nhà tù, có thể gặp lại lắm chứ. Nó ở ngay đây thôi. Ngay Hải Phòng thôi. Đi dọc sông Lấp nay là hồ Tam Bạc là thấy nó. Tường đá cao vút. Dây thép gai chạy điện. Tôi bị nhốt ở một xà lim gần bệnh viện Việt – Tiệp. Bên này đường bên kia đường. Mùi xào nấu bếp bệnh viện không chỉ thơm nhức mũi, nhức dạ dầy mà còn nhức tim nữa. Nó nhắc tôi cuộc sống, gia đình, vợ con bố mẹ. Buổi sáng mở cửa xà lim khu biệt giam 76 đi đổ bô, nhìn những hạt mưa phơi phới rắc bụi trên những tầu lá chuối, những khóm cải cúc ven tường đọng thành những giọt tròn trong suốt lung linh, hiểu rằng xuân vẫn sang, lại sang, đang sang, xuân năm nay tươi và còn tươi mãi mãi mà ta đang chết dần dần.([5]) Buổi gọi đi lấy cung, bước qua đầu hồi khu biệt giam 76, chợt thấy một cây chanh nhỏ trổ những bông hoa xòe cánh trắng, những nụ hoa tím nhỏ, khựng lại như nhận một nhát dao giữa ngực. Đã hơn bốn mươi năm, hôm nay viết lại, nhận thêm nhát dao nữa. Ngày bất chợt gặp cây chanh nở hoa mùa xuân xà lim đầu tiên ấy, bố mẹ còn sống, lụi cụi trong vườn, dưới gốc chanh mong con về. Hôm nay biến mất rồi, mảnh vườn, gốc chanh, bố mẹ…
Khao khát làm sao vào được sân xê-rom, nơi có 5 (?) cánh cửa dẫn tới 5 (?) nhánh xà lim. Nơi vẫn qua mỗi sáng để đi đổ bô và mỗi tháng một lần ra nhận đồ tiếp tế. Mang túi đồ tiếp tế vào xà lim, lần giở gói vừng, gói thuốc lào, gói bích quy, mấy chiếc bánh mì mà nghĩ đến bàn tay vợ đã đặt vào những món quà này, những mối dây buộc này và đây là bao nhiêu dành dụm, bao nhiêu xót thương của bố mẹ, các anh chị, vợ con…
B.N.T.
([1]) Để đạt được những điều tốt đẹp trong ăn uống nơi công cộng này ở nước ta tôi dám chắc phải nhiều thế kỷ nữa.
(2) Xem Nguyên Hồng ở Paris – Viết Về Bè Bạn, Bùi Ngọc Tấn.
(3)Thơ Chế Lan Viên.(4)Thơ Nguyễn Đình Thi.
(Xem tiếp kỳ sau)
([5])Tùy bút Phạm Văn Hạnh.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét